NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHI ĐOÀN

Huyện Đoàn Điện Bàn - Quảng Nam

http://tuoitredienban.net/vi  

  •                               Thứ năm - 25/11/2010 13:21
  •                               |In ra
  •                               |Đóng cửa sổ này

- Chi đoàn là tế bào cơ bản trong sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đoàn; là nền tảng đoàn kết, tập hợp TN ; là người đại diện quyền lợi, lợi ích chính đáng của tuổi trẻ.

  

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHI ĐOÀN

 

 1. Vai trò, vị trí của chi đoàn:

 - Chi đoàn là tế bào cơ bản trong sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đoàn; là nền tảng đoàn kết, tập hợp TN ; là người đại diện quyền lợi, lợi ích chính đáng của tuổi trẻ.

- Hoạt động của chi đoàn gắn liền với cuộc sống và những nhu cầu của ĐV, TN ; bồi dưỡng giúp đỡ TN để kết nạp vào Đoàn; lựa chọn những ĐV ưu tú bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Mọi chủ trương, nghị quyết của Đoàn đều được thực hiện ở chi đoàn.

- Chi đoàn là cầu nối giữa Đảng với quần chúng TN, giúp Đảng chăm lo giáo dục thế hệ trẻ; là nơi cung cấp nguồn sinh lực mới cho Đảng; là người đại diện tư tưởng của Đảng trong TN ; chịu sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng và tham mưu tích cực cho Đảng về lãnh đạo công tác TN .

- Chi đoàn là chổ dựa của chính quyền; chi đoàn tổ chức động viên tuổi trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, tham gia quản lý địa bàn cư trú hoặc cơ quan, đơn vị.

- Đối với các đoàn thể và tổ chức xã hội khác, chi đoàn luôn chủ động phối hợp, liên kết công tác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác thanh, thiếu nhi, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thanh, thiếu nhi rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.

2. Chức năng nhiệm vụ của chi đoàn:

- Đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ĐV, TN  trước pháp luật.

- Bồi dưỡng lý tưởng XHCN, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, ý thức công dân và đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu nhi.

- Tổ chức các phong trào hành động góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đơn vị.

- Tham mưu cho chi ủy, chính quyền và phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết những vấn đề xã hội đối với thanh, thiếu nhi.

- Đoàn kết tập hợp TN , chăm lo xây dựng chi đoàn vững mạnh; tăng cường công tác thiếu niên nhi đồng.

- Chủ động bồi dưỡng ĐV  ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Thường xuyên tham gia góp ý xây dựng Đảng và tích cực bảo vệ chính quyền.

3. Nguyên tắc cơ bản để tồn tại và phát triển của chi đoàn:

- Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng, tồn tại và phát triển của chi đoàn.

-  Ban chấp hành chi đoàn do bầu cử lập ra và thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

  - Ban chấp hành chi đoàn có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình trong đại hội chi đoàn, với Ban chấp hành Đoàn cơ sở, với chi uỷ.

  - Nghị quyết của chi đoàn, của Đoàn cấp trên phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.
Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết nghị quyết của Đoàn, các thành viên đều được phát biểu ý kiến của mình. Trường hợp cán bộ, ĐV  có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện hành.

4. Những loại sổ sách cần thiết đối với chi đoàn:

- Sổ chi đoàn (theo mẫu thống nhất của TW Đoàn) dùng để theo dõi về danh sách ĐV , danh sách TN , danh sách ĐV  chuyển đi, chuyển đến.

- Sổ theo dõi thu, nộp đoàn phí; theo dõi quỹ hoạt động chi đoàn.(Nếu nội dung này có trong sổ Chi đoàn thì thực hiện theo sổ Chi đoàn)

- Kẹp hồ sơ quản lý các loại văn bản gửi đi, gửi đến; quản lý tài liệu, sách báo.

- Sổ biên bản các cuộc họp của BCH và sinh hoạt chi đoàn.

- Sổ truyền thống chi đoàn: Ghi những thành tích những truyền thống tốt đẹp của chi đoàn, những gương ĐV  điển hình, những hình ảnh trong hoạt động của chi đoàn.

