Giới thiệu đôi nét về con người và tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh

 

Tên thật: Trần Nhuận Minh
Sinh năm: 1944
Nơi sinh: Nam Thanh - Hải Dương
Bút danh: Trần Nhuận Minh, Trần Bình Minh
Thể loại: thơ, truyện ngắn

Các tác phẩm:
- Đấy là tình yêu (1971)
- Âm điệu một vùng đất (1980)
- Trước mùa mưa bão (1980)
- Thành phố bên này sông (1982)
- Nhà thơ áp tải (1989)
- Hoa cỏ (1992)
- Nhà thơ và hoa cỏ (thơ, 1993)
- Bản xônát hoang dã (2003)

 

Giải thưởng văn chương:

 

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1980) - tập thơ Âm điệu một vùng đất
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1990) - tập thơ Nhà thơ áp tải
- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1979) - tập Trước mùa mưa bão
- Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về chuyên ngành văn học với hai tập thơ
+ Nhà thơ và hoa cỏ ( 1993 )
+ Bản xonat hoang dã (2003 )
(Kèm theo Quyết định của Chủ tịch nướcSố /2007/QĐ-CTN, ngày tháng năm 2007)




Giới thiệu về thơ Trần Nhuận Minh



Mùa hè năm 2007 Tôi có dịp vào Bình Dương thăm anh chị tôi đang sống và làm việc ở đó . Anh rể tôi công tác tại cơ quan lý luận tư tưởng văn hóa Quân đoàn 4 , biết tôi đang tìm tư liệu về một số tác phẩm thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh , để giúp tôi anh đã yêu cầu một số anh em trong quân đoàn hỗ trợ . Vô tình tôi biết đến “ Bản Xonat hoang dã “ của ông xuất bản năm 2003 do nhà xuất bản Văn học ấn hành . Tập thơ đã được Tặng thưởng Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam , và vào ngày 10/3/2007 hai tập thơ “ Bản Xonat hoang dã “ và “ Nhà thơ và hoa cỏ “ của ông đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành văn học .
Cũng vô tình đọc Văn nghệ Quân Đội số 609 ,nhà báo Nguyễn Xuân Đức có bài viết về tập thơ này . Nhân đây xin giới thiệu đến các bạn một phần nào đó về Trần Nhuận Minh và những bài thơ của ông
 

Thơ Trần Nhuận Minh

 

( Nguyễn Xuân Đức )



Những nhà thơ đích thực bao giờ cũng từ trực cảm tinh tế của mình tiến sát tới sự mình triết phương Đông để cảm nhận chân lý
Trong “ Nhà thơ và hoa cỏ “ Trần Nhuận Minh không đứng ngoài quan sát một cách duy lý mà tự hòa đồng để cảm nhận số phận của mỗi kiếp người . Có thể nói anh không chỉ sống có một kiếp người
Ngay từ “ Nhà thơ và hoa cỏ “đặc biệt “ Bản xonat hoang dã “ Trần Nhuận Minh muốn vươn lên hòa đồng với trời đất để cảm nhận , để minh triết chân lý . Anh đã:

Giầm mình trong than như cái rễ cây
Hoàn toàn tự do trong đất tối
( Đá cháy )


Vâng , chỉ hoàn toàn hòa đồng vào than , tan biến vào than , tự do trong đất tối mới có thể cảm nhận :

Máu ta chảy qua địa tầng đen thẳm
( Bừng thức )


Phải tan thành mùa thu mới thấy:

Về thôi em , vàng thu đã rụng rồi
Buồn và sáng những mảnh hồn xao xác
( Lời từ biệt )


Lần đầu tiên đọc câu thơ này , tôi cứ bâng khuâng tự hỏi câu thơ ấy từ đâu tới ! Liệu với tư duy duy lý thì có thể viết được câu thơ này chăng
Anh có phải đạo sĩ ngồi thiền để đạt tới minh triết không mà có thể quán tưởng đến độ


Thời gian lộng lẫy vàng …
Ta cởi trói các giác quan
Phút chốc trăng ngập đầy tim phổi
Không phải ta thở mà trăng thở
Không phải ta nghe và trăng nghe
Không phải ta nghĩ mà trăng nghĩ …
Vợ ta lên sân thượng tìm ta
Xáo vào chân ta mà nàng không biết
Ta ôm nàng mà nàng không hay
( Bản xonat hoang dã – tr.13 )


Và :

Ôi đêm nay nhiều trăng quá
( Bản xonat hoang dã – tr.13 )


Khi hòa đồng với đất trời thì các nhà thơ , các nhà tư tưởng luôn đụng tới “ Những vấn đề muôn thuở của kiếp người “ ( Nhận xét của Iuri Konhetxki về thơ Trần Nhuận Minh )

Cuộc đời đến đau ư ?
Con người là gì vậy ?
Họa phúc có hay không ?
Kiếp sau ai đã thấy ?


