Phần thưởng cho ba người
Nhụy Nguyên

 
Thằng bé không chào anh, đứng sát tận góc phòng giương mắt nhìn anh xa lạ. Cuốn vở kẻ dòng trên tay anh, vẫn còn nguyên những chữ mẫu. Thế là kế hoạch buộc thằng bé ngồi vào bàn của anh thất bại thảm hại. Anh giận đến run bắn người.

- Bước lại!

Thằng bé, bàn tay trái nắm lấy hai ngón của tay phải đặt trước quần lủi thủi bước những bước ngắn chủn lại phía anh.

- Vì sao sáng nào chú cũng bảo Rơm học mà Rơm không học?

Anh giáng một bợp tai vào má thằng bé. Nó loạng choạng, đổ vật xuống chiếc giường độc nhất kế cạnh.

- Bước lại!!

Anh gồng người lên như cú vọ. Thằng bé đứng chưa vững, anh bồi thêm một bợp tai nữa. Trong nỗi khiếp, thằng bé lồm cồm bò dậy, cố đứng trước mặt anh.

Chị nó đặt “cạch” cái chén còn lại vào mâm cơm, mặt vếch lên: “Đồ lì lợm!”. Anh được tiếp thêm sự giận dữ. “Vu...t...” - tiếng roi chao giữa khoảng không rát rúa. Lằn roi dính trên đùi, mông thằng bé.

Cánh cửa mở toang. Bà chủ nhà trọ mới ló mặt vào, anh nạt: “Chị bước ra!”. Bà ta không giận, hỏi gắt: “Răng đập em dữ rứa?!” Anh thở dốc, ngừng tay. Thằng bé chuyển từ khóc sang rên ừ ự.

- Trừa chưa Rơm? Bước dậy. Trừa chưa?!

- Dạ... rồi...

- Từ giờ có chịu ngồi vào bàn học không?

- Dạ, có!

- “Có” mấy trăm lần rồi, hả? Hứa với chú mấy trăm lần rồi?

Thằng bé nấc lên liên tục, nói không thành tiếng nữa.

- Đi rửa ráy vô học.

Bà chủ nhà né người cho thằng bé ra, nhìn anh. Rồi bỏ đi. Thằng bé đã thôi la hét song chuỗi âm thanh hồi nãy chắc vẫn còn neo trong tâm trí của hàng xóm. Anh thấy hối hận, không phải vì đã để cho tiếng kêu kia thoát khỏi căn phòng chỉ rộng chưa tới mười mét vuông; mỗi tháng cả tiền điện nước, vị chi chị phải trả ba trăm hai mươi ngàn. Trong lúc anh không hề có đồng nào góp vào mỗi tháng, lại còn ăn uống ngày hai bữa. Mọi sự khổ, đổ lên đầu chị tất. Vì thế thằng bé hư, anh càng tức, càng mạnh tay vào làn roi quất lên thân nó.

