ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ LƯƠNG TÂM
--------------------
 Thành viên trong tổ 9:
Vinh Sơn Vũ Văn Am, SSP
Lorenso Vũ Đình Huy, SSP
Giuse Đoàn Xuân Huy, BAXH
Gioan. B Đặng Văn Hưng, SSP
Vinh Sơn Đào Văn Rinh, SSP
Fx Nhâm Văn Trí, SSP
Paul Đoàn Minh Tuấn, SSP
Giuse Đặng Văn Vinh, SSP
A. DẪN NHẬP
Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Những mối quan hệ đó quy định giới hạn nhất định nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng và xã hội. Đó là các qui tắc, chuẩn mực hoàn toàn tự giác trong hành động của cá nhân trong tất cả các quan hệ xã hội. Nói cách khác, đó chính là đạo đức của con người trong xã hội.
Trong phạm vi bài viết này, nhóm chúng em xin trình bày đề tài dưới các khía cạnh sau:
Khái Niệm
Nguồn Gốc, Giá Trị Lương Tâm và Các Vấn Đề Đạo Đức Học
Đạo Đức Học Và Lương Tâm
Tạm Kết
B. NỘI DUNG
I. KHÁI NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC HỌC
1. Đạo Đức Học Là Gì?
1.1. Khái niệm
Đạo đức học là một “ hệ thống gồm những quy luật giúp ta hoạt động và phán đoán các hành vi theo tiêu chuẩn thiện ác” (Lalande). Như thế, Đạo đức học lập ra để giải quyết vấn đề hành vi theo hai lối thực tế và lý thuyết, nên đạo đức học cũng có hai bộ
Về mặt thực tế, Đạo đức học là nghệ thuật sống
Trước hết là nghệ thuật sống theo điều thiện, để hành động cho đúng, cũng như Luận lý học là nghệ thuật lý luận cho đúng.
Về mặt lý thuyết, Đạo đức học là khoa học
Đạo đức học là khoa học theo nghĩa rộng, theo nghĩa quy phạm. Đạo đức học quy định những cách phải làm và vạch rõ những quy luật phải theo để hoạt động cho đúng; Đạo đức học, Luận lý học, Thẩm mỹ học là ba khoa quy phạm.
1.2. Các khía cạnh của định nghĩa
Trong tâm lý học, đạo đức có thể định nghĩa theo các khía cạnh sau:
Nghĩa hẹp: Đạo đức học là một hình thái ý thức xã hội, là các qui tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên.
Nghĩa rộng hơn: Đạo đức học là toàn bộ những qui tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội, quan hệ với tự nhiên và với bản thân mình.
Đạo đức học còn là toàn bộ những quan niệm về thiện ác, lương tâm, danh dự, trách nhiệm, về lòng tự trọng, về công bằng hạnh phúc...
Đạo đức học cũng được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt - xấu, đúng - sai, được sử dụng trong ba phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức.
2. Lương Tâm Là Gì?
2.1. Khái niệm
Lương tâm là khả năng giúp ta nhận biết điều thiện, điều ác và cũng là khả năng thúc đẩy ta phê phán và hành động hợp với điều thiện.
Trong Traite de Morale Gesneerale, LE SENNE đưa ra định nghĩa sau: Lương tâm (ý thức đạo đức) không phải là một trạng thái của ý thức mà chính là một tác động bởi đó ý thức cương quyết hành động, gánh chịu trách nhiệm, nhận lãnh bổn phận và tỏ ra xứng đáng với điều thiện.
2.2. Một vài khía cạnh của định nghĩa
- Về mặt điều thiện, lương tâm là ý thức được lý tưởng, ý thức được những giá trị có thể chứng minh cho phẩm giá của một đời sống.
Về mặt quy luật, lương tâm là ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm trong trường hợp thường và bất thường.
- Về mặt phán đoán giá trị, lương tâm là tài năng thẩm định và phán đoán về giá trị các hành vi theo tiêu chuẩn thiện ác; cái làm được và cái cần làm.
- Sâu hơn nữa, lương tâm là ý thức rằng có một lý tưởng siêu việt phải đi tới.
- Lương tâm trong Tiếng Việt được hiểu là yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình.

