1

 

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

***

 

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2012

 

 

BÁO CÁO

Kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn

khóa IX tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017

-------------------

( Nguồn: http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&frm=1&source=web&cd=5&cad=rja&ved=0CEoQFjAE&url=http%3A%2F%2Fwww.thanhnien.com.vn%2FDocs%2Ftailieu%2F2012%2FBao-cao-kiem-diem-BCH.doc&ei=TXjuUI2gI8m2kAXI9YEw&usg=AFQjCNH4FIhdFJAoXveCWoERIOkpeswdCA&sig2=RsgeLPRPIpJAawkRiXxvAg  ).

 

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2007 2012, bầu ra gồm 145 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã bầu 27 đồng chí vào Ban Thường vụ, 03 đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 6 đã quyết định tăng số lượng ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn từ 27 lên 31 đồng chí. Các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn từ lần thứ hai đến nay đã cho rút tên 106 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, 24 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, 03 đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn do chuyển công tác và bầu bổ sung 69 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, 22 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và 05 đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn. Hiện nay, số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn là 108 đồng chí; số Ủy viên Ban Thường vụ là 26 đồng chí và có 05 đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn.

Thực hiện Điều lệ Đoàn và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2007 - 2012 như sau:

I. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ, BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động và triển khai Nghị quyết ở cấp mình; ban hành Quy chế làm việc và Chương trình làm việc toàn khóa. Quy chế, chương trình làm việc được xây dựng khoa học, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả công tác của Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước và cụ thể hóa những chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội, giải quyết những vấn đề, yêu cầu phát sinh trong thực tiễn công tác. Theo đó, Ban Chấp hành đã ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề, 03 chương trình hành động trên các lĩnh vực: giáo dục, xây dựng Đoàn, phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh;[1]

Các nghị quyết, chương trình hành động của Ban Chấp hành nhiệm kỳ này chủ yếu tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi của tổ chức Đoàn; định hướng những chủ trương quan trọng để triển khai có hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Ban Chấp hành đã quan tâm lãnh đạo công tác kiểm tra, bước đầu thực hiện chức năng giám sát của Đoàn. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành đã bầu Ủy Ban Kiểm tra; thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn; chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Trung ương Đoàn xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

 


1

 

theo định kỳ, chuyên đề đối với các cấp bộ đoàn. Việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần giải quyết kịp thời hơn những khó khăn, phát sinh ở cơ sở.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tập trung tổ chức nghiên cứu và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 25-NQ/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tham gia đóng góp ý kiến một số chủ trương của Đảng về công tác thanh niên; góp ý phê bình đảng viên, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Ban Chấp hành đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn chủ động giới thiệu đại biểu ưu tú của Đoàn tham gia bộ máy của Đảng, chính quyền, các đoàn thể. Với quyết tâm đó, số lượng đoàn viên ưu tú tham gia các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp tăng cao hơn so với các nhiệm kỳ trước.