° ° °
Phàm chuyện gì xấu cũng phải uốn nắn từ từ, nhất là đối với trẻ nít. Hơn ai hết, anh hiểu điều đó. Việc dậy sớm hay ngồi vào bàn làm việc, với anh cũng mất mấy tháng đằng đẵng mới đi vào nền nếp. Vậy mà với cu Rơm... Không. Chính vì nó không tiến triển được chút nào, anh mới lồng lộn lên nhường ấy. Anh biết từ lúc lọt lòng, thằng bé đã hoang dã, do mẹ nó tối ngày trên đồng ruộng. Còn khi thằng bé vào mẫu giáo, chị phải ra thành phố... gặp được anh. Mệ ngoại thương cháu về ở cùng trong căn nhà trệt. Ngoài buổi ăn cơm ra, cu Rơm lang thang khắp xóm, là một trong những đứa con nít ba trợn nhất, ăn nói bậy bạ nhất. Lần đầu tiên nghe được tiếng “đ. mạ” phát ra từ miệng nó, anh trợn tròn mắt, không tin nổi. Trời ơi, trong căn phòng này, trong môi trường lành mạnh này, lại có thể dung chứa một đứa như nó? Anh hoang mang, nghĩ ngay tới công việc vô cùng gian nan là đưa cu Rơm từ “rừng hoang” trở về với xã hội loài người! Và ngay lúc đấy, anh sốt sắng dặn dò nó, nó ừ ạ. Nhưng ngày mai anh lại nghe nó phát âm thứ “ngoại ngữ” đó. Anh sôi máu. Có điều anh không thể đánh nó. Đánh đập nó, sao có thể được. Anh nghĩ tới chị, thấy gượng gạo, nếu cầm cây roi. Anh không có quyền đánh nó. Cứ thế anh mang khối u trong mình, giữa bực tức và kìm nén. Sau bao nhiêu lần anh nghe ông chủ phàn nàn rằng thằng cu hoang lắm, phá phách, trèo lên tít trên bụi cây trước cửa, ném đá vào người đi qua kiệt nhà... Một sáng lên phố tới thư viện tìm sách, ghé vào anh bắt nó ngồi vào bàn chép hai trang, hẹn khi anh về phải xong. Kết quả là con số 0. Đã bao lần như thế rồi, anh tính không xuể... Anh nuốt cơm không vào, và muốn ném cái chén vỡ tan cho hả giận. Không thể không gai mắt nhìn nó ăn, anh đứng dậy quay đi, rút cuộc lại nhìn nó ăn. Mân cơm chỉ mỗi dĩa trứng 8 lát, mà ăn chưa hết chén cơm nó đã ngốn 5. Và những bữa sau cũng thế, anh thấy rành rành sự ích kỷ trong lối ăn của nó. Tất cả, tất cả mọi hành động của thằng bé, anh thề sẽ gọt giũa, chải chuốt đến vết xước cuối cùng.

Giá anh không bị vùi vào trong cái luận án chết tiệt hiện tại, đồng lương cán bộ sẽ nguyên vẹn, để chị được nghỉ ngơi đôi bữa trong tuần mà dạy dỗ con cái. Giờ vẫn đang là mùa hè, cu Rơm chưa tới trường, vậy là cả ngày nó ở nhà một mình, thoả sức chơi bời, ngang bướng và nói tục.

° ° °
Xem thời sự xong, anh thấy thằng bé còn quá bận rộn với mớ nắp bia và mấy thứ đồ nhựa nhặt ở đâu đó. Anh đã có dặn nó nhiều lần là không được lượm thứ gì ngoài đường; không được chạm vào thứ gì trong nhà người ta. Chính vì có lần chị chở nó xuống chỗ người quen, đã phát hiện nó trộm tờ bạc lẻ trên tủ cho vào túi. Lần đó về, chị đánh bằng roi tre rất đau. Anh có tới can và bảo nó đứng lại ngay ngắn trước mặt, giáo huấn nhẹ nhàng. Mai, lúc đi, anh vờ quên hai tờ năm trăm ở góc chiếu rồi ra sân bảo nó vào chép bài. Trưa về, thấy không còn, hỏi, nó lắc đầu, nét mặt câng câng lắm, anh chỉ muốn bợp tai. Chợt nghĩ sao mình thật phi lí. Trước mặt anh đâu phải kẻ thù...

- Rơm lần sau đừng hư thế nữa. Nếu ai quên tiền thì Rơm cất rồi sau nói với chú với mẹ, đừng thu thu giấu giấu mà thành quen. Quen rồi thì tới mô cũng muốn lấy cắp của người khác. Ai cũng ghét thằng ăn cắp cả, thấy là họ tránh mặt, họ đuổi khỏi nhà... Rơm hiểu không?

Thằng bé gật đầu.

- Ừm. Nếu Rơm ngoan, từ mai, khi chú lên chú mua bánh cho. Rơm thích cái chi cứ hỏi chú, nếu thấy cần thiết thì chú mua cho. Bữa kia chú thấy Rơm vẽ đẹp lắm mà. Rơm không chép bài thì vẽ đi, rồi chú mua màu cho.

