TỰ TÌNH
Hồ Xuân Hương
Tiểu dẫn
_Theo các tài liệu lưu truyền, Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long.
_Nữ sĩ có một ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây (Hà Nội bây giờ) lấy tên là Cổ Nguyệt Đường (Cổ Nguyệt là chiết tự của chữ Hồ - họ của Hồ Xuân Hương). Bà đi nhiều nơi và thân thiết với nhiều danh sĩ nổi tiếng như Nguyễn Du . Cuộc đời, tình duyên của Hồ Xuân Hương nhiều éo le, ngang trái.
Bà có điều kiện tiếp thu ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của quần chúng và chứng kiến tận mắt sự đổ nát của nhà nước phong kiến, xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.
Hồ Xuân Hương ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo về mặt nhân sinh quan cũng như về phương diện văn chương.
Bà là một phụ nữ thông minh, có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước.
Là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc.
Nhà thơ Tế Hanh đã viết về Hồ Xuân Hương như sau:
Kính chào chị Hồ Xuân Hương
Ôi một nhà thơ cỡ khác thường
“Xiên ngang mặt đất” câu thơ nhọn
“Dê cỏn buồn sừng” chữ hóc sương
Không chịu cam phận làm phận gái
Chế giễu nam nhi cả một phường
“Bà chúa thơ Nôm” ai sánh kịp
Ra ngoài lề lối của văn chương
Hồ Xuân Hương
_Sáng tác của Hồ Xuân Hương gồm cả chữ Nôm và chữ Hán. Theo giới nghiên cứu, hiện có khoảng trên dưới 40 bài thơ Nôm tương truyền là của Hồ Xuân Hương. Nữ sĩ còn có tập thơ Lưu hương kí (phát hiện năm 1964) gồm 24 bài chữ Hán và 26 bài chữ Nôm.
_Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng.
_Nổi bật trong sáng tác thơ Nôm Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”
Thu phong ca
(trích trong Lưu hương kí)
Thu phong khởi hề bạch vân phi,
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam quy.
Lan hữu tú hề cúc hữu phương,
Hoài giai nhân hề bất năng vương.
Ngã hữu tửu hề vô đối ẩm,
Ngã hữu cầm hề vô tri âm.
Bất chước tửu hề bất minh cầm,
Sổ bôi thanh dính hề cố nhân tâm
Ngư ông khúc hành
(trích trong Lưu hương kí)
Bùi Hạnh Cẩn dịch
Già quê đạm bạc cũng phồn hoa
Lầm tưởng đào non là dây hờ
Nhắn nhủ người câu đò nhẹ lướt
Qua sông đừng lắng tiếng tỳ bà
Qua sông đừng lắng tỳ bà
Tiếng cao không giống sáo Hồ thê lương
Nguồn đào trời nước mênh mang
Nhà tiên hé mở, chèo buông đò chài
Muôn trùng xuân khoá Thiên Thai
Tiếng ốc buồn, tiếng đàn vui chả cùng
Cỏ bời lợp, núi lạnh lùng
Sông Tô hầu tới thung dung gió nhàn
Một số bài thơ Nôm truyền tụng
Bánh trôi nước

Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son
Mời trầu
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi


Văn bản
Đêm khuya văn vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con !
1.Tâm trạng và hoàn cảnh của tác giả trong bốn câu thơ đầu như thế nào?

Đêm khuya văn vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
_Thời gian bao giờ cũng được thể hiện trong sự nghịch đối với cuộc sống của con người, đặc biệt là tuổi trẻ và tình yêu. Với Hồ Xuân Hương, nhà thơ đầy nữ tính thì yếu tố về thời gian càng sâu sắc hơn.
_Bài thơ được mở đầu bằng thời gian: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn” và kết thúc bằng thời gian: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại – Mảnh tình san sẻ tí con con”. Bốn câu thơ đầu đã nêu bật được tâm trạng nhà thơ.

_Thời gian được thể hiện qua câu một với âm thanh văng vẳng trống canh dồn. Âm thanh văng vẳng không chỉ đơn thuần là sự cảm nhận âm thanh bằng tính giác mà còn là sự cảm nhận về sự trôi đi của thời gian – thời gian vô thủy, vô chung nhưng thời gian còn chứa đựng sự phá hủy.
_Cái nhịp điệu gấp gáp, liên hồi của tiếng trống vừa là sự cảm nhận, vừa là sự thể hiện bước đi cùa thời gian và sự rối bời của tâm trạng.