5. Tài chính của chi đoàn gồm:

- Đoàn phí do ĐV  đóng từng tháng được trích giữ lại 2/3 (hai phần ba) và nộp lên Đoàn cấp trên trực tiếp 1/3 (một phần ba).

- Từ các hoạt động gây quỹ; từ nguồn hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, chính quyền, của các đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội vv...

 

BAN CHẤP HÀNH CHI ĐOÀN

 

1-Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành chi đoàn:

-Lãnh đạo công tác Đoàn, công tác Hội, Đội ở địa bàn dân cư (làng, bản...) hay đơn vị sản xuất, kinh doanh (phân xưởng, đội sản xuất...) hay lớp học (đối với học sinh, sinh viên).

-Tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội chi đoàn, chủ trương công tác của Đoàn cấp trên, chỉ thị của chi uỷ.

-Định kỳ báo cáo về tình hình hoạt động của chi đoàn với Ban chi uỷ, Đoàn cấp trên.

-Phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể khác, các tổ chức kinh tế - xã hội ở địa phương để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn.

-Trực tiếp động viên, thuyết phục giáo dục ĐV  thông qua việc tổ chức các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội trong thanh thiếu niên từ đó đoàn kết, tập hợp TN .

2. Lề lối làm việc của Ban chấp hành chi đoàn:

a-Bí thư chi đoàn là người chịu trách nhiệm chính trước Ban chi ủy về công tác Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn, ở đơn vị sản xuất, học tập, công tác.

- Bí thư chi đoàn phụ trách chung công việc của Ban chấp hành, quán xuyến các mặt công tác của chi đoàn, trực tiếp phụ trách công tác giáo dục.

- Bí thư chi đoàn thường xuyên tham mưu với Ban chi uỷ về công tác thanh thiếu niên trên địa bàn, trong đơn vị và quan hệ trực tiếp với các ban ngành, đoàn thể khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chi đoàn.

b-Phó bí thư chi đoànthay mặt Bí thư điều hành công việc trong BCH khi Bí thư vắng mặt. Trực tiếp phụ trách công tác tổ chức, đoàn vụ, cùng với Bí thư quan hệ với các lực lượng xã hội khác trên địa bàn.

c-Các ủy viên chấp hành được tập thể Ban chấp hành phân công phụ trách từng mặt công tác cụ thể (văn hoá, thể thao, kinh phí).

 - Thực hiện các nhiệm vụ do Bí thư hay Phó bí thư phân công.

- Ban chấp hành chi đoàn mỗi tháng họp một lần nhằm đánh giá công việc của tháng trước và xây dựng kế hoạch công tác của tháng tiếp theo. Thời gian họp tuỳ thuộc vào điều kiện lao động, học tập, công tác của địa phương, đơn vị.

- Ngoài hội nghị thường kỳ, khi có việc đột xuất, Ban chấp hành chi đoàn có thể họp bất thường trao đổi kinh nghiệm, sinh hoạt nghiệp vụ, tổ chức giao lưu với chi đoàn bạn.

- Đối với mỗi công việc, Ban chấp hành chi đoàn thảo luận tập thể dân chủ và Bí thư (hay phó bí thư) là người quyết định phương án thực hiện. Uỷ viên chấp hành có quyền bảo lưu ý kiến riêng, song phải thực hiện quyết định của tập thể Ban chấp hành mà Bí thư là người đại diện.

- Mỗi ủy viên chấp hành phải chuẩn bị báo cáo trước Ban chấp hành (và trước chi đoàn) về nhiệm vụ được phân công phụ trách.

- Bí thư (hay Phó bí thư) chi đoàn có nhiệm vụ tổng hợp ý kiến, định kỳ báo cáo lên Ban chấp hành Đoàn cơ sở và ban chi ủy.

- Hiệu quả hoạt động của Ban chấp hành tuỳ thuộc vào năng lực điều hành của Bí thư và tính chủ động, sáng tạo của mỗi ủy viên chấp hành.

