Cách nay hơn hai trăm năm, tại kinh đô Phú Xuân, trước giờ tiến quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ đã lập đàn làm lễ tế trời đất và đăng quang.

Trước ba quân đội ngũ chỉnh tề, gươm đao sáng loáng, Nguyễn Huệ bước lên đàn Nam Giao, kêu gọi:

- "Hỡi ba quân tướng sĩ! Chúng ta sẽ tiến ra Bắc Hà, đánh đuổi giặc Thanh, lấy lại bình yên cho trăm họ. Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu cả hai trăm đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở".

Đoạn Nguyễn Huệ chỉnh trang lễ phục, bước xuống sân. Đội vệ binh khênh chiếc nhang án, khói hương nghi ngút, trên có mâm tiền phủ nhiễu điều. Nguyễn Huệ chắp tay khấn vái, đặng bưng mâm tiền, cung kính dâng lên cao, rồi hất tung xuống sân. Tướng lĩnh quân sĩ chăm chú nhìn rất kỹ, đồng thanh reo lên: "Sấp, sấp, tất cả đều sấp! Đại thắng… đại thắng rồi…! " .

Nguyễn Huệ như mở cờ trong bụng, dõng dạc tuyên bố: "Hỡi ba quân! Đất trời phù hộ, đã báo cho ta điềm thắng trận. Chúng ta hãy đồng tâm nhất trí, nhất định sẽ đánh đuổi được giặc Thanh. Hãy nổi trống, truyền lệnh tiến quân…!".

Quả nhiên đêm mồng bốn rạng ngày mồng năm tết Kỷ Dậu (29-30/1/1789) đồn giặc ở Khương Thượng bị hạ, Thái thú Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Chủ soái Tôn Sĩ Nghị hốt hoảng bỏ thành chạy về nước, không còn mảnh giáp. Gò Đống Đa trở thành di tích lịch sử vẻ vang của Việt Nam ta!

"Điềm trời" ấy thực ra chính là kỳ mưu của Nguyễn Huệ. Bởi thời ấy, mọi người còn cả tin vào Trời, Phật, Thần, Thánh. Dựa vào đó, Nguyễn Huệ bí mật đúc hai trăm đồng tiền cả hai mặt đều là sấp dùng để xin âm dương trong lễ đăng quang nhằm cổ vũ ba quân quyết chiến thắng.

Kể từ đó, hàng năm vào ngày mồng năm Tết nguyên đán, nhân dân Thăng Long lại nô nức về gò Đống Đa dự hội. Đây là lễ hội kỷ niệm chiến thắng chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta do hoàng đế Quang Trung - người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo.
nguon VI OLET