Người thực hiện: nguyễn thị THU
THƯ ViỆN TRƯỜNG TiỂU HỌC DUY TÂN
Tháng 11 năm 2010
Mở đầu cho buổi giới thiệu sách hôm nay kính mời quý vị đại biểu, cùng tập thể sư phạm trường chúng ta lắng nghe bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Hôm nay trong buổi sinh hoạt nhân kỷ niệm 28 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11của trường chúng ta. Tôi xin giới thiệu đến quý vị đại biểu quý thầy cô chúng ta một cuốn sách. Đó là cuốn “Nhật kí nhà giáo vượt Trường Sơn”.
Khi cầm trên tay cuốn Nhật kí nhà giáo vượt Trường Sơn, tôi vẫn còn chưa hết cảm giác băn khoăn về tựa đề của nó bởi chữ “nhà giáo”. Tôi luôn tưởng tượng ra nhà giáo là người mảnh khảnh, khoan hoà, chỉ quen với bảng đen phấn trắng, sao lại là “vượt Trường Sơn”? Tôi hối hả đọc, rất muốn xem cuốn nhật kí này khác với những cuốn nhật kí mình đã từng đọc ra sao?
Nhà giáo Liệt sĩ Võ Tề
(1935-1965)
(Bí danh: Võ Hồng Sơn)
Phần i : Vượt Trường Sơn ra tiền tuyến
Phần ii : Hoạt động (trên chiến trường khu 6)
Phần iii : Thư của nhà giáo, liệt sĩ Võ Tề gửi về gia đình
Nhật kí chiến trường của nhà giáo, liệt sĩ Võ Tề do NXB Giáo dục
ấn hành vào những ngày thu tháng 8 năm 2006, gồm ba phần:
Ngoài ra, phần phụ lục cũng đem lại cho người đọc sự xúc động bởi những dòng tâm sự từ người thân của nhà giáo, liệt sĩ Võ Tề đầy yêu thương và tiếc nhớ. Những bức ảnh đậm nét như bóng dáng anh vẫn còn đây, không phai nhạt trong tâm trí những người đã từng sống và làm việc với anh, khắc thêm trong trái tim tuổi trẻ hôm nay một nét son về một tấm lòng và nhân cách đáng để chúng ta học tập.
Cuốn nhật kí dày 260 trang, in trên khổ giấy 14,3 x 20,3 cm. Cùng bìa sách màu đỏ đun ấm áp làm nền cho những con chữ giản dị mà cứng cỏi, cuốn nhật kí như ôm trọn một cuộc đời sống nhiều ý nghĩa. Bức ảnh nhỏ màu nâu với cảnh rừng núi hoang sơ, tĩnh lặng cùng những thân cây không lá tựa như báng súng đang chĩa lên trời với khát vọng bình yên. Mảng núi xa mờ như ẩn chứa cả một vùng kí ức, cả một vùng kỉ niệm của một trái tim mang nặng tình yêu quê hương, đất nước, yêu cái nghiệp của mình còn hơn chính bản thân.

Nhà giáo, liệt sĩ Võ Tề tham gia thiếu sinh quân từ năm 15 tuổi, rồi được đào tạo ở trường sư phạm và trở thành thầy giáo. Mười lăm năm miệt mài đưa đón những con thuyền học trò cập bến bờ trên đất Bắc cũng không cản được bước chân anh ra với chiến trường khi Tổ Quốc lâm nguy. Dù con tim đau nhói khi phải xa nơi mình đã gắn bó với gia đình thân yêu, với những trò nhỏ ngoan hiền, nhưng cùng chung một nhịp đập trong trái tim lớn của dân tộc. Anh đã thực sự thấm nhuần câu thơ nổi tiếng: “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Chính anh đã tâm sự: “Từ một giáo viên, bây giờ anh lại trở thành một cán bộ có tính cách đe-giê-năng”.
Anh tham gia vào nhóm biên soạn tờ báo Vượt Trường Sơn. Lại thêm nhiệm vụ “đập tan những luận điệu xuyên tạc, truy lùng và bắt đi cải tạo những tên điệp ngầm”.  Anh còn “được phân công tổ chức học tập cho số nghĩa quân cầm súng chạy về”. Rồi lại còn kiêm luôn cả chức y tá. Anh cũng chính là tác giả bài thơ gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Xuân Hồng phổ nhạc thành bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã hát say sưa.
Mỗi trang nhật kí được mở ra là bấy nhiêu nổi lòng chân thật được hiển hiện. Mở đầu nhật kí, ngày 6-12-1964, Võ Tề đã viết: Mình “phải thật với lòng mình”, “mình đã đấu tranh thắng lợi với những tư tưởng yếu đuối: ngại chết, ngại gian khổ”... “Mình sẽ không ngã trong đoàn quân vĩ đại của miền Nam”.
Anh luôn dặn mình phải là người thầy giáo giỏi, truyền thụ cho các em học sinh thấm nhuần lí tưởng cách mạng, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, anh rất yêu những bài thơ của Tố Hữu và luôn nhắc mình phải học thuộc thêm nhiều bài thơ hay để dạy lại các trò nhỏ, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước trên khắp mọi miền anh sẽ đi qua.
Trong nhật kí của anh, những câu thơ yêu nước của Tố Hữu luôn cận kề, nhắc nhở anh sống và làm việc vì cái chung, vì truyền thống của người con nước Việt. Anh đã thấm thía và rút ra một chân lí: “ Vì quyền lợi thiêng liêng của Tổ Quốc, người Việt Nam nào cũng sẵn sàng hy sinh quyền lợi gia đình”.
