Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Đến nay, Việt Nam đã có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

1. Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Rừng Sác) là một quần thể gồm các loài động vật, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Tháng 1-2000, khu rừng này đã được Chương trình Con người và Sinh Quyển - MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới, với hệ động vật, thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.

2. Khu Dự trữ sinh quyển - Vườn Quốc gia Cát Tiên

 

Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Vườn Quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, cách TP. Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc; được công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam vào 2002. Đặc trưng của Vườn Quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, với tổng diện tích là 71.920 ha, đặc biệt ở đây có loài tê giác Java (một loài động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn) sinh sống.

3. Khu Dự trữ sinh quyển - Quần đảo Cát Bà

 

Quần đảo Cát Bà.

Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Về mặt hành chính, quần đảo thuộc huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng. Năm 2004, nơi đây đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

4. Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng

 

Châu thổ sông Hồng.

Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là một khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam vào năm 2004 cho 2 phần đất phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ nằm ở 2 cửa sông Hồng và sông Đáy. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình; có tổng diện tích trên 105.558 ha, chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và tắm biển.

5. Khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang

 

Biển đảo Kiên Giang.

Khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc vùng ven biển và vùng biển Kiên Giang. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được UNESCO công nhận tại kỳ họp thứ 19, tháng 10-2006; là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 6 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới (diện tích hơn 1,1 triệu ha) và cũng là lớn nhất trong khu vực ASEAN.

6. Khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An

 

Vườn Quốc gia Pù Mát.

Khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An được chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9-2007; mới đây tỉnh Nghệ An đã trang trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận của UNESCO. Đây là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích trên 1,3 triệu ha; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; trong đó Vườn Quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động vật, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ: rừng thưa, rừng kín, cây bụi và cây thảo.

7. Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau

 

Mũi Cà Mau.

Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha, với nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... Mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao. Tại kỳ họp thứ 21, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB) trực thuộc UNESCO, vào cuối tháng 5-2009 tại Hàn Quốc, Mũi Cà Mau đã chính thức được đưa vào danh sách khu dự trữ sinh quyển thế giới.

8. Khu Dự trữ sinh quyển - Cù lao Chàm

 

Cù lao Chàm.

Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km. Đây là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An và là nơi có hệ động vật, thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào năm 2007. Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới cùng thời gian với Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau vào tháng 5-2009.

Nguồn: Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường

nguon VI OLET