THƯ VIỆN THCS QUẾ HIỆP
Giới thiệu sách
Quế Hiệp, ngày 24 tháng 03 năm 2012
KỶ NIỆM 37 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH QUẢNG NAM (24/3/1975 - 24/3/2012) VÀ 81 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ QUẢNG NAM (28/3/1930 - 28/3/2012)

Thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!
Như chúng ta đã biết, Quảng Nam-Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương từ năm 1997 là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng như hiện nay. Quảng Nam là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 759km về phía Nam, cách TPHCM 971km về phía Bắc.
Nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam(28/3/1930-28/3/2012), 37 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam( 24/3/1975-24/3/2012), tôi xin giới thiệu 2 tập sách:
- Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (1930-1975)
- Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1975-2005).
Trải qua gần nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã kiên cường, bất khuất chiến đấu chống quân xâm lược vì độc lập, tự do cho quê hương, Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ đó, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã viết nên những trang sử cách mạng hào hùng, tô đậm thêm những chiến công hiển hách của cả dân tộc.
Trước tiên, tập sách lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975) tái hiện lại những hình ảnh lịch sử hào hùng, trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân và Đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng. Sau khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta, Quảng Nam-Đà Nẵng là địa phương chịu hai chế độ cai trị của thực dân Pháp. Quảng Nam là đất “bảo hộ” gồm bộ máy cai trị của thực dân Pháp, đứng đầu là viên công sứ người Pháp đóng ở Hội An, tổng đốc Quảng Nam không có thực quyền, chỉ là công cụ của thực dân Pháp. Đà Nẵng là đất “nhượng địa” thực dân Pháp trực tiếp cai trị, đứng đầu là viên đốc lý người Pháp. Các chức vụ lớn nhỏ đều do thực dân Pháp nắm giữ. Chính sách cai trị của bọn chúng đều là chính sách: độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị biến Quảng Nam và Đà Nẵng là nơi khai thác nguyên liệu, bóc lột nhân công và tiêu thụ hàng hóa Pháp, biến chính quyền phong kiến thành bù nhìn tay sai.
Nhìn chung, nông dân Quảng Nam và Đà Nẵng giàu tinh thần đấu tranh cách mạng, bền bỉ, kiên cường trong đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Họ yêu nước, ghét Pháp và trở thành đồng minh đáng tin cậy của cách mạng, nhất là khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Nhiều phong trào yêu nước như Nghĩa hội Quảng Nam, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân… liên tục nổ ra nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước chống Pháp kể trên cho phép chúng ta ghi nhận Quảng Nam-Đà Nẵng là nơi nổ ra phát súng đầu tiên chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, làm thất bại âm mưu “ đánh nhanh thắng nhanh” của chúng trong việc thôn tính nước ta.
Ngày 28/3/2930, Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập, đánh dấu một mốc son quan trọng, mở ra thời kỳ đấu tranh của nhân dân trong tỉnh theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ đây, Đảng bộ đã lãnh đạo thắng lợi các phong trào đấu tranh trong tỉnh.
Với nguồn tài liệu phong phú, bố cục gồm 11 chương và phần kết luận được biên soạn một cách khoa học, mạch lạc dựa trên nhiều công trình nghiên cứu lịch sử của địa phương cũng như lịch sử Đảng bộ, quyển sách lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (1930-1975) thể hiện tính chân thực của lịch sử; đồng thời miêu tả một cách đầy đủ, sinh động và toàn diện quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, cũng như những thành quả to lớn mà người dân xứ Quảng đã đạt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thưa các thầy cô cùng các em học sinh!
Bên cạnh đó, hậu quả sau 30 năm chiến tranh để lại trên vùng đất Quảng Nam vô cùng tàn khốc: hơn ¾ số thôn, xóm bị tàn phá, trên ¾ đất canh tác bị bỏ hoang, bom mìn sau chiến tranh còn dày đặc; hàng trăm người bị chết, bị thương; dân cư trở về làng cũ trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu đói, không có việc làm…
Thế nhưng, sau 30 năm (1975-2005), tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành tựu to lớn toàn diện, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, tập sách biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1975-2005) sẽ giúp thầy cô giáo và các bạn học sinh chúng ta nắm bắt quá trình ra đời, phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam từ năm 1930 đến 2005.
Hơn 10 năm tách ra từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Nam đã chọn hướng đột phá, đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, thực hiện cơ chế mở, thu hút các nguồn lực đầu tư. Tập sách này bao gồm các sự kiện chính của các giai đoạn sau:
- Từ những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đến tháng 3 năm 1979, nhân dân Quảng Nam vừa lao động vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, cải tạo nền kinh tế, góp phần cùng cả nước phục vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

- Từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 12 năm 1986, Đảng bộ và nhân dân tiếp tục cải tạo nền kinh tế, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; khai thác 4 thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, công nghiệp, rừng và biển. Từng bước tìm bước đi thích hợp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời cũng tìm ra hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội hết sức trầm trọng do hậu quả của chiến tranh để lại. Quảng Nam trong giai đoạn này là một trong những địa phương dẫn đầu về các mặt của cả nước. Bên cạnh đó còn tập trung sức cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực phản động trong nước.
- Từ năm 1987 đến tháng 12 năm 1996 là giai đoạn triển khai đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Giai đoạn này, Đảng bộ đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trên địa bàn
tỉnh, bao hàm việc sửa chữa những khuyết điểm, vừa tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách, vừa giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ những thành quả cách mạng; góp phần đưa đất nước thoát khỏi hiểm nghèo do chính sách bao vây cấm vận của đế quốc Mỹ.
- Từ tháng 1 năm 1977 đến tháng 12 năm 2005 là giai đoạn tỉnh Quảng Nam cùng với thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trên cơ sở tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây là giai đoạn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do điểm xuất phát thấp, thiên tai liên tiếp xảy ra, đời sống nhân dân miền núi và vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vẫn chưa ổn định, không ít nơi vẫn còn thiếu đói. Tuy nhiên, Đảng bộ đã biết phát truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy những thành tựu đạt được của những năm trước đó, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa nền kinh tế-xã hội tăng với tốc độ nhanh.
. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.
Các sự kiện được đưa vào bao gồm: các kỳ Đại hội của Đảng bộ, các Hội nghị định kỳ, lễ kỷ niệm các ngày lễ tròn năm, một số chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước…
Các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian và có chọn lọc nhằm trình bày tương đối có hệ thống các chủ trương của Đảng bộ, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, công tác xây dựng Đảng về chính trị , tư tưởng và tổ chức…
Để giúp bạn đọc thuận lợi khi nghiên cứu nội dung, tập sách còn có danh mục tra cứu theo 8 vấn đề: Kinh tế, văn hoa - xã hội, nội chính, mặt trận-đoàn thể, chính quyền, đối ngoại, xây dựng Đảng và những vấn đề khác.

. Như vậy, trong hai cuộc kháng chiến, quân và dân Quảng Nam đã lập nên hàng loạt chiến thắng vẻ vang mà đỉnh cao là giải phóng Tam Ký, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam. Quê hương đất Quảng rạng ngời truyền thống “ trung dũng kiên cường” đã quét sạch bóng quân thù. Thắng lợi của quân và dân Quảng Nam đã góp phần to lớn cùng quân và dân Quảng Đà, thành phố Đà Nẵng đập tan căn cứ quân sự lớn thứ hai của Mỹ-ngụy ở miền Nam, diệt và làm tan rã hơn 10 vạn tên địch, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra bước ngoặc lịch sử, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phấn khởi, tự hào kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Quảng Nam, 82 năm ngày thành lập Đảng bộ Quảng Nam, chúng ta-những thế hệ của mai sau tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” cũng như ý chí tự lực, tự cường trong quá trình đổi mới đất nước, quyết tâm ra sức dạy tốt-học tốt để xứng đáng là con cháu đất Quảng.
Cám ơn sự chú ý và lắng nghe của quý thầy cô và các em!
nguon VI OLET