 

CHI ĐOÀN VỚI CÔNG TÁC

THAM GIA XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN

 

  1. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền:

  *Những nội dung và giải pháp cơ bản của công tác Đoàn tham gia xây dựng Đảng và chính quyền:

- Tích cực tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan đơn vị, định kỳ tổ chức góp ý với Đảng trong xây dựng những chủ trương, nghị quyết có liên quan đến TN . Tham gia tốt công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ chính quyền cơ sở.

- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động "Người cộng sản trẻ" thông qua việc tổ chức rộng rãi các hình thức tuyên truyền giáo dục về Đảng, Đoàn; tổ chức cho ĐV  TN  chủ động tham gia vào các sinh hoạt chính trị lớn; thực hiện tốt quy trình giới thiệu ĐV  ưu tú cho Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng chính trị của ĐV ưu tú, phát triển các tổ nhóm trung kiên để ĐV  ưu tú rèn luyện.

- Giới thiệu cho Đảng, chính quyền những cán bộ ĐV  ưu tú tham gia ứng cử vào các cơ quan đại diện tại địa phương, đơn vị, khu phố, tổ dân phố. Tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

2. Bồi dưỡng, giới thiệu ĐV  ưu tú cho Đảng:

a-Lựa chọn ĐV  ư tú giới thiệu cho Đảng:

- Sáu tháng một lần, chi đoàn bình chọn những ĐV xuất sắc để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.

- Khi lựa chọn những ĐV  để giới thiệu với Đảng, chi đoàn phải nắm chắc lý lịch ĐV  qua hồ sơ, qua chi ủy và tổ chức chính quyền. Trước hết chọn những đồng chí có lý lịch rõ ràng, không vi phạm tiêu chuẩn chính trị do Trung ương quy định.

- Sau khi có danh sách những ĐV  ưu tú, chi đoàn báo cáo với chi bộ để chi bộ xem xét công nhận, đưa vào diện đối tượng Đảng.

b-Bồi dưỡng và giới thiệu ĐV  ưu tú để Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp:

- Khi chi bộ đã công nhận những ĐV  ưu tú là đối tượng Đảng, tổ chức Đoàn chủ động cùng với tổ chức Đảng giáo dục, bồi dưỡng, giao công việc để rèn luyện, thử thách nhằm từng bước bồi dưỡng năng lực, trình độ và động cơ phấn đấu vào Đảng của ĐV  ưu tú.

- Đoàn cơ sở chủ động đề nghị với Đảng mở lớp tìm hiểu về Đảng cho ĐV  ưu tú.

- Hàng quý, Ban chấp hành chi đoàn, Đoàn cơ sở tiến hành nhận xét ĐV  ưu tú được công nhận là đối tượng; đồng thời chỉ rỏ nhược điểm, tồn tại để đối tượng tiếp tục phấn đấu.

- Những ĐV  ưu tú được liên tục công nhận là đối tượng Đảng, nhưng vẫn chưa được vào diện xem xét kết nạp và những ĐV  ưu tú được đưa vào diện xét kết nạp, đủ điều kiện, tiêu chuẩn và đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục kết nạp Đảng, nhưng vẫn chưa được kết nạp thì Ban chấp hành chi đoàn, Ban chấp hành Đoàn cơ sở phải chủ động làm việc trực tiếp với cấp ủy để cấp ủy nói rõ cho ĐV  biết rõ lý do. Tránh tình trạng để ĐV  ưu tú là đối tượng Đảng quá lâu hoặc đã đủ điều kiện kết nạp nhưng để quá chậm mà không có lý do chính đáng.

c-Thảo luận, nhận xét và bảo đảm ĐV  ưu tú đủ tiêu chuẩn vào Đảng:

- Khi đối tượng là ĐV  ưu tú đã được Đảng chấp nhận đủ điều kiện để kết nạp Đảng. Căn cứ điều kiện tiêu chuẩn để kết nạp Đảng viên, chi đoàn tổ chức họp nhận xét để giới thiệu và bảo đảm ĐV  ưu tú đó với Đảng. Cuộc họp phải được kết luận và biểu quyết cụ thể từng người được giới thiệu. Hội nghị này nên mời đại diện chi ủy đến dự và cho ý kiến đánh giá quá trình phấn đấu của đối tượng.

