Câu hỏi nầy đã có từ rất lâu. Ngay cả trong Danh nhân Việt Nam từ điển ông Nguyễn Huyền Anh cũng phải ghi là “Có thuyết cho rằng vua Tự Đức chính là con ruột của đại thần Trương Đăng Quế vì hồi giữ chức Phụ chính, ông đem con mình đánh tráo vào chỗ con trai vua Thiệu Trị”. Trong Hội thảo khoa học về cụ Trương Đăng Quế tại Quảng Ngãi năm 1993, cũng có người đặt ra câu hỏi này.

Dư luân nói vua Tự Đức là con trai của Trương Đăng Quế đã dựa trên hai “cơ sở lý luận” sau:

1.      Hồng Nhậm là con của Trương Đăng Quế, còn Trương Quang Đản mới thật là con vua Thiệu Trị do đánh tráo khi hai bà cùng sinh một lần.

2.      Trương Đăng Quế có thế lực, tự do ra vào cung cấm, nhân đó tư thông với bà Từ Dũ mà đẻ ra Hồng Nhậm. Vì vậy, họ Trương hết sức hỗ trợ cho “con mình” lên ngôi vua…

Thực hư như thế nào?

Như lịch sử đã ghi: Hồng Nhậm (tên thực của vua Tự Đức) sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu tức năm Minh Mạng thứ mười (22/09/1829); theo gia phả họ Trương do Trương Quang Gia biên soạn thì: Trương Quang Đản là con trai thứ hai của Trương Đăng Quế, sinh năm Quý Tị tức năm Minh Mạng thứ mười bốn (1833). Ông Trương Quang Đản nhỏ hơn Hồng Nhậm (vua Tự Đức) đến bốn tuổi (1833-1829=4). Như vậy, dư luận cho rằng hai người sinh một lần là không đúng. Do đó, không thể lấy một đứa trẻ mới sinh (Quang Đản) để đánh tráo một hoàng nam 4 tuổi (Hồng Nhậm – Tự Đức). “Cơ sở lý luận” thứ nhất là không đúng thực tế.

Bà Từ Dũ – mẹ vua Tự Đức, tên thật là Phạm Thị Hằng, con của Phạm Đăng Hưng, sinh năm Canh Ngọ (1810). Bà được tiến cung vào tiềm để hầu hoàng tử Miên Tông năm 14 tuổi (1815). Năm 19 tuổi (1829), bà sinh Hồng Nhậm. Hồng Nhậm là con trai của bà phủ thiếp (vợ cả). Suốt thời gian còn nằm trong bụng mẹ cũng như lúc đã chào đời, Hồng Nhậm được bao nhiêu người chăm sóc canh gác. Chuyện tráo con không thể xảy ra vì cung cấm rất thâm nghiêm. Hoàng tử trưởng Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này) cũng không đi đánh Bắc dẹp Nam gì để phải “bỏ trống” thâm cung tạo điều kiện cho Trương Đăng Quế có thể ra vào dễ dàng mà thông dâm với bà Từ Dũ hay tráo con. Vả lại, năm 1829, Trương Đăng Quế mới giữ chức Hành tẩu văn thư phòng rồi Quản lý văn phòng, chưa phải là nhân vật số một ở triều đình để có thể qua mặt biết bao hoàng thân và đại thần vào ra nơi cung cấm để làm những điều bất chính.

Sở dĩ có dư luận xuyên tạc sự thật ấy là vì: Lúc sắp qua đời vua Thiệu Trị không truyền ngôi cho con trưởng An Phong công Hồng Bảo mà lại chọn Hồng Nhậm. Theo Bửu Kế, Hồng Bảo tuy học kém nhưng vẫn là người có học, lại khỏe mạnh và có lẽ “đẹp trai” hơn Hồng Nhậm; đầu năm 1847, nhân An Phong công sinh Ưng Đạo, vua Thiệu Trị mừng lắm, tự tay bồng cháu qua trình Thuận Thiên thái hoàng thái hậu,… thế mà khi ốm nặng, ngài không truyền ngôi cho con trưởng Hồng Bảo (An Phong công) mà lại vời cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế vào di chúc truyền ngôi cho Hồng Nhậm. Những người ủng hộ Hồng Bảo giải thích việc truyền ngôi đó là vì Hồng Nhậm là con Trương Đăng Quế nên Trương mới vận động vua Thiệu Trị đưa con mình lên ngôi.

Chuyện Trương Đăng Quế tráo con hay tư thông với bà Từ Dũ chỉ là chuyện bịa đặt của những người ủng hộ Hồng Bảo chống Hồng Nhậm (vua Tự Đức) mà thôi.

Trương Đăng Quế là ai?