Cho biết tác dụng của từ trơ trong câu hai?
_Từ trơ được đặt ở đầu câu với nghệ thuật đảo ngữ vừa nói được bản lĩnh nhưng lại cũng thể hiện được nỗi đau của nhà thơ. Trơ là tủi hổ, là bẽ bàng. Nhưng trơ với Hồ Xuân Hương còn là sự thách thức. Điều này hoàn toàn giống với cái trơ của Bà Huyện Thanh Quan: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt (Thăng Long thành hoài cổ)

_Hồng nhan: cách nói về dung nhan người phụ nữ nhưng đi liền với từ cái, gợi lên sự rẻ rúng, mỉa mai.
_Chén rượu hương đưa say lại tỉnh: câu thơ gợi lên cái vòng luẩn quẩn, như là cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của tạo hóa. Hương rượu và hương tình đi qua chỉ để lại vị đắng chát, khổ đau cho tác giả.
_Hình ảnh “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” là hình tượng chứa hai lần bi kịch: trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó là sự tương đồng với thân phận của người phụ nữ. Câu thơ tả ngoại cảnh chứa đựng nội tâm của tác giả, tạo nên sự thống nhất giữa trăng và người.
2.Hình tượng thiên nhiên trong hai câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
_Thiên nhiên trong hai câu thơ 5 và 6 như cũng mang theo nỗi niềm phẫn uất của con người. Rêu là một sinh vật nhỏ yếu, hèn mọn nhưng cũng không chịu khuất phục, mềm yếu, nó phải xiên ngang mặt đất. Đá vốn rắn chắc nhưng giờ cũng nhọn hơn để đâm toạc chân mây.
_Nhà thơ cũng sử dụng biện pháp đảo ngữ để làm nổi bật tâm trạng phẫn uất của thiên nhiên mà cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Các động từ mạnh như xiên, đâm kết hợp với các bổ ngữ như ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của thi sĩ.
_Chính biện pháp đối lập và đảo ngữ, cách dùng các từ ngữ tạo hình đó đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, làm nên cá tính sáng tạo của Hồ Xuân Hương. Đó cũng là cách miêu tả sáng tạo về thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương: bao giờ cũng chuyển động, căng đầy sức sống ngay cả trong những tình huống bi thảm nhất.
3.Hai câu kết nói lên tâm sự gì của tác giả?

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con !
_Hai câu kết nói lên tâm trạng chán chường, buồn tủi của nhà thơ. Ngán là chán nản, ngán ngẩm. Xuân đi xuân lại chính là cái vòng luẩn quẩn của tạo hóa. Xuân vừa là mùa xuân, tức là thời gian nhưng cũng chính là tuổi trẻ. Sự trở lại của mùa xuân cũng đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi trẻ. Từ lại thứ nhất có nghĩa là thêm một lần nữa, từ lại thứ hai là sự trở lại. Vì vậy hai từ lại giống nhau về âm nhưng khác nhau về nghĩa, về cấp độ nghĩa.
_Câu cuối Mảnh tình - san sẻ - tí - con con sử dụng nghệ thuật tăng tiến. Đây không phải là khối tình mà là mảnh tình, tức là hết sức bé nhỏ. Mảnh tình bé nhỏ lại đem san sẻ để chỉ còn tí con con.
_Đó là tâm trạng của kẻ làm lẽ nhưng cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi hạnh phúc với họ luôn là điều gì đó không đầy đủ.
4.Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương:
_Bài thơ là bi kịch duyên phận (bi kịch ấy được thể hiện trong cảm thức về thời gian trong bốn câu đầu) và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc(thể hiện trong bốn cau cuối). Bi kịch duyên phận được thể hiện qua cách nghịch đối: duyên phận muộn màng, lỡ dở khi thời gian cứ lạnh lùng trôi đi (hai câu đầu). Sự nghịch đối này dẫn đến tâm trạng buồn tủi, phẫn uất nhưng ở đó vẫn tiềm ẩn khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Khát vọng ấy được thể hiện qua hai câu 5 và 6.
Qua văn bản trên. Hãy nêu ra tổng kết về nội dung và nghệ thuật ?
Nội dung
_Qua lời tự tình, bài thơ nói lên cả bi kịch và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương . Trong buồn tủi, người phụ nữ gắng vựơt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch.
Nghệ thuật
_Nghệ thuật sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc: “trơ”, “xiên ngang” , “đâm toạc”, “mảnh tình”, “tí con con”, hình ảnh giàu sức gợi cảm, trăng khuết, rêu xiên ngang, đá đâm toạc để diễn tả các biểu hiện của tâm trạng một cách tinh tế.
_Lời thơ rất giản dị nhưng đã thể hiện thành công đường tình duyên trắc trở của mình.
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe
nguon VI OLET