 

CHI ĐOÀN

VỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC

 

*Giáo dục chính trị tư tưởng:

-Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu "Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh".

-Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh đánh bại cuộc xâm lăng tư tưởng của các lực lượng thù địch.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

*Nội dung của công tác giáo dục chính trị tư tưởng:

- Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưởng lý tưởng cách mạng của Đảng cho ĐV  TN .

-Đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, về tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

-Truyền thống vẽ vang của dân tộc và của cách mạng.

-Tình hình chính trị kinh tế, xã hội, quốc phòng- an ninh.

*Thông qua các biện pháp:

          -Thuyết phục, phê bình - khen thưởng; đối thoại; sinh hoạt chính trị; giáo dục cá biệt; thông qua hoạt động thực tiển; thông qua sách báo tuyên truyền, văn hóa thể thao; nghe nói chuyện chuyên đề...

2.Giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ:

- Xuất phát từ kho tàng truyền thống của dân tộc ta, vai trò xã hội to lớn của TN .Ban chấp hành chi đoàn cần tập trung vào một số nội dung sau:

-Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

-Truyền thống vinh quang của Đảng và giai cấp công nhân.

-Về cuộc đời và hoạt động vĩ đại của Bác Hồ.

-Truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam.

-Truyền thống của Đoàn và tuổi trẻ.

- Truyền thống của địa phương, đơn vị.

* Biện pháp:

-  Đọc sách truyền thống

- Kể chuyện và thi kể chuyện lịch sử truyền thống.

- Trò chơi tìm hiểu lịch sử.

- Tiếp xúc đối thoại các nhà cách mạng lảo thành.

- Tham quan di tích lịch sử.

- Tìm hiểu và xây dựng lịch sử truyền thống của địa phương, tuổi trẻ.

- Hội trại truyền thống, hành hương, dã ngoại, về với cội nguồn.

3. Giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống:

* Giáo dục pháp luật và ý thức công dân cho thanh thiếu nhi:

- Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương của Đảng: Xây dựng nhà nước pháp quyền là: Mọi quyền công dân đều được điều chỉnh bằng pháp luật.

-TN  là đối tượng dể bị vi phạm pháp luật. Chính vị vậy chi đoàn cần tập trung tuyên truyền giáo dục về luật bộ luật hình sự, tố tụng hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và hạnh phúc gia đình, dân sự, luật nghĩa vụ quân sự...

*Biện pháp:

-Đưa tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào nội dung sinh hoạt định kỳ của chi đoàn; xác định nội dung chấp hành pháp luật là một tiêu chí cơ bản trong chương trình "Rèn luyện ĐV " và tiêu chuẩn xếp loại ĐV  hàng năm.

-Tổ chức học tập, thi tìm hiểu, mời ngành tư pháp nói chuyện với ĐV  TN .

*Giáo dục đạo đức và lối sống trong ĐV  TN :

-Cần tổ chức rộng rải trong toàn Đoàn cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong TN  thông qua các nội dung:

- Giáo dục đạo đức và lối sống trong TN  lao động:

          -Quý trọng thời gian lao động

-Yêu lao động, lao động phục vụ cho cuộc sống.

-Giúp đở nhau trong lao động, công tác.

-Có chí làm giàu và biết làm giàu

-Không vi phạm pháp luật nhà nước

+Giáo dục đạo đức và lối sống trong TN  trong quan hệ xã hội:

. Sống và làm việc theo pháp luật nhà nước

.Tích cực góp phần loại bỏ lạc hậu, xây dựng xã hội mới

. Cảnh giác với những hành vi chống phá, lừa đảo, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn

. Biết ứng xử trong giao tiếp xã hội và gia đình

. Xây dựng niềm tin vào bản thân

*Biện pháp:

- Thông qua hoạt động thực tiển.

- Thuyết phục động viên

- Thông qua các diễn đàn về nếp sống TN ...