 Đó là một gương mặt lớn dưới triều Nhà Nguyễn, một vị đại thần trụ cột trải qua 4 đời vua: khởi nghiệp làm quan vào cuối đời Gia Long (1802-1820), rồi dần dần thăng quan tiến chức đến tột đỉnh danh vọng dưới các triều Minh Mạng (1820-1840), Thiệu trị (1840-1847) và Tự Đức (1847-1883). Trong Đại Nam Nhất Thống Chí (tỉnh Quảng Ngãi), mục Nhân Vật, sử thần Nhà Nguyễn đã ghi vắn tắt tiểu sử của ông như sau:

             “Trương Đăng Quế:  người huyện Bình Sơn, đỗ hương cống đời Gia Long.  Đăng Quế là người khai khoa hương tiến ở Quảng Ngãi.  Đầu đời Minh Mệnh sung Đông cung bạn độc, sau thăng chức Binh bộ Thượng thư sung Cơ mật đại thần, năm thứ 14 gia Thái tử thiếu bảo, năm thứ 15 sung chức Kinh lược đại sứ, đi khám đạc ruộng đất ở sáu tỉnh Nam kỳ, thăng Hiệp biện đại học sĩ, vẫn giữ công việc Binh bộ; năm thứ 17 sung Kinh lược đại thần ở Thanh Hóa, đánh tan thổ phỉ, khi trở về vẫn giữ chức cũ; năm thứ 20 tấn phong tước Tuy Thạnh Nam; năm thứ 21 vâng cố mệnh sung Phụ chính.  Năm Thiệu Trị thứ 1, vì có công giúp rập, thăng thự Văn minh điện Đại học sĩ, gia Thái bảo, quản lý Binh Bộ kiêm Cơ Mật Viện, lại kiêm Quốc Sử Quán Tổng tài, tấn phong Tuy Thạnh Tử.  Lại xét thấy Đăng Quế có nhiều công trù hoạch về việc bình định Trấn Tây, khi đúc súng để biểu dương công lao, tên Đăng Quế được khắc vào khẩu súng Bảo đại định công, là khẩu súng đứng hàng thứ nhất. Ngày tháng 9 năm thứ 7, vâng danh hiệu Cố mệnh lương thần, sung Phụ chính.  Năm Tự Đức thứ 1, thăng Cần chánh điện Đại học sĩ, tấn tước Quận công, sung giảng quan ở Kinh Diên.  Sau đó vì già yếu, cố xin nghỉ, về quê chết, thọ 73 tuổi.  Đăng Quế trải thờ bốn triều, hơn 40 năm giữ việc cơ yếu, được tặng Thái sư, cho thụy là Văn Lương, thờ phụ ở Thế Miếu.  Có tập Học Văn hành thế.”

             Ai đã đọc các bộ chính sử của Nhà Nguyễn (Đại Nam Thực Lục, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ kỷ, hoặc Quốc Triều Chánh Biên toát yếu) đều có thể thấy toát lên một điều rất rõ ràng là cả ba đời vua, từ Minh Mạng, Thiệu Trị, đến Tự Đức đều có một sự tin tưởng, tín nhiệm, trọng nễ và ưu ái đặc biệt đối với Tuy Thạnh Quận Công Trương Đăng Quế.  Chính vì vậy mà trước khi nhắm mắt, vua Minh Mạng đã đặc biệt giao trọng trách phò tá người con kế vị là vua Thiệu Trị cho ông với sắc phong Cố Mạng Lương Thần kiêm Phụ Chính Đại Thần.  Bảy năm sau, trước khi băng hà, vua Thiệu Trị cũng đã lặp lại điều đó, khi đặt hết tin tưởng nơi vị lão thần này trong việc phò tá vua mới Tự Đức.  Chính vì vậy mà vua Tự Đức đã phong tặng ông danh hiệu  Lưỡng Triều Cố Mạng Lương Thần vào năm 1850, năm Tự Đức thứ 3.

             Khi chấp thuận cho ông Trương Đăng Quế nghỉ hưu, vua Tự Đức đã tổ chức tiễn đưa rất là trọng thể: nào làm thơ tặng, nào ban ngự tửu và các loại thuốc quí, lại bảo các quan đưa tiển.  Toàn bộ hệ thống cung trạm và quan địa phương trên đoạn đường từ Huế đến quê nhà ông ở Quảng Ngãi được lệnh phải lo cung đốn phương tiện di chuyển và ăn ở.  Vua cho phép ông trong thời gian nghỉ hưu hễ thấy có vấn đề gì ích nước lợi dân thì được dâng mật sớ lên vua và quan tỉnh có bổn phận phải chuyển đệ sớ này về kinh theo hệ thống cung trạm.  Quan tỉnh cũng được lệnh phải thường tới lui thăm viếng, và nếu  gặp vấn đề khó giải quyết, phải tới thỉnh thị ý kiến của lão thần họ Trương v.v.  Khi Trương Đăng Quế mất, vua cho “tòng tự Thế Miếu.”  . Đó là một vinh dự rất lớn, chỉ dành cho các đại công thần, những người mà quốc gia phải tri ân và thờ phụng.