Hiện tại anh chỉ muốn tập cho thằng bé thói quen ngồi vào bàn để học mà thôi. Nên nó ưa tập viết, tập vẽ hay cắt dán là tùy. Hôm nay anh viết mẫu bảng chữ cái cho nó tập chép. Nó ụn ượn ngồi, mà một chân bỏ lên chiếc ghế nhựa. Anh bảo: “Ngồi học phải đàng hoàng, Rơm bỏ chân xuống đi”. Nó làu bàu: “Cháu thích để rứa”. Anh dồn hơi quát: “Bỏ chân xuống!”. Chị nó lập tức quạu mặt với em: “Mi không học được mi xéo đi!”. Anh nín thở, nghĩ mình lỡ lời để cho con bé lợi dụng mà nạt em. Lại ngồi ở góc giường vặn nhỏ ti vi xem thời sự để canh thằng bé học. Cũng chỉ hết thời sự là anh phải về, ngồi vào bàn mang khẩu trang, vò đầu với mớ công thức cùng đống đồ thí nghiệm.

° ° °
Chị gọi điện cho anh: “Sớm mai em về. Con làm cùng với em đòi về nhà chơi. Chắc em không ghé vào anh được. Anh mang giùm em cái chăn lên để tối mai em với nó lau nhà nằm, đắp”. Chị làm cách chỗ anh ba mươi mốt cây, đi về mệt nhọc, anh không muốn than phiền. Trong đầu anh luôn có câu khẩu hiệu được đúc bằng xi măng cốt thép: “Tôi không tin sẽ không dạy được nó!”. Có chăng anh chỉ kể đôi điều về thằng bé rồi an ủi: “Nó hư từ ngoài quê, phải có thời gian mới uốn lại được”. Chị thở dài nhìn chỗ khác, mặc cho con ruồi đậu trên mũi: “Có khi mô nó “ăn” máu thằng cha...”. Anh gục đầu xuống. “Tôi không tin...” Chị vẫn nắm bắt được sự tình. Mỗi lần chị gặp gia đình chủ nhà để trả tiền thuê trọ, họ đều không tiếc lời kể “tội” thằng bé. Ông chủ nhà bảo: “Tao sợ thằng cu hư, rồi đâm ra ghét chú hắn...”. Bà chủ biết anh thực lòng với mẹ con chị, thêm vào: “Chừng nớ tuổi, nó nhớ đai lắm đó...”. Anh từng nghe chị kể, lần về quê thăm con. Hàng ngày mệ ngoại nấu ăn cho hai đứa, còn việc học hành và chơi thì mệ không quản được. Nhất là thằng bé, nó học về, vứt cặp là đòi cơm, xong đi chơi tới tối mịt mới về. Chị, mỗi tháng về được một lần, thương con, chỉ dặn dò, nhắc nhở chứ đâu nỡ đánh đập. Về tới đã chập tối, chị đi tìm nó toát cả mồ hôi hột mới ra. Nó đi học và ở lại luôn tại nhà bạn, ăn cơm, chơi. Dắt về nửa đường chị quở: “Rơm học xong phải về liền kẻo mệ ngoại đợi cơm. Không được ở lại nhà người ta ăn cơm. Rơm hư rứa mẹ sao yên tâm đi làm được mà có gạo...”. Nó vùng khỏi tay chị, chạy. Rồi nó đứng lại, quay người chỉ mặt chị: “Đ. mạ mi bữa ni đừng đâm mặt về đây nữa”. Chị... rụng tim! Anh ngẩng đầu đứng phắt dậy: “Đưa nó vào đây. Đưa vào đây gấp!”. Chị nghe, như nghe phát ngôn của bác sĩ khi chẩn đoán ra căn bệnh hiểm nghèo của người thân. Ngay tuần sau chị thuê phòng rồi ra đón hai đứa vào, giải thoát cái khổ cho mệ ngoại.