Tóm lại:Công tác tuyên truyền giáo dục là một bộ phận chủ yếu trong công tác xây dựng Đoàn, căn cứ vào chủ trương công tác của Đoàn cấp trên, cấp ủy cùng cấp, tùy vào điều kiện thực tế của cơ sở mà BCH chi đoàn chủ động lựa chọn nội dung và biện pháp phù hợp để tổ chức thực hiện của cơ sở với phương châm: Phong phú hấp dẫn, hiệu quả, tiết kiệm và thu hút được sự chú ý của xã hội và tuổi trẻ.

 

CHI ĐOÀN

VỚI CÔNG TÁC PHỤ TRÁCH THIẾU NHI

 

1-Ý nghĩa của việc phụ trách thiếu nhi:

Tổ chức tốt các phong trào hoạt động để thu hút các thiêu nhi trong và ngoài nhà trường vào tham gia nhằm tập hợp, bảo vệ và chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

2-Nội dung, phương pháp công tác phụ trách thiếu nhi:

Điều lệ Đoàn đã khẳng định "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, hướng dẫn thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy", "BCH Đoàn các cấp có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội, lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi".

Như vậy, việc phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi ở trong và ngoài nhà trường đều do tổ chức Đoàn đảm nhận. Người được phân công phụ trách cho hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư phải nhiệt tình, tâm huyết, yêu trẻ, am hiểu về tâm lý các em, luôn có ý thức chăm lo cho lợi ích của các em và đặc biệt phải có khả năng tiếp cận, vận động, hướng dẫn và tổ chức hoạt động cho các em.

Để việc phụ trách thiếu nhi đạt kết quả cao thìcông việc đầu tiên của các chi đoàn phải chọn cử người phụ trách thiếu nhi. ĐV  được chọn của làm phụ trách thiếu nhi phải có năng lực, nghiệp vụ giỏi, có lòng yêu trẻ, có uy tín để tập hợp các em vào sinh hoạt trong tổ chức. Thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách. Mỗi ĐV  trực tiếp phụ trách ít nhất là 3 em thiếu nhi, phụ trách thiếu nhi phải là người cùng xóm, gần gủi với các em để tiếp xúc, theo giỏi và hướng dẫn các em thực hiện tốt hành vi và công việc của mình trong cuộc sống cũng như trong tổ chức.

*Khảo sát số lượng, vận động thiếu nhi vào trong tổ chức: Các chi đoàn tiến hành khảo sát số lượng, danh sách và vận động các em vào tham gia sinh hoạt. Phân chia tổ, nhóm theo khu vực, nếu có thể phân chia độ tuổi để lựa chọn nội dung và phương thức tổ chức hoạt động.

Người được phân công phụ trách phải tìm và lựa chọn các em có khả năng, năng khiếu về mọi mặt, có uy tín để giới thiệu và bầu làm BCH Đội, các tổ trưởng, tổ phó. Trong quá trình hoạt động người phụ trách phải bồi dưỡng, hướng dẫn cho các em về cách lãnh đạo tập thể, tạo uy tín cho các em, phát huy tính tự quản của các em trong tập thể để các em lãnh đạo và tổ chức các hoạt động.

Trong quá trình hoạt động, người phụ trách phải hướng dẫn và tổ chức cho các em mở rộng phạm vi địa bàn hoạt động của đơn vị mình, tổ chức phối hợp giao lưu hoạt động với các đơn vị bạn.

 

KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA BÍ THƯ CHI ĐOÀN

 

1. Kỹ năng tham mưu, lãnh đạo:

- Tham mưu chi uỷ, Đoàn cấp trên những vấn đề liên quan đến công tác TN , những vấn đề phát sinh cần sự hỗ trợ giúp đỡ.

- Lãnh đạo trong công tác, định hướng hoạt động của chi đoàn.

- Lãnh đạo về mặt tư tưởng, nắm bắt tư tưởng ĐV  TN , tác động, tổ chức sinh hoạt tư tưởng.

2. Kỹ năng điều hành, quản lý:

- Điều hành sinh hoạt chi đoàn, hoạt động của Ban chấp hành, phân công phân nhiệm uỷ viên Ban chấp hành.

- Quản lý cán bộ chi đoàn về công việc, về tư tưởng.