Trước những câu hỏi ấy mỗi con người như :

Những mảnh hồn thao thức
Bơ vơ trong sương mù
( Yên Tử - 1983 )


Phải đến 1992 trong “ Bừng thức “ – sau này anh đã lấy thay lời tựa cho “ Bản xonat hoang dã “ - mới xuất hiện câu hỏi


Hư ảo hỡi !! Giữa vô cùng Còn Mất
Ta là ai ? Thăm thẳm có Ta không


Những nhà tư tưởng thường tách thành bốn câu hỏi để suy ngẫm , để suy ngẫm , để chiêm nghiệm : Ta là ai ? Ta từ đâu đến ? Ta đến đây để làm ? Ta sẽ về đâu ? Khúc triết sâu sắc nhưng vẫn có gì hơi duy lý . Câu hỏi của Trần Nhuận Minh rất thơ , nó mông lung , đa nghĩa , rất gần với sự minh triết . Ta là ai ? Thì khá rõ ràng nhưng “ Thăm thẳm có ta không ? “ thì lại gợi biết bao trăn trở , suy tư : Ta từ cõi thăm thẳm xuống đây chăng – thiên hạ - rồi ta lại về cõi thăm thẳm chăng ? Nhưng , có cõi thăm thẳm không ? Nó là cõi nào vậy ?
Platon từng nói : Liệu có phải ta hiện diện trên trái đất này là cái bóng của ta ở thăm thẳm chăng : hay như các nhà duy vật quan niệm : ta ở đây tự tạo ra cái bóng mình ở cõi thăm thẳm …Và sự liên tưởng có thể đẩy tới mọi chân trời … để cuối cùng chỉ còn

Ta một mình với một Đấng Mê Tơi
( Bừng thức )


Vâng , các nhà thiền sư , các hiền triết trong tĩnh lặng sẽ linh cảm về bản thể mà mỗi người có cách gọi tên riêng . Phương tây gọi Thượng Đế : Phương đong gọi Trời : Tạo hóa thích ca gọi Chân Như : Lão tử gọi Đạo : Tago gọi một chữ Người và coi là bạn , là thày , là chúa tể : Các nhà khoa học hiện nay còn đặt một cái tên rất hiện đại : Trường thông tin toàn vẹn . Trần Nhuận Minh gọi là Đáng Mê Tơi – hơi hài hước một chút – âu cũng là cái “ nghiệp “ của anh
Không chỉ cảm nhận mà anh thấy mình hòa làm một Đấng Mê Tơi trong linh cảm “ Bừng thức “ . Cùng với quyền năng của Đấng Mê Tơi thi sĩ – thì có lạ gì Ngài không đem giọt rượu hạnh phúc :

Giọt rượu hồng ta vẩy khắp nhân gian
( Bừng thức )


Cũng với quyền năng ấy thì có gì ngăn trở khi Ngài cho chàng Trương Chi sống lại để chèo thuyền gỗ bạch đàn trên dòng sông Cửa Lục .
Sau cái phút thăng hoa ấy anh muốn hư tâm để hòa làm một với Đấng Mê Tơi , để hóa thành chân lý . Anh đã cố gắng biết bao mong tự xóa dấu chân mình ; tự xóa những cay đắng dập vùi , những yêu ghét và đau khổ ; tự xóa đi bao khát vọng để :

Như một sợi tơ trời
Đến mức có thể tự bay lên
Và mất tích trong thinh không
Như nó không hề có
( Bản xonat hoang dã – tr23 )


Và để rồi :

Hỡi Đấng Mê Tơi
Bây giờ tôi sạch nợ trần ai
……..
Những sung sướng
Không còn làm tôi sung sướng
Những đau khổ
Cũng không còn làm tôi đau khổ
( Bản xoonat hoang dã – tr.49 )