Người ta đồn rằng . . .           

Người ta đồn rằng bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, và bà vợ của ông Trương Đăng Quế là hai chị em ruột, có mang và sinh con trai cùng thời. Lợi dụng việc này, ông Quế đã thực hiện âm mưu tráo con với ý đồ táo bạo về sau.  Lấy cớ thăm chị, bà Trương Đăng Quế bế theo con trai vào cung và khi về đã đánh tráo con của bà Từ Dũ. Người ta nói rằng Hoàng tử Hồng  Nhậm, về sau là vua Tự Đức, chính là con ông Trương Đăng Quế vậy.  Người ta còn dặm thêm rằng cứ nhìn vua Tự Đức thì biết; vua không trắng trẻo, đẹp trai như hàng lá ngọc cành vàng thường có, mà nước da lại ngăm ngăm, thêm mặt hơi rổ hoa vì hậu quả của bệnh đậu mùa hồi còn bé, nên mặt rồng chẳng ra dáng vương giả chút nào. Đã thế lại thể tạng yếu đuối, không có con nối dõi.

            Lần nọ, tôi đem tin đồn này ra hỏi thầy tôi thì ông cụ không những xác nhận có biết về tin đồn đó mà còn kể thêm một câu chuyện về phong thủy liên hệ đến dòng họ Trương ở Quảng Ngãi như một trả lời gián tiếp bằng  dẫn chứng về sự ứng nghiệm của phong thủy trong đời người.  Câu chuyện như thế này : 

Thuở hàn vi, thân phụ của ông Trương Đăng Quế nhà nghèo, làm nghề đưa đò ngang  Một hôm, có một người Tàu tới nơi thì đò đã rời khỏi bến.  Ông ta gọi đò, năn nỉ xin qua vì gấp việc, thân phụ ông Quế đã chịu khó quay đò trở lại rước khách.  Đã thế lại còn không lấy tiền đò, vì thấy ông ta có vẻ là một “ông thầy Tàu” chứ không phải người buôn bán tầm thường.  Vài hôm sau, chừng như xong công việc, người Tàu  đó trở lại, nói với thân phụ ông Trương Đăng Quế rằng “Tôi coi tướng ông phúc hậu, tuy nghèo nhưng không tham, lại biết trọng người.  Tôi làm thầy địa lý đã lâu, qua vùng này, biết ở đây có một cuộc đất rất tốt, phát công danh phú quí đến bậc đế vương, nhưng rồi tuyệt tự. Theo sách vở, thì đó là huyệt:

Nhất đại tầm thường,

Nhị đại phát văn chương,

Tam đại phát đế vương,

Tứ đại tuyệt.

 (Đời thư nhất chỉ tầm thường thôi.  Nhưng đến đời thứ hai thì phát về sự nghiệp văn chương, có người đỗ đạt cao. Đời thứ ba phát đến bậc đế vương.  Nhưng đến đời thứ tư thì tuyệt tự)

Nếu ông muốn thì tôi làm giúp cho, gọi là trả cái ơn đãi ngộ của ông.”. Thân phụ ông Trương Đăng Quế ngẩm nghĩ  một lát rồi xin nhận, vì thà huy hoàng một đời còn hơn gia đình cứ quanh quẩn trong cảnh làm thuê làm mướn mãi  Thế là ông thầy địa lý Tàu đã giúp thân sinh ông Trương Đăng Quế (đời thứ nhất) cải táng ngôi mộ của thân phụ ông ta vào cái huyệt mã đặc biệt đó.  Sau đó sinh ra ông  Quế (đời thứ hai), thông minh học giỏi, đỗ đạt, làm quan to ba triều.  Ông Quế sinh ra vua Tự Đức (đời thứ ba) và vua Tự Đức không có con nối giòng (đời thứ tư), phải nuôi các cháu gọi bằng bác làm con, “ Tứ đại tuyệt”, đúng y như thầy địa lý đã nói.

Đâu là sự thật?