Để đảm bảo tính kế hoạch và thống nhất trong chỉ đạo thực hiện các trọng tâm công tác của nhiệm kỳ, hằng năm, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn chỉ đạo tổng kết công tác và xây dựng chương trình công tác năm tiếp theo. Công tác chỉ đạo tổng kết được thực hiện ngày càng thực chất và hiệu quả, quy trình chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương. Việc xây dựng chương trình công tác năm có nhiều điểm mới: xác định chủ đề công tác năm, chủ đề Tháng Thanh niên, trọng tâm công tác của tháng, chủ đề của đợt hoạt động một cách phù hợp từ đó tạo thuận lợi cho các cơ sở Đoàn trong cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Nhiều chủ đề công tác được tổ chức sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi phát triển, tiêu biểu như chủ đề công tác năm 2009 “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm”, năm 2010 “Công trình thanh niên”, năm 2012 “Nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn”, chủ đề của Tháng Thanh niên, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè như “Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Ban Chấp hành đã xây dựng các chương trình, đề án phối hợp với các bộ, ngành, phân công Ban Thường vụ, Ban Bí thư cụ thể hóa việc thực hiện và phối hợp cụ thể. Nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện các chương trình, đề án phát huy hiệu quả, đặc biệt là các nội dung đoàn tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông được tập trung đầu tư, đạt hiệu quả tốt.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã lãnh đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức thành công đại hội Đoàn các cấp và chuẩn bị cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X. Với quyết tâm cao tổ chức đại hội 4 cấp trong năm 2012, ngay từ giữa  năm 2011, Ban Chấp hành đã ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội Đoàn các cấp và chỉ đạo Đại hội đoàn cấp tỉnh, huyện, cơ sở tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đúng nguyên tắc, quy trình; giao cho Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể và chuẩn bị các công việc cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X. Đến thời điểm hiện tại, Đại hội Đoàn các cấp đều đã hoàn thành, đảm bảo nội dung, tiến độ; công tác nhân sự đảm bảo đúng quy định của Điều lệ Đoàn và Quy chế cán bộ Đoàn.

Công tác chuẩn bị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X được triển khai thực hiện chu đáo, cẩn trọng và đảm bảo quy trình, tiến độ đề ra. Các văn kiện của Đại hội đã được cho ý kiến và qua nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện. Công tác nhân sự của Đại hội được thực hiện theo các bước, đúng lộ trình, đảm bảo khách quan; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh ở các cấp; công tác hậu cần đã chuẩn bị chu đáo đảm bảo tổ chức thành công Đại hội.

* Hạn chế

 


1

 

Cơ sở lý luận và thực tiễn của một số chủ trương, nghị quyết do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn ban hành chưa thật sự đầy đủ, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới, lĩnh vực khó khiến hiệu quả thực hiện chưa cao.

Việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết một số phong trào, nghị quyết, kết luận, chủ trương công tác của Đoàn chưa kịp thời nên chưa nhân rộng và phát huy được hiệu quả những cách làm hay. Thậm chí, tính thực tiễn, khả thi của một số chủ trương chưa cao nhưng chưa kịp thời đề xuất được giải pháp khắc phục.

Quá trình lãnh đạo một số nội dung công tác của Ban Chấp hành còn chưa quyết liệt nên để một số hạn chế kéo dài như: công tác giáo dục của Đoàn vẫn còn thiếu sáng tạo, tuy rộng nhưng chưa sâu, chất lượng chính trị của nhiều đoàn viên chưa cao; công tác phát triển tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa được đẩy mạnh; công tác quản lý, rèn luyện đoàn viên, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn đặc biệt là trên địa bàn đô thị, nội dung xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế, xung kích trong cải cách hành chính, đồng hành trong phát triển kỹ năng xã hội, chưa có sự chuyển biến tích cực; một số hoạt động nặng về bề nổi, thiếu chiều sâu nên chất lượng phong trào chưa bền vững.

 2. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ban hành các Nghị quyết, kết luận trên các mặt, lĩnh vực công tác để cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành, cụ thể, đã ban hành 02 Nghị quyết [2], 01 Chương trình hành động [3], 09 Kết luận [4]; ban hành Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn và bổ sung Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn, Quy chế hoạt động của Hội đồng Đội Trung ương, Quy chế thi đua khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã chuẩn bị chu đáo nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, nhất là việc tổng kết, đánh giá và đề xuất quyết định những chủ trương, giải pháp, chương trình và kế hoạch hoạt động lớn; đồng thời tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp bộ đoàn thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành trên các mặt công tác. Các kỳ họp Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đều được chuẩn bị kỹ về nội dung, đảm bảo chất lượng, thời gian.