- Lương tâm là chứng nhân, một phản ảnh của lòng con người, đồng thời là một hướng dẫn viên của hành động, soi sáng cho các hành vi nhân linh nhờ sự hiểu biết về thiện và ác .
- Theo Từ điển Đức tin Ki-tô giáo: lương tâm là lương năng bẩm sinh trong lòng người làm cho người ta phân biệt được cái tốt với cái xấu, cái hay với cái dở và lòng tốt thúc đẩy người ta chọn làm điều lành tránh điều dữ”.
- Theo quan điểm biện chứng của đạo đức học, lương tâm là ý thức trách nhiệm và tình cảm đạo đức của cá nhân về sự tự đánh giá những hành vi, cách cư xử của mình trong đời sống xã hội.
II. NGUỒN GỐC, GIÁ TRỊ LƯƠNG TÂM VÀ CÁC VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC HỌC
1. Nguồn Gốc Của Lương Tâm
1.1. Theo quan niệm bẩm sinh
a. Trình bày
Đối với ROUSSEAU thì lương tâm có khả năng bẩm sinh, con người được Thiên Chúa ban cho một điều là biết phân biệt thiện ác mà không cần phải qua học hành. Nếu là hành vi tốt thì tự con người biết là tốt, chính vì vậy mà ROUSSEAU gọi lương tâm là một bản năng, còn HUTCHESON thì xem lương tâm là một giác quan đặc biệt của con người, giác quan đó là giác quan đạo đức.
b. Một số phê bình
Hầu hết các nhà đạo đức học không thừa nhận theo quan điểm bẩm sinh của ROUSSEAU. Nếu lương tâm theo bản năng thì tất cả mọi người giống nhau, bởi vì điều gì anh nhìn thấy tốt, thì người khác cũng nhìn thấy tốt, nhưng có thể nhìn ngược lại hành vi mà ta ca ngợi có thể họ xem là không tốt.
Ví dụ: Có những xã hội thừa nhận chế độ đa thê và xem đó là chế độ tốt đẹp.
1.2. Thuyết xã hội
a. Trình bày
Theo các nhà xã hội học như DURKHEIM, ý thức tập thể là một thực tại đặc biệt xuất hiện khi một số cá nhân kết hợp lại với nhau, những cá nhân đó liên lạc với nhau tác động lẫn nhau thay vì hoạt động một cách đơn độc thì sự tổng hợp đó tạo nên một cuộc sống tâm linh đặc biệt.
Vì vậy mà ông DURKHEIM cho rằng, tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc sống của ta điều do xã hội hay ý thức của tập thể mang lại mà có.
b. Một số phê bình
Đạo đức không phải hoàn toàn dựa trên nền tảng là xã hội, vì nó có những tiêu chuẩn khác hoàn toàn có giá trị vượt trên xã hội mà chính xã hội cũng dựa trên nó. Nhận xét thuyết xã hội, ta cũng nhận thấy có tính cách bên trong của lương tâm, thay vì bảo nó được nội tâm hóa như tiếng vang của ý thức xã hội. Ta phải nhận rằng, trước hết, nó phải có tính cách nội tâm ngay từ nguồn gốc đã, rồi sau mới được ngoại tâm hóa và khách quan hóa dưới nhiều hình thức điều khuyên và điều cấm của xã hội.
Nếu như bên trong ta không có sự phân biệt điều thiện điều ác thì không bao giờ ta hiểu được lệnh của xã hội. Cơ quan phán đoán về thiện ác có thể nhờ xã hội giáo hóa thêm nhưng không do xã hội sản xuất và sáng tạo ra.
Luận đề của Freud có tính cách tâm lý hơn là đạo đức. Ông cho rằng, nếu lương tâm do quyền lực cha mẹ đặt ra, một khi áp lực cha mẹ không còn thì không còn lương tâm nữa.
Tuy nhiên, về thuyết xã hội cũng có vấp phải nhiều khuyết điểm. Nếu lương tâm cá nhân hoàn toàn được tạo nên bởi áp lực của một xã hội thì cá nhân phải chấp nhận những quan niệm tốt xấu của xã hội đó. Nhưng ngược lại cá nhân con thể lên án ngược lại những gì xã hội đó ca ngợi.