Còn đứa con thứ hai của chị, thì đã theo cha nó sống vật vờ ngoài thị xã. Năm thứ ba chị sinh sống ở thành phố, anh mới thấy mặt nó. Một khuôn mặt tròn to, mụn và đen; tròng mắt nhiều lòng trắng, ẩn sát khí. Anh hình dung khuôn mặt ấy với bộ mặt đã gieo rắc tội ác lên cuộc đời chị. Vì thương con nhỏ dại, đêm đêm chị phải đối diện với nó, như ma quỷ - rùng rợn đến kinh hoàng. Mỗi lần vào với chị, nó đều dẫn theo thằng bạn. Anh thay đổi cách nhìn nhận về nó từ hôm chị trao cho anh lá thư nó gửi vào từ quê, mà như được “thoát” ra từ trại giam. Chắc mẹ bất ngờ lắm khi nhận được thư của con, nhưng con chỉ biết tâm sự cùng mẹ thôi. Bây giờ con như một con chim non lạc mẹ và dần dần rơi vào vùng tăm tối đầy tội lỗi... Con sống từng ngày, từng ngày chỉ như là một kẻ vô hình - chẳng ai quan tâm cả. Con đã khóc rất nhiều mẹ ạ! Nhiều lúc nhìn bạn bè con thấy chán nản vô cùng, chỉ muốn nhìn thấy mẹ và thét lên: Mẹ! Mẹ! Mẹ! Nhưng cảnh đời thật trớ trêu... Chị ứa nước mắt; anh bất lực. Và hậu quả là một năm sau, nó bị bắt vì tội chặn xe xin tiền...

° ° °
Cơn bực chưa xuống, anh nhìn lại người thằng bé. Những lằn roi thâm tím. Nhưng thằng bé, thật lạ, chỉ vài phút sau là như chưa hề kinh qua một nỗi khiếp đảm nào. Anh bắt nó đeo cặp, đứng vào ô tròn anh vẽ bằng phấn. Nó vô tư giẫm lên chỉ. Rồi, nó cúi xuống bắt con kiến dưới bắp chân nghiến nát bằng hai mu ngón tay kèm theo cụm từ: “Đ.m mi nị!”. Anh sởn tóc gáy. Không lẽ trong người nó có dòng máu lạnh của cha nó, sẽ chẳng bao giờ anh hâm nóng lên được?? Thất vọng tới mức anh quẫn trí liên tưởng đến một ngày, anh không còn hiện diện trong gia đình này nữa, nó sẽ hành hạ mẹ nó, i hệt cha nó, chỉ khác ở cách thức... Không! Anh uất hận. “Không!! Tôi không bao giờ tin...”.

Nó, có khác gì cái luận án phó tiến sĩ của anh, chưa bảo vệ thành công. Mà sau một lần như thế, anh phải vay mượn, phải bán đi một thứ gì đó mà phải rất tằn tiện anh mới sắm được... Trở lại với chiếc xe đạp, anh cưỡi nó như một con chó dại thè cái lưỡi đỏ loẹt giữa trưa ba mươi chín độ, tới tiệm thuốc này tiệm thuốc nọ hỏi xem có loại thuốc nào có thể mau chóng làm mờ vết roi không? Không. Ít cũng phải một tuần. Một tuần - thời gian thừa cho mọi người biết đến một thằng cha tàn ác còn chi! Mà không, anh đâu phải cha nó. Anh đâu có thương nó. Thiệt không? Ừ. Anh tự hỏi: Nếu là con mình đẻ ra, anh có đánh nó đến nước ấy? Chị lại ngồi lặng, mặc cho con ruồi đậu mãi trên mũi. Anh ghét sự ủ dột đó. Em nói đi chứ! Nói rằng, anh tàn bạo lắm. Anh không nghe xóm giềng người ta nói sao ư?... Anh thấu suốt gan ruột chị. Và anh còn sợ nữa. Sợ một tay nhà báo nào đó phát hiện ra, hắn sẽ yêu cầu thằng bé cởi quần để chụp một pô ảnh “làm kỷ niệm”. Chỉ thế thôi cũng đủ kết tội anh, còn nặng gấp vạn lần việc thằng con chị cầm dao chém người cướp của... Trước mặt chị, anh đưa ngón trỏ tay trái lên miệng, cắn phập. “Anh thề với em: Từ mai trở đi anh không đánh thằng Rơm một roi nào nữa!”. Chị nắm lấy tay anh loang máu...