- Quản lý hồ sơ ĐV , cán bộ, sổ chi đoàn, các văn bản quyết định…

3. Kỹ năng tổ chức hoạt động:

- Biết thiết kế nội dung chương trình một hoạt động, đợt hoạt động, tổ chức phát động một phong trào…

- Biết làm công tác đoàn vụ, các hội nghị, buổi lễ kết nạp, trưởng thành Đoàn, đại hội, hội nghị chi đoàn.

- Biết phân công ĐV  phụ trách các công việc trong chương trình hoạt động

4. Kỹ năng soạn thảo văn bản, trình bày, triển khai một vấn đề:

- Soạn thảo các loại văn bản của chi đoàn như: chương trình, kế hoạch, báo cáo, kiểm điểm, biên bản…

- Biết tổ chức triển khai trình bày một nội dung, một chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đoàn, Đảng.

5. Kỹ năng hoạt náo:

- Tổ chức sinh hoạt trò chơi, múa, hát, sinh hoạt tập thể, kể chuyện vui, đọc, ngâm thơ .

- Thiết kế một tiết mục sân khấu hóa, tiểu chẩm.

6. Kỹ năng ứng xử, xử lý các mối quan hệ:

- Xử lý các tình huống trong công tác Đoàn.

- Xử lý các tình huống phát sinh trong quan hệ cá nhân của ĐV-TN .

- Xác định vai trò vị trí của chi đoàn, Bí thư chi đoàn trong mối quan hệ với với Đoàn cấp trên, với chi uỷ, với các tổ Hội Đoàn thể khác.

         

          NGHIỆP VỤ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CHI ĐOÀN

 

Thực hiện Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa IX của Ban thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. BTV Huyện Đoàn Điện Bàn hướng dẫn nội dung tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ cấp Chi Đoàn cụ thể như sau:

1-Ý nghĩa:

- Đại hội chi đoàn nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động của chi đoàn trong một nhiệm kỳ (mặt mạnh, hạn chế), đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ sau và bầu BCH mới để lãnh đạo chi đoàn giữa 2 kỳ đại hội.

2-Công tác chuẩn bị đại hội chi đoàn:

Để đại hội chi đoàn thành công, chi đoàn cần đầu tư thật tốt cho công tác chuẩn bị đại hội, bao gồm các bước sau:

- Lập kế hoạch tổ chức đại hội trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đoàn cấp trên. Kế hoạch cần xác định rõ: thời gian, địa điểm tổ chức đại hội, các nội dung chính trong đại hội và phân công người chuẩn bị.

- BCH chi đoàn dự thảo báo cáo hoạt động chi đoàn trong nhiệm kỳ vừa qua, phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới, bản kiểm điểm BCH chi đoàn trong việc lãnh đạo chi đoàn thực hiện nghị quyết của chi đoàn.

- Chuẩn bị đề án nhân sự BCH mới.

- Xin ý kiến Đoàn cấp trên và cấp ủy chi bộ về những vấn đề nêu trên.

- Triệu tập đoàn viên dự đại hội, phân công đoàn viên thực hiện các khâu trong công tác tổ chức đại hội (trang trí, điều khiển chương trình, các hoạt động trước, trong và sau đại hội…) để đại hội chi đoàn thực sự trở thành một sinh hoạt chính trị quan trọng nhất, thể hiện ý thức trách nhiệm của từng đoàn viên.

Đại hội, hội nghị chi đoàn chỉ có giá trị tiến hành khi có ít nhất 2/3 số Đoàn viên trong chi đoàn tham dự.

3. Chương trình đại hội:

- Chào cờ – Quốc ca – Đoàn ca.

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Bầu Đoàn chủ tịch đại hội, Đoàn chủ tịch giới thiệu thư ký của đại hội.

- Đoàn chủ tịch công bố chương trình đại hội (có biểu quyết thống nhất của đại hội).

- Đoàn chủ tịch trình bày báo cáo của BCH đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ qua, chương trình công tác nhiệm kỳ tới và bản kiểm điểm Ban chấp hành.

- Đại hội thảo luận báo cáo, phương hướng, bản kiểm điểm.

