GD&TĐ - Theo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không phải là một công việc mới đối với giáo viên.
Hỏi: Thực hiện đánh giá theo Thông tư 30, các giáo viên có phải thực hiện thêm nhiều công việc hơn, mất nhiều thời gian hơn hay không, có gây áp lực đối với giáo viên không?
Đáp: Một trong những nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức, hướng dẫn học và đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh. Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không phải là một công việc mới đối với GV. 
Lâu nay GV vẫn có trách nhiệm đánh giá bài kiểm tra của học sinh bằng cách cho điểm kết hợp với nhận xét, tuy nhiên trên thực tế nhiều khi GV chỉ chấm bài cho điểm, không ghi nhận xét hoặc ghi nhận xét nhưng lời nhận xét không giúp cụ thể cho học sinh phải làm như thế nào để học tốt hơn. Trong những trường hợp đó GV đã chưa hoàn thành nghĩa vụ giáo dục của mình.
Giờ đây, việc đánh giá thường xuyên HS bằng nhận xét, có thể bằng lời nói trực tiếp hoặc viết vào vở, bài làm học sinh, thông qua đó phụ huynh và học sinh cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, tình cảm của giáo viên dành cho HS. 
Mỗi HS sẽ nhìn thấy được khả năng, sở trường của mình để phát huy; đồng thời, cũng biết được rõ hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn trong học tập để khắc phục với sự hỗ trợ, giúp đỡ của GV. Gia đình cũng trên cơ sở đó cùng phối hợp giáo dục học sinh, giúp các em tiến bộ.
Rào cản lớn nhất của sự đổi mới này là phải thay đổi thói quen của giáo viên. Tất nhiên, bước đầu thực hiện có thể một số GV còn lúng túng, e ngại, chưa thành thạo, phải đầu tư thời gian nhiều hơn. 
Trong quá trình thực hiện, áp lực sẽ giảm dần; các thầy cô sẽ cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau thông qua tập huấn, sinh hoạt chuyên môn tổ, trường, cụm trường và tự mình rút kinh nghiệm. 
Sự gắn bó trách nhiệm giữa GV và cha mẹ HS đem đến sự tiến bộ của các em cũng là niềm động viên to lớn đối với những người thầy có ý thức trách nhiệm trước công việc của mình.
nguon VI OLET