Anh mong ước :

Tôi gõ vào ngực tôi
Tôi ơi , mở ra
Cánh cửa tôi đã mở
Và tôi thấy chẳng có gì
( Bản xonat hoang dã – tr.37 )


Trong “ Hoàng lão tâm pháp “ Lão tử dạy người ta luyện tinh hóa khí , luyện khí hóa thần , luyện thần hoàn hư , đấy là con đường trở về với Đạo . Và chỉ khi hoàn hư – Tôi chả là gì – cũng là lúc có thể gõ vào núi Bài Thơ để một

Thiếu nữ dịu dàng
E lệ cười xao xuyến


Hiện ra , gõ vào mặt nước vịnh Hạ Long để chàng Trương Chi hiện ra và gõ vào áng mấy để bầu trời xanh hiện ra với “ Những ngôi sao vàng như mắt quỷ “ vỡ tung tóe . Không phải chỉ riêng Trần Nhuận Minh mà tự cổ chí kim biết bao người mơ ước quyền năng ấy !
Tuy nhiên ở chỗ khác anh lại hết sức chân thật :

Đấng Mê Tơi hỏi tôi
Chả lẽ người cũng muốn gì ư
Nhưng khi Đấng đâu có nghe tôi trả lời
Ngay cả khi Đấng nhập vào hồn tôi
Đấng cũng tít tắp xa
( Bản xonat hoang dã – tr.41 )


Và đây mới đích thực Trần Nhuận Minh

Ta bàng hoàng trước cái không thể biết
Đang nhào nặn ta trong cõi vu cùng
Chả lẽ những chấm người mong manh trên trái đất
Lại biểu hiện mơ hồ huyền bí của không trung
( Vô thức – Nhà thơ hoa và cỏ )


Cái mong muốn đạt tới chân lý đan xen với cảm giác bất lực không sao đạt tới . Ai đã từng tu dưỡng lẽ Đạo mà không bắt gặp cảm giác này
Thật ra thì Trần Nhuận Minh đặt ra cho mình một sứ mạng khiêm tốn và thiết thực hơn . Anh muốn lắng nghe những âm thanh từ cây đàn của Đấng Mê Tơi , một cây đàn không thơ mà :

Muốn nhìn ư
Phải nhắm mắt lại
Muốn nghe ư
Phải bịt tai lại


Mới có thể thấy được

Những bí ẩn xanh rờn
Dạt dào tuôn chảy tự trời cao


Và để cho:

Cơ thể tôi vang động
Nhưng âm thanh không có âm thanh
( Bản xoonat hoang dã –tr.29,30 )


Anh muốn họa lại bằng cây đàn thơ mà anh “đã lấy trộm “

Của những đêm trăng buồn
Ngón tay hoang sơ của gió
Đã gẩy lên
Tiếng nghẹn ngào
Của những ngôi sao xanh
Biêng biếc chết trên đầu ngọn cỏ
( Bản xonat hoang dã – tr.28 )


Anh muốn mọi người cùng được nghe

Những bí truyền của Đấng Mê Tơi
Lặng lẽ theo giọt mưa xuống đất
… Và tiếng gào của đá
Vào lúc nửa đêm
Tiếng rì rào của gốc cây khô
Vào cuối buổi đông tàn
Tiếng đanh ròn tóe lửa
Những cú nhảy giao hoan
Của lũ côn trùng
( Bản xonat hoang dã – tr.75 )


Cùng anh nghe thấy chính anh:

Rất có thể tôi là vang vọng mơ hồ
Của những ký thác xa xăm
Mà cha ông ta xưa từng bỏ lửng
Giữa những trang sách
( Bản xonat hoang dã – tr.47 )


Nghe trong

Ánh trăng vặng lặng
Mà thổi thành gió hiu hiu
Trong hồn cỏ cây
Mà ngân vang trong mọi tế bào tôi
Như một tiếng đàn xa
( Bản xonat hoang dã – tr.61 )


Thời đại ngày nay ,các nhà khoa học nói chung và các nhà vật lý đỉnh cao nói riêng đang muốn từ phương pháp duy lý phương Tây vươn tới sự minh triết phương Đông , nhằm giao hòa với trường “ý thức thuần khiết không giới hạn “
Thơ lại càng như vậy . Từ trực cảm với tình yêu ( theo nghĩa rộng ) làm trung tâm chuyển sang duy lý mà ta thường gọi là thơ trí tuệ (!) tất yếu sẽ dẫn thới sự minh triết trong thơ