- Đại diện cấp ủy chi bộ và Đoàn cấp trên phát biểu ý kiến

- Đoàn chủ tịch công bố BCH cũ hết nhiệm kỳ, đại hội tiến hành bầu BCH mới;

-Trình bày yêu cầu, cơ cấu, tiêu chuẩn Ủy viên BCH mới.

- Giới thiệu nhân sự dự kiến của BCH cũ và hướng dẫn đại hội thảo luận và giới thiệu người ứng cử vào BCH mới.

- Đoàn chủ tịch đại hội trả lời, giải thích những ý kiến của đoàn viên, quyết định cho rút tên hoặc không cho rút tên khỏi danh sách bầu cử. Đại hội biểu quyết thống nhất danh sách bầu cử.

- Bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên : Trên cơ sở phân bổ đại biểu của BCH Đoàn cơ sở, BCH Chi đoàn dự kiến cơ cấu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên để trình đại hội thảo luận, thống nhất biểu quyết thông qua.

- Bầu tổ bầu cử. Tổ bầu cử hướng dẫn thể lệ bầu cử.

- Tiến hành bầu cử, công bố kết quả bầu BCH, bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên, BCH mới ra mắt nhận nhiệm vụ.

- Thông qua nghị quyết của đại hội.

- Khen thưởng (nếu có)

- Bế mạc đại hội.

4. Cách thức tổ chức đại hội chi đoàn:

-Đại hội chi đoàn là sinh hoạt chính trị quan trọng, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng nguyên tắc điều lệ.

-Thời gian: chi đoàn phải lựa chọn thời điểm tổ chức đại hội phù hợp với điều kiện thuận lợi của đa số đoàn viên để đảm bảo đoàn viên của chi đoàn được tham dự đầy đủ.

-Địa điểm: Đại hội chi đoàn cần được tổ chức tại hội trường, phòng họp, phòng học … để tạo không khí nghiêm túc.

-Khách mời: Đại diện Đoàn cấp trên, đại diện cấp ủy chi bộ, các đoàn thể, các đơn vị kết nghĩa, giao lưu, các đội hình thanh niên của chi đoàn,….

-Trang trí buổi lễ:

-Phông trang trí gồm có: Cờ nước, cờ Đoàn, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Các khẩu hiệu: “Đại hội / Tên Chi Đoàn / Lần thứ-Nhiệm kỳ”...

- Trên bàn chủ tọa, bàn thư ký, bàn đại biểu khách mời nên có bình hoa.

- Ngoài hội trường nên trang trí cờ phướng và 1 câu khẩu hiệu chào mừng.

5. Nhiệm vụ của từng bộ phận trong đại hội:

a-Đoàn chủ tịch đại hội: (Số lượng từ 1 – 3) là người có nhiệm vụ điều hành đại hội theo chương trình đã được đại hội thảo luận, thống nhất; hướng dẫn cho đoàn viên thảo luận, biểu quyết văn kiện đại hội; lãnh đạo việc bầu cử, quyết định cho rút tên hay không cho rút tên trong danh sách bầu cử; giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình diễn ra đại hội… Do đó, Đoàn chủ tịch đại hội nên bầu chọn những cán bộ, đoàn viên có khả năng tổ chức, điều hành, có uy tín và nắm chắc nguyên tắc điều lệ. Cơ cấu Đoàn chủ tịch nên chú ý đến BCH cũ, nhân sự dự kiến tham gia BCH mới.

b-Thư ký đại hội: (Số lượng từ 1 - 2) là người ghi biên bản đại hội, tổng hợp ý kiến phát biểu và các biểu quyết trong đại hội.

c-Tổ bầu cử:(Số lượng từ 2 – 3) có nhiệm vụ hướng dẫn thể lệ bầu cử, chuẩn bị phiếu bầu hợp lệ, kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử, làm biên bản bầu cử.

6. Việc bầu cử tại đại hội chi đoàn:

a-Nguyên tắc bầu cử trong đại hội:

- Khi bầu cử hay biểu quyết phải có quá nửa (1/2) số phiếu bầu (kể cả phiếu hợp lệ và không hợp lệ) hoặc quá nửa số người có mặt tán thành thì người được bầu mới trúng cử và nghị quyết mới có giá trị.

