Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên

Nắng đã tắt lâu rồi trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa, như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ...

Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau...

Hoàng Hữu - người nhặt những mảnh ghép của trăng
Khi đau khổ ứa ra ngòi bút, thi nhân sẽ bất lực trước sự viên mãn vẹn toàn của trăng.

Và đó là lúc thơ sẽ tái tạo một thế giới mới, một vũ trụ khác bằng chính những đớn đau của kiếp người để ghép lại thành "trăng", một thứ trăng được thả lên trời bằng chất liệu ngôn từ của người hoạ sĩ - thi sĩ Hoàng Hữu. Đã có rất nhiều người coi "Hai nửa vầng trăng" là một phép chia cuộc đời định vị ở cõi thơ.

Nếu đọc bài thơ bằng một tư duy của toán học, của những con số đếm thì từ phép thống kê đó sẽ dắt vào lối chiêm nghiệm mà đẩy cái bất ngờ lên đến đỉnh điểm. Bạn hãy đọc và đếm mà xem, cả bài thơ có 23 câu thì có đến 17 câu thơ có từ "trăng", cộng với "trăng" của nhan đề thì sẽ là 18 câu chứa "trăng" trong một bài thơ. Một con số quá ấn tượng dễ đưa người đọc chạm vào chuỗi liên tưởng để gọi tên những sự vật hiện tượng gắn với con số 18 như một ngụ ý cho mỗi người tự khám phá theo cách riêng của mình. Trăng lênh láng dàn trải trên trang thơ người hoạ sĩ ấy nhưng đọc lên lại không hề thấy nó lặp và đơn điệu. Mỗi một từ trăng như một nét bút của người viết thư pháp phân phát đều những nét thanh nét đậm để gửi gắm hồn mình mà không bao giờ có sự trùng khít của lần sau.

18 nét trăng, như là 18 mảnh ghép được hoạ sĩ vội vàng chớp được cái hồn và thả vào hội hoạ trước khi nó biến mất và trở về một trạng thái khác để làm bản thảo của thơ. Trăng trong thơ Hoàng Hữu tồn tại như một thực thể có vui, buồn, lo âu, hạnh phúc, đớn đau đan xen ở những cung bậc khác nhau; từ trăng thức dậy, trăng đầu tháng, trăng xẻ nửa, trăng mờ tỏ, trăng cuối tháng... Nhưng cái thực thể tồn tại ấy không chỉ để chứng minh cho tình yêu của người con trai và con gái trong bài thơ mà cao hơn, bên trong đó còn ẩn chứa những triết lý sâu xa của cuộc đời.

Trăng của Hoàng Hữu như là một vòng tròn hội tụ thuyết âm dương của triết học phương Đông. "Hai nửa vầng trăng" là hai nửa của anh và em, của âm và dương biểu trưng cho sự tồn tại của thế giới này; là hai mặt vừa mâu thuẫn đối lập nhưng lại song song tồn tại trong một chỉnh thể mà không thể thay thế được. Ánh sáng của trăng, sáng được không phải sự "tự phát" của chính chủ thể trăng mà nó lại nương tựa từ một ánh sáng khác mạnh hơn. Nếu không có sự nương tựa này thì có lẽ trăng đã chết đuối ở trần gian, cũng như tình yêu của người con gái làm sao mà trỗi dậy ngọn lửa để thắp sáng cho riêng mình nếu không có người con trai?...

Quy tụ trong phần âm là một nửa vầng trăng nhưng rồi lại nhanh chóng tan ra thành từng chấm tròn nhỏ giọt của nước mắt: "Em đã khóc/ Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát/ Em đã khóc..." Âm thanh của sự đau đớn thoát ra, nhưng không làm thay đổi được tất cả, không bao giờ đánh đổi được nụ cười. Tiếng khóc đã lạc trong một không gian rộng lớn của trời đất để rồi thành con thuyền của nỗi buồn cứ mãi lênh đênh cho đến khi neo đậu vào một nỗi buồn khác, cập bờ vào một trái tim cũng đang phân nửa. "Em đã khóc" bằng một sự chấp nhận yếu ớt của mình và bế tắc của anh. Trăng như vỡ ra từng mảnh thuỷ tinh vừa lung linh huyễn hoặc vừa nhói buốt cứa vào nỗi đau của tình yêu.

Anh mang một dấu cực khác của tình yêu, của trăng nhưng cũng lại chất chứa trong mình dự cảm của một vầng trăng khuyết. Hoàng Hữu đã lấy chính cuộc đời mình để đẩy lên trời cao một chữ D hoa (Hoàng Hữu tên thật là Dũng), chữ của "dang dở". Hình như trong tiếng Việt những cụm từ bắt đầu từ chữ D bộc lộ sự viên mãn đã rủ nhau trốn hết rồi, chỉ còn lại những từ với nghĩa chơi vơi, lơ lửng. Nét thẳng đứng của chữ D hoa như một rào cản, một biên giới phân định rạch ròi anh - em từ một nhát cắt dứt khoát và đầy nghiệt ngã mà chỉ có thể đổ lỗi cho trăng. Nước có thể nối liền mọi bến bờ, nhưng nước mắt thì không.

Bài thơ viết về trăng nhưng Hoàng Hữu lại chọn nét chấm phá của người con gái là giọt nước mắt, của người con trai là chữ D. Hai hình ảnh đó có một nét gì đó "đồng dạng" với hình ảnh của trăng, phải chăng đó thực sự là những mảnh ghép của trăng?. Nếu như vậy thì tôi cho rằng Hoàng Hữu là người ghép trăng độc đáo nhất. Nhà thơ ghép từ tình yêu đến triết lý, từ âm sang dương, từ khuyết sang viên mãn. Chính vì thế cho dù tình yêu có dang dở đến đâu, cho dù cả người con trai con gái có đau khổ và bế tắc đến đâu thì họ vẫn tin trăng khuyết rồi trăng tròn. Người đọc không hề có cảm giác bi quan mà thay vào đấy là sự tiếc nuối cần thiết để nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết trân trọng những gì đã và đang có, đó là sự dung hoà để tồn tại một thế giới.

"Hai nửa vầng trăng" được xem là bài thơ cuối cùng của Hoàng Hữu, khi mà cái nhựa sống trong anh đang dần vơi trên "cõi tạm" của đời người. Nhưng hạnh phúc của một người như anh là thác đi rồi mà thơ vẫn tồn tại, vẫn sáng trên bầu trời thi ca, trong sự yêu mến của độc giả ngày hôm nay và mai sau...

NGUYỄN HIỀN 


nguon VI OLET