Không phải ngẫu nhiên mà Quang Trung – Nguyễn Huệ có thể tập hợp quanh mình một số đáng kể những trí thức tài năng, thành tâm theo đuổi sự nghiệp “giúp dân dựng nước”. Chính sách cầu hiền của Quang Trung tranh thủ được sự đóng góp của nhiều sĩ phu yêu nước có tư tưởng tích cực, tiến bộ trong xã hội đương thời. Thái độ cầu hiền chân thành, mềm mỏng của Quang Trung thể hiện rõ nhất là đối với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp - thiếu một tấm lòng chân thành, thiếu một suy nghĩ sâu xa, có lẽ Quang Trung đã không thể đưa Nguyễn Thiếp trở lại với đời và đem hết tài năng ra phục vụ đất nước.


Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) quê ở thôn Mật Thiết, xã Kim Lộc, huyện La Sơn (nay thuộc Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông là người thông minh, từng đỗ đạt và hơn 10 năm làm quan cho chính quyền Lê - Trịnh. Năm 1769, chán với thời cuộc, ông bỏ việc triều đình về cày ruộng, đọc sách và dạy học. Người đương thời rất khâm phục ông cả về tài đức nên tôn xưng ông là La Sơn Phu Tử (tạm hiểu là người thầy đạo cao đức trọng ở đất La Sơn).

Nghe danh Nguyễn Thiếp, chỉ tính riêng năm 1787, Nguyễn Huệ đã ba lần cho người đem lễ vật và thư ra mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân giúp việc. Lời lẽ trong thư rất chân thành, thể hiện sự trọng vọng hết mực. Nguyễn Huệ đã ví Nguyễn Thiếp như Ngoạ Long (biệt hiệu của Khổng Minh), xem Nguyễn Thiếp như thầy – “nay Phu Tử nghĩ đến thiên hạ với dân sinh vụt dậy ra đi, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có người mà cậy". Cả ba lần, Nguyễn Thiếp đều viết thư từ tạ không vào.

Tháng 5/1788, trên đường ra Bắc Hà, Nguyễn Huệ dừng chân ở núi Nghĩa Liệt và cho mời Nguyễn Thiếp ra gặp. Mặc dù có ra tiếp chuyện Nguyễn Huệ nhưng Nguyễn Thiếp vẫn chưa chịu nhận lời cộng tác.

Cuối năm 1788, khi đem quân ra đánh quân Thanh, Quang Trung lại gặp Nguyễn Thiếp ở Nghệ An để hỏi về kế sách đánh giặc. Nguyễn Thiếp trả lời: "Chúa công ra đó nếu đánh gấp thì không quá 10 ngày, giặc Thanh sẽ bình được". Lời bộc bạch của Nguyễn Thiếp đã khẳng định thêm quyết tâm đánh thần tốc của Quang Trung.

Quang Trung không chỉ có sự quyết tâm làm cho kỳ được điều mình muốn mà còn tỏ ra thực sự thành tâm tìm tới “người hiền”. Không lâu sau ngày chiến thắng, Quang Trung viết thư cho mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân một lần nữa với lời cảm ơn: “Người xưa bảo rằng, một lời nói mà dấy nổi cơ đồ, lời tiên sinh quả có thế thật”.

Thái độ chân thành, kiên nhẫn của Quang Trung dần dần lay chuyển được ý định từ chối cố chấp của Nguyễn Thiếp.

Khi có chủ trương xây kinh đô mới tại Nghệ An với mục đích lâu dài là làm kinh đô của nước Việt thay vì Phú Xuân (Huế), Nguyễn Huệ - Quang Trung đã gửi thư nhờ Nguyễn Thiếp chọn đất (tháng 6 và 9 năm 1788). Ban đầu, Quang Trung dự định chọn vùng đất Phù Trạch - Nghệ An để xây dựng kinh đô. Nguyễn Thiếp đã gửi thư trình tấu khuyên nên chọn vị trí ở Yên Trường. Tháng 10/1788, Quang Trung ban chiếu gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cùng Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Thận về việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Dũng Quyết của xã Yên Trường, huyện Châu Lộc (nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Mùa thu năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm chánh chủ khảo kỳ thi Hương ở Nghệ An. Năm 1791, vua Quang Trung lại mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân đàm đạo và giao nhận chức trưởng Viện Sùng chính, trông nom về văn hoá, giáo dục, dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm.
Nguyễn Thiếp đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho chính sách của vua Quang Trung về văn hoá, giáo dục; lựa chọn người tài cho triều đình; đề nghị vua Quang Trung định lại các khu vực hành chính ở Nghệ An; tuyển chọn lính tráng, thu thuế sao cho phù hợp,…

Bên cạnh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Quang Trung – Nguyễn Huệ còn ghi nhận công lao, trọng dụng nhiều hiền tài khác như Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Du,… Với chính sách cầu hiền, Quang Trung đã tập hợp sức mạnh toàn dân tộc làm nên những trang sử hào hùng của thế kỉ XVIII.

Hơn hai thế kỷ đã trôi qua, bài học chiêu hiền đãi sĩ của Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn nóng hổi tính thời sự. Dù ở bất cứ thời đại nào, nhân tố con người phải luôn được coi trọng, những nhân tài cần được tạo mọi cơ hội để có thể đem hết sức mình cống hiến cho đất nước.
nguon VI OLET