° ° °
Có những chuyện, theo anh là do trời sắp đặt. Ví như chuyện anh đến với chị. Và nay là chuyện thằng bé bị xe tông. Anh đang ngồi trong góc nhà với cái khẩu trang thì thấy chị rù xe vô đột ngột, có bao giờ chị về ban ngày đâu. “Anh không biết thằng Rơm bị xe tông gãy chân trên nhà à?”. Anh bạc mặt: “Không!” Chị chỉ thông báo vậy và đi luôn, không đợi anh thay đồ.

Chị xin nghỉ được dăm ngày, trong lúc thằng bé phải nghỉ học gần ba tháng. Chỉ anh lo mọi thứ. Nhất là việc bồng thằng bé đi vệ sinh, lau rửa, đổ bô... Chị có cái nhìn xa xôi thật đẹp. Nhiều lúc vui chị vẫn vậy. “Em thương anh lắm!”. “Con mình mà em”. Nhưng, lập tức anh nghĩ ngay tới chị cu Rơm. Hình như nó không thể là... con anh. Mỗi lần bất chợt thấy anh cầm bô đi đổ, nó oẹ - vẻ kinh tởm. Còn khi nó nạt thằng bé thì đến anh cũng chạnh lòng. Dường như, chỉ dường như thôi, thằng bé không phải là em nó... Nó kính nể chú, nhưng trong mắt nó chỉ có cha thôi. Một tuần, nó chỉ nấu giúp anh vài bữa. Tối nào tối nấy đi đến chín mười giờ mới về, ngồi sau xe máy của bạn trai. Chị khóc lên khóc xuống vì nó. Không được. Anh không cho phép chị yếu đuối trước nó. Và, anh tính cũng không dưới mười lần chị mắng nó thiếu điều chui mặt xuống đất. Thế mà mai mốt lại đâm đầu vào yêu với đương. “Mất dạy!...” Anh giơ tay tát nó nhưng kịp ngừng lại. Sự thật đang điểm huyệt anh. Mặt nó trơ ra, không động đậy, như đang thách thức anh: “Tát đi!...” Anh nhận ra tức khắc: Người mang dòng máu lạnh của thằng cha bất nhân, bất nghĩa, thất đức, vô hậu kia là nó, chứ không phải là thằng bé.

Chị tối nào cũng về song chỉ hỏi han tình hình thằng bé. Thường thì nó ngủ trước lúc chị về. Và cũng chỉ khi nó ngủ anh mới yên tâm ra về. Thời gian làm việc của anh, một nửa là phải ngồi trước máy vi tính. Thành thử một tuần sau khi thằng bé phải tới viện bó bột ở chân, anh mang máy vi tính tới phòng trọ để vừa làm việc vừa chăm nom nó. Chị nó đi học, quãng bảy giờ hơn là anh tới lo cho nó ăn sáng, rồi uống thuốc. Gần trưa thì chuẩn bị nấu nướng. Con bé về ăn xong thì đi cho tới tối, có khi là đêm. Nó xin hai trăm ngàn mỗi tháng để học thêm; anh và chị không thể quản lý giờ giấc được. Những lần về nhà rồi đến lại, anh luôn với tâm trạng bất ổn. Cứ nghĩ thằng bé sẽ lê cái chân bó bột ra đường; nó thông báo cho anh cái tin: “Cháu vừa nôn”, hay nó đau bụng quá mà tự đi... Nhưng sự thể đã khác nhiều. Nó chờ anh. Dạo trước dẫu bị cấm, nó vẫn tự tiện mở ti vi coi rồi để thế đi chơi cả buổi. Bây giờ nó đợi anh lên xin mở ti vi để xem hoạt hình. Anh bảo, “tới mười một giờ trưa, năm giờ chiều, chú chưa lên kịp thì cho Rơm tự mở mà xem hoạt hình”. Anh mừng nhất là bữa anh mới đẩy cửa bước vào đã thấy khuôn mặt tươi vui của nó, đưa bài tập làm văn nhờ anh chấm điểm.

