Câu chuyện của một nạn nhân chịu bạo lực gia đình

“Đừng lẩn tránh hãy kể cho mọi người nghe câu chuyện của tôi. Ở Việt Nam mình nạn bạo hành còn rất nhiều nhưng mọi người quen chịu đựng, chấp nhận sống chung cùng bạo lực. Mà bạo lực nguy hiểm! Nó có thể tác động qua nhiều thế hệ. Hãy kể để những người là nạn nhân của bạo lực gia đình như tôi cũng tìm ra được lối thoát!” - Chị Nguyễn Thị Hạnh, nạn nhân đầu tiên tìm đến với địa chỉ tin cậy của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khẩn khoản đề nghị tôi thay chị kể ra câu chuyện này để các bạn cùng ngẫm, cảnh giác và tỏ rõ thái độ trước nạn bạo lực gia đình.

Mấy năm trước, người con gái Hải Phòng ấy đã phải lòng và tình nguyện về sống chung với anh Đặng Văn Thành tại quận Long Biên – Hà Nội. Họ có chung với nhau một bé trai thông minh, kháu khỉnh. Gia đình khó khăn, để tìm kế sinh nhai, anh bàn với chị về Hải Phòng cầm cố ngôi nhà bố mẹ chị để lấy tiền mua xe ôtô chở hàng, chở khách. Xem như đã có một cái nghề. Anh lái xe, chị ngày ngày cặm cụi với gánh bánh trôi, cuộc sống vậy cũng tạm ổn. Gia đình anh chị đáng ra sẽ bình yên, êm ấm, kinh tế sẽ khá dần lên nếu như anh Hà không sa vào cờ bạc(!). Chị Ngân sớm phát hiện, can ngăn song không những không thay đổi được chồng, chị lại nhận về cho mình những trận “đòn đau nhớ đời”. Mật độ của những trận đòn roi ấy cứ tăng dần lên ít hay nhiều phụ thuộc vào mật độ anh thua bạc. Nhẫn nhục chịu đựng với tâm lý một sự nhịn chín sự lành cộng với trách nhiệm giữ lấy cha cho đứa trẻ vô tội, chị cứ nuôi hi vọng sẽ có ngày anh thay đổi.  

Tình trạng ấy kéo dài suốt hơn một năm cho đến đêm 17/4/2007, sau khi thua bạc trở về, anh chửi mắng chị đòi lấy tiền đi trả nợ. Không xong anh đẩy chị ngã, đánh đập túi bụi vào đầu, cô em chồng cũng nhảy xổ vào góp sức hành hạ người đàn bà khốn khổ. Chưa hả hê, tên chồng vũ phu còn xuống bếp lấy chày, lấy dao đòi giết chết người đã mang đến cho mình miếng cơm manh áo cùng một tổ ấm. May sao ông bố chồng can ngăn kịp thời, cứu được và canh chừng cho chị đến 5h sáng thì ông phải đi làm. Hoảng loạn, sợ hãi, chị chỉ kịp vơ vài bộ quần áo rồi quắp đứa bé chạy trốn. Cha mẹ đã mất, ngôi nhà ông bà để lại đã đem cầm cố, không họ hàng thân thích, chị chẳng còn biết tìm đến ai mà nương náu. Chợt nhớ ra trong buổi họp phụ nữ khối phố đã trông thấy tờ rơi mang số điện thoại của trung tâm tư vấn kết hợp với thông tin trợ giúp từ tổng đài 1080 chị đã tìm được đến Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thuỵ Khuê, Hà Nội) tối 18/4/2007.

Hết gi hành chính, ngày đã ngả sang đêm, toà nhà 13 tầng lại sáng đèn đón người phụ nữ và đứa trẻ - những nạn nhân trực tiếp của bạo lực gia đình. Được các cán bộ xã hội của Trung tâm ân cần quan tâm chị Hạnh dễ dàng tìm thấy niềm tin và cởi mở câu chuyện của mình. Suốt hơn nửa tháng qua, các cán bộ của Trung tâm đã giúp chị cải thiện sức khoẻ, tâm thần, cùng chị tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải. Hiện giờ chị đã lấy lại được bình tĩnh. Trung tâm đem đến cho chị không chỉ là một chỗ ở an toàn, sự quan tâm chia sẻ, các cán bộ và chuyên gia tư vấn ở đây đang rất nỗ lực hỗ trợ cho chị về mặt pháp lý sao cho chị có thể lấy lại được một cuộc sống và nuôi đứa bé lớn khôn bình an dưới mái nhà không có bạo lực.

