Linh hồn SƠN NAM nửa ở Bến Cát, nửa về Mỹ Tho

Sinh thời luôn lang thang đi và viết, chắc nhà văn Sơn Nam cũng không thể ngờ khi ông qua đời lại có đến hai địa chỉ để những người yêu mến ông được dịp tới lui thăm viếng. Ngôi mộ nhà văn Sơn Nam đã được xây cất bề thế tại ấp 1B xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương. Còn Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam, tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang. Về thiết kế, ngôi mộ Sơn Nam được xây dựng một cách đơn giản mỹ thuật và khá độc đáo hợp với tính cách nhà văn. Toàn bộ đá xây dựng được mua từ Bình Định về và được xử lý một cách công phu. Trên phần bia, bên cạnh chữ “Sơn Nam 1926-2008” khuôn mặt nhà văn được khắc nổi theo hình mẫu in trên một tờ báo chụp khi nhà văn đang đi thực thế, vai còn mang chiếc ba lô. Còn nhà lưu niệm của Sơn Nam có thể hình dung “khoảnh đất này có cây sú, tre và cây vẹt, bên kia sông là một dãy  bần và dừa nước. Khi nước lớn, lục bình trôi, ghe thuyền tấp nập, gần đó là đường xe cộ chạy. Trên bến dưới thuyền là cảnh quan đặc trưng của vùng đồng bằng Nam bộ”




Nhà lưu niệm Sơn Nam: Nơi giữ hồn "Ông già đi bộ"

Ngày 22/8, Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam, tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) sẽ hoàn thành vào đúng ngày giỗ đầu của ông (13/7 âm lịch). Chị Đào Thúy Hằng (SN 1951), con gái đầu của nhà văn, cùng chồng là anh Trần Đức Nghị đã bỏ tiền và tự thiết kế xây nhà lưu niệm. Chị Hằng đã trò chuyện cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM về công trình này.

* Ý tưởng xây nhà lưu niệm cho nhà văn có từ lúc nào, thưa chị?
- Tôi dạy văn trung học đệ nhất cấp (từ năm 1972), mê tác phẩm của ba tôi đã đành, nhưng ông xã tôi dạy kỹ nghệ họa còn thuộc các tác phẩm của ba hơn. Chồng tôi bàn, ba đi suốt, cuối đời mình phải xây cho ba một chỗ dừng chân. Lúc đó, có người bán 1.500m2, cạnh dòng sông, cảnh quan đẹp, ảnh mua để xây nhà thờ cho ông. Chúng tôi khởi công năm 2009, bạn bè của ba tôi và người thân góp ý nên xây nhà lưu niệm để vừa thờ vừa lưu giữ tác phẩm, kỷ vật của ông, nên ý tưởng ban đầu là nhà thờ có hai mái, ông xã tôi thiết kế thành nhà cách điệu bốn mái, có giật cấp.

* Chị là con của người vợ đầu của nhà văn. Chị ảnh hưởng từ ba như thế nào?
- Ba tôi đi đến độ người ta gọi ông là “Ông già đi bộ”. Năm 1945, ba tôi đi Thanh niên Tiền phong đến năm 1954 mới về nhà (Rạch Giá). Năm sau, ông lên Sài Gòn viết cho các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống..., hai năm 1960-1961 còn bị giam ở nhà lao Phú Lợi. Không những xa cha, tôi còn không được mang họ cha, vì mẹ khai sinh tôi theo họ Đào của mẹ (nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày). Mẹ tôi dạy học nuôi ba chị em tôi trong kham khổ. Mỗi tuần, rồi dần dà mỗi tháng, ba mới về thăm nhà, đưa tiền cho mẹ, sau năm 1975, ba tôi cắt luôn nguồn chi. Má tôi không cằn nhằn ba mà còn an ủi các con: “Làm vợ nhà văn thì phải chấp nhận vậy thôi”.

* Vì sao chị tin hương hồn ông sẽ “dừng bước giang hồ” tại đây?
- Khoảnh đất này có cây sú, tre và cây vẹt, bên kia sông là một dãy  bần và dừa nước. Khi nước lớn, lục bình trôi, ghe thuyền tấp nập, gần đó là đường xe cộ chạy. Trên bến dưới thuyền là cảnh quan đặc trưng của vùng đồng bằng Nam bộ. Khi biết tôi xây nhà lưu niệm, Công ty quản lý Cống Bảo Định giao đất hành lang sông (500m2) cho tôi tạo cảnh quan, trồng cau và cỏ đậu phộng. Hồi xưa, nhà nội tôi có treo các lồng cu đất, trưa chúng gáy nghe não lòng, bây giờ có cặp cu hoang hôm nào cũng về đậu trên cây cau trước nhà lưu niệm gáy. Tôi tin ba tôi sẽ trụ chân ở đây với cái hồn quê ở Rạch Giá.

* Kỷ vật của ông ở nhà lưu niệm sẽ còn những gì?
- Tôi đang giữ cái đồng hồ đeo tay, mắt kiếng và cây viết bic của ba. Còn bao nhiêu vật dụng khác, ai quý ba tôi, ông cho hết. Một sinh viên khi biết có nhà lưu niệm, đã tìm gặp tôi tặng hai máy đánh chữ mà ba tôi đã cho anh làm kỷ niệm. Có một máy đánh chữ hư, ba tôi mang đến gửi một giáo sư nhờ thợ sửa giùm. Ông giáo sư viết ở mặt dưới: “Máy của Sơn Nam, sửa gấp!”, nhưng ba tôi “một đi không trở lại”, vị giáo sư này đã chuyển cho tôi máy đánh chữ đó. Ngoài ra, kỷ vật của ông nội tôi là: cục gạch lót nền, cái ché bằng đất nung, bàn ủi lá sen, đèn bão, đầu sơn dương, hình ảnh, thư từ. NXB Trẻ cũng gửi tặng ba bộ sách bìa cứng, ba bộ bìa mềm của ba tôi. Thầy giáo Đinh Công Tâm tặng nhiều sách sưu tầm, trong đó có sách của ba tôi. Họa sĩ Lê Minh tặng tranh sơn dầu chân dung ba tôi. Nhà điêu khắc Nguyễn Sánh tạc tượng ba tôi. Tạp chí Xưa Và Nay tặng tượng đồng. Bức liễn và bức thư pháp “Phong sương mấy độ qua đường phố - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (Hương rừng Cà Mau).

* Việc dựng công trình hẳn rất tốn kém?
- Xây nhà thờ ba mình, chúng tôi không dám ghi chép chi phí. Có bạn bè, cơ quan quý ba tôi, khi biết chúng tôi xây nhà lưu niệm đã có nhã ý góp tiền, nhưng chúng tôi không dám nhận, vì sợ bị hiểu lầm chúng tôi làm nhà lưu niệm để quyên góp, để làm du lịch. Chúng tôi sẵn sàng tiếp khách đến viếng, và có một phòng nghỉ cho khách cao niên. Chúng tôi chỉ xin nhận kỷ vật của ba tôi hoặc tác phẩm tặng ba tôi.

MAI BÁ KIẾM – Báo Phụ Nữ TPHCM

                  

                  
Nhà lưu niệm Sơn Nam sắp khánh thành!

nguon VI OLET