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã chủ động và thường xuyên thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn; ban hành nhiều chủ trương đúng đắn về công tác tổ chức xây dựng Đoàn, công tác cán bộ Đoàn, lãnh đạo tập trung thực hiện Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn

 


1

 

” của Ban Chấp hành, qua đó thúc đẩy sự phát triển của Đoàn ở các cấp[5]. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuẩn bị nhân sự trình Ban Chấp hành quyết định cho rút tên và bầu bổ sung;[6] bổ nhiệm, phân công công tác các chức danh; nghiêm túc xem xét quyết định kỷ luật theo thẩm quyền[7].

Công tác thi đua - khen thưởng được Ban Thường vụ chỉ đạo theo hướng đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trở thành động lực thúc đẩy các phong trào thi đua của tuổi trẻ. Ngay sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ban hành Quy chế thi đua, khen thưởng của Đoàn nhiệm kỳ 2007 - 2012; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tích cực tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện quy chế thi đua - khen thưởng; điều chỉnh kịp thời quy trình, đối tượng, thủ tục, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng phù hợp với Luật Thi đua - Khen thưởng. Các thủ tục khen thưởng được tiến hành nhanh, về cơ bản chính xác, đúng người, đúng việc. Quy trình xét chọn và đề nghị khen thưởng ngày càng được tiến hành chặt chẽ hơn, công khai, dân chủ. Đđảm bảo tính chính xác trong đánh giá thi đua, Ban Thường vụ đã chỉ đạo xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tổ chức đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh và triển khai nghiêm túc trong suốt nhiệm kỳ.

Sinh hoạt định kỳ của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ngày càng  hiệu quả, đảm bảo chỉ đạo, điều hành công việc theo đúng quy chế, nhiệm vụ và chương trình công tác; từng Ủy viên Ban Thường vụ và các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị, xây dựng văn bản, tài liệu và các nội dung công tác, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc chất lượng cao, chặt chẽ, đúng tiến độ. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức điều hành. Nội bộ luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy được trí tuệ của tập thể và nâng cao ý thức trách nhiệm của từng Ủy viên Ban Thường vụ.

Ban Thường vụ quan tâm tới việc sơ kết, tổng kết các Nghị quyết của các nhiệm kỳ trước, trên cơ sở đó ra các kết luận chỉ đạo xây dựng các giải pháp phù hợp trong tình hình mới.

* Hạn chế

Công tác chỉ đạo, kiểm tra các cấp bộ Đoàn và các cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trong thực hiện các chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu tính kế hoạch do chưa sắp xếp thời gian hợp lý, chưa có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhưng hướng dẫn chưa kịp thời, đầy đủ do vậy việc triển khai cơ sở còn lúng túng; việc theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận chưa được quan tâm đúng mức.

Một số đồng chí y viên Ban Thường vụ ở các cụm chưa phát huy hết vai trò trưởng cụm, thiếu nghiên cứu đề xuất, tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trong giải quyết những vấn đề thực tiễn xuất phát từ đơn vị mình cũng như trong khu vực; khả năng kết nối các đơn vị trong cụm

 


1

 

chưa thường xuyên, hiệu quả. Hạn chế trên xuất phát từ cơ chế phân công trách nhiệm chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có điều kiện đảm bảo cho các đồng chí cụm trưởng thực hiện, phát huy vai trò của mình.

Một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ công tác tại Trung ương Đoàn chưa chủ động tham mưu, đề xuất việc triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá các chủ trương, nghị quyết; chưa sâu sát cơ sở vì vậy hạn chế trong công tác khái quát thực tiễn và tổng kết lý luận.

3. Ban Bí thư Trung ương Đoàn

Ban Bí thư đã chủ động, tập trung triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX; chuẩn bị các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; đồng thời ban hành các hướng dẫn cụ thể để các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; chỉ đạo các ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn xây dựng nội dung, chương trình công tác trong từng đối tượng thanh niên, chương trình công tác hằng quý.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành các văn bản nhằm quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Hoạt động của Ban Bí thư Trung ương Đoàn đúng hướng, quyết liệt, có kế hoạch và chiều sâu, đặc biệt chú trọng chỉ đạo các hoạt động hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, chủ động lựa chọn công việc, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, chú trọng công tác kiểm tra, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điển hình.

