Cận cảnh khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau
Kỳ 1: Tìm hiểu về Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cập nhật ngày: 02/04/2010
 

 
  Rừng tràm.
LTS: Sau nhiều nỗ lực đề cử của các cấp, các ngành và bạn bè quốc tế, tháng 5/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Mũi Cà Mau là khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQ). Cuối tháng 4/2010, tỉnh Cà Mau sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận danh dự này.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, cũng như có những cảm nhận, những cái nhìn khái quát về sự phong phú, tính đa dạng sinh học của vùng đất này, Báo Cà Mau lần lượt giới thiệu loạt phóng sự ảnh “Cận cảnh khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau”.

Khái niệm sinh quyển ra đời vào những năm 20 của thế kỷ 20, nhưng cho mãi tới vài thập kỷ gần đây mới được quốc tế công nhận. Trái đất không chỉ như ngôi nhà chung mà nó còn vận động thông qua các mối tương tác hữu cơ giữa tất cả các loài thực vật và động vật với nhau, với môi trường và với con người.

Sinh quyển và khu Dự trữ sinh quyển là gì?

GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và Sinh quyển Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối quốc tế về chương trình con người và sinh quyển định nghĩa: “Sinh quyển là phần của trái đất có các sinh vật sinh sống, kể cả con người và các chất hữu cơ chưa phân hủy trong khí quyển, thủy quyển và địa quyển”.

Các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) là đại diện các hệ sinh thái nội địa, biển hoặc ven biển tách rời hoặc kết hợp với nhau trong một khu vực được thiết kế theo mẫu hướng dẫn chung và được Tổ chức UNESCO công nhận trong chương trình con người và sinh quyển.

Mạng lưới của các khu DTSQ thế giới được hình thành vào năm 1976 và đến nay đã có 504 khu DTSQ thuộc 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước có nhiều khu DTSQ nhất là Mỹ (47), Nga (37), Tây Ban Nha (33) và Trung Quốc (26).

 
  Rừng phòng hộ ven biển.
Còn ở Việt Nam, hiện được UNESCO công nhận 8 khu, đó là: khu DTSQ Tây Nghệ An, Cát Tiên, Kiên Giang, Cát Bà, Châu Thổ Sông Hồng, Cần Giờ, Cù lao Chàm và Mũi Cà Mau. Riêng khu DTSQ thế giới Mũi Cà Mau trải dài trên một diện tích rất rộng - gần 80.000 ha, trong đó có 3 vùng lõi chính là rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, rừng tràm U Minh Hạ và mảng rừng phòng hộ ven biển.

Để quản lý một khu vực rộng lớn này, hiện có hai vườn quốc gia là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Trách nhiệm và lợi ích khi trở thành khu DTSQ thế giới

Khi trở thành khu DTSQ thế giới, chúng ta phải tuân thủ các hiệp ước, công ước và các cam kết quốc tế mà Chính phủ đã ký. Mỗi khu DTSQ đều có cách quản lý riêng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, mạng lưới các khu DTSQ quốc tế không can thiệp vào công việc của từng quốc gia, từng khu DTSQ mà chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp chuyên gia, thông tin, tìm kiếm đối tác và nguồn tài trợ... thông qua Ủy ban Quốc gia chương trình "Con người và sinh quyển" của các nước thành viên.

 
 Rừng đước.
Lợi ích từ khu DTSQ có thể tóm tắt như sau:

Theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam thì khi một khu vực được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới - chỉ riêng cái thương hiệu ấy đã trị giá 500 triệu USD.

Ngoài ra, những người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được hưởng lợi từ các dự án trình diễn và đào tạo về cách thức quản lý, sử dụng tài nguyên bền vững trong các khu DTSQ. Các khu này còn nhận được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế để cộng đồng dân cư địa phương phát triển ổn định và bền vững, tạo ra những cơ hội trong giáo dục, giải trí và phát triển du lịch.

