http://images.vietnamnet.vn/dataimages/201005/original/images1962329_teen1.jpgTôi còn nhớ trong “Quà tặng cuộc sống” có câu chuyện một người cha có hai đứa con trai. Người cha này suốt ngày rượu chè bê tha, về nhà đánh đập, hành hạ con cái. Vậy nhưng sau này, hai đứa con ông lại đi hai con đường hoàn toàn trái ngược nhau.

Một người trở thành chuyên gia tư vấn và giúp đỡ những người nghiện ngập rượu chè bỏ được tật xấu đó,còn người kia “nối nghiệp” bố, trở thành một kẻ tối ngày say sưa trong hơi men.

Vậy nhưng, khi có người hỏi hai người con ấy là tại sao lại trở thành người như vậy thì lại nhận được câu trả lời giống hệt nhau: “ Bố tôi nghiện ngập như thế, làm sao tôi có thể không trở thành người như thế này được!”.

Câu chuyện này có nhắc đến cho chúng ta quyền lựa chọn các ứng xử của mỗi người khi đứng trước nghịch cảnh. Điều đó sẽ để lại kết quả trong chính cuộc sống của mỗi người.

Khi bạo lực học đường xảy ra, nhà trường, gia đình, xã hội thường bị trách vì đã không tạo được môi trường tốt nhất cho trẻ phát triển lành mạnh về mặt đạo đức. Thế còn vai trò của chính những đứa trẻ đó trong việc tự giáo dục và hình thành nhân cách cho mình?

Trong quá trình tìm hiểu suy nghĩ của học sinh, chúng tôi thấy các em có những suy nghĩ rất độc đáo. Đặc biệt, cách nghĩ rất khác với người lớn thường nghĩ.

"Hãy tự hỏi bản thân mình trước hết"

Tại sao khi vi phạm kỷ luật, nhiều bạn lại “nguỵ biện” do hoàn cảnh gia đình, do bố mẹ không quan tâm, do xã hội, do thầy cô giáo v.v…? Các bạn có biết rằng, khi con cái như vậy, cha mẹ và thầy cô là những người đau buồn hơn ai hết?”- đó là những thắc mắc của Linh- học sinh lớp 11, Trường THPT Kim Liên.

Còn Trang, học sinh lớp 11D7, Trường THPT Trương Định chia sẻ: “Em từng tiếp xúc với khá nhiều bạn học sinh nghịch ngợm, hư và học kém. Nhiều bạn được bố mẹ,thầy cô rồi cả bạn bè cố gắng khuyên bảo, tạo mọi điều kiện để học hành, nhưng chính các bạn không muốn nghe, nên chẳng thay đổi được gì.” Một người bạn cùng lớp của Trang đã bỏ học năm ngoái cũng là một trường hợp như thế.

Nhiều em đồng ý rằng: Ai làm thì người đó tự chịu trách nhiệm với bản thân, với việc mình đã gây ra. Vì dù có quan tâm dạy dỗ các em đến đâu, thầy cô hay bố mẹ cũng không thể sống hết phần mình hay sống hộ mình được.

 “Trong tất cả các mối quan hệ, nhất là với bạn bè, các bạn đều là nhân vật chính. Em nghĩ, mỗi người phải tự trải qua các tình huống, các hoàn cảnh trong cuộc sống để rút kinh nghiệm cho mình.”- em Hằng, lớp 11 Toán 2, THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, bày tỏ ý kiến như vậy.

Nhiều người không tin tưởng vào nhận thức, suy nghĩ của các bạn trẻ đang ở lứa tuổi học sinh và chưa trao cho các bạn một ý thức về trách nhiệm với xung quanh vì cho rằng chúng còn quá non nớt. Vậy nhưng đối với nhiều học sinh, các em đã nói đến những điều đó như chuyện cần suy nghĩ của mình bây giờ:

 “Ở độ tuổi như chúng em, đều có thể biết việc gì nên làm và không nên làm. Học sinh trường nào cũng có ý thức giữ gìn danh dự cho trường mình. Và điều đó có hay không là ở sự tự giác của mỗi người.” - Nguyệt và Dũng, hai bạn học sinh chuyên Toán (ĐH Khoa học Tự nhiên) khẳng định.

Khi được khuyến khích đặt mình vào hoàn cảnh gia đình đặc biệt của các bạn, Thái Linh (HS Trường THPT Kim Liên) nghĩ  "điều đó có thể trở thành động lực để các bạn học tập tốt hơn, tự nhận thức vấn đề để sau này các bạn ra cuộc sống sẽ có những gia đình hạnh phúc, không để cho con cái phải chịu cảnh như mình đã gặp phải.”

