Đỗ Hồng Ngọc

Ở vào cái thời mà lãng mạn thứ thiệt trở nên qúy hiếm, chỉ còn thứ lãng mạn catalogue, với những hình vẽ chỉ cách chống cằm, nghiêng người… nói lên một điều gì đó thật nghèo nàn thảm hại thì tìm thấy một nơi còn có chút lãng mạn thứ thiệt hẳn là rất thú vị.

 

Hữu ngạn sông Đồng Nai, cách Vườn Cò  mấy dặm,  trên những ngọn đồi chập chùng, bên những rặng tre già ven bờ sông rì rào sóng vỗ, dưới những táng cây cao rợp mát, có một ngôi chùa cổ và  một lối đi ngoằn ngoèo thăm thẵm dẫn vào một quán “lương đình” như một bức tranh thủy mạc đượm nét hoang sơ. Ở đó, bên cạnh những ông già bà lão đi chùa cúng kiến là dập dìu những nam thanh nữ tú tìm về một nơi bình yên, vắng vẻ, xa chốn phồn hoa đô hội để mặc sức tự tình… Trời ạ, cả bốn bức tường của quán lương đình dầy đặc, chen chúc những thơ là thơ, được viết bằng mọi thứ gạch ngói, đất đá, viết chì, viết bi,  đủ kiểu, đủ loại! Đó là những bài thơ không viết cho mọi người, mà viết chỉ riêng cho một người, của những nhà thơ- những thi sĩ vô danh- tràn trề hạnh phúc,  thỉnh thoảng cao hứng còn minh hoạ bằng những đường nét thô sơ mà tượng hình như trong các thạch động thời tiền sử. Đa số không ghi tên tác giả, có chăng chỉ đôi ngày tháng ngao du. Ở đó, bên cạnh những bài thơ cháy bỏng còn có những bài thơ mang một thứ triết lý về tình yêu thời đại, một thứ lãng mạn hôm nay, khác với  thứ lãng mạn của ngày xưa, không xa lắm! Chẳng hạn một cô gái viết đại ý: Em chỉ có một trái tim duy nhất, xin tặng anh một nửa, còn một nửa để dành, lỡ mai kia mốt nọ, tình anh gây sóng gió thì với nửa trái tim này em sẽ làm lại cuộc đời! Thì ra đó là một người tình… tiết kiệm, nói cách nào đó là người biết “nói không” khi cần thiết.

Nhớ lại ngày xưa:

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh trao em cùng với một tờ thư

Em không nhận nghĩa là tình anh mất

Tình đã trao không lấy lại bao giờ

(Xuân Diệu).

Bên cạnh cô gái là bài thơ của một chàng trai:

Tình bạn là tô hủ tiếu

Tình yêu là tô bún riêu

Sống ở đời không thể thiếu

Hủ tiếu và bún riêu.

Chắc phải có một tình huống gây cấn chi đây giữa hủ tiếu và bún riêu khiến nhà thơ  buộc phải khẳng định, phải rạch ròi như thế. Rõ ràng hủ tiếu thì dai, đa dạng, phong phú, còn bún riêu thì bỡ, nhưng đặc thù, chuyên biệt, đằm thắm, mặn mòi… Cái nào ra cái đó! Triết lý ẩn tàng thì đã rõ: Có thực mới vực được đạo.

Thật khác với ngày xưa, nhà thơ thường lúng túng khi cắt nghĩa tình yêu:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiềm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu

(Xuân Diệu).

Bây giờ thì không mây không gió, không nhè nhẹ hiu hiu chi nữa cà,  chỉ xì xụp hít hà thôi.

Cũng chẳng chiếm hồn ta làm chi cho đau khổ, chiếm ngay cái bao tử  cho chắc ăn!

Không xa lắm, một nhà thơ lãng mạn nói với người yêu của mình:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển

(Nguyên Sa).

Ta thấy nhà thơ gọi hẳn tên người yêu của mình ra, không ỡm ờ em này em nọ dễ gây hiều lầm. Nhưng bên cạnh đó nào chó, nào mèo, nào cá ươn… làm sao mà người yêu của nhà thơ không rúng động chết đi được! Anh mà là nước biển thì em đâu có đến nỗi…ươn lên như thế!

Lãng mạn xưa và nay có khác nhau đôi chút đó, nhưng dù thế nào, nó cũng là lãng mạn thứ thiệt, không phải là thứ lãng mạn catalogue mà các sách dạy “kỹ năng sống” gần đây hay bày vẽ vậy!

nguon VI OLET