Quan niệm xã hội không biết được rằng trong một vài trường hợp, chính ý thức đạo đức tập thể mới phản ánh lại đạo đức cá nhân. Ý thức đạo đức của tập thể các tính đồ một tôn giáo chỉ thừa nhận về quan niệm thiện ác của ý thức đạo đức của một cá nhân, đó là lương tâm của vị sáng lập tôn giáo.
1.3. Ý kiến đúng đắn nhất
a. Yếu tố bên trong
Muốn gán cho lương tâm thì trước hết phải tùy thuộc vào cơ cấu tâm lý con người, vào tài năng mà cái đó chỉ có con người có mà con vật không có.
Trên thực tế cho ta thấy lương tâm dưới hình thức tình cảm thì cho ta biết về thiện ác và nhiệm vụ, vì vậy, điều kiện thứ nhất về nguồn gốc lương tâm là tình cảm. Nó không phải là cảm giác đau buồn mà người và vật cùng có, nó có khả năng thông cảm mà ta có thể đặt mình vào địa vị người khác mà xét đoán. Khả năng này tùy thuộc vào tài năng tinh thần khác làm rể cho thân cây đó là lý trí. Nó xem thường tư lợi cá nhân để hướng lên suy ngắm về lý tưởng cao hơn. Brunschvicg viết: “Lương tâm là con của lý trí”.
b. Yếu tố bên ngoài
Nếu như hạt giống gieo xuống đất, đủ điều kiện thuận lợi thì mới mọc lên tươi tốt. Hạt giống của lương tâm cũng thế, trẻ con sinh ra đã có sẵn tình cảm và lý trí, nhưng nó chỉ phát triển điều hòa nếu gặp được hoàn cảnh xã hội thuận lợi. Yếu tố cần có ở trẻ là giáo dục gia đình. Thiếu giáo dục gia đình, trẻ em sẽ dễ hướng về các khuynh hướng hạ cấp và khó lòng nghe tiếng nói của lý trí.
Nhưng hoàn cảnh xã hội cũng cần lắm: bạn bè, xí nghiệp, con người, hoc đường là những nơi đã tập cho con người biết hoạt động tự lập, biết tôn trong luật lệ các cuộc chơi, biết giải quyết những vấn đề công bình.
2. Các Vấn Đề Của Đạo Đức
Chúng ta thấy rõ, dù hiểu theo nghĩa nào, đạo đức cũng quy về hoạt động (hành vi) với những vấn đề đặt ra không phải để thành công ở kỹ thuật mà cốt yếu đề cao giá trị con người. Con người sinh ra để hoạt động, J.P. Sartre cũng phải nhận người “là vật để làm việc”. Vì thế, ý thức là điều kiện cần định nghĩa trong thân phận con người. Nói khác đi, người là con vật suy nghĩ cũng như con vật hành động hay con vật biết mình hành động vì có suy nghĩ.
Con người có đặc quyền biết suy nghĩ trước và trong khi hành động suy nghĩ về hành động của mình. Tuy rằng, hành vi của con người không phải luôn suy nghĩ kỹ trước khi làm, nghĩa là nhiều lúc ta làm vì bản năng, tự động đến nỗi một phần hành động thoát được cả sự kiểm soát của lý trí.
Nhưng chúng ta vẫn có thể hành động sau khi đã tự ý, suy nghĩ kỹ, đấy chính là khía cạnh rất phong phú, rất nhân đạo hành vi của chúng ta. Hành vi nhân tính không thuộc về phạm vị tự động hạ cấp. Nó là hành vi có ý thức về mục đích của mình, nghĩa là nó có nhằm mục đích tốt nhất và lựa chọn những hành vi tốt nhất, để đem lại cho cuộc đời và nếp sống một ý nghĩa, một hướng đi. Trên thực tế, nhiều mục đích có thể được chọn nhiều hành vi nên chọn. Tất cả đạo đức học hiện ra trong câu hỏi: Tôi phải làm gì bây giờ?
Dưới đây là một mớ vấn đề rất thiết thực, làm ta băn khoăn hằng ngày:
Cái gì là mục đích ta nhắm tới: học thức, hạnh phúc, công lý, nhân phẩm hay trái lại, khoái lạc, lợi ích, tiền tài, danh giá, hay tình ái? Trong số các điều thiện ấy, cái nào là chính đáng nhất? Có thứ giá trị tối cao phải được đặt lên hạng nhất trong đời ta chăng?