Mà lạ quá, trong chiến tranh ác liệt, trong cái khắc nghiệt của vùng rừng núi, anh vẫn không thôi làm thơ, những lời thơ giản dị, thắm đượm tình cha con, tình vợ chồng, tình đồng chí, tình quê hương, cách mạng. Phải chăng nhờ có những vần thơ đó mà biết bao tâm hồn đã chiến đấu và chiến thắng. Niềm hi vọng luôn bừng lên trong thơ:
“Năm nay vui Tết rừng xanh.
Tết sau về giữa đô thành đón xuân” (Trang 35)
Ý chí chiến đấu nhờ thơ mà càng thêm quyết tâm:
“Bác dạy: Quyết chí làm nên
Ghi tạc lời Bác, nuôi thêm chí bền”... (Trang16)
Sao tâm hồn những người ra trận lại mênh mông và đẹp đẽ đến thế!
Trong những bức thư Võ Tề gửi người thân, anh cũng chia sẽ với mọi người về đời sống thường ngày cũng như những suy nghĩ về cuộc chiến, về những người xung quanh... Có thể thấy, trong những bức thư viết vội trên những mảnh giấy ít ỏi của nhà giáo, liệt sĩ Võ Tề gửi cho người thân ngoài Bắc bao giờ cũng toát lên tình yêu thương, nỗi niềm thương nhớ và trên hết là thái độ lạc quan, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, lòng yêu nước nồng nàn. Anh chính là một biểu tượng của một thế hệ giàu lòng nhân ái, giàu đức hy sinh và tâm hồn luôn phơi phới niềm tin cách mạng, luôn vun đắp cho lí tưởng mình đã chọn ngày càng nở hoa rực rỡ.
Xúc động nhất là lá thư cuối cùng, người đọc biết là lá thư cuối cùng nên đọc đến sao mà nghẹn ngào, tiếc thương, trong khi những lời lẽ của anh thì vẫn mê say và lạc quan nghĩ đến ngày trở về, mong chờ được tắm trong niềm vui chiến thắng, xem việc mình đang làm sẽ còn làm dài lâu: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng lòng tự hào dân tộc và lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đã là chuyện của mọi ngày và mọi người”.
Những dòng hồi ức mọi người viết về anh cũng khiến người đọc thực sự xúc động. Chị dâu của anh là họa sĩ Vũ Giáng Hương đã kết thúc hồi ức rằng: “Bốn mươi năm đã trôi qua, từ ngày Tề ra đi và hy sinh như một người chiến sĩ. Chỉ tiếc rằng em đã mất đi giữa lúc còn thanh niên mang theo cả khả năng và hoài bão của tuổi trẻ... Người trí thức đã đem cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, để lại nỗi tiếc thương cho gia đình và bè bạn”. Còn con gái của anh, nay cũng đã thành nhà giáo như cha thì không nén nổi xúc động: “Khi đánh máy lại những dòng tâm sự của cha đối với tôi, mắt tôi đã nhoà đi và thổn thức không sao đánh tiếp được. Tôi cảm thấy quý giá cuộc sống cha đã cho tôi, trân trọng những gì tôi đã có và biết ơn những người như cha tôi đã hy sinh cuộc sống của mình để dành cuộc sống hạnh phúc cho những đứa con yêu thương của họ”. Vợ anh, người nhiều tâm sự nhất đã kể về anh, về cuộc sống của chị khi vắng anh tường tận và nhiều xúc động rồi cũng tự dặn mình yên lòng vì “Anh đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu thương của anh vẫn ở lại: an ủi, động viên vợ con. Anh sống mãi bên cạnh mẹ con tôi”.
Anh đã ngã xuống khi mái tóc còn xanh nơi buôn Khiêu, thượng nguồn sông Đồng Nai xa xôi. Mấy mươi năm mới được về lại quê mình, nhưng chắc chắn những ngày nằm cùng cỏ cây, sông suối nơi chiến trường, anh không cô đơn, vì còn bíêt bao đồng đội nằm bên anh, biết bao người còn đang chiến đấu xung quanh anh và những người thân yêu luôn nhớ về anh. Những dòng chữ viết từ trái tim anh còn đó, vẫn còn rung động, đầy xúc cảm, chan chứa tình yêu thương. Đó chính là linh hồn anh sẽ còn trường tồn, còn đọng lại như một giọt nắng trong trên mảnh vườn rộn rã chim ca, rực rỡ hương hoa của ngày thanh bình. Chúng ta - những người đang sống sẽ cố gắng viết tiếp những dòng nhật ký cho xứng đáng với người đã nằm lại nơi chiến trường.
Gấp quyển sách lại rồi mà lòng tôi còn thổn thức một nỗi buồn, nhưng đó là một nỗi buồn thật trong, thật ý nghĩa, nó đã đánh thức ý chí trong tôi, xua tan những hẹp hòi trong tôi, dạy tôi biết trưởng thành và sống đẹp hơn, vì sự nghiệp chung, vì đất nước đang nuôi dưỡng tôi và mong tôi  sớm trở thành người có ích,  xứng đáng với sự hy sinh của những con người thầm lặng như Nhà giáo, Liệt sĩ Võ Tề.
nguon VI OLET