Trong nhiệm kỳ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, đề án, dự án tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành “Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”; tham mưu Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015“, Đề án “Làng thanh niên lập nghiệp”, Đề án “Xây dựng đảo thanh niên”, Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam; phối hợp tham mưu tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010; xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đoàn thể trong công tác thanh niên; chủ động tổ chức đánh giá các chương trình liên tịch và ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, góp phần tạo cơ chế, chính sách và khai thác các nguồn lực, chương trình, dự án xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ, giải quyết việc làm cho thanh niên; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Chương trình phát triển thanh niên ở địa phương, đơn vị.

Công tác điều hành của Ban Bí thư Trung ương Đoàn có nhiều đổi mới, sáng tạo, dân chủ, khách quan, đoàn kết và cộng đồng trách nhiệm. Ban Bí thư Trung ương Đoàn thực hiện sinh hoạt định kỳ hằng tuần, đảm bảo dân chủ, khoa học; chủ trì giao ban các khối thuộc cơ quan Trung ương Đoàn; duy trì nề nếp làm việc, duyệt kế hoạch công tác hằng năm đối với các ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn; thực hiện đúng chế độ đi công tác cơ sở theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; thường xuyên đi cơ sở làm việc với cấp ủy và gặp gỡ đoàn viên, thanh niên[8].

 


1

 

Trong nhiệm kỳ, Ban Bí thư đã tiến hành chỉ đạo điểm các hoạt động trọng tâm, quan trọng nhằm xây dựng mẫu, chuyển giao mô hình cho cơ sở. Việc thí điểm các mô hình mới được mạnh dạn áp dụng trong điều hành, lãnh đạo nhằm tăng tính khả thi trong việc nhân rộng.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan trong công tác quản lý, điều hành cơ quan chuyên trách của Đoàn cấp Trung ương; thực hiện có hiệu quả, khoa học việc chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc hàng ngày của cơ quan Trung ương Đoàn; luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức, điều hành công việc. Việc xử lý, điều hành của Ban Bí thư Trung ương Đoàn đảm bảo tiến độ, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan. Bộ máy của cơ quan Trung ương Đoàn liên tục được kiện toàn, tạo nguồn bổ sung cán bộ trẻ cho các ban, đơn vị tham mưu, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn mới. Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với cấp ủy đảng các địa phương, đơn vị về công tác tổ chức, xây dựng Đoàn và công tác nhân sự chủ chốt của các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. Một số chủ trương mới trong công tác cán bộ của Ban Bí thư đã khẳng định được hiệu quả[9].

Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã xem xét tiêu chuẩn, lựa chọn và giới thiệu nhân sự đại diện của Đoàn và Hội Thanh niên tham gia các chức danh lãnh đạo, các Ban chỉ đạo, các Ủy ban, các Hội đồng của cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội trên tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo nhân sự đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công tác.

Quan tâm nghiên cứu thực tiễn, bổ sung lý luận về công tác thanh vận, trong nhiệm kỳ qua, Ban Bí thư đã chỉ đạo các ban phong trào, Viện Nghiên cứu thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và các ban đơn vị thuộc Trung ương Đoàn tiến hành nghiên cứu các vấn đề mới đang đặt ra với công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Với chỉ đạo đó, có nhiều đề tài nghiên cứu được đánh giá cao, bổ sung công tác lý luận của Đoàn trong thời kỳ mới.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tập trung chỉ đạo Đại hội Đoàn các cấp thông qua việc tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 06 - CT/TW ngày 01/9/2011 về “Lãnh đạo đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017"; ban hành các hướng dẫn về công tác tổ chức đại hội Đoàn các cấp; về quy trình, thủ tục kiện toàn nhân sự và công nhận các chức danh của Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh; về xây dựng Ủy ban Kiểm tra Đoàn cấp tỉnh và cấp huyện nhiệm kỳ 2012 - 2017. Bên cạnh đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phát động thi đua chào mừng đại hội; tổ chức tập huấn về công tác chỉ đạo đại hội; kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đoàn các cấp; ban hành quy định chế độ báo cáo tình hình kết quả đại hội Đoàn; thành lập 10 tổ công tác giúp Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo đại hội Đoàn cấp cơ sở và cấp huyện theo cụm hoạt động; thành lập 11 tổ giúp Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo đại hội Đoàn cấp tỉnh theo cụm; tổ chức duyệt công tác chuẩn bị nội dung, nhân sự, chương trình đại hội các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc.