Sau khi đã chọn lựa được mục đích rồi, muốn cho hành vi tương xứng với mục đích đó, phải giữ một số quy luật xử trí và hành động.
Chúng ta cảm thấy có nhiệm vụ, vậy nhiệm vụ là gì? Nó bó buộc thế nào?
Tại sao loại người cần đạo đức? Nhu cầu ấy là gì? Tại sao trong các hành vi có thể, ta phải chọn những cái có giá trị thiêng liêng hơn.
Vấn đề lương tâm: vấn đề đạo đức được đặt ra cho tất cả mọi người. Những con người hồn nhiên, dửng dưng, không muốn phải đặt ra bất cứ vấn đề gì cũng gặp phải vấn đề đạo đức.
Vấn đề lý tưởng: đối với những hạng người không bằng lòng với cuộc sống hồn nhiên và không muốn hành động ồ ạt theo những người xung quanh thì lại có một vấn đề khác được đặt ra, phải sống như thế nào để được xem là có đời sống tốt đẹp nhất?
Vần đề quy luật: để cho lương tâm được bình an cũng như để thực hiện lý tưởng đã lựa chọn, ta cần phải tuân theo những quy luật. Và quy luật nào đáng tôn trọng và thi hành.
3. Các Giá Trị Lương Tâm
3.1. Quan niệm bẩm sinh
a. Trình bày: Với ROUSSEAU, SHAFTESBURY thì lương tâm có giá trị tuyệt đối. Lương tâm nhận biết đúng điều thiện và phân biệt thiện ác một cách dễ dàng như thị giác phân biệt các màu sắc khác nhau. Lương tâm là một quan toà vô tư và không bao giờ sai lầm.
b. Phê bình: Quan niệm bẩm sinh có phần quá đáng, lương tâm không hẳn chỉ dẫn đúng con đường đưa tới điều thiện.
Lương tâm có thể sai lầm: kinh nghiệm cho ta thấy rằng trong nhiều trường hợp ta hành động sai mà vẫn tưởng mình làm phải.
Lương tâm do dự: lương tâm không hẳn chỉ dẫn đích xác ta phải làm vì có những trường hợp lương tâm tỏ ra vô cùng phân vân.
Lương tâm thay đổi: các nhà nghiên cứu xã hội học cho ta thấy rằng lương tâm biến đổi không ngừng.
3.2. Chủ nghĩa hoài nghi đạo đức:
a. Trình bày: Đối lập với quan niệm bẩm sinh, chủ nghĩa hoài nghi xác nhận rằng, lương tâm không có một giá trị nào cả. Lương tâm không biết đâu là thiện đâu là ác. Thật vậy, kinh nghiệm cho ta thấy nhân loại không thỏa thuận với nhau về cái tốt, xấu. Cái tốt ở nơi này, thời này là cái xấu ở nơi khác thời khác.
b. Phê bình: Chủ nghĩa hoài nghi đạo đức cũng không thể được chấp nhận vì sự biến đổi của lương tâm, tuy có thực, nhưng không có tính cách toàn diện và triệt để.
Thật vậy, lương tâm không thay đổi về phương diện hình thức. Tất cả mọi cá nhân điều thừa nhận mệnh lệnh căn bản là “phải lam điều lành” và nhìn nhận những ý niệm về tốt, xấu, công bằng…
Về phương diện nội dung, lương tâm cũng không hẳn đã biến đổi. Có những hành vi được tất cả mọi thời ca ngợi như can đảm, vị tha nhưng ngược lại có những hành vi bị tất cả mọi xã hội lên án: sự loạn luân, phản bội…
4. Giá Trị Đạo Đức
Là những giá trị đăc biệt của hoạt động phù hợp với nhu cầu đạo đức. Chúng không hệ ở những thành công bên ngoài của hoạt động nhưng đi liền với chính hoạt động đó. Ăn trộm có lẽ được thêm tài chính nhưng không có giá trị đạo đức.