Đề bài: Kể một buổi biểu diễn nghệ thuật.

Bài làm: Hôm nay em xem biểu diễn nghệ thuật xiếc, được tổ chức tại trường của em, vào ngày 20 - 11. Em cùng mẹ và chú. Buổi biểu diễn có tiết mục kịch, hài, múa, ca nhạc và xiếc. Tiết mục xiếc là tiết mục của lớp em, các bạn biểu diễn rất mạo hiểm. Em thích tiết mục xiếc vì nó rất mạo hiểm.

Nó ghi dưới 4 hàng (không kể dấu vân tay ở hàng cuối) theo thứ tự: bài văn của (...); đến chữ ký; đến họ tên; đến cái dấu vân tay nó tự “đóng”. Anh nhìn thấy, phì cười. Dặn nó: “Bài làm văn không cần chữ ký và nhất là không cần dấu vân tay... Giờ chú chấm này. Chữ diễn mà Rơm viết thành “điễn”... Một lỗi. Em cùng với mẹ và chú . Câu này chưa đủ. Phải em cùng với mẹ và chú cùng đi, cùng xem, hay cùng thích chứ... Hai lỗi rồi nghe.” Thằng bé cười thẹn. Anh tiếp: “Rơm kết thúc như thế này chưa được. Mình thích cái gì thì phải thấy được nó đẹp như thế nào. Chứ không phải vì mạo hiểm mà thích... Xem nào, một, hai, ba. Ba lỗi chú trừ hai điểm. Chú chấm tám”.

- Rơm viết thế này là giỏi lắm rồi đó. Từ bữa ni Rơm thích viết cái gì cứ viết. Rồi chú chấm điểm cho. Viết nhiều Rơm sẽ giỏi. Giỏi sau này mới giúp được mẹ bớt khổ”.

Vẫn với điệu bộ thẹn thùng, thằng bé nói: “Cả vẽ nữa”. “Ừ! Môn chi cũng phải học giỏi hết”.

Mai lại, nó đưa cho anh xem hai mặt vở học sinh kín chữ với đầu đề: “Những ngày con ốm”.

"Từ ngày con bị đau chú mẹ rất khổ là lần đầu tiên con bị đau...".

Nó còn vẽ ô điểm, chia ra 4 ô nhỏ, đánh số 7 - 8 - 9 - 10; chỉ tay dặn anh: “Được mấy điểm chú đánh dấu nhân vào ô đó.” Anh thấy buồn cười hơn cả cái dấu vân tay hôm qua của nó.

- Thế nếu chú chấm bài văn này được năm hay sáu điểm thì sao?

Nó núp mặt sau vai anh cười mỉa.

Anh đọc xong, lặng đi. Lỗi thì nhiều nhưng anh không sửa, đánh dấu nhân (x) vào “ô 10”...

Hôm đó, trời đã tối, anh về thấy cu Rơm nằm thiếp trên giường, người nóng sực. Anh vực dậy. Nó tỉnh ngủ thì quẹt nước mắt. “Chị đi khi mười hai giờ rưỡi...” Anh tức đến nghẹn cổ, lại càng thương thằng nhỏ. “Sao Rơm không múc cháo mà ăn khỏi đói?”. “Cháu chờ chú!” Anh muốn khóc... Những chiều khác anh cố về sớm hơn, thấy nó đã đứng sẵn giữa sân nhà chủ trọ đợi anh. Một mình nó với cái chân bó bột, tập đi trong khoảnh sân không người, không một tiếng chó, và từ trên cao lá ngô đồng vẫn gieo mình lặng lẽ...

