Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2              
  Từ đứa trẻ mồ côi, dưới sự bảo bọc của một ân nhân, cậu bé ngày ấy đã vượt lên nghịch cảnh để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Từ chối mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng ở các phòng khám, chàng tân cử nhân y khoa tự nguyện gắn đời mình với những bệnh nhân bất hạnh. Người ta gọi bác sĩ Trương Thế Dũng - trưởng đoàn y, bác sĩ từ thiện Niềm Tin - bằng một cái tên thân mật khác là “bác sĩ bụi đời”. Nơi nào có bệnh nhân nghèo, nơi đó có bác sĩ Dũng…

VƯƠN LÊN TỪ CƠ CỰC

Ánh mắt nhìn về xa xăm, Dũng bồi hồi nhớ lại những ngày cơ hàn. Là một đứa trẻ mồ côi nên tuổi thơ của Dũng là những chuỗi ngày u buồn và gian khó. Không chốn dung thân, cậu bé phải sống lang thang và ngủ nhờ ở sân ga Đà Nẵng. Bữa ăn của Dũng chỉ là phần cơm thừa, cá cặn của hành khách đợi tàu. Có lần đói quá, trông thấy tô phở thừa của khách, Dũng vội vàng chạy đến “húp lấy, húp để” thì bị nhận những cú đá tàn nhẫn. Cậu bé ấy ngã lăn, đau đớn khóc!

Có một lần đói đến lả người, Dũng ngã xuống ngay cạnh đường ray. Rất may, Dũng được ông Nguyễn Văn Tuấn (một sĩ quan công an công tác ở Đà Nẵng - nay đã quá cố) phát hiện và kéo ra khi đoàn tàu đang tiến gần. Cảm thương cho hoàn cảnh của đứa bé tội nghiệp, ông Tuấn đưa Dũng về nhà nuôi dưỡng. Suốt đời Dũng không bao giờ quên vị ân nhân, cũng là cha nuôi của mình.

 Sau đó, Dũng được cho đi học lại. Vốn là đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, nên Dũng học rất khá. 18 tuổi, anh thi đậu đại học Y Huế với số điểm rất cao. Nhưng vì không đủ điều kiện nên anh đành gác lại ước mơ và quyết định theo học trung cấp Y tại Đà Nẵng cho gần nhà.

Khi tốt nghiệp trung cấp, ước mơ được trở thành một bác sĩ chữa bệnh lại trỗi dậy trong anh. Vì thế, Dũng quyết chí vào Nam để học lên đại học. Trải qua những chuỗi ngày khó khăn, cuối cùng, anh đã trở thành bác sĩ đa khoa. Để đạt được ước mơ đó, Dũng phải làm đủ nghề, từ bán bút bi dạo đến phụ hồ. Có những đêm về đến gác trọ, anh gục ngã vì mệt, vì đói.

 

“Hạnh phúc của tôi là khám, chữa bệnh cho thật nhiều mảnh đời bất hạnh”

Trong những năm học ở trường Đại học Y dược TPHCM, Dũng là một trong những thành viên tích cực của Đoàn y bác sĩ tình nguyện chữa bệnh cho người nghèo. Cùng với thầy cô, bạn đồng môn, Dũng sẵn sàng vác ba lô lên đường đến những  nơi có đồng bào nghèo để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con. “Đến nhiều vùng sâu, vùng xa, mới thấy bà con còn khổ lắm. Nhiều người chưa một lần được khám bệnh và uống thuốc tây. Họ chủ yếu chữa bệnh theo kiểu “thầy lang”. Càng đi, mình càng thấy rõ trách nhiệm của một người bác sĩ, phải biết chia sẻ và yêu thương” - Dũng tâm sự.

GẮN CUỘC ĐỜI VỚI BỆNH NHÂN NGHÈO

Ngày nhận bằng tốt nghiệp, trong khi bạn bè đồng môn xin việc vào các bệnh viện, phòng khám lớn ở TP để mưu sinh, Dũng tình nguyện tham gia một dự án xã hội do Pháp tài trợ, để chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Mỗi khi rảnh rỗi, anh lại đi “kéo” những đứa trẻ bụi đời về nhà chăm sóc. Có những bệnh nhân nghèo được anh đưa về tận nhà trọ của mình để tiện chăm sóc mà không lấy tiền công. Căn nhà trọ anh thuê tại số 106 Bạch Đằng, P2, Tân Bình (với giá hơn 3 triệu/tháng) lúc nào cũng nóng như đổ lửa ấy, trở thành là mái ấm của nhiều bệnh nhân nghèo. Khi hết bệnh, họ mới trở về nhà của mình.

 

Tư vấn sức khỏe miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại nhà thuốc Niềm Tin

Tận dụng mặt bằng còn trống, bác sĩ Dũng mở một tiệm cho thuê đĩa nho nhỏ để cải thiện cuộc sống. Số tiền kiếm được, ngoài phụ tiền học cho hai con Trương Thế Hương (học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) và Trương Thế Dương (học sinh lớp 5 trường tiểu học Gò Vấp), anh bỏ ống heo dành mua thuốc để thực hiện những chuyến đi khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Anh cùng các đồng nghiệp đã đến làng nhiễm dioxin ở Tây Ninh, làng chài Hồ Đắng, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu)... để giúp nhiều người dân nghèo phát hiện bệnh sớm và có thuốc điều trị kịp thời. Kỷ niệm anh nhớ nhất là lần đến miền núi An Lão (Bình Định), anh đã kịp thời cứu sống một người dân tộc H’re thoát chết, khi bệnh nhân này bị thầy cúng cho ăn... lá ngón.

Với phương châm: “Cuộc sống không có con đường cùng, điều quan trọng là phải biết cách vượt qua nó”, anh cùng những bạn chí cốt lập nhóm từ thiện Niềm Tin. Khi biết điều này, nhiều giáo viên, sinh viên ngành y và cả những người nội trợ... phấn khởi gia nhập nhóm, với mục đích “tiếp lửa cho những mảnh đời bất hạnh”. Hiện nhóm có hơn 60 thành viên với những dự định tiếp tục đi khám và chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Gần đây, nhóm đã tổ chức hai chuyến đi sang tận Campuchia để giúp Việt kiều nghèo tại quận Minchay. Tại cây số 6, bác sĩ Dũng cùng đồng nghiệp đã không ngại khó nhọc, tìm đến nơi có nhiều người nghèo để khám bệnh và trao thuốc.

Hiện hội Niềm Tin đã lập được một nhà thuốc tư nhân. Tiền lời từ các hoạt động này sẽ là kinh phí để cả nhóm lên đường đến với những nơi khó khăn, tiếp tục khám và chữa bệnh cho bà con nghèo.

“Ngày trước, tôi từng là trẻ bụi đời, cơ nhỡ, sống lây lất qua ngày. Có được ngày hôm nay cũng nhờ vào sự giúp đỡ của những người tốt. Cho đến giờ, với những gì đã đạt được, tôi chỉ tâm niệm làm sao chia sẻ bớt những bất hạnh cho những người kém may mắn. Với tôi, chữa bệnh cho người nghèo là niềm hạnh phúc lớn lao, là sự tri ân với cuộc đời” - bác sĩ Dũng tâm sự.

nguon VI OLET