            Cái tin đồn về thân thế của vua Tự Đức có liên hệ đến ông Trương Đăng Quế, tôi đã được nghe hồi còn đi học đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), nhưng nghe qua rồi bỏ, vì thấy chẳng có gì hấp dẫn, vì nó cũng thuộc loại tin đồn kiểu như nói rằng vua Bảo Đại không phải là con của vua Khải Định mà là con của ông này ông kia v.v. Nhưng về sau, khi trưởng thành hơn một chút, lại có ý thích tìm hiểu lịch sư, nhớ lại chuyện cũ nên mới đem ra hỏi thầy tôi thì được nghe câu chuyện vừa kể. Quả tình câu chuyện có vẻ hấp dẫn vì  chi tiết mới lạ, nhưng không phải dễ tin.  Nhẩm tính  cái tuổi của thầy tôi (ông cụ sinh năm 1897) thì tôi biết rằng hẳn cụ cũng chỉ nghe ai kể lại chuyện đó mà thôi, nên tôi muốn thử tìm xuất xứ ra sao, bèn  hỏi:

             -Chắc ông Giám Tâm kể chuyện đó cho thầy nghe? (ông này là Thái giám trong cung cấm, biết nhiều chuyện thâm cung bí sử, thường kể cho thầy tôi nghe)

       Thầy tôi đáp ngay:

-Không, chuyện này do ông nội kể.  Cố kể cho ông nội nghe, rồi ông nội kể lại cho thầy.

             Chính cái xuất xứ này làm cho tôi suy nghĩ.:  câu chuyện thực hư như thế nào mà truyền miệng trong gia đình quan lại đến đời tôi là bốn đời?? Ong cố tôi làm Thị lang Bộ Hộ triều Tự Đức (1848-1883), có con gái gã cho vua Dục Đức (1852-1883), bà được phong làm Nhị giai Triêm phi.  Bà là thân mẫu cuả ông Bửu Liêm, tục gọi là ông Hoàng Mười, mà Phủ ông Hoàng Mười nay là trường Trung học Gia Hội.  Ông nội tôi là Công Bộ Tá chức đời Đồng Khánh (1884-1888), Thành Thái (1888-1911) Và thầy tôi, húy Võ Văn Lang (1897-1977) là Nhất đẳng Thị vệ cuối cùng của Nhà Nguyễn.  Câu chuyện không phải được lưu truyền trong dân chúng mà lại được lưu truyền trong giới quan lại triều đình.  Điều ấy chứng tỏ nó phải có một cơ sở đáng tin nào đó nên mới có một hấp lực như thế.  Vậy thì  sự thật ở đâu ?  Đó là một nghi án mà tôi rất muốn giải quyềt nhưng chưa có cơ hội thuân tiện.

            Muốn làm sáng tỏ vấn đề này, theo tôi nghĩ, ít ra cũng cần phải làm rõ những điểm căn bản này:

             1) Giữa gia đình ông Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ có mối liên hệ nào chăng??

            2) Ông Trương Đăng Quế có người con trai nào cùng tuổi với vua Tự Đức không?

3)Vào thời điểm người ta nói đến vụ tráo con, liệu ông Quế có đủ quyền uy và thế lực để thực hiện âm mưu đó không? . . .

             Những nghi vấn vừa nêu có thể được giải quyết nếu có được trong tay một tài liệu quan trọng, ấy là gia phả họ Trương ở Quảng Ngãi.  Chờ mãi mấy mươi năm thì cơ may đó đã đến với tôi khi được anh chủ biên niên san Tiếng Sông Hương (Dallas, Texas) cho tham khảo  cuốn gia phả đó (ấn bản Ronéo, khổ nhỏ, 1990, do Ban Trùng Tu Gia Phả Trương Tộc biên soạn và ấn hành ở Việt Nam) trong Tủ Sách Tiếng Sông Hương .

            Theo đó, thủy tổ họ  Trương Đăng từ Hà Tĩnh vào định cư tại Mỹ Khê, Quảng Ngãi, đến đời thân phụ ông Trương Đăng Quế – cụ cố Trương Đăng Phác -  là đời thứ 6.

Cụ Phác (1758-1801) đã từng làm Tri huyện Mộ Hoa (Mộ Đức) Quảng Ngãi, dưới thời Tây Sơn; khi Nguyễn Vương (vua Gia Long sau này ) chiếm lại Quảng Ngãi, ông được lưu dung và làm đến Hữu Tuyên Vũ, phủ Quảng Ngãi.  Ông sinh được 4 nam, 4 nữ, trong đó, ông Trương Đăng Quế là con thứ ba.

            Như vậy  thân phụ ông Trương Đăng Quế đâu có phải xuất thân dân dã tầm thường như câu chuyện phong thủy đã kể?

             Ông Quế có sáu bà vợ:

·        Bà Tiên thất phu nhân tên Bùi Thị Hương, là con gái của ông Tiền quân Tây Sơn họ Bùi;

·        Bà Chánh thất Nhứt phẩm phu nhân là Ngọc Lê Quận chúa, con gái ông Phước Long Công.  Bà là em thúc bá vua Gia Long.

·        Bà Như Phu nhân Nguyễn Thị Đặc, không rõ lý lịch;

  •   Bà Như Phu nhân Trần Thị Đức, không rõ lý lịch;

·        Bà Như Phu nhân Ngô Thị Đắc, không rõ lý lịch;

·        Bà Như Phu nhân Lê Thị Hạnh, không rõ lý lịch.