° ° °
Tôi vẫn thường nhận được thư và quà từ Việt Nam trong các dịp lễ Tết, nhưng của chú thì đây là lần thứ hai, trong suốt hơn sáu năm tôi xuất ngoại. Lần đầu là một lá thư; trong thư chú khuyên tôi nên về chăm sóc cha tôi..., dẫu rằng tôi đã mang họ của chú. Còn nay là một cái hộp giấy, đựng 5 cuốn sổ dày. Đấy đều là những cuốn sổ chú mua riêng để bắt tôi phải viết lỗi mỗi khi có lỗi. Tôi nhớ không rõ ràng tới chúng vì đã quá lâu rồi. Tôi ngỡ ngàng lật từng trang giấy đã không còn trắng nữa. Và tôi thấy chú đang ở bên tôi, chỉ cho tôi từng con chữ: “Chỗ này Rơm viết sai rồi. Chỉ có bửa củi mới dùng dấu hỏi, còn bữa lâu, bữa trưa, bữa tối... Chỗ này phải chấm... Đây này, ngủ làm gì có “hờ”... Tôi đọc ngấu nghiến từng trang. Hai ngày trước, ngày 11 tháng một cháu chạy ra ngoài đường còn tự tiện lấy xe của họ đi mà cháu thì mới biết đạp xe...; Thứ bảy ngày 25 tháng 2. Buổi sáng, khi mẹ đi làm...; Ngày hôm nay, vào buổi chiều, lúc năm giờ, lúc ông Châu có khách thì cháu đang ngồi chơi trên ghế... ông thấy cái chậu bị bể. Ông Châu nói mi phá như thế đủ chưa...

Thứ 3 ngày 11 tháng 12 năm 2007.

Ngày hôm nay, buổi sáng, lúc cỡ sáu giờ mười lăm phút cháu đi ngang khúc gần trường. Ở đó có một quán điện tử gần đường Đặng Văn Ngữ. Cháu vô trong quán điện tử đó chơi, cháu đã dùng toàn bộ số tiền mà cháu có để chơi điện tử. Điện tử là một loại đồ chơi có thể làm trẻ em hư. Cháu là một trong số đó. Cháu đã hư vì cái trò chơi điện tử khủng khiếp đó. Mới lần đầu thử chơi, chơi xong cháu đã thấy muốn chơi quá. Nên bây giờ cháu mới vậy. Nhưng như hôm nay là không được, đi học là đi học mà chơi là chơi. Không có ai mà dám tự đi trốn học để đi chơi điện tử như rứa hết. Người ta, có mẹ đi làm cực khổ để cho đi học, mà cũng rất thương mẹ của mình. Chỉ có những đứa mà không thương mẹ mình mới đi chơi điện tử mà trốn học hết. Như cháu, cháu không biết thương mẹ. Mẹ đã tốn bao nhiêu công sức làm việc để mà có tiền cho cháu đi học. Mẹ đã đổ ra bao nhiêu mồ hôi công sức để làm việc kiếm tiền, rứa mà cháu cũng không nghĩ đến cho mẹ. Mẹ làm việc làm đôi tay của mẹ đã yếu dần, da mặt mẹ sạm và nhăn vì đi nắng đi mưa, chân tay của mẹ có rất nhiều vết tím vì ngã. Những lúc mẹ đi làm về là người mẹ toát hết mồ hôi ra... Ăn cơm mẹ luôn cho cháu phần ngon, có khi là mẹ còn cho tiền nữa. Mẹ cho mọi thứ mà cháu thích. Dù có đắt thế nào mẹ cũng luôn cố gắng mua cho cháu. Vì mẹ rất thương cháu. Mấy lần cháu hư mẹ chỉ đập nhưng trong lòng mẹ rất muốn khóc...