- Trường hợp bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng đã quyết định bầu thì phải tiếp tục bầu lần thứ hai để lựa chọn trong số còn lại của danh sách bầu cử. Nếu bầu lần thứ hai vẫn chưa đủ thì việc có tiếp tục bầu nữa hay không do đại hội quyết định.

- Trường hợp số người được quá nửa số phiếu bầu nhiều hơn số lượng được bầu thì chỉ lấy đủ số được bầu và lấy từ người cao phiếu nhất trở xuống.

- Trường hợp số cuối cùng của số lượng định bầu có 2 người trở lên và có số phiếu bằng nhau thì phải tổ chức bầu lại, trong số những người đó chọn lấy người cao phiếu hơn. Người trúng cử trong số đó cũng phải có quá nửa số phiếu bầu.

b-Bầu Đoàn chủ tịch đại hội:

- Sau nghi thức khai mạc, người dẫn chương trình sẽ điều khiển bầu Đoàn chủ tịch đại hội. Đối với những chi đoàn có từ 3-8 đoàn viên: bầu 1 đồng chí Đoàn chủ tịch hội nghị (có thể là Bí thư chi đoàn). Đối với chi đoàn có đoàn số đông có thể bầu 3 đồng chí vào Đoàn chủ tịch điều hành đại hội.

- Việc bầu Đoàn chủ tịch đại hội tiến hành bằng hình thức biểu quyết.

c-Bầu tổ bầu cử:có thể bầu từ 2-3 đồng chí bằng hình thức biểu quyết

d-Bầu BCH mới:

Việc bầu BCH mới được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.

+ Có dưới 9 đoàn viên: Có Bí thư, nếu cần thiết thì có thể có 01 Phó Bí thư.

          + Có từ 9 đoàn viên trở lên: BCH có từ 3 đến 5 uỷ viên, trong đó có Bí thư và Phó Bí thư.

Lưu ý:Việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội: chỉ nên áp dụng đối với những chi đoàn được Đoàn cấp trên trực tiếp phân loại chất lượng từ khá trở lên. Khi bầu trực tiếp Bí thư, mỗi đoàn viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thực sự dân chủ thảo luận, phân tích kỹ tiêu chuẩn của Bí thư để bầu cử có chất lượng. Có thể tiến hành bằng một trong các cách:

- Đại hội bầu trực tiếp Bí thư xong, sau đó bầu các Ủy viên BCH còn lại

- Đại hội bầu xong Ban chấp hành, sau đó đại hội bầu trực tiếp Bí thư trong số các Ủy viên BCH đó

Bầu đại biểu dự đại hội Đoàn cấp trên: tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín theo số lượng đại biểu được Đoàn cấp trên phân bổ.

7. Những thủ tục cần thiết đề nghị Đoàn cấp trên chuẩn y kết quả đại hội:

Sau đại hội, BCH chi đoàn tiến hành họp phiên đầu tiên phân công nhiệm vụ các Ủy viên BCH do Bí thư chi đoàn cũ triệu tập.

Thủ tục đề nghị Đoàn cấp trên chuẩn y kết quả đại hội gồm:

- Biên bản đại hội chi đoàn, kèm biên bản bầu cử BCH chi đoàn mới.

- Biên bản họp phân công Ban chấp hành.

- Danh sách trích ngang BCH mới.

- Bản đề nghị Đoàn cấp trên chuẩn y kết quả.

 Trên đây là hướng dẫn tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ cấp Chi Đoàn, Ban thường vụ huyện đoàn đề nghị cơ sở  Đoàn hướng dẫn cụ thể cho cấp Chi đoàn triển khai thực hiện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Tuấn

URL của bản tin này: http://tuoitredienban.net/vi/index.php?language=vi&nv=news&op=Tai-lieu-ky-nang-nghiep-vu/NHUNG-VAN-DE-CO-BAN-VE-CHI-DOAN-39

© Huyện Đoàn Điện Bàn - Quảng Nam

dangkhoa6@gmail.com

 

1

 

nguon VI OLET