Khu DTSQ là phòng thí nghiệm cung cấp dữ liệu để các nhà khoa học dựa vào đó xây dựng các giả thiết mới về các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cũng như xác định ra hướng biến đổi khí hậu và môi trường trong tương lai. Bản thân các khu DTSQ là bảo tồn và đa dạng sinh học... là điều kiện thuận lợi và là cơ hội tốt để người dân địa phương xây dựng các thương hiệu về nông sản, thực phẩm sạch - một mặt hàng rất được ưa chuộng trên thế giới để xuất khẩu, làm giàu cho bản thân và đất nước./.

 

 

Một khu vực nếu được Tổ chức UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới phải đạt 5 tiêu chí sau đây:

1- Có nhiều hệ sinh thái đại diện cho những vùng địa lý sinh học chính, kể cả mức độ suy giảm do tác động của con người.

2- Có ý nghĩa về bảo tồn dự trữ sinh quyển.

3- Có cơ hội để thể hiện tiếp cận phát triển bảo vệ cho một vùng.

4- Có diện tích thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu DTSQ trong 3 vùng lõi, đệm và chuyển tiếp.

5- Có cơ chế thực hiện sự tham gia của cộng đồng được thể hiện trong cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý, các chương trình nghiên cứu, giáo dục và đào tạo.

 

Cận cảnh khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau
Kỳ 2: Rừng U Minh Hạ

Cập nhật ngày: 04/04/2010

 

 
  Đài quan sát - vừa phục vụ công tác phòng chống cháy rừng vừa phục vụ khách tham quan du lịch.
Rừng U Minh Hạ nằm ở phía Tây của tỉnh Cà Mau, hiện còn hơn 30.000 ha, trong đó có 8.528 ha của Vườn Quốc gia U Minh Hạ thuộc khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Rừng U Minh Hạ nói chung và Vườn Quốc gia U Minh Hạ nói riêng rất phong phú và đa dạng về các loài động, thực vật.

Theo số liệu mới nhất, nơi đây có 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ, trong đó có 11 loài cây gỗ mà phổ biến và có giá trị kinh tế nhất là cây tràm. Ngoài ra còn có nhiều loài dây leo và thảo mộc có vị thuốc quý.

Về động vật thì lớp thú có 32 loài, lớp chim có 74 loài, bò sát có 16 loài, lưỡng cư có 11 loài, đặc biệt có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: rái cá lông mũi, tê tê, rắn hổ mang chúa, trăn gấm, dơi ngựa, rùa răng, diệc lửa...

Ngoài ra, rừng U Minh Hạ còn có nguồn lợi cá đồng và mật ong rất lớn cần được bảo tồn để cung cấp nguồn con giống cho cả khu vực.

Rừng U Minh Hạ là nơi trưng bày tiêu bản sống của các loài thực vật và động vật thuộc hệ sinh thái ngập úng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Á. Do đó, cùng với quá trình khai thác, Cà Mau luôn chủ trương khôi phục, bảo vệ và phát triển vốn rừng, các nguồn tài nguyên rừng.

Đặc biệt là khu rừng đặc dụng Vồ Dơi hơn 3.000 ha thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở cả U Minh Thượng và U Minh Hạ sau chiến tranh.

Bảo vệ rừng U Minh Hạ không chỉ bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn, bảo tồn phát triển các nguồn gien quý hiếm. Song song đó là bảo vệ di sản văn hóa và truyền thống cách mạng.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, rừng U Minh chính là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng cả nước, ghi dấu chiến tranh oanh liệt của cách mạng miền Nam trong những năm dài xây dựng làng rừng làm điểm tựa để sống và chiến đấu với quân thù cho đến ngày thống nhất đất nước./.

 
  Rừng U Minh Hạ nhìn từ trên cao.
 
  Nơi trú ngụ của các loài chim.

Phóng sự ảnh nhiều kỳ của Nguyễn Thanh Dũng

nguon VI OLET