* Hạn chế

 


1

 

Trong chỉ đạo, điều hành, có lúc chưa coi trọng tính kế hoạch, tính thiết thực của từng hoạt động; ít quan tâm tổng kết, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Bí thư trong việc đổi mới quy trình nghiên cứu xây dựng các chủ trương công tác của Đoàn.

Một số mảng công việc có sự chuyển biến chậm do thiếu quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Bí thư và các đồng chí Bí thư phụ trách, như: chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn của cơ sở, nghiên cứu đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Đoàn trong tình hình mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát.

Một số chương trình, nghị quyết liên tịch với các Bộ, ngành, Tập đoàn kinh tế đã được ký kết nhưng việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, do vậy hiệu quả đạt được chưa cao.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn mặc dù đã tích cực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn song chưa đề xuất được các giải pháp duy trì chế độ học tập để chỉ đạo thống nhất trong toàn Đoàn. Việc ban hành chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo chức danh còn chậm. Chưa kịp thời xây dựng đội ngũ cán bộ của cơ quan chuyên trách đủ năng lực tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư.

Chỉ đạo một số nội dung của phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” chưa quyết liệt, phân bổ nguồn lực thực hiện chưa đồng đều; một số hoạt động phong trào chưa có tính chiều sâu, chưa tạo được sức lan tỏa, sự hiệu triệu đối với thanh niên; sự kết hợp giữa phong trào, giữa thực hiện các chương trình, dự án với củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn chưa hài hòa, kết quả chưa rõ nét.

Việc nắm bắt dư luận, ý kiến phản ánh của quần chúng nhân dân và đoàn viên thanh niên về những vấn đề liên quan đến tổ chức Đoàn còn hạn chế, mang tính kỳ cuộc do chưa có giải pháp, cách làm hiệu quả.

II. PHẨM CHẤT CHÍNH TRỊ CỦA CÁC ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH

Ban Chấp hành và từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; có tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; coi trọng việc phát huy dân chủ, tôn trọng tập thể, bám sát thực tiễn, gần gũi với thanh niên; luôn khắc phục khó khăn, nhiệt tình trong công tác, không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chính trị, đạo đức, lối sống; nỗ lực tự học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, chính trị, chuẩn hóa trình độ để nâng cao khả năng, năng lực chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ.

* Hạn chế

Một số đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành chưa tận tâm với công việc; thiếu sâu sát cơ sở, chưa thực sự gần gũi đoàn viên thanh niên; ý thức học tập, phấn đấu vươn lên của một số đồng chí chưa cao.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn còn thiếu sót và thấy rõ trách nhiệm trước thực trạng hiện nay một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thờ ơ, vị kỷ, bàng quan chính trị, thích hưởng thụ, mờ nhạt lý tưởng ...

III. LỀ LỐI LÀM VIỆC, PHƯƠNG PHÁP CHỈ ĐẠO

1. Lề lối làm việc.

 


1

 

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể trong lãnh đạo, xây dựng các chủ trương công tác lớn của Đoàn; có chế độ làm việc khoa học và tính kế hoạch cao. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn luôn bám sát Quy chế làm việc và Chương trình làm việc toàn khóa.