4.1. Giá trị hiện thực
Như vừa nói ở trên, giá trị hiện thực là những cái ý thức nhận ra gán cho người hoặc hành vi cụ thể nào đấy. Theo nghĩa này, người ta nói đến giá trị đạo đức của chủ ý, của thống hối, tình cảm, vị tha, từ bi bác ái, tổ chức văn hóa…
a. Bậc thang giá trị hiện thực:
- Có những giá trị phương tiện. Xét về phía đạo đức, thì sự sống, sức khoẻ, kiến thức, an ninh, mà chính quyền cố đảm bảo cho dân, cũng như đề ra bộ luật xã hội để vảo vệ, chỉ là những giá trị phương tiện, vì chúng có thể ảnh hưởng đến đạo đức nhưng cũng có thể được dùng vào mục đích xấu.
- Có những giá trị mục đích. Mục đích gần nhất của ta là sống cho ra người, là sống như vật có lý trí, biết đặt tinh thần trên vật chất.
b. Tương quan với giá trị - lý tưởng.
- Ta biết giá trị lý tưởng là do giá trị hiện thực. Sinh ra, chúng ta chưa có sẵn lý tưởng tiên thiên về thiện ác, đẹp xấu. Chúng ta cũng chưa thấy chính tiêu chuẩn của công bằng hay can đảm. Chỉ khi nhìn thấy cảnh tượng nọ kia, ta mới kinh nghiệm ra được.
- Những giá trị hiện thực được phán đoán theo các giá trị lý tưởng. Thấy một đứa bé chia điều bánh cho em nó, tôi buột miệng nói “đứa ấy khá”. Dựa vào cái tôi nghĩ phải làm thế, tức một quy luật lý tưởng.
c. Liệt kê một vài giá trị hiện thực: sự thiện, công lý, khôn ngoan, cao thương, trọng nhân vị, tự do, chân lý, bác ái, bằng an…
4.2. Giá trị lý tưởng:
a. Vấn đề
Giá trị lý tưởng có tính cách chủ quan. Chúng ở trong trí ta và nơi những người có ý thức đạo đức dưới hình thức biểu thị hay ý tưởng.
Nhưng chúng có tính cách khách quan chăng? Vấn đề rất quan trọng, vì nếu bỏ khách quan tính của giá trị đi thì hết đạo đức.
b. Giải đáp vấn đề
Giá trị lý tưởng không khách quan như các vật ngoại giới. Chúng không phải là những vật có biệt lập ngoài chủ thể thuộc vào phạm vi tư tưởng, chúng đòi phải có một tinh thần thôi.
Nhưng không chủ quan như tư tưởng riêng từng cá nhân. Việc đánh giá trị gọi là chủ quan khi nó tùy thuộc ở tâm chất riêng của chủ thể và chỉ đứng với chủ thể ấy thôi.
Nhưng chúng khách quan như những phán đoán. Một phán đoán khách quan bao giờ cũng tùy thuộc vào đối vật chứ không phụ thuộc vào chủ thể nêu nó ra. Dấu hiệu của khách quan tính là tính cách phổ quát.
III. ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ LƯƠNG TÂM
Lương tâm làm cho ta thành con vật đạo đức, có quyền và bổn phận. Lương tâm quả là nền tảng nhân vị của ta, giá trị của nó vì thế rất quan trọng. Lương tâm phải chăng là người xét đoán đúng trong đạo đức, và là người chỉ dẫn tốt trong trường đời thực tế chăng? Giá trị của nó là tương đối hay tuyệt đối? Riêng chúng ta, phải bình tâm suy xét để thấy rõ những thay đổi của nó.
Những Thay Đổi Của Lương Tâm Có Thực
Khảo sát lịch sử và xã hội học, ta thấy có những quy luật thiện ác thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh và trình độ văn minh. Chỉ nhận xét sơ qua ta cũng thấy có nhiều ý kiến trái nhau về cái nên làm và cái cấm làm.

Các triết gia chủ nghĩa xã hội cho rằng: thời trang, phong tục, thiên kiến, luật lệ… hoàn toàn lệ thuộc sự thay đổi của ý thức xã hội. Và nhóm các triết gia hoài nghi cũng đồng ý như vậy. Người ta hay nhắc đến câu nói của Pascal: “Công lý gì mà kỳ quái thế, chỉ có một con sông đã làm cho khác, bên này dãy Pyrenees thì được coi là chân lý, bước sang bên kia sông thì chân lý ấy lại bị coi là sai lầm”.