Thao hướng này . Trần Nhuận Minh muốn đi trên đường của mình với 23độ nghiêng giống như trái đất nghiêng 23 độ trên mặt phẳng hoàng đạo khi bay trong quĩ đạo để tạo nên bốn mùa xuân , hạ , thu , đông và toàn bộ sự sống diệu kỳ trên hành tinh xanh yêu dấu của chúng ta

 


Mắt nào em ném trao anh
Dao cau bổ dọc toang mành trời đêm
Môi nào rót mật ...say mềm
Mà giờ rơi rớt ... bên thềm lắt lay

Phút lâm chung của cụ Hãn 

Nhờ ông viết giùm bài báo
Xin lỗi hàng ngàn trẻ con
Một đời tôi chuyên đánh chúng
Có đứa đến hộc máu mồm 

Không tiền mà muốn xem phim
Chúng có trăm mưu ngàn kế
Vẫn không che nổi mắt tôi
Chiến sĩ thi đua là thế ! 

Trèo tường chui qua cửa sổ
Quấn mình trong tấm màn nhung
Nằm bẹp dưới gầm ghế lớn
Tôi cũng moi ra tận cùng. 

Đất nước chả giàu lên được
Dù tôi chắt bóp từng đồng
Muốn thiện lại thành ra ác
Có ai giống với tôi không ? 

- Thưa cụ khó mà viết báo
Tôi làm thơ có được chăng ?
Úp mặt vào tường, từ đó
Cụ im chẳng nói chẳng rằng 

Cụ đã giã từ cuộc sống
Vong linh muốn được thanh nhàn
Thương ôi !
- Hỡi các bạn trẻ
Tha cho lỗi lầm thế gian... 


Dặn con 

Chẳng ai muốn thành hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn 

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào 

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán 

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này..

Thơ Tình Ngày Không Em



Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng buộc em bao tội lỗi
Em đứng lặng mặt úp vào bóng tối
Khổ thân em có nói được gì đâu

Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng hẹn em đêm ấy nữa
Để quá khứ chỉ còn là thương nhớ
Và tương lai chí ít cũng ngọt ngào

Nếu biết rằng ta sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng trách em yêu người khác
Điều đơn giản bây giờ anh mới biết
Thì em xa, em đã quá xa rồi…

Đất Mũi


Hạt mưa li ti, lao vào rát mặt
Gió ù tai, phải nói bằng tay
Sông Cửa Lớn, xuồng chồm như ngựa trận.
Đồn biên phòng đỏ một sắc cờ bay.
Tôi nâng giọt phù sa vạn dặm
Phiêu bạt ngàn năm trong kênh rạch mỡ màu
Để một thoáng đất trời mộng ảo
Sinh thành cho Tổ quốc Mũi Cà Mau.
Sinh thành cho Tổ quốc Mũi Cà Mau
Bao căn lều buộc ngang rừng ẩm ướt
Những chiếc ghe vượt mưa bão bời bời
Cây đước sống choãi toàn thân giữ đất
Chết nhô lên phơi xương trắng như người.
Sóng biển đỏ ngầu ngổn ngang hoang dại
Cuồn cuộn táp vào tôi khi tôi đứng dầm chân như cây đước cuối cùng
Chợt thấy người xưa giành lại giang sơn trên yên ngựa
Cuối trời, dựng kiếm, nhớ Thăng Long…


Màu Xưa



Em hắt lên anh màu thu biếc người
Em như vầng trăng sang bên kia trời
Mắt môi nào xưa thôi buồn mà chi
Gió đã lay rừng muôn chim bay đi

Bâng khuâng tìm ai cho gai lòng nhau
Đã qua sương thu rơi vàng hoa cau
Đã qua nồng hè mưa lan tan mau
Đã qua hanh đông lá đầy vườn sau

Còn chăng hương xuân trong đôi hoa tay
Chạm vào môi em hoang vu khô gầy
Xoa lên má em xanh mờ hồn xưa
Vuốt trên mi em mặn nhòa hơi mưa...