Trong quá trình làm việc, sinh hoạt định kỳ của Ban Chấp hành (6 tháng/lần), Ban Thường vụ (3 tháng/lần), Ban Bí thư (hàng tuần) được thực hiện nghiêm túc. Nguyên tắc tập trung dân chủ được đặt lên hàng đầu, các nội dung thảo luận chuyên đề công tác, các vấn đề liên quan đến Điều lệ Đoàn và chương trình công tác thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành quyết định đều được bàn bạc tập thể, phân tích kỹ lưỡng, có sự thống nhất cao. Trong toàn khóa, Ban Chấp hành đã triệu tập 15 kỳ họp (theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn 12 kỳ họp), Ban Thường vụ họp 22 kỳ. 

Ở từng vị trí công tác, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đều chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, của Đoàn; tạo ra mối quan hệ tốt, có trách nhiệm với cấp ủy Đảng, chính quyền ở đơn vị, địa phương, cơ sở và với các tổ chức quần chúng, các ngành có liên quan; đi sâu, đi sát phong trào, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành đều được các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành nghiên cứu, phân tích, tranh luận và biểu quyết thông qua trên tinh thần thẳng thắn và ý thức trách nhiệm cao.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tại cơ quan chuyên trách ở Trung ương Đoàn đã chủ động triển khai mảng công tác được phân công phụ trách; tích cực đi công tác cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình, tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các nội dung công việc cụ thể.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tại các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã phát huy vai trò, chỉ đạo điều hành tốt công việc tại địa phương, đơn vị; tích cực, trách nhiệm trong chỉ đạo phong trào chung, bám sát nội dung chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tại một số ngành, lĩnh vực, tập đoàn kinh tế trọng điểm đã phát huy vai trò của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo ngành, đơn vị mình trong tổ chức, thực hiện các chủ trương công tác của Đoàn cấp trên, trong phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai các chương trình liên tịch, huy động nguồn lực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

2. Phương pháp chỉ đạo.

Phương pháp chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt vai trò định hướng và chỉ đạo vĩ mô, xây dựng các chương trình công tác phù hợp với thực tiễn. Luôn quan tâm đến việc tham mưu phối hợp, tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đồng thời chú trọng công tác nghiên cứu, xây dựng và tổng kết mô hình để nhân rộng.

 


1

 

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phát huy được sáng kiến từ cơ sở và vai trò của cán bộ, cơ quan tham mưu; giảm bớt chồng chéo, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã kịp thời định hướng và chỉ đạo đối với những vấn đề thực tiễn phát sinh, đột xuất trong công tác cán bộ, hoạt động phong trào, tổ chức cơ sở; kịp thời chỉ đạo, triển khai các cuộc vận động, chủ trương, kế hoạch công tác phù hợp với tình hình đất nước, các địa phương nhằm khắc phục những khó khăn do suy giảm kinh tế, thiên tai, bão lũ.

Tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động Ban Chấp hành, phát huy năng lực, trí tuệ của từng Ủy viên Ban Chấp hành trong chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Giữ mối liên hệ công tác thường xuyên với các cơ quan liên quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy các cấp của Đoàn.

* Hạn chế

Phương pháp chỉ đạo quán triệt các chủ trương, nghị quyết còn thiếu đồng bộ, có tình trạng để cho cơ sở thực hiện hình thức. Biện pháp tổ chức, thực hiện chưa tương xứng với nội dung nên kết quả còn hạn chế.

Cơ chế làm việc và sinh hoạt của Ban Chấp hành đã thể hiện được vai trò lãnh đạo tập thể, nhưng trách nhiệm cá nhân của một số đồng chí chưa rõ nên giải quyết một số công việc còn chậm, thiếu mạnh mẽ, hiệu quả thấp. Một số đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Bí thư chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, tự tổng kết các vấn đề thực tiễn thuộc lĩnh vực mình phụ trách, vì vậy, chưa có giải pháp góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Một số Ủy viên Ban Chấp hành ít tham gia hoặc tham gia chưa có chất lượng vào các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết những tồn tại, hạn chế của Đoàn; chưa tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy hết vai trò, trách nhiệm được giao; một số đồng chí còn vắng mặt nhiều lần trong các kỳ họp Ban Chấp hành; một số đồng chí còn để công việc trì trệ, đơn vị mình phụ trách còn tiêu cực, mất đoàn kết.