Ông và các bà sinh được 12 nam, 9 nữ.

Sử cho ta biết rằng bà Từ Dũ (1810-1901) , vợ vua Thiệu Trị(1841-1847), thân mẫu của vua Tự Đức (1847-1883), là con gái ông Phạm Đăng Hưng ( 1765-1825) người Gò Công. Ông Hưng là Lễ Bộ Thượng thư, khai quốc công thần triều Gia Long.  Bà húy là Phạm Thị Hằng, nổi tiếng là người có học vấn và đức hạnh, nên mới 15 tuổi đã được bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (vợ thứ hai của vua Gia Long, thân mẫu vua Minh Mạng) tuyển vào cung.

            Như đã nêu, trong các bà vợ của ông Quế, không có ai họ Phạm cả.  Vậy căn cứ vào đâu mà nói rằng vợ ông Quế và bà Từ Dũ là chị em ruột ???

Trong các người con trai của ông Quế, có hai người được lưu danh trong sử sách.  Đó là ông Trương Quang Đản (1833-1913), con của bà Ngọc Lê Quận chúa, tài kiêm văn võ, và cũng như cha, làm quan đến tột phẩm triều đình. Ông Đản có 7 bà vợ, trong đó, bà thứ hai, Nhị phẩm phu nhơn Phạm Thị Hiệp là cháu bà Từ Dũ   Đây là một chi tiết đáng lưu ý.

Người thứ hai là ông Trương Quang Để (1837-1886), làm quan đến Tham tri Bộ Binh, có nhiều chiến công, từng phò vua Hàm Nghi ra lập căn cứ chống Pháp ở Hà Tĩnh, sau tử tiết. 

Rõ ràng cả hai ông này đều nhỏ tuổi hơn vua Tự Đức (sinh 1828, đời Minh Mạng)   Người cùng tuổi với vua Tự Đức là ông Trương Đăng Trụ (1828-1902) con trai thứ hai của ông Quế và bà Tiên thất Bùi Thị Hương.  Ông trụ có 4 bà vợ, trong đó bà vợ chính là công chúa An Mỹ, con thứ tư của vua Thiệu Trị, vì vậy, ông được phong làm Phò Mã Đô Úy.

Ngoài ra, trong tộc phả họ Trương có ghi lại một câu chuyện phong thủy lý thú vào đời ông Trương Đăng Hưng (1650-1720), vị tổ thứ hai của Trương tộc ở Mỹ Khê, Quảng Ngãi.  Câu chuyện được ghi lại trong gia phả như sau:

“Nguyên ông có sự nghiệp riêng, bên vườn nhà có một cây đại thọ bị trốc gốc sau một cơn bão lớn, và ông đã phát hiện tại đây một chum vàng.  Ông đem về chôn lại.

Hơn mười năm sau, hôm nọ, bỗng có một người Tàu lạ, từ xa đến nơi này, đi qua lại nhiều lần như có ý tìm một vật gì.  Ông vội đến hỏi thì người này đem sự thật trình bày, sau đó lại đưa tờ chúc thư của ông bà người ấy để lại, cho ông xem.

Sau khi xem xong, ông nói:

-Việc này quả có.

Rồi thành thật mời người Tàu về nhà để chỉ nơi chôn vàng.

Sau khi đào lên, xem xét lại, thấy số vàng vẫn còn y nguyên như chúc thư đã ghi, nên quá khâm phục, rồi đề nghị tặng ông một nửa để tạ ơn, nhưng ông nhất mực từ chối, ông nói:

-Đây là của cải của tiền nhân quí ông, lão phu không lấy làm gì.

Bất đắc dĩ, người Tàu này quay heo làm lễ tạ thần linh rồi thết đãi mà than rằng:

-Ông Phước Thọ này tuy nghèo khó, dù được nghìn vàng mà không đem dùng, nay tặng cũng không nhận, cái thạnh tình này, nghìn năm chỉ có một.

Xong xuôi, xin cáo biệt về nước.

Ba năm sau, người này trở lại, dẫn theo một thầy Địa lý danh tiếng người Tàu, đến xin viếng ông và đề nghị tìm tặng ông một huyệt mộ đặc biệt để báo ơn ông, và có câu khoán rằng:

“Giai thành thông thông, thế xuất hầu công.”

Tạm dịch:  “Ngôi mộ này rất đẹp, đời đời có công hầu.”

 

 Đó là ngôi MỘ LÙM, tọa lạc tại xứ Gò Ra, thuộc xã Trà Sơn.

 Đến đây, tôi thấy vấn đề đã sáng tỏ ra nhiều lắm: ấy  là người ta đã trộn lẫn thực và hư để phóng ra một tin đồn thất thiệt, nếu không nói là đầy ác ý, về vua Tự Đức và ông Trương Đăng Quế.