Hằng nói: “Em đề cao ý thức tự hoàn thiện mình của mỗi người. Em quen tự lập từ bé, chỉ một số điều bố mẹ hướng dẫn, phần lớn em tự học hỏi qua quan sát cách ứng xử xung quanh. Những gì tự mình được sẽ hiểu sâu sắc và giúp ích cho mình hơn khi sống cùng bạn bè".

Và tuy học ở hai ngôi trường khác nhau, nhưng Linh và Hằng đồng quan điểm: “Môi trường có ảnh hưởng quan trọng nhưng chính các bạn mới là người quyết định. Nếu các bạn đã dùng tay chân đấm đá nhau thay cho việc nói với nhau những lời có văn hoá thì đó là cách lựa chọn của bạn ấy, không có một một môi trường hay bố mẹ, thầy cô nào chọn thay cho bạn cả.”

Bênh” thầy cô, đề cao trách nhiệm của bố mẹ

Sau khi “luận tội” học sinh xong, “đối tượng” được các em “phân tích, mổ xẻ” nhiều nhất là các bậc phụ huynh.

“Nhà trường cũng có trách nhiệm, nhưng chỉ một phần nhỏ thôi. Sao thầy cô giáo lại bị trách móc nhiều đến thế, nhất là người trách thầy cô lại là phụ huynh, người có con vi phạm kỷ luật?”- đó là suy nghĩ của hầu hết các học sinh khi được hỏi ý kiến.

Các em cho rằng, mình đến trường chủ yếu để học kiến thức và được thầy cô giúp đỡ việc học tập. Ảnh hưởng đến đạo đức của mình là bạn bè hay các mối quan hệ xung quanh.

Nhiều bạn bày tỏ sự cảm thông với thầy cô giáo khi ở trường, thầy cô có bao nhiêu lớp phải dạy, bao nhiêu học trò phải quan tâm và bố mẹ ở nhà chỉ có những học trò là con cái mình.

Thế nên tác động nhiều nhất đến các em bao giờ cũng là hai chữ: gia đình.

 

Mô tả ảnh.
Trang và Hằng học sinh lớp 11D7, Trường THPT Trương Định.

Việt Đức, học sinh lớp 12,  Trường THPT Chu Văn An phân tích: Gia đình phải chịu trách nhiệm đầu tiên bởi gia đình là nơi nuôi dưỡng, nơi hình thành nhân cách cho mỗi người. Việc đánh nhau của các bạn có ảnh hưởng từ cách giáo dục của các bố mẹ. Nhà trường và xã hội chỉ là các nhân tố phụ đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa suy nghĩ và hành động đó thôi.”

“Bố mẹ sinh ra và sống cùng con thì chính bố mẹ mới là người hiểu con nhất. Nếu không hiểu con thì đó là lỗi của bố mẹ. Nhiều khi, các bạn ấy chịu ảnh hưởng từ bố mẹ, vì bố mẹ cư xử với các bạn bằng bạo lực, bố mẹ lo kiếm tiền mà quên con!”- Linh nhận xét.

Trang tâm sự về những người bạn mà em quen biết: “Nếu chính bố mẹ là những người thân nhất của mình còn như thế thì còn gì buồn hơn. Em thấy những bạn ở trong hoàn cảnh đó sa ngã là chuyện thường, nhưng vươn lên được là chuyện hiếm lắm, em chưa gặp một trường hợp nào vươn lên được.”

"Em thấy chỉ có những người thân nhất, ruột thịt của mình thì tiếng nói hay tình cảm đều có trọng lượng với các bạn hơn. Gia đình làm cho các bạn sa ngã thì chính gia đình cũng có thể làm cho các bạn trở về.” – Trang góp ý.

 Có một cách nhìn rộng hơn, Việt Đức còn góp ý đến cách ứng xử với những bạn học sinh đang được đưa lên diễn đàn này:

“Đôi khi, cách phạt của nhà trường và bố mẹ là dùng biện pháp quá cứng rắn nhiều khi sẽ phản tác dụng, càng gây ức chế, dễ dẫn đến tâm lí phản kháng, tệ hơn là sự sợ hãi, cảm thấy trường học lạnh lẽo... thầy cô và bố mẹ hãy coi chúng em như những người bạn là tuyệt vời nhất, tiếp nữa đó là sự thông cảm, khoan dung, trách nhiệm của bạn bè xung quanh.”

 “Người lớn” hơn cả, Hằng nói đến trách nhiệm của những bạn học sinh luôn muốn tỏ ra và được mọi người công nhận là “người lớn” nhưng ý thức còn chưa kịp lớn: 

“Chính các bạn hãy nghĩ đến hậu quả của việc mình làm. Các bạn cũng không còn quá nhỏ nữa để không nhận thức được điều đó. Có trách nhiệm tự nhận thức và hoàn thiện bản thân mình là các bạn đã có trách nhiệm với mọi người xung quanh rồi.”

Nguyễn Hường
nguon VI OLET