Sáng nay 29/4, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Tham dự lễ công bố có Tổ chức UNESCO, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Trưởng dại diện VP UNESCO tại Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung tâm nghiên cứu Con người và sinh quyển Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An với nhiều trường đại học danh tiếng.

Tại buổi lễ, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ: "Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có những tài sản đa dạng sinh học quý giá cần được bảo vệ như loài Sao La đang bị đe dọa tuyệt chủng và cây Sa mu dầu - cây di sản của Việt Nam. Chúng ta coi Khu dự trữ sinh quyển này như một "phòng thí nghiệm sống" để thử nghiệm và chứng minh việc quản lý tổng hợp đất, nước và đa dạng sinh học, cũng như việc sử dụng những tập quán bản địa để làm giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Vườn Quốc gia Pù Mát là một trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, được Tổ chức Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9/2007. Khu dự trữ sinh quyển này có diện tích hơn 1,3 triệu ha (lớn nhất Đông Nam Á).
 
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cho ông Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Đây là hành lang xanh nối kết Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh.

Đây cũng là khu vực giàu tài nguyên đa dạng sinh học vào loại bậc nhất của cả nước, với nhiều loài sinh vật quý hiếm, phần lớn các loài sinh vật mới đều được phát hiện tại đây. Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An được xác định là một trong ba khu vực trong cả nước hiện đang tồn tại quần thể voi Châu Á có số lượng tốt nhất theo quy mô đàn.

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng mưa nhiệt đới phía Bắc dãy Trường Sơn, là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực biên giới Việt - Lào. Độ che phủ của rừng trong toàn khu vực trên 70% với nhiều đỉnh núi cáo như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đinh, Pù Mát... là hiện trường lý tưởng để tiến hành các chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Giá trị bảo tồn da dạng sinh học sinh của Khu DTSQ thể hiện ở sự có mặt của hơn 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong danh sách đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm, đặc hữu như: Sao La, Chà vá chân nâu, Mang lớn, Thỏ vằn, Sa mu dầu...

Khu DTSQ còn bao gồm đặc trưng văn hoá - nhân văn nổi bật của cộng đồng người Thái, Mông cũng với những giá trị bản địa sâu sắc và không thể bỏ qua giá trị cội nguồn tộc người Ơ Đu có dân số ít nhất trong cộng đồng dân cư Việt Nam. Khu DTSQ là nơi sinh sống của hơn 884.000 người thuộc 7 dân tộc: Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Đan Lai, Ơ đu.

Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ của khu vực này. Đây là địa điểm quan trọng cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa và tiến hành các chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.
 
Ông Phạm Bình Quyền (bên phải) - PGS.TS - Tổng thư ký Hội bảo vệ môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận cây Sa mu dầu tại Vườn quốc gia Pù Mát là cây di sản Việt Nam.

Đồng thời, sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào, dân tộc miền núi, Sự đầu tư của quốc tế thông qua các dự án như dự án SFNC đầu tư để phát triển kinh tế cho các hộ gia đình thuộc vùng đệm Vườn quốc gia, dự án bảo vệ rừng lưu vực sông Cả, dự án Dadida của Đan Mạch, dự án phát triển miền núi phía tây Nghệ An của Lucxambua nhằm bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của các hộ gia đình và các làng bản. Nhận thức của người dân về rừng đã thay đổi, đã giảm được sự phụ thuộc các sản phẩm thu nhập từ rừng và giảm được sự tác động của người dân vào rừng.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là tài sản qúy không chỉ của xứ Nghệ mà đó còn là tài sản của Việt Nam và cộng đồng thế giới. Sự hình thành của nó có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam, có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển. Với 3 chức năng ấy của khu dự trữ sinh quyển sẽ giúp tỉnh Nghệ An thiết lập một hành lang bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, đa dạng loài gen, đa dạng văn hóa truyền thống. Đồng thời sẽ tạo ra những động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nguồn lực con người 9 huyện miền Tây một cách bền vững.