Cứ thế tôi đọc một lèo cho tới “lỗi” cuối cùng trong cuốn sổ cuối cùng - một “lỗi” gợi cho tôi nhiều điều hơn cả.

Anh cu có khoẻ không? 

Em là Rơm. Nhớ bữa lâu, rất lâu, anh về đây chơi cùng một anh là bạn của anh. Buổi chiều Rơm không ngủ được, Rơm rủ bạn anh đi chơi và bảo anh nớ mua cho Rơm một chiếc máy chơi điện tử giá mười lăm nghìn, chú lên thấy xách tai rồi nói ra đập bể cái điện tử đó...

Hôm nay ngày... chú bảo Rơm viết thư cho anh cu. Chú nói với Rơm là vì anh phạm tội nên bị bắt và chú còn nói nếu anh cu biết sửa lỗi thì sẽ được thả làm người tốt. Nên chú khi mô cũng dặn Rơm là không được hư và học thật giỏi để thành người tốt, để giúp mẹ bớt khổ. Chú dặn Rơm không được tự tiện chạy đi chơi vì có lần Rơm không nghe lời chú tự tiện chạy ra đường đã bị một cô giáo tông gãy chân, phải nghỉ học ba tháng. Chị bé cũng có lần bị bổ từ trên giường xuống phải đi viện mổ, cũng nghỉ học như Rơm.

Mẹ ngày mô cũng đi làm đến đêm mới về cực khổ mà Rơm vẫn hư, mà chú thì khi mô cũng nhắc Rơm là không được hư để thành người, để giúp người. Chú nói Rơm học giỏi chăm ngoan thì chú dạy Rơm thành người, nên mỗi lần Rơm hư là chú bắt ghi lỗi. Chị cũng hư nhưng chú không bắt ghi lỗi mà chú chỉ nạt. Mà chị vẫn hay đi chơi, và bạn chị cũng hay đến chơi còn nằm trên giường và chú về thấy đã cấm. Rồi có lần chú đuổi một anh bạn chị cút khỏi nhà rồi cấm cả anh Đan không được đến nữa. Bữa tết chị còn lấy tiền mừng tuổi của Rơm, Rơm nói gửi cho mẹ để mua xe đạp cho Rơm mà chị vẫn lấy...

Bức thư chưa khép lại. Tôi bắt đầu nhớ. Bận ấy chú ngồi bên bảo tôi chép lại sạch sẽ vào giấy để gửi cho anh tôi. Những nét sửa của chú giờ vẫn còn nguyên. Trước đó, tôi tìm không thấy cuốn sổ đâu cả. Thì ra chị tô giấu đi (không biết để làm gì?). Tôi viết xong thư cho anh, chú mang về cất luôn dẫu cuốn sổ vẫn còn nhiều tờ giấy trắng.

Nhưng, sao bây giờ chú mới gửi cho tôi những cuốn sổ này, mà không kèm theo một dòng tin nào cả. Nếu..., thì mẹ - một phần cơ thể của chú cũng...!

Chú đã giành lấy tôi cho mẹ tôi, khi anh tôi, chị tôi đều bị bàn tay đen của xã hội kéo tuột đi. Ngoài những gì tôi đã ghi trong các cuốn sổ trước mặt mình, lỗi với chú với mẹ thì còn nhiều lắm lắm. Nhưng có lẽ, lỗi lớn nhất, là tôi đã không theo lời chú - về bên cha đẻ của mình trong những tháng ngày ông trọng bệnh cuối đời! Tôi bắt đầu ghi lỗi vào những trang giấy trắng còn lại của cuốn sổ năm xưa với câu mở đầu: “Thằng bé không chào anh, đứng sát tận góc phòng giương mắt nhìn anh xa lạ...”.

Tháng 3. 2006
nguon VI OLET