cdTrần Văn Cẩn sinh tại thị xã Kiến An, còn nguyên quán ông ở xã Tiên Phong (Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm 1930 Trần Văn Cẩn tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội sau đó đi làm ở Viện Hải dương học Nha Trang. Một năm sau người thanh niên ấy lại thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lúc ấy do một giáo sư họa sĩ người Pháp, ông Victor Tardieu làm hiệu trưởng. Trong thời gian học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trần Văn Cẩn chú trọng nghiên cứu thể nghiệm sơn mài, sau đó đến sơn dầu và lụa.

Năm 1934, đang học năm thứ ba,ông đã vẽ bức tranh lụa có nhan đề Mẹ tôi diễn tả gần như bình đồ (teinte plate) của mỹ thuật Đông Dương. Bức này được trưng bày ở Pháp và được các nhà phê bình nghệ thuật Pháp khen ngợi trên nhiều mặt báo. Tiếp thu phương pháp nghệ thuật Âu Tây nhưng Trần Văn Cẩn, cũng như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung,... vẫn tìm cho mình một bản sắc nghệ thuật Việt Nam.

Năm 1935, Triển lãm mỹ thuật lần thứ nhất ở Hà Nội, Trần Văn Cẩn trình bày bốn tác phẩm : Em gái tôi (sơn dầu), Cha và con (lụa), Bờ sông Hồng (khắc màu) được tạp chí Ý chí Đông Dương (La Voloté Indochinoise) rất khen ngợi. Năm 1936, triển lãm lần hai ông lại cho ra mắt ba bức lụa Cô đơn, Chăn ngựa, Chân dung.

Năm 1939, Trần Văn Cẩn sáng tác hai bức tranh lụa Gánh lúa và Ngư dân gửi đi triển lãm ở Tôkiô (Nhật Bản) đợc đánh giá cao. Năm 1943 Triển lãm mỹ thuật ở Hội Khai trí tiến đức, họa sĩ Trần Văn Cẩn được tặng giải nhất với hai bức Em Thúy (son dầu) và Gội đầu (khắc màu). Đã hơn nửa thế kỷ qua, hai bức tranh này đã gợi bao ấn tượng đẹp trong công chúng nghệ thuật Việt Nam và cả ở nước ngoài.

Năm 1994, Trần Văn Cẩn gặp hai nhà hoạt động văn hóa Như Phong và Nguyễn Đình Thi trong nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật, từ đó ông dần ý thức được nghệ thuật phục vụ nhân sinh, phải đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập cho đất nước.

Sau ngày Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp, Trần Văn Cẩn đã vẽ ba bức áp phích Cứu nông dân, Diệt giặc đói, Phá xiềng được Hội Văn hóa Cứu quốc bày tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Cẩn vẽ bức áp phích khổ lớn 4x6 mét có 3 nhân vật : già, trẻ, phụ nữ tay cầm vũ khí thô sơ, đứng trên dải đất hình chữ S với dòng chữ : Nước Việt Nam của người Việt Nam bên dưới có tấm băng-đơ-rôn rộng với dòng tiếng Anh : VIET NAM TO THE VIETNAMESE.

Trần Văn Cẩn đã vẽ bức họa Xuống đồng diễn tả hai cô gái Sơn Tây đang cấy lúa, ông vẽ với bút pháp mạnh mẽ độc đáo để diễn tả việc đồng áng nhọc nhằn, tác phẩm này được tặng giải nhất ở Triển lãm mỹ thuật 1946.

Nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, Trần Văn Cẩn gia nhập đoàn quân kháng chiến, ông vẽ tranh tuyên truyền cho phòng Thông tin huyện Từ Sơn. Ông vẽ nhiều tranh cổ động nhân dân tham gia giết giặc, đi dân công, ủng hộ lương thực cho tiền tuyến.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1948, là đại diện cho giới mỹ thuật. Ông về Đại Từ (Thái Nguyên) tham gia giảng dạy trường Mỹ thuật kháng chiến cùng các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ. Những dịp đưa học sinh đi vẽ ngoài trời, Trần Văn Cẩn đã ghi chép được nhiều ký họa có giá trị nghệ thuật cao, nội dung phong phú, sinh động. Ông kể tỉ mỉ những kinh nghiệm về cuộc sống cho học sinh mình để họ rút kinh nghiệm. Ông cùng với học sinh Mỹ thuật tham gia các đoàn đi cải cách ruộng đất, vẽ chân dung các bà mẹ nông thôn lam lũ, ghi lại những khoảnh khắc hào hùng của người nông dân trong cuộc cách mạng ruộng đất thời bấy giờ.

