van_te.jpg 

Hỡi ôi:
Trời Côn Đảo lung linh sao sáng, hồn muôn xưa dõi lại hôm nay,
Nước Biển Đông trăn trở sóng cồn, lòng một tấc hướng về thuở nọ.

Nhớ người xưa:
Đảo xa mấy dặm cõi bờ,
Thân trải ngàn trùng sóng gió.
Trừ Tây không phân tù lính, nghĩa giống nòi Núi Chúa còn ghi(1),
Can  vua  nào  nại  phi  tần,  gương trinh liệt Hòn Bà vẫn tỏ(2).
Văn thân bao người giam hãm, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…, khi lỡ chân đập đá vá trời(3),
Sĩ  phu  mấy  lớp  tù  đày,  Ngô  Đức  Kế,  Trần  Cao  Vân…, thân trai đến Côn Lôn nào sợ(4).
Năm mười chín tại nhà chúa đảo, sau trăm người tắm máu, nổ vang rền đạn giết Ăng-đua(5),
Năm ba mươi trên biển Vũng Tàu, trong một đợt chuyển tù, bay trước gió búa   liềm cờ đỏ.
Quặn lòng con: gông cùm, xiềng xích, khảo tra…
Đau ruột cháu: đập đá, dọn tàu, kéo gỗ…
Bước xuống cầu tàu, nhớ mỗi bước đi một bước đòn roi,
Lên Ma Thiên Lãnh, nhìn mỗi hòn đá một hòn máu đổ.
Tôn Đức Thắng dưới hầm xay lúa, xua tử thần bằng gương sáng nghĩa nhân,
Nguyễn Văn Cừ ở chốn xà lim, vén tăm tối qua báo “Người tù đỏ”.
Lê Hồng Phong biệt giam, cấm cố, nằm sàn đây thoi thóp, trút hơi tàn trong khí phách hiên ngang,
Ngô Gia Tự thoát ngục, cởi xiềng, vượt biển đó mù khơi, bóng chim bặt giữa trời đêm bão tố…

Nhưng:
Mây đổi sắc mây,
Cỏ thay màu cỏ.
Kháng chiến khắp mọi nẻo quê hương,
Kháng chiến trong từng xà lim nhỏ.
Có súng dùng súng, có gươm dùng gươm,
Cùm tay xích chân, đánh bằng máu đỏ.
Cù ngoéo đóng đinh rứt da rứt thịt, mỗi sáng điểm danh,
Củi gộc đá hòn nện ngực nện lưng, những giờ lao khổ.
Máu tuôn từng giọt, vẫn thẳng lưng không chịu cúi đầu,
Thịt nát từng phân, vẫn ngẩng mặt chẳng thà đứt cổ.
Mỗi banh một đội quân kháng chiến, một khối, một lòng,
Mỗi người một chiến sĩ kiên trung, mọi nơi, mọi chỗ.
Bắt nhà lao giảm bớt khắt khe,
Buộc chúa đảo chùn tay khủng bố.
Nhà tù thành lớp học, bảng là sàn, gạch là phấn, rèn chí, luyện tài,
Sân khấu giữa trại giam, mão bằng lá, hia bằng bìa, diễn tuồng, dựng vở.
Cờ Tổ quốc ghép từ trăm mảnh giấy, ký ninh vàng thuốc đỏ ngó đẹp sao,
Ảnh Bác Hồ vẽ từ đáy con tim, mái tóc bạc mắt đen nhìn sáng rỡ.
Bến Đầm võ trang giải thoát, mấy trăm người theo một mối chỉ huy,
Biển Đông rẽ sóng giương buồm, bao mạng sống hướng về cùng ngọn gió.
Võ Thị Sáu giữa màn sương huyền thoại, nương trăng sao tìm kẻ ác diệt trừ,
Nữ anh hùng trong tim của nhân dân, quyện hương khói theo người hiền phù hộ.