Chiều Xanh



Có một chiều xanh thẳm ở trong nhau
Gian gác nhỏ mưa lan mờ bến bãi
áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu

Có một chiều xa vắng ở bên nhau
Gió non thổi bậc thềm già nắng quái
Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải
Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây

Có một chiều giếng đá lá khô bay
Con đường dốc em đi không trở lại
Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi
Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu

Có một chiều yên ấm ở xa nhau
Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết
Tà áo bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay...

Nguyễn Du

 

Đến đâu con cũng gặp Người

Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa

Hạc Vàng một bóng lầu xa

Hồ Nam úa nắng chiều tà hanh heo

Tiệc to thường ở nơi nghèo

Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay

Người xưa đi sứ qua đây

Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi

Cỏ cây, thành lũy khác rồi

Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu

Thời nào thì cũng như nhau

Nõi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa

Tiền Đường sầm sập đêm mưa

Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều

Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu

Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn

Sắc tài chi để trời ghen

Người đâu phải nước đánh phèn cho trong

Cõi đời đâu cũng long đong

Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên

Bời bời những cuộc đỏ đen

Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang

Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn

Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi…

Bâng khuâng con lại thấy Người

Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa…

                                                                  Cố Cung, 21-9-1999

 

 

Nhà thơ áp tải
Tặng nhà thơ Thanh Tùng

Bạn từ Hải Phòng sang
Toả đầy sân mùi biển
Nói đủ mọi thứ chuyện
Tay vung hai phía trời

Bạn làm nghề áp tải
Đường bộ và đường sông
Thỉnh thoảng lại gặp cướp
Còn trộm thì... mênh mông

Đất nước có một thời
Kẻ gian nhiều như nấm
Không ngờ một nhà thơ
Lại sống bằng nắm đấm

Đã từng cho một "chưởng"
Những thằng đến "mổ" hàng
Cũng từng bị nó đánh
Thuốc xoa vài ba thang

Đã từng uống chè vặt
Đói đến vàng mắt ra
Cũng từng ngày hai bữa
"Thả phanh" nhai thịt gà

Tải hàng không được mất
Đêm đêm thức cùng sao
Thơ trong đầu nổi loạn
Mà chẳng nên bài nào

Bạn "choảng" liền một mạch
Bọn sống chỉ vì tiền
Đứa viết gì cũng giả
Lại được đài, báo khen

Khi buồn đừng uống rượu
Lúc vui chớ lắm lời
Bạn rằng: Tao chấp tất
Miễn hàng đưa đến nơi

- Hãy áp tải sự thật
Đến những bến cuối cùng!
Chai rượu ngang dốc ngược
Đứng cùng trời
                        Uống chung ...

 

 

Chùm thơ lục bát của Trần Nhuận Minh

VỚI BẠN

Mùa xuân như chén rượu đầy
Bạn ơi, cạn nỗi riêng này, với ta
Anh em ruột thịt trong nhà
Không chung chén rượu cũng là người dưng
Lòng vui thì uống rượu mừng
Lòng buồn thì uống để cùng thương nhau

Buồn vui trắng nửa mái đầu
Đời người đắng ngọt nông sâu đã từng...
Bạn ơi, nâng chén rượu mừng
Bao năm bom đạn, biển rừng, có nhau
Sóng cao chẳng nản tay chèo
Gian nan cũng chẳng đặt điều kêu ca
Gần xa bạn đến thăm nhà
Mặn chua, đĩa mắm, quả cà, cũng ngon
Làm thơ ở dốc Bồ Hòn
Câu khôn câu dại, câu còn dở dang...
Niềm thơ đã chót đa mang
Còn mong của rỗi, tâm nhàn, được sao...
Bạn ơi, nâng chén rượu đào
Đắm say, bông bụt nghiêng vào mái hiên
Một trời, một bạn, một em
Một thơ với một nỗi niềm khôn nguôi
Câu thơ như mảnh hồn người
Chắt chiu sương nắng một thời cho nhau...

                                                                  Bồ Hòn, 1980

HOA TRẮNG

Giâu gia hoa nở bao giờ
Sớm nay bỗng thấy bất ngờ hương bay
Bấy giờ mới ngước lên cây
Từng chùm hoa nhỏ thơ ngây dịu dàng
Lúc đầu hoa lấm tấm vàng
Đến khi trắng muốt là tàn mất hoa
Có gì muốn nói với ta
Nhưng chưa nói được thì hoa lìa cành
Bước đi, chậm, nhẹ, chứ anh
Vùng than đen, trắng những nhành hoa rơi...

