MAI THÚC LOAN

Mai Thúc Loan quê ở Mai Phụ, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Không ai rõ về năm sinh, ngày mất của ông. Chỉ biết thuở nhỏ nhà Mai Thúc Loan rất nghèo, mẹ phải đi làm mướn cho nhà giàu và kiếm củi nuôi con. Đã thế, cậu bé lại chịu tiếng xấu là con không cha và có nước da đen sạm xấu xí. Nhưng Mai Thúc Loan cũng sớm bộc lộ thiên tư thông minh, sáng ý kỳ lạ và có sức khỏe tuyệt vời.

Lớn thêm chút nữa, chú bé hết đi làm mướn cho bọn hào phú lại theo mẹ vào rừng kiếm củi. Rồi một tai nạn khủng khiếp diễn ra giữa buổi hai mẹ con đi kiếm củi trong rừng sâu. Khi nghe tiếng kêu thét của mẹ, kịp đến thì mẹ đã chết gục bên vũng máu cạnh một con hổ lớn. Hờn căm ngút trời, Mai Thúc Loan xông vào đánh nhau với mãnh thú, buộc con vật đang say mồi, hung tợn phải bỏ chạy. Từ đó, Mai Thúc Loan sống cuộc đời mồ côi, cày thuê ở mướn cho các hộ trong làng. Nhà nghèo, Mai Thúc Loan không được học hành mà chỉ học lỏm để biết chữ. Lúc trưởng thành, anh là một chàng trai có sức khỏe phi thường, là đô vật lừng danh. Ngoài ra, do theo phường săn học hỏi rồi trở thành thợ săn lành nghề, nhiều lần Mai Thúc Loan giết được hổ chúa khiến dân trong vùng vô cùng khâm phục. Vì vậy, mọi người suy tôn Mai Thúc Loan làm chức “Đầu phu”, tức người thủ lĩnh quân sự địa phương của làng.

Khu mộ Mai Hắc Đế

Nước ta ngày ấy vẫn luôn bị giặc Chà Và, Côn Lôn ngày đêm kéo sang cướp phá, nhất là ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường làm cho nhân dân vô vàn cực khổ. Đặc biệt, nạn cống nạp quả vải hàng năm là một gánh nặng khôn cùng đối với nhân dân. Nguyên do, ở Trường An, vua Đường có một nàng ái phi, thường gọi là Dương Quý Phi, nhan sắc tuyệt vời mà tính tình cũng thật thất thường. Dương Quý Phi chỉ thích ăn thứ quả vải lệ xinh xắn, ngon ngọt chỉ ở vùng An Nam mới có. Vào mùa vải năm Nhâm Ngọ (722), Mai Thúc Loan cùng đoàn phu phải gánh vải đi nộp cống. Đến xế trưa, Mai Thúc Loan cùng mọi người nghỉ chân ở bên rừng. Cái khát cháy cổ hành hạ đoàn phu. Một dân phu có tuổi bèn bứt lấy một quả vải định ăn cho đỡ khát. Quả vải chưa kịp đưa lên miệng đã bị một tên lính Đường đi áp tải xông tới, vung cán mã tấu đánh vào đầu. Khi tên lính Đường lần nữa định đánh ông già, thì hắn đã bị Mai Thúc Loan quật một phát ngã nhào chết tươi. Thấy vậy bọn giặc cậy có binh khí bèn hò hét xông vào định bắt giữ Mai Thúc Loan, nhưng những người dân phu theo lệnh Mai Thúc Loan, đã rút đòn gánh chống lại. Đánh tan lũ giặc Đường trong một cơn phẫn nộ, Mai Thúc Loan lập tức thổi bùng khí thế vụ bạo động thành một cuộc dấy nghĩa. Vị thủ lĩnh trẻ lập tức được tôn thành vị anh hùng, đã hiệu triệu trăm họ hưởng ứng nghĩa lớn và chọn vùng Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn làm căn cứ. Không để cho giặc rảnh tay, Mai Thúc Loan quyết định ra quân trước, đánh thẳng vào Châu Trị mở rộng địa bàn Hoan Châu cho cuộc khởi nghĩa. Mai Thúc Loan còn phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người Việt đứng lên gìn giữ non sông. Từ căn cứ Hùng Sơn, Mai Thúc Loan mở rộng địa bàn, xây thành Vạn An với quy mô của một kinh thành. Từ đây ông tìm cách liên kết với các thủ lĩnh và nhân dân các châu miền núi, với Champa để có thêm lực lượng chống quân Đường. Trước khi tiến đánh phủ đô hộ, ngoài Giao Châu, Mai Thúc Loan được quân dân tôn phong lên ngôi hoàng đế gọi là Mai Hắc Đế (ông vua đen họ Mai). Và, chỉ trong một trận ác chiến, Mai Thúc Loan đã chiếm được phủ thành Tống Bình (Hà Nội), đuổi tên trùm đô hộ Quách Sở Khách tháo chạy về nước, lấy lại giang sơn. Đất nước ta được giải phóng, nhân dân khắp nơi nô nức theo Mai Hắc Đế, lực lượng nghĩa quân tới hàng chục vạn người.

     Tuy nhiên lúc này nhà Đường vẫn còn hùng mạnh, bèn huy động 10 vạn quân ồ ạt theo đường hiểm đánh ập vào thành Vạn An. Không đương nổi đội quân xâm lược hung hãn, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau ông bị bệnh nặng rồi qua đời. Nhân dân sau này nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ, còn cho đề thơ ca tụng người anh hùng, như sau :

          “Hùng cứ Hoan Châu đất một vùng
           Vạn An thành lũy khói hương xông
          Bốn phương Mai Đế lừng uy đức
          Trăm trận Lý Đường phục võ công
          Đường đi cống vải từ đây dứt
          Dân nước đời đời hưởng phước chung”.
 
                                                                          Trung Nguyên

                                  Xem chi tiết trên http://www.baobinhduong.org.vn

nguon VI OLET