Pascal khi nêu ra những khía cạnh tương đối của đạo đức, ông không chối bỏ một nền đạo đức tuyệt đối mà chỉ tố cáo những đau khổ tinh thần của loài người, tố cáo sự bất lực của nền đạo đức chỉ dựa trên nền tảng duy sinh. Nền đạo đức này sẽ mất hết chân lý khi nó thoát ly nền siêu hình, tôn giáo vì chỉ có nền tảng siêu hình mới làm cho nó thực có giá trị tuyệt đối. Nói rõ hơn, đạo đức vừa tuyệt đối vừa tương đối.
Vì thế, chỉ cần gác ra ngoài những hoàn cảnh đặc thù do nhiều yếu tố đem đến, ta sẽ thấy rõ trong lương tâm có một số nhu yếu bất di bất dịch như, hướng về điều thiện, hướng thượng, ý thức được sự khác nhau giữa cái hiện có với cái phải có. Tóm lại, nhu yếu đó là cả một nguyện vọng đạo đức của con người.
2. Cởi Nút Mâu Thuẫn Giữa Tương Đối Và Tuyệt Đối
2.1. Giá trị lý thuyết
Người ta đưa ra một song quan luận này: một là lương tâm tương đối, và vì thế mất hết giá trị. Hai là tuyệt đối, thì những thay đổi của nó lại không thể cắt nghĩa được. Ta có thể tổng hợp hai điểm có vẻ mâu thuẫn đó: Lương tâm tuyệt đối trong những nhu yếu căn bản, tương đối trong những kinh nghiệm thường ngày, những áp dụng tùy thời, tùy nơi.
Đạo đức là một thứ ánh sáng, nên nó cũng phải chịu khúc xạ và nhiễu xạ trong các lăng kính của thời gian, không gian và người đời. Nói thế không có nói nó mất sự đơn nhất, cũng như ánh sáng vật lý vẫn còn là ánh sáng đơn nhất, dẫu có phải chiếu qua những mẫu quang phổ. Lương tâm được kết tinh trong một số luật, một số bảng giá trị nhưng các khoản luật lại khác nhau, mỗi khoản diễn tả và đề cao một khía cạnh của bộ luật muôn thuở.
2.2. Giá trị thực tế
Tuy rằng, theo lương tâm, chúng ta sẽ liều mình phản lại những điều luật cuả một nền đạo đức sáng suốt hơn. Không sợ, nên nhớ rằng, nền đạo đức sáng suốt ấy nếu có, thì chỉ có lỗi về chất liệu của luật, chứ không có lỗi về chủ ý, vì ta chưa biết nó. Nhìn chung, nếu ta luôn luôn làm theo tiếng gọi của lương tâm mình thì vẫn tốt, miễn là ta giữ các điều kiện thành thực và thiện chí.
IV. TẠM KẾT
Công cuộc tìm hiểu các quan niệm khác nhau trên đây buộc ta phải kết luận rằng: lương tâm không hoàn toàn sẵn có trong ta cũng như không hoàn toàn từ bên ngoài mà đến. Các quan niệm duy nghiệm, duy xã hội và tâm phân học đã làm nổi bật khía cạnh đắc thủ của lương tâm và cho ta thấy rằng nội dung của lương tâm tùy thuộc vào kinh nghiệm, vào môi trường gia đình, xã hội.
Người ta có thể cho rằng lương tâm có giá trị tuyệt đối khi lương tâm xác nhận bổn phận tổng quát và những nguyên tắc đạo đức như nguyên tắc nhân phẩm, công bằng. Nhưng phải nhận rằng lương tâm có giá trị tương đối khi lương tâm xác định các bổn phận cụ thể vì công cuộc xác định này tùy thuộc vào nhiều yếu tố thay đổi theo hoàn cảnh, tâm tánh. Trong một vài trường hợp, gần như lương tâm không thể chỉ dẫn được. Trong những trường hợp đó, hành động của ta được xem là có giá trị đạo đức nếu nó được thực hiện với tất cả thiện chí.
 

nguon VI OLET