VnMedia) - Hiện cả số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, tuy nhiên do cơ cấu không đồng bộ cộng với quá trình đạo tạo chắp vá đã khiến cho tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên xảy ra trong nhiều năm nay. Nhiều nơi thừa giáo viên khối tự nhiên, xã hội nhưng thiếu giáo viên nhạc họa, tin học, mỹ thuật hay thừa ở thành thị nhưng thiếu ở vùng sâu, vùng xa.

Giáo viên “môn chính” thừa, “môn phụ” thiếu

Theo báo cáo kết quả xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục sau 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2007 - 2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo; tăng 79.800 nhà giáo (7,56%) so với năm học 2004 - 2005.  Tuy số giáo viên có tăng lên nhưng do cơ cấu không đồng bộ nên ở một số môn học vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên như các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ ở giáo dục phổ thông.

Trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005 về thực hiện Đề án Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 – 2010 và Đổi mới công tác tổ chức cán bộ, quản lý cơ sở giáo dục, chính Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã thừa nhận, do quá trình đạo tạo chắp vá, thiếu cụ thể, chưa có quy hoạch chiến lược nên nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa có năng lực xứng với trình độ đào tạo. Tình trạng vừa thừa (giáo viên khối xã hội, tự nhiên) vừa thiếu giáo viên (nhạc học, mỹ thuật, tin học) cục bộ xảy ra trong nhiều năm nay.

Ở bậc tiểu học, nếu dạy học 2 buổi/ngày thì số lượng giáo viên mới chỉ đáp ứng được 86% nhu cầu và còn thiếu giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, thể dục, ngoại ngữ. THCS thì thiếu giáo viên tin học, hóa học, sinh học, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ. THPT lại thiếu giáo viên giáo dục quốc phòng, công nghệ và tin học.

Cũng sau 3 năm thực hiện Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010, tỷ lệ nhà giáo đã tăng 7,56% so với năm học 2004 - 2005.

Năm học 2005-2006, tổng số giáo viên THPT toàn quốc đã đạt xấp xỉ 107.000 người với tốc độ tăng hàng năm khá cao nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu.

Hàng năm cả nước có khoảng 76% học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào THPT. Số học sinh nhập học đã tăng từ 554.000 em (1991-1992) lên đến 2.802.000 em trong năm học 2005- 2006. Theo ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ GD&ĐT), điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở bậc THPT, nhất là các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa tăng lên. Ngoại trừ đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình hiện mới đạt 1,68 trong khi quy định là 2,1.

Và hầu hết các trung tâm giáo dục thường xuyên không bố trí đủ giáo viên để dạy 7 môn bắt buộc theo chương trình mà phải phối hợp với giáo viên từ các trường THPT. Ở giáo dục thường xuyên, số lượng giáo viên có xu hướng giảm dần. So với năm học 2004-2005, giáo viên giáo dục thường xuyên đã giảm gần 1.800 người.

Nhiều nơi lại thừa giáo viên tiểu học nhưng thiếu giáo viên khối mầm non và THPT. Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, năm học vừa qua giáo dục mầm non của tỉnh có 942 giáo viên (trung bình 1,0 giáo viên/lớp), vẫn còn thiếu 250 giáo viên. THPT cũng còn thiếu 300 giáo viên nhưng giáo dục tiểu học có 8.250 giáo viên (1,5 giáo viên/lớp) lại thừa trên 200 giáo viên. THCS có 4.280 giáo viên (1,8 giáo viên/lớp) vừa thừa vừa thiếu.

Vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế

Theo bộ GD&ĐT cho biết, tinh đến năm học 2007 -2008, cả nước có 1.055.078 giáo viên. Tuy nhiên vẫn còn thiếu khoảng 40.000 giáo viên, trong đó đại học 20.000, TCCN 10.000, THPT 8.000

Hiện một số chỉ tiêu đã đặt ra đến năm 2010 đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS... đã đạt nhưng vẫn còn thiếu so với định mức quy định hay vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế như: tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên/lớp ở bậc tiểu học...

Hiện nay, tổng số giáo viên THPT là 134.246, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,98 thấp so với định mức quy định là 2,25. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo là 98%, trong đó giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên là 3,8%. Như vậy, trong 2 năm tới sẽ không kịp đào tạo 8.000 thạc sĩ cho các trường THPT để đạt chỉ tiêu đến năm 2010 có 10% giáo viên THPT là thạc sĩ.

Không chỉ ở các bậc học mầm non, phổ thông mà ở bậc đại học là càng thiếu giáo viên. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, lực lượng nhà giáo của nước ta hiện nay đang gặp khó khăn và bất cập lớn nhất ở bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề, thể hiện qua sự thiếu hụt số lượng lớn giáo viên so với yêu cầu phát triển quy mô và chất lượng, trình độ giáo viên chưa tương xứng với bậc đào tạo.

Khối đại học hiện còn thiếu 20 nghìn giáo viên. Khối các trường dạy nghề tính đến 2015 còn thiếu khoảng 10 nghìn giáo viên. So với yêu cầu đặt ra là: 40% giảng viên đại học trình độ thạc sĩ và 25% trình độ tiến sĩ thì chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa mới đạt được.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, chỉ có thực hiện các giải pháp tập trung và đồng bộ quyết liệt thì 5 - 7 năm tới mới có thể giải quyết được vấn đề mất cân đối về cơ cầu ngành nghề và trình độ của đội ngũ nhà giáo.

Sắp tới Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo sẽ ban hành Chỉ thị về phát triển đội ngũ nhà giáo. Chính phủ cũng sẽ sớm phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề.

 


T.H

http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=164799&CatId=71

nguon VI OLET