Đàn thú quý hiếm họ Mèo tại Vườn Quốc gia Pù Mát
 
Vườn Quốc gia Pù Mát có tính đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng loài thú đã có 132 loài, trong đó có 40 loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam (1992) và 31 loài ở sách đỏ thế giới (IUCN 2000) thì họ Mèo đã có 7 loài.
 
Tại nghị định 32 NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm, nguy cấp và chế độ quản lý bảo vệ thì Pù Mát có 3 loài thú họ Mèo thuộc nhóm IB. Đó là Hổ (Panthera Tigris), Báo hoa mai (Panthera pardus), Báo gấm (Neofilis nebalosa). Theo đó, cấm mọi hình thức săn bắt, vận chuyển, mua bán đối với các động vật quý hiếm nói trên. Trong trường hợp phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc yêu cầu về quan hệ quốc tế phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
 
Trong sách đỏ Việt Nam chúng đều thuộc cấp E (Endangered) nghĩa là đang nguy cơ đe doạ tuyệt chủng. Theo tổ chức quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện nay thế giới chỉ còn khoảng 3200 con Hổ và Việt Nam chỉ còn khoảng 30 con trong tự nhiên thì việc xuất hiện Hổ đang tồn tại ở Vườn Quốc gia Pù Mát là điều rất đáng quý (bẩy ảnh đã ghi được). Bốn loài thú còn lại của họ Mèo ở Pù Mát thuộc nhóm IIB gồm: Beo lửa, Mèo rừng, Mèo cá, Mèo gấm. Các loài thú trong nhóm IIB chỉ được săn bắt trong trường hợp cần thiết như tạo giống gây nuôi, nghiên cứu khoa học, trao đổi quốc tế về giống hoặc phục vụ yêu cầu khác nhưng phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép.
 
Với Công ước quốc tế Stes, Việt Nam là một thành viên thì, cả 7 loài thú họ Mèo kể trên đều thuộc phụ lục I, nghĩa là cấm mọi hình thức vận chuyển buôn bán trên trường quốc tế.
 
Đặc điểm chung của họ Mèo là, trước hết chúng đều là động vật hoang dã săn mồi siêu hạng thuộc bộ ăn thịt (Carnivora). Thức ăn của chúng là các loài động vật khác, như Lợn rừng, Hươu, Nai, Khỉ, Vượn, Sóc Chuột, Chim, Thằn lằn, Ếch, Nhái, Cá... Thú lớn giành cho Hổ Báo, Mèo bé bắt thú nhỏ. Chúng sinh sản mỗi năm 1-2 lứa, mỗi lứa 1-3 con, mang thai 90-95 ngày ở nhóm Mèo hoặc 100- 108 ngày đối với Hổ Báo. Chúng thường sinh sản vào mùa xuân hoặc mùa thu, kiếm mồi vào ban đêm, sinh sống đơn lẻ, chỉ ghép đôi khi đến mùa động dục. Một đặc điểm quan trọng của các loài thú họ Mèo thường tìm, cắn chết con non để giành lấy "bạn tình" nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của chúng.
 
Vườn Quốc gia Pù Mát, việc bảo tồn các loài thú họ Mèo đặc biệt là Hổ trở thành nhiệm vụ rất quan trọng cần được các cấp các ngành trong nước và các tổ chức quốc tế quan tâm.

Một số hình ảnh động vật quý hiếm của Khu dữ trữ sinh miền Tây Nghệ An giới thiệu cùng bạn đọc:

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (gọi tắt là VACNE) đã chứng nhận: Cây Sa mu dầu tại Vườn quốc gia Pù Mát thuộc “Cây Di sản Việt Nam” cần được bảo tồn và phát triển nguồn gen. Cây có tên khoa học là Cunninghamia konishii hayata, thuộc họ Taxodiaceae. Người dân địa phương (đồng bào Thái) tại Con Cuông gọi là cây Mậy Pẹc. Cây Sa mu dầu này hiện vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, có tán lá thưa, hình nón hẹp, thân thẳng, không có bạnh với chiều cao khoảng 70m; có chu vi thân đo được là 23,7m, đường kính thân 5,5m.
nguon VI OLET