vua Quang Trung 1788

 

Trên con đường hành quân ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, Vua Quang Trung có dừng chân ở Nghệ An. Ngài tổ chức duyệt binh ở doanh trấn bên núi Lam Thành (Hưng Nguyên), đồng thời nhà vua sai một đại tướng phụ trách tuyển mộ thêm lính, cứ 3 suất đinh lấy một người, có đến 5 vạn, nâng tổng số quân sỹ lên 10 vạn. Sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc. Ngài cho quân đi qua Truông Hến, ra Yên Thành, không đi theo đường chính, tránh kênh nhà Lê, đến Bảo Nham, ra dốc Bò Lăn, ba xanh ba quanh, tiến ra Thanh Hoá. Cùng đi theo đoàn quân Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, còn có các tướng: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Vũ Văn Dũng, Đô đốc Long, Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết. Nguyễn Huệ đã cho voi cõng đại bác trên mình, hay kéo súng ở đàng sau. Đoàn quân hùng dũng tiến bước để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân xứ Nghệ.

Đến địa phận huyện Nam Đàn, đại quân vua Quang Trung có dừng chân tại làng Xuân Hồ dưới chân núi Tán Sơn (xã Xuân Hoà ngày nay). Tại đây có một địa danh lịch sử là Đền Tán Sơn. Đền Tán Sơn, phong cảnh uy nghi, nhưng mát mẻ. Đền thờ cụ Phó quốc Vương Mạc Đăng Lượng, đậu tiến sỹ giữa thế kỷ 16, là cháu đời thứ 11 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi. Khi nhà Vua cử Mạc Đăng Lượng vào trấn thủ Hoan Châu (Nghệ An). Ngài có công đánh giặc, chiêu dân lập ấp. Khi tuổi cao, Mạc Đăng Lượng chọn Xuân Hồ dưới chân núi Đại Huệ sinh sống. Do có công lớn cụ được nhà Vua phong Thượng Thượng Thượng đẳng thần.

Nhận thấy Đền Tán Sơn đẹp đẽ uy nghi, lại thờ 1 vị phó quốc vương, có công lớn, được nhân dân kính trọng, Quang Trung Nguyễn Huệ quyết định tổ chức lễ cầu siêu tại Đền. Do có lấy thêm quân, vũ khí không đủ, nên vua Quang Trung ra lệnh tổ chức rèn vũ khí cho quân sỹ. Ngài còn cho lập Tràng Rèn ở xóm Rú để rèn vũ khí, gươm giáo (xóm 2 bây giờ). Lúc đó Tràng Rèn có tới hàng trăm người, với 90 bể thụt lò rèn. Dụng cụ là kìm, đe, búa, lò thụt. Nhân dân khắp vùng nô nức hiến bù rù. xập xoảng, chiêng, chuông đồng cho nghĩa quân của Quang Trung.

Cả một vùng ven rú Tán Sơn tiếng đe, tiếng búa râm ran. Nhân dân rất phấn khởi góp một phần công sức cho chiến thắng quân Thanh. Noi gương tổ tiên đi trước, lớp con cháu, di duệ của cụ Mạc Đăng Lượng (họ Lê gốc Mạc) đã có những đóng góp to lớn… Tích cực tham gia sức người, sức của cho vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh 1788, đã dừng chân ở núi Tán, Xuân Hồ để tuyển thêm binh lính và luyện tập võ nghệ cho quân sỹ.

Trong dân gian còn truyền tụng câu chuyện: Vua Quang Trung còn xem tướng số ở một ông thầy chiết tự trong vùng… Khi thầy đến, vua Quang Trung ăn mặc như một người nông dân, hỏi:

- Thầy giỏi chiết cho ta một tự xem thử hậu vận sau này thế nào ?

Thầy tướng số bảo:

- Anh hãy viết một chữ, chữ gì cũng được, tôi sẽ đoán cho anh.

Quang Trung nói: Tôi không biết chữ?

Thầy tướng số lại nói: Anh không biết chữ à. Thôi được, anh lấy chân gạch một gạch dưới đất.

Quang Trung ngồi ngay ngắn, rồi làm theo chỉ dẫn của thầy tướng số.

Sau khi ngắm nhìn gạch sổ dưới đất của Quang Trung, thầy tướng số xây xẩm mày mặt, vội quỳ xuống, phủ phục trước mặt Quang Trung, vái 3 vái, rồi vẫn quỳ như cũ.

Quang Trung lấy làm lạ, liền đỡ ông thầy tướng số dậy và nói:

- Sao thầy lại lạy tôi, tôi là thường dân cơ mà.

Thầy tướng số phủi sạch đất trên tay và nói giọng run run:

- Thưa Ngài, Ngài nói Ngài không biết chữ à? Thần dân nhìn thấy cả rồi. Này nhé: chữ Nhất đè lên chữ Thổ là chữ Vương, là Vua. Bệ hạ là Vua nước Nam ta. Bệ hạ đi đánh quân Thanh xâm lược, nhất định thắng rồi.

Quang Trung tươi cười, sai tả, hữu lấy vàng bạc ra hậu tạ thầy tướng số.

Một thời gian, sau khi đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược trở về, khi đi qua đây vua Quang Trung ăn mặc như một thầy đồ, cho mời thầy tướng số đến, hỏi:

- Tôi đi dạy học, nhưng mà không ai nuôi cơm ông ạ ?

Thầy tướng số nói: Ngài mà là thầy đồ à? Nếu muốn tôi đoán cho, thì thầy hãy viết một chữ vào đây?

Thầy tướng số đưa cho Quang Trung một mảnh giấy.

Quang Trung viết 1 chữ: Vấn (chữ Hỏi).

Thầy trả lời: Ngài là Bệ hạ, là Vua nước Nam ta, con xin kính lạy Ngài. Chữ Vấn lật trở lại bên trái để thế là chữ Quân, bên phải lật nghiêng cũng thành chữ Quân. Mà chữ Quân là Vua.

Quang Trung nghe nói phục tài thầy tướng số. Để tỏ lòng tri ân người đã xem tướng cho mình, Vua Quang Trung mời thầy vào kinh đô trọng thưởng rất hậu.

Sau khi thắng giặc, Vua Quang Trung chuyên chú canh tân đất nước. Một mặt giao thiệp với nhà Thanh khéo léo tránh việc binh đao. Mặt khác, Ngài ban hành chiếu khuyến nông, chiếu khuyến học, xây dựng Sùng Chính Thư viện. Đồng thời chọn đất địa linh nhân kiệt: Yên Trường, Vĩnh Yên để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Công việc chấn hưng đất nước đang tiến hành thuận lợi thì nhà Vua mất đột ngột để lại các công trình còn dang dở.

Những địa danh gắn với câu chuyện dân gian về xứ Đồng Cột. Nơi cột voi, cột ngựa, và Tràng Rèn, nơi rèn vũ khí cho quân sỹ của vua Quang Trung ở huyện Nam Đàn vẫn in đậm trong ký ức của nhân dân ta cứ mỗi độ xuân về.
Theo congannghean.vn

nguon VI OLET