             Thật vậy, rõ ràng là giữa đại gia đình của lão thần họ Trương và bà Từ Dũ có quan hệ thân tình, đó là cháu gọi bà Từ Dũ bằng cô là con  dâu  ông Quế ( chứ không phải em bà Từ Dũ là vợ ông Quế).  Rõ ràng là trong số các người con của ông Quế, có người cùng tuổi với vua Tự Đức, nhưng không thể có sự đánh tráo được, như sẽ dẫn chứng sau.  Rõ ràng là trong tộc Trương có câu chuyện phong thủy liên quan đến sự thịnh phát của dòng họ, nhưng câu chuyện này thuộc đời thứ hai chứ không phải đời thứ sáu của thân sinh ông Quế, và không có cái huyệt nào gọi là “Tứ đại tuyệt”.cả 

 Bây giờ, xin thử phân tích khả năng đánh tráo con.  Vua Tự Đức sinh năm 1828, đời Minh Mạng. Vua Minh Mạng là một ông vua nổi bật nhất của Nhà Nguyễn,  rất có đầu óc tổ chức, kỹ cương, và quyết đoán.  Chính vua đã lập ra Tôn Nhân Phủ để thống nhất quản lý Hoàng tộc một cách chặc chẽ.  Ngoại trừ vua Gia Long (vua đầu) và vua Bảo Đại (vua cuối), các vua Nhà Nguyễn không có lệ lập thái tử.  Vua kế vị được chỉ định trong di chiếu và chỉ sau khi vua băng hà, di chiếu mới được mở ra tuyên đọc để biết người kế vị là ai.   Vua Minh Mạng mất năm 1841 và vua Thiệu trị mất năm 1847, khi vua Tự Đức mới 19 tuổi.

 Nếu ông Trương Đăng Quế có mưu đồ to lớn về sau nên  bày ra việc tráo con như người ta đã đồn đãi, thì không những chúng ta ngày nay mà hết thảy mọi người mọi đời phải nghiêng mình bái phục ông Quế, bởi vì ông là một Gia Cát tái sinh, tài trí tuyệt vời, đã tiên liệu mọi chuyện, đã sắp đặt mọi việc  từ 19 năm trước, lúc mà ngay chính vua Thiệu Trị, lúc bấy giờ đang còn là hoàng tử Miên Dung,  chưa chắc đã biết mình có được làm vua hay không !!!

 Mặt khác, giả  như ông Trương Đăng Quế có mưu đồ đó, thì thử hỏi với địa vị của ông lúc bấy giờ, khi vua Tự Đức mới ra đời (1828), có đủ tầm vóc để khuynh loát Triều đình, dám qua mặt một ông vua thông minh, sắc sảo và quyết đoán, như vua Minh Mạng không? 

 Căn cứ vào vào gia phả, ông đỗ cử nhân vào cuối đời Gia Long, năm 1819, và khởi nghiệp công danh với chức Hành tẩu Bộ Lễ. Chín năm sau, “Năm Minh Mạng thứ 9 (1828) nhận chỉ dụ giao sang Bộ Lại, lo trách nhiệm hướng dẫn các quan mới chỉnh đốn y phục vào bái kiến, sung chức Hành tẩu Văn Thư Phòng.  Cũng năm ấy, sung chức Quản lý  Công việc Văn Thư Phòng.  Tháng 10 thăng Thượng bảo Thiếu khanh (thấp hơn Hường lô Thiếu khanh môt bậc), giữ công việc Quản Cai Phòng.”  (Trương Tộc Hệ Phả, Hệ 7, tr.5)  Với chức vụ này, theo quan chế Nhà Nguyễn, thì ông mới chỉ là quan Ngũ phẩm, nghĩa là quan bé chứ chưa phải là quan lớn, hàng đại thần. Không thể nào có chuyện một ông quan mới vào hàng Ngũ phẩm mà đã có mưu đồ soán đoạt với tính toán lâu dài ghê gớm như vậy.

Mặt khác, việc tráo con, nếu xảy ra, hẳn phải có sự đồng lõa của bà Từ Dũ.  Một người nổi tiếng đức hạnh và tôn quân như bà Từ Dũ chắc chắn không bao giờ tán trợ một việc làm điên đảo cương thường như thế.

 Tóm lại, tin đồn nói rằng vua Tự Đức là con của ông Trương Đăng Quế hoàn toàn là một tin bịa đặt đầy dụng ý.  Cả câu chuyện phong thủy cũng nằm trong dụng ý loan tin thất thiệt đó.

 Một câu hỏi được đặt ra là: ai đã bịa chuyện như thế? Và, với dụng ý gì?  Thiết tưởng  một chút lịch sử vào thời đó có thể giúp chúng ta một lời giải đáp.