                                                         Bồ Hòn, 2 - 1970

BÊN DÒNG TỤC NGỮ

Bông hoa nào có nói gì
Gần cây thì có lạ chi  bóng cành
Đàn bà ưa đứa tinh ranh
Thánh nhân thích đãi những anh khù khờ
Kẻ khôn sẽ dại bất ngờ
Trước chê trời thấp bây giờ đi khom
Gỗ vuông đẽo chẳng nên tròn
Mèo già trông thấy chuột con, thì chào...

                                                      Vũng Tàu, 5 - 1992

NGHÌN XƯA

Kiễng chân chẳng với tới trời
Vật nhau với thú thì người sẽ thua
Nửa đời tìm nắng trong mưa
Nửa đời đi tới cái chưa có gì
Mỗi ngày một cuộc chia li
Yêu em lúc trẻ, gặp khi đã già
Nghìn xưa hoa vẫn là hoa
Chớ mong trời sập để mà bắt chim...

                                                    1 - 2000

VẨN VƠ RA ĐỨNG...

Vẩn vơ ra đứng trước nhà
Người qua mà chẳng thấy qua một người
Buồn xưa - Vàng vạt nắng rơi
Nhớ xưa - Gió biếc chân trời mong manh
Chiều nghiêng một sắc vô tình
Tự nhiên mình chả biết mình là ai...

                                                                     1996

TÌNH CỜ GẶP NGƯỜI QUEN

TRÊN TÀU TỐC HÀNH

XÊVAXTÔPÔN - MATXCƠVA

Thế nào lại gặp ở đây
Nhác trông em có vẻ gầy hơn xưa
Phải chăng khi nắng lúc mưa
Tiết trời nước bạn không ưa chi mình
Em cười nhợt hết màu xinh
Thấy em bối rối thực tình cũng thương
Nỗi gì chẳng quản gió sương
Việc gì thân gái dặm trường thế em?
Ngày đi Mát, đêm về Len *
Mặt em thì dại, mặt tiền lại khôn
Ích chi vui đổi lấy buồn
Buôn chi cũng phải biết buôn mới lời...
Quanh co trò chuyện đôi hồi
Thì ra em đã là người lưu vong
Chôn con, bỏ việc, không chồng
Dây đời ai cởi những vòng ấy ra
Một mai anh trở về nhà
Anh thưa với bố mẹ già làm sao
Thương con như ngấn dầu hao
Đèn khuya biết tắt lúc nào mà hay...
Anh nhìn loang loáng hàng cây
Đồng xa, xanh mảnh trăng gầy treo nghiêng
Buâng quơ, một tiếng chim đêm
Mà lưu bao nỗi niềm riêng ngang trời...

                                                             Matxcơva, 5 - 1990

____________   

* Tiếng gọi tắt Matxcơva và Lêningrat

 

 

TRONG ĐỒNG CỎ HOA VÀNG

Cỏ hoa, vàng đến cuối trời
Không dưng mà hóa ra người lẳng lơ
Tìm ai trong cõi chờ xưa
Gió trăng trăm tuổi, già nua một thì
Thực ra, tôi chả tìm chi
Yêu em cứ rẽ lối đi lên trời
Yêu hoa cứ đến với người
Nào tôi có biết rằng tôi biết gì
Hoa vàng nở hết mình đi
Nghe đâu tuyết trắng bay về rồi đây
Trời ơi ! Vàng đến thế này
Mà sao đen bạc vẫn đầy thế gian...

                                                     Giaparôgie, 5 - 1990

NGUYỄN DU

Đến đâu con cũng gặp Người
Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa
Hạc Vàng một bóng Lầu xa
Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo
Tiệc to thường ở nơi nghèo
Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay...
Người xưa đi sứ qua đây (1)
Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi
Cỏ cây, thành lũy khác rồi
Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu
Thời nào thì cũng như nhau
Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa
Tiền Đường sầm sập đêm mưa
Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (2)
Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu (3)
Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn
Sắc tài chi để trời ghen
Người đâu phải nước đánh phèn cho trong
Cõi đời đâu cũng long đong
Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên
Bời bời những cuộc đỏ đen
Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang...
Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn
Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi
Bâng khuâng, con lại thấy Người
Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa...

                                                                Cố Cung,  21 - 9 - 1999

 

nguon VI OLET