Nhưng:
Tù ngục vẫn còn,
Máu xương lại đổ.
Trại tù thời Mỹ, trại Hít-le còn kém bạo tàn,
Nhà ngục ngụy quyền, ngục Diêm vương còn thua man rợ.
Giết từng ngày, giết từng tháng, vắt không còn máu, vắt đến trơ xương,
Giết thể xác,  giết  tâm linh, chết chẳng toàn thân, xác vùi chung hố.
Buộc “tố cộng” hòng xóa tan lý tưởng, giết từng làn da thớ thịt,  chuyện kinh hoàng trần thế chẳng hề nghe,
Ép “ly khai” hòng bôi bẩn tâm hồn, giết từng tế bào thần kinh, điều khủng khiếp âm ty không hề có.
Người ốm nặng trong giờ hấp hối, hoặc nằm chờ chết, hoặc ly khai thì được thuốc hồi sinh,
Kẻ phù chân đến phút ngặt nghèo, hoặc chịu cưa chân, hoặc tố cộng sẽ cho ăn bồi bổ.
Gợi khêu phần thú, không là thú mà độc ác tận cùng,
Giết chết phần người, cũng là người sao bạo tàn hết chỗ.
Chuồng cọp giam người nêu cao khí tiết, dù lột da xẻo thịt, ngày qua ngày  khí tiết càng cao,
Hầm đá nhốt ai chẳng bỏ lập trường, dù moi óc rứt tim, tháng lại tháng lập trường không bỏ.
Bao nhiêu  ngày chết đi sống lại, vẫn mong ngày phá bỏ ngục tối tăm,
Mấy trăm người tra tới khảo lui, vẫn sáng mãi “những vì sao” sáng tỏ.
Lưu Chí Hiếu máu trào khi nhắm mắt, đêm Chúa sinh mình trần máng cỏ không ly khai dù nước dội suốt đêm,
Cao  Văn  Ngọc(6)  bình  thản  lúc  lìa  đời,  nợ  Cụ  Hồ  độc  lập  tự  do, dẫu  có  chết  cũng  trả  chưa  rồi  nợ.


Hỡi ôi:
Tiết liệt một đời,
Khí thiêng muôn thuở.
Nghĩa địa Hàng Dương quặn gió, chữ vàng chưa đủ khắc trên bia,
Biển xanh Côn Đảo nổi triều, xương trắng có còn nằm dưới mộ.
Lòng son một tấc, đốt lên mấy nén hương trầm,
Máu đỏ trăm hòn, đọng lại một hòn ngọc đỏ.

Thương ôi, có linh xin chứng!                                               
_________


 *   Bài văn tế này đã được đọc tại Côn Đảo trong buổi lễ hội mừng  Côn Đảo giải phóng 30-4-1999.

(1) Trước khi Pháp đến, nhà Nguyễn đã dùng Côn Đảo để giam  tù. Khi Pháp vừa chiếm Côn Đảo, những tù nhân đã liên kết với lính canh tù, đánh lại Pháp. Thất bại, họ rút lên Núi Chúa. Pháp lùng bắt và hành hình người lãnh đạo cuộc võ trang khởi nghĩa này.
(2)  Truyền thuyết kể rằng bà Phi Yến là thứ phi của Nguyễn Ánh, khi Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi chạy ra Côn Đảo gửi con theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, bà đã can ngăn, bị Nguyễn Ánh sai bỏ lên hang núi giờ là Hòn Bà. Hiện có đền thờ bà tại Côn Đảo, to đẹp.
(3)  Thơ Phan Châu Trinh khi bị đày khổ sai đập đá ở Côn Đảo: “Những kẻ vá trời khi lỡ bước”.
(4)  Thơ Huỳnh Thúc Kháng khi bị đày ra Côn Đảo: “Nam  nhi hà sự phạ Côn Lôn” (Thân trai nào sợ cái Côn Lôn).
(5)   Chúa đảo Ăng-đua (Andouard) ra lịnh nổ súng vào tù nhân, giết một lúc 80 người máu chảy đỏ đất, sau bị một người tù dùng súng lục bắn chết tại nhà chúa đảo, nay là nhà trưng bày di tích nhà tù Côn Đảo.
(6) Cao Văn Ngọc: một ông già nông dân không phải đảng viên cộng sản, nhưng không chịu   “ly khai”, bọn “cải huấn” hỏi mỉa: “Ông không có duyên nợ gì với Hồ Chí Minh, sao cứ phải  chịu chết mà không ly khai cộng sản?” Ông bình thản đáp: “Tôi nợ Cụ Hồ độc lập tự do, tôi có chết cũng chưa trả hết nợ đó.” Được phong Anh hùng tại văn bản do Chủ tịch nước ký ngày 16-12-1998.

nguon VI OLET