 Huynh đệ tương tàn

             Khi vua Thiệu Trị băng hà (1847), người con trưởng là Hồng Bảo đã thất vọng đắng cay vì không được nối ngôi.  Theo di chiếu, người kế vị là hoàng tử thứ hai, tên  Hồng Nhậm, tức  vua Tự Đức sau này.  Lý do là, Hồng Bảo, theo nhận xét của vua Thiệu Trị, là người ham chơi, thiếu đức, lại con vợ thứ, trong khi đó hoàng tử Hồng Nhậm tuy con thứ nhưng  con bà vợ chính, lại nổi tiếng hay chữ và đức độ.  Ý đồ giành lại ngai vàng luôn luôn nung nấu trong đầu ông hoàng thất thế này và thế lực nước ngoài là nơi ông muốn dựa vào để giành lại quyền bính từ tay người em khác mẹ.

             Tháng 1 năm 1851, ông toan trốn sang Singapore để cầu viện người Anh  nhưng cơ mưu bại lộ.  Ông khóc lóc năn nỉ, nói với vua Tự Đức rằng nay ông nghèo khó nên người ta khi dễ ông, có ý làm hại ông nên ông phải tìm nơi khác để sống chứ không có ý gì khác. Vua Tự Đức không làm tội, lại an ủi và chu cấp tiền bạc để sống cho ra vẻ hơn.  Dầu vậy, An Phong Công Hồng Bảo vẫn âm thầm tổ chức tay chân ở trong và ngoài nước để chờ cơ hội đảo chính.  Năm 1855,  do một người trong bọn tố cáo, triều đình đã phá vỡ được âm mưu nội ứng ngoại hiệp này và hốt trọn gói . Để tránh tiếng “nồi da xáo thịt”, vua giao vụ án cho triều đình luận tội (đình nghị) và Hồng Bảo bị kết án lăng trì.  Vua Tự Đức giảm xuống còn chung thân,  tịch thu tài sản, cấm con Hồng Bảo không được mang họ Nguyễn Phước mà phải mang họ mẹ là họ Đinh. Hồng Bảo vì uất ức, xấu hổ, đã thắt cổ chết trong ngục.  Nhưng sự việc chưa phải chấm dứt ở đó.  Mười lăm năm sau, nó lại được hâm nóng trở lại dưới một hình thức khác.

 Vua Tự Đức tuy  không phải là hôn quân bạo chúa gì, nhưng dưới triều đại này hầu như đất nước  không có một ngày thanh bình.  Nội loạn và ngoại xâm thay nhau diễn ra khắp nơi.  Ngay tại kinh đô, ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực,  lấy danh nghĩa phò tá Đinh Đạo (con của Hồng Bảo) lấy lại ngôi vị chính thống, đã tìm cách lật đổ vua Tự Đức qua một biến cố thường được gọi là giặc Chày vôi.

 Để thực hiện mưu đồ này, về chính trị, ba anh em họ Đoàn cùng Trương trọng Hòa, Phạm Lương, lập ra Sơn Đông Thi Tửu Hội để làm nơi gặp gỡ và qui tụ người cùng chí hướng.  Về quân sự, họ đã bí mật tuyên truyền  và nắm được số quân lính và dân phu đang xây dựng cơ sở Vạn Niên làm lực lượng nòng cốt.  Nguyên vua Tự Đức đang cho xây lăng của ông tại vùng núi Vạn Niên, một đại công trình thuộc loại “niên công nguyệt công” nên phải tập trung rất đông quân lính và dân phu.  Thống chế Nguyễn Văn Xa chỉ huy công trường một cách hà khắc, thô bạo, đã tạo nên một nổi phẩn uất ngấm ngầm trong đám quân dân lao khổ.  Điều này đã được phe họ Đoàn khai thác triệt để, thể hiện qua câu ca dao còn truyền đến ngày nay:

 Vạn Niên là Vạn Niên nào?

Thành phơi xương lính, hào đào máu dân.

 Nửa đêm 16/9/1866 (8/8 bính dần) dưới sự chỉ huy của phe họ Đoàn, lực lượng dân, quân Vạn Niên võ trang bằng gươm giáo và chày giả vôi (vì vậy mới gọi nôm na là giặc Chày vôi) đã nổi dậy, lật đổ thống chế Xa và tay chân, rồi rùng rùng kéo về kinh thành, xông vào Đại Nội quyết bắt cho được vua Tự Đức.  Nhờ phản ứng kịp thời của toán cận vệ dưới quyền chỉ huy của Chưởng vệ Hồ Oai, vua Tự Đức đã thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc và cuộc phản loạn bị đập tan ngay trong đêm đó. [1] Anh em họ Đoàn bị bắt, và khỏi phải nói về số phận của phe chiến bại.  Điều đáng nói là cả gia đình Đinh Đạo đều bị xử tử , dù không có bằng cớ tham gia trực tiếp vào vụ tạo phản. 

Chiến tranh tâm lý?

             Không phải bước vào thời văn minh hiện đại mới có chiến tranh tâm lý. Điều này cha ông chúng ta đã làm từ lâu.  Chẳng hạn, vào thế kỷ 15, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi đã cho người kín đáo lấy mật viết trên lá rừng mấy chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi).  Kiến lần theo vết mật mà ăn, tạo nên nét chữ lờ mờ một cách tự nhiên như do thánh thần nào đó viết ra.  Thế là một đồn trăm đồn ngàn và uy tín của Lê Lợi, người được coi là thừa mệnh Trời làm vua, lên cao trong lòng dân, một yếu tố quan trọng góp phần trong cuộc chiến tranh giành độc lập.  Hầu như không có ông vua nào dựng nghiệp lại không có một huyền thoại thiên mệnh bao phủ .  Nếu đã có mánh lới tạo uy tín cho người cầm đầu thuộc phe ta thì hẳn không thiếu ngón đòn tâm lý nhằm hạ bệ đối phương.

             Qua vụ án Hồng Bảo và giặc Chày vôi, vua Tự Đức rõ ràng là đối tượng của một sự tranh chấp quyền lực. Và Trương Đăng Quế với hai lần vinh dự mang danh hiệu “Cố mạng lương thần”, là người hổ trợ nòng cốt cho quyền lực đó, nên cả hai cần phải được hạ bệ  uy tín .  Chính vì vậy mà trong cái tin đồn rỉ tai kia cả hai đều có mặt khăn khít.

            Qua tin đồn đó, người tung tin muốn cho người nghe hiểu ngầm rằng cặp bài trùng Tự Đức-Trương Đăng Quế là hoàn toàn bất xứng trong địa vị cao tột của họ lúc bấy giờ.  Vua là thứ lộn sòng, đánh tráo chứ chẳng phải lá ngọc cành vàng gì, còn bầy tôi thì thuộc loại mưu mô gian ác nên thiên bất dung gian, phạt cho cái án tuyệt tự.  Vậy thì phải làm gì bây giờ?  Phải trừ gian tà, phải khôi phục chính thống.  Ai xứng đáng là dòng dõi chính thống đây? Đã hỏi, tức khắc thấy ngay câu trả lời:  Còn ai hơn An Phong Công Hồng Bảo và  hậu duệ của ông !

            Phải công nhận tác giả tin đồn này là một tay khôn ngoan, thủ đoạn có hạng.  Thói thường, từ không mà nói có, nghĩa là “nói dựng đứng” thì rất khó thuyết phục người nghe.  Vì vậy, người ta đã bẻ cong sự thật, trộn lẫn thật và giả rất khéo khiến người nghe  dễ dàng bị hấp dẫn, thuyết phục.  Trong hoàn cảnh thông tin bị hạn chế vào thời đó, người nghe không thể nào kiểm chứng thật giả những gì được rỉ tai.  Vả chăng, tin rỉ tai thuộc loại thâm cung bí sử bao giờ cũng hấp dẫn, và câu chuyện cứ thế mà lan truyền và lưu truyền.

Nay thì tôi tin rằng những tin đồn về mối quan hệ mờ ám giữa vua Tự Đức và ông Trương Đăng Quế đều là sản phẩm chiến tranh tâm lý do phe đối lập tung ra trong cuộc tranh chấp quyền lực lúc bấy giờ nhằm hạ bệ uy tín của giới cầm quyền.  Phải chờ mấy mươi năm mới có cơ hội  giải quyết được một nghi vấn lịch sử, ít ra cũng cho riêng mình, mới hay đi tìm sự thật không dễ.

Bài viết của VÕ HƯƠNG-AN

 

[1]  Trong khi chiến đấu, Hồ Oai bị Đoàn Trực chém đứt  một lổ tai, nhưng sau đó đã đâm chết  Trực và bắt sống Đoàn Trưng.  Do công trạng này, vua Tự Đức đã phong cho ông làm Đô Thống chế Dinh Long Vũ, tước Dũng Nghĩa Tử, Quản lãnh Thị vệ Đại thần, thưởng một thẻ bài bằng vàng có khắc 5 chữ  Sắc tứ Trung Dũng Tướng, một thẻ bài khác bằng ngọc quý, một cái nhẫn vàng gắn kim cương, và 10 lạng vàng.  Ông làm đến Tiền Quân Đô Thống kiêm Tả Quân (nhất phẩm quan Võ) (Theo Đại Nam  Chánh Biên Liệt Truyện )

 

nguon VI OLET