Lên Tây Nguyên đến các làng của người Bahnar, Jrai đến những khu nghĩa địa chúng ta như lạc vào cả rừng tượng gỗ, có những ngôi mộ mới thì tượng vẫn còn nguyên vẹn nhưng có những ngôi mộ cũ thì tượng nhà mồ đã bị bỏ ngổn ngang và biến thành rừng. Đó là hình ảnh nhà mồ của người dân bản địa Gia Lai.

     Nhà mồ được dựng lên cho người chết, để hàng ngày người thân của người chết đem cơm nước đến và quét dọn như khi còn sống. Tượng nhà mồ chỉ xuất hiện khi họ tổ chức lễ bỏ mả cho người chết, tại lễ bỏ mả người ta khắc tượng và trang trí xung quanh nhà mồ. Tượng nhà mồ phản ánh cuộc sống hiện thực của người dân bản địa.

     Theo lời kể của tộc người Bahnar thì tượng nhà mồ là để đưa tiễn người sang thế giới xa xăm. Bởi vậy, khi sống cuộc đời ra sao thì khi chết đi, con người chỉ đi xa nhưng cũng là một cuộc sống không khác gì thế giới bên này. Họ có kiếp sống của sinh thành, giao hoan, có giải trí và đương nhiên, những súc vật cũng cần mang theo. Đến lễ hội Bỏ mả (lễ hội Pơ thi), chúng ta ngập trong rừng tượng. Tượng nhà mồ hiện lên sống động quanh những nhà mồ, thể hiện một nền nghệ thuật cổ, rực rỡ.

    Tượng nhà mồ có thể xếp làm 3 lớp. Đó là thế giới sinh thành con người, có bào thai trong bụng mẹ, có giao hoan, giao phối âm dương, có bụng mang dạ chửa. Con người thuở nguyên sơ, phô bầy trong dáng khỏa thân, minh chứng sức mạnh truyền đời của loài người với nét đẽo khô ráp nhưng được cường điệu những bộ phận người cần được phô trương, bởi thế đường nét mạnh mẽ, gây ấn tượng rất mạnh, rất khác thường. Nhóm tượng thứ hai là những con vật gần gũi với người như voi, chó, trâu, bò... và nhóm thứ ba là những sinh hoạt cộng đồng như thể thao, săn bắn. Nhưng khi đến nhà mồ, lớp tượng cổ sơ nhất vẫn là tiêu biểu cho nghệ thuật tượng nhà mồ Tây Nguyên.

     Nghệ nhân đẽo tượng bằng chiếc rìu cứng cáp. Chỉ trên một khúc gỗ, không phác thảo và ngày này sang ngày khác, những cây gỗ to sù sì cứ hiện dần lên những dáng dấp, hình người, những tư thế cùng những chi tiết đa dạng của người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ... dường như tất cả đã nằm trong đầu nghệ nhân. Họ lặng lẽ từng nhát chắc chắn bổ xuống để nên hình, nên tượng, nên hồn.

     Những bức tượng thực đó mà cũng hư hư huyền huyền đó như chính cõi "tối tăm" âm thế. Bởi thế mà trong ngôn ngữ người Bahnar các tượng mồ được gọi là "Mêu" với người Jrai gọi là "Rup", nghĩa là hình tượng, chứ không gọi là hình ảnh, cũng không gọi rõ là tượng, nó cụ thể quá.

 

Tượng nhà mồ Tây Nguyên - Nghệ thuật điêu khắc độc đáo

Nguồn: Báo Bình Thuận

 

 

Tượng nhà mồ là loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, một nét đặc sắc trong văn hoá cổ truyền Tây Nguyên. Các tác phẩm thuộc loại hình này được ra đời ở thời điểm lễ bỏ mả với mục đích phục vụ người chết (người Tây Nguyên gọi là hồn ma).

 

Lễ bỏ mả là một lễ hội gắn liền với hầu hết các tộc người thiểu số có cuộc sống du canh, du cư trên địa bàn Tây Nguyên. Họ quan niệm rằng, chỉ khi nào lễ bỏ mả được tổ chức xong thì hồn ma mới thực sự trở về với tổ tiên, ông bà, để bắt đầu một “cuộc sống” mới ở thế giới bên kia. Kể từ đó, mối quan hệ giữa kẻ sống với người chết mới không còn. Mang ý nghĩa thiêng liêng như thế, nên lễ bỏ mả là một lễ lớn hàng năm, thu hút đông đảo người tham gia, thường diễn ra vào mùa xuân tại nghĩa địa các buôn làng.

 

Để chuẩn bị tổ chức lễ, ngoài việc sửa sang nhà mồ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, rượu cần…, người ta không quên làm tượng để đặt ở nhà mồ. Ở những ngôi nhà mồ to đẹp, tượng được làm bằng những loại gỗ quý như hương, cà chít, có thể chịu được mưa nắng qua nhiều năm ở ngoài trời. Những cây hương, cà chít phải trên 10 năm tuổi (dài khoảng 2 sải tay, đường kính xấp xỉ 30cm) mới đủ tiêu chuẩn để làm tượng. Trước khi đẽo tượng, người ta phải cúng thần nhà rông, thần bến nước để xin phép.

Tượng nhà mồ thể hiện chủ yếu bằng các mảng, khối, chứ không quá đi sâu vào chi tiết. Tư thế, thần thái của tượng thì muôn hình muôn vẻ. Người bế con, người lấy nước, người mang gùi, người ngồi khóc, người đánh trống đánh chiêng, người chia phần cơm lam, người phụ nữ khoả thân, đôi trai gái đang làm cái việc duy trì nòi giống một cách thật tự nhiên giữa thanh thiên bạch nhật… Đó chính là sự tái hiện cuộc sống thật một cách sinh động, phong phú. Các bức tượng còn trở nên ấn tượng hơn khi được tô điểm màu sắc. Đủ các màu xanh, đỏ, vàng, đen, trắng… đều có thể chế ra từ rễ, lá, vỏ cây rừng. Các nét hoa văn trên trang phục tượng cũng được phối màu rất linh hoạt.

Tượng nhà mồ đa dạng cả về kích cỡ, người ta thường dùng đơn vị đo là sải tay để ước lượng. Mỗi tượng trung bình được tính bằng một sải rưỡi, trong đó có nửa sải chôn xuống đất, một sải nhô lên là thân tượng. Tất cả tượng đều được chôn bao quanh khu nhà mồ.

Tượng nhà mồ Tây Nguyên, qua bàn tay sáng tạo của các nghệ nhân, chứa đựng những thông tin mang tính xã hội, cộng đồng sâu sắc. Chúng vừa là những tác phẩm nghệ thuật, vừa mang ý nghĩ tâm linh nhưng không hề tạo ra cảm giác cách biệt mà trái lại, rất thân quen, gần gũi với mọi người. Hầu như ở bất cứ buôn làng Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xơ Đăng… nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp những quần thể tượng nhà mồ. Vẻ quạnh hiu, u tịch của những bức tượng đã dần dần bớt đi vì du khách bốn phương ngày càng lui tới nhiều hơn để chiêm ngưỡng…

 

nguon VI OLET