Một số Ủy viên Ban Thường vụ chưa sắp xếp được thời gian hợp lý để tham gia đầy đủ và có chất lượng các kỳ họp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.

Trong công tác điều hành của Ban Bí thư, đôi lúc chưa thể hiện tính quyết liệt, vẫn còn biểu hiện nể nang trong xử lý một số vấn đề cụ thể.

 

IV. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đoàn kết, thống nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

2. Coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, xây dựng chương trình, giải pháp mới; kiên trì, có giải pháp tập trung trong giải quyết những vấn đề cơ bản, những nội dung tồn đọng.

 


1

 

3. Phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể phải đi đôi với đề cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo mỗi đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đều được phân công nhiệm vụ cụ thể; mỗi chủ trương của Ban Chấp hành phải là kết quả của trí tuệ tập thể cần được thực hiện với vai trò chủ động, sáng tạo của cá nhân Ủy viên Ban Chấp hành.

4. Chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên; phối hợp với các ngành khai thác cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi theo hướng xã hội hóa công tác thanh niên. Phương châm chỉ đạo là hướng về cơ sở, đến với thanh niên, giải quyết có hiệu quả những nhu cầu và lợi ích chính đáng của thanh thiếu nhi.

5. Nội dung hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phải luôn bám sát Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc khóa IX và quy chế làm việc của Ban Chấp hành, đồng thời, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong mỗi giai đoạn cụ thể.

6. Sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng công tác dự báo, nắm bắt tình hình thanh niên để thiết kế nội dung hoạt động phù hợp; tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Đoàn và đánh giá hiệu quả các phong trào.

 

Trên đây là báo cáo kiểm điểm công tác nhiệm kỳ 2007 - 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017.

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

 

 

 

 


[1] Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn”, Nghị quyết “Đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn trong tình hình mới” và Nghị quyết về “Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên nhi đồng; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25 NQ/TW; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

[2] Nghị quyết về “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong lao động sáng tạo tham gia phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2012” và Nghị quyết về “Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2009 - 2012”;

[3] Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

[4] Kết luận về “Các giải pháp tăng cường dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên”, Kết luận về “Các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thanh niên công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Kết luận về “Một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động báo chí của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến năm 2012”, Kết luận về “Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2008 - 2012”, Kết luận về “Một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, Kết luận về “Một số giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động nghĩa tình biên giới, hải đảo giai đoạn 2008 - 2012”, Kết luận về “Một số giải pháp tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài giai đoạn 2008 - 2012”, Kết luận về “Một số giải pháp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ Đại hội IX của Đoàn”, Kết luận về “Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật giai đoạn 2009 - 2012”.

[5] Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã quyết định sáp nhập Tỉnh đoàn Hà Tây và Thành đoàn Hà Nội, phối hợp tổ chức lại đoàn ngành Đường sắt và đoàn Hàng không Dân dụng Việt Nam, thống nhất với Đảng ủy Công an Trung ương đổi mới mô hình hoạt động của Ban Thanh niên Công an thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an và thành lập BCH Đoàn trong công an cấp trên cơ sở.

[6] Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ đã đề nghị BCH cho rút tên khỏi BCH 106 đồng chí; bầu bổ sung 69 đồng chí.

[7] Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã quyết định kỷ luật 13 đồng chí (trong đó: khiển trách 05 trường hợp; cảnh cáo 02 trường hợp; cách chức 03 trường hợp; khai trừ 01 trường hợp).

[8] Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thường xuyên đi công tác tại 67/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc cùng nhiều Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở và chi đoàn.

[9] Chủ trương đưa cán bộ đi cơ sở dài hạn, ngắn hạn; thí điểm tạo nguồn theo chức danh...

nguon VI OLET