Họa sĩ tài năng Tô Ngọc Vân hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ đầu năm 1954, Trần Văn Cẩn tiếp tục công việc của Tô Ngọc Vân trên cương vị Hiệu trưởng trường Mỹ thuật mở tại Hà Nội sau ngày hòa bình lập lại. Suốt 15 năm liền, ông là một người thầy tận tụy hết lòng vì sự nghiệp đào tạo những đội ngũ họa sĩ, điêu khắc trẻ, có đầy đủ phẩm chất. Tuy ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng ông luôn tìm tòi lối vẽ truyền thống Việt Nam kết hợp với lối vẽ hàn lâm Pháp để đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc của chế độ mới.

Trong những năm giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật, họa sĩ Trần Văn Cẩn vẫn không ngừng sáng tác. Nghệ thuật tạo hình vững chãi và có sắc thái riêng của ông ngày càng có tiếng vang rộng rãi, ngày càng phong phú. Ông cho ra mắt bức lụa Con đọc bầm nghe, tác phẩm này thể hiện một anh thương binh đọc báo cho bà mẹ già, có em bé gái nét mặt ngoan, hiền. Toàn bộ bức tranh cho thấy sự rung cảm sâu sắc của họa sĩ khi thể hiện đề tài chiến tranh. Ông lại vẽ bức lụa Lò đúc lưỡi cày trong chiến khu. Bức tranh mô tả một lò đúc trong rừng sâu với hàng chục người công nhân đang đổ khuôn, quay bễ, hoạt động nhộn nhịp.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn rất nhạy cảm với hiện thực và cái đẹp của cuộc sống mới qua lăng kính tạo hình hiện thực tân tạo. Những thời gian rảnh rỗi công việc giảng dạy hoặc việc đoàn thể, ông hay đi vẽ ở vùng biển, đồng bằng và vùng sơn cước, cho nên nhân vật trong tác phẩm của ông rất sinh động. Trần Văn Cẩn có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như Em Thúy (sơn dầu), Gội dầu (khắc gỗ), Xuống đồng (lụa), Tát nước đồng chiêm (sơn mài), Nữ dân quân vùng biển (sơn dầu).

Tát nước đồng chiêm là tác phẩm son mài có giá trị nghệ thuật bậc nhất trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Bố cục tranh thật chặt chẽ khó tìm ra một sơ hở nào, các mảng đầy, vơi (plein, vide) đan xen nhịp nhàng, nhân vật là những cô gái quê uyển chuyển đang tát nước gàu giai, những dáng cúi, ngửa vô cùng tự nhiên, gió thổi, cò bay, các khóm tre lay động, những gàu nước đổ nghe như có tiếng ràn rạt, bức sơn mài như phát ra cả âm thanh.

Nhiều tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã một thời đi sâu vào lòng người như Bác Hồ qua suối Pắc Bó (sơn mài), Ráng chiều trên đèo Nai (lụa), Mùa đông sắp đến (lụa), Tiến sâu vào lòng đất (son mài), Phong lan (sơn dầu).

Họa sĩ Trần Văn Cẩn còn là tác giả của biểu trưng Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa II. Ông cũng là tác giả gần 100 bài báo viết về nghệ thuật hội họa.

Uy tín của Trần Văn Cẩn không chỉ ở trong nước mà còn ảnh hưởng rộng ra ở nhiều nước Á, Âu, Mỹ la tinh. Ông tham dự triển lãm Mỹ thuật quốc tế các nước XHCN ở Matxcơva, sang Cuba dự hội nghị Văn hóa thế giới lần III, tham gia Hội đồng chấm thưởng Triển lãm quốc tế hội họa hiện thực ở Xôphia (Bungari), trình bày ký họa ở Angiêri, là ủy viên Hội đồng Triển lãm quốc tế lần thứ IV ở Ấn Độ (Quadriennale India), ủy viên Hội đồng chấm giải đồ họa quốc tế ở Béclin (Đức).

Họa sĩ Trần Văn Cẩn là Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật CHDC Đức (trước đây).
nguon VI OLET