Kết thúc câu chuyện tôi hỏi chị có dự định gì khi trở về với cuộc sống bình thường và nhận được một câu trả lời thật bất ngờ: “Thủ tục ly hôn của tôi còn phức tạp lắm! Chưa giải quyết xong tôi chưa thể nghĩ tới điều gì xa xôi. Nhưng chắc chắn một điều, khi tôi trở về nhà nếu gặp bất cứ người phụ nữ nào rơi vào hoàn cảnh bị bạo lực như tôi, tôi sẽ khuyên cô ấy tìm đến Trung tâm, ít nhất là để được tư vấn”…"Hãy hình dung, một người chồng đã đánh bạn đựoc một lần, lần sau họ có thể lặp lại. đứa trẻ trông thấy cảnh ấy một lần sẽ khóc nhưng những lần sau đó nó sẽ không khóc nữa. bỗng dưng bạo lực hoá bình thường, bạo lực được chấp nhận. Lớn lên, đứa trẻ sẽ không e dè khi dùng bạo lực. Đó là sự ảnh hưởng qua nhiều thế hệ. Bạn nín nhịn bạo lực một lần, hai lần, rồi những lần sau bạn tiếp tục nín nhịn rồi sinh bệnh “trầm cảm”. ..Tất cả đều có giới hạn. Không phải lúc nào một sự nhịn cũng đổi lại được chínn sự lành. Phải đứng lên, phải lên tiếng với bạo lực gia đình không chỉ vì mình mà còn vì tương lai của con cái mình nữa. Hãy kể cho mọi người câu chuyện của tôi. Tôi muốn tất cả đều biết để cùng cất tiếng chống lại bạo lực gia đình. Chị em phụ nữ đừng cam chịu sống cùng bạo lực”.

Người phụ nữ 33 tuổi, sống bằng nghề bán bánh trôi cứ từ từ, nhẹ nhàng, tự nhiên tuôn ra những dòng triết lý nhân sinh ấy. bỗng chốc, từ một người bán hàng rong bình thường chị trở thành một con người xã hội lớn lao, một triết gia. Chợt giật mình, tôi nhận ra rằng không phải bỗng nhiên chị nghĩ ra được ước mơ ấy, triết lý ấy. Để có được nó chị đã phải trả giá bằng tuổi xuân, hạnh phúc và nước mắt của mình.

Mái nhà chung của Trung tâm sẽ là điểm dừng chân giúp chị xác định cho mình một con đường đi, một tuơng lai tuơi sáng hơn.

 

Ly hôn vì bạo lực gia đình

(Dân trí) - Người phụ nữ ấy có gương mặt khắc khổ, già hơn nhiều so với tuổi 44. Trong căn nhà nhỏ bé và sơ sài, câu chuyện của chị được kể xen lẫn những giọt nước mắt, tiếng nấc nghẹn ngào...

Bạo hành vì  vợ sinh con gái

Năm 1985, tôi có xây dựng với anh Đ. người cùng xóm, nghề nghiệp làm ruộng. Được hai bên gia đình làm lễ cưới theo đúng phong tục của địa phương. Do sơ xuất nên khi cưới nhau chúng tôi không làm giấy đăng ký kết hôn. Chúng tôi có chung với nhau 7 đứa con, 5 con gái và 2 con trai, một cháu trai đã mất.

Khi cưới tôi về được hai bên gia đình rất quý mến, và vợ chồng chúng tôi sống với nhau cũng rất hạnh phúc.

Chỉ sau 4 lần sinh con gái  thì từ đấy tình cảm, tính nết anh ấy hoàn toàn thay đổi và đối xử với tôi rất là tệ bạc. Bao nhiêu lần anh ấy đánh đập chửi mắng, tôi không thể nào kể hết được những lần anh ấy đuổi tôi ra khỏi nhà.

Anh ấy còn bắt tôi không được quan hệ phụ tử, mẫu tử với bố mẹ tôi và các con tôi. Nhưng vì thương các con nên tôi toàn phải nhờ anh em và mọi người xin anh ấy cho tôi về nuôi con.

Đến năm 1993 tôi sinh được một cháu trai được 1 tháng 10 ngày thì run rủi lại đến với tôi, cháu bị mắc bệnh và mất. Anh ấy lại dằn vặt tôi, chỉ rình tôi sơ hở, sai sót điều gì là  mắng nhiếc, đánh đập. Anh ấy bảo là cái số tôi không có con trai. Từ đây vợ chồng tôi vẫn chung sống với nhau nhưng tình cảm thì nhạt nhẽo.

Đến tháng 8 năm 1994, khi tôi mang thai được 4 tháng thì một lần tôi nấu nồi cơm chưa được chín kỹ anh ấy giở giọng và đánh tôi nằm ngất đi; anh ấy còn nói tôi nằm ăn vạ rồi lấy nước nóng dội vào người tôi, thấy tôi vẫn không dậy được anh ấy tiếp tục xúc than củi nóng có sẵn trong bếp đun rắc lên người tôi. Khi thấy tôi vẫn không dậy được  anh ấy đi lấy dầu tẩm vào người tôi để đốt.

Lúc tôi tỉnh dậy thấy người bị đòn xưng gồ lên, tôi chạy vào nhà anh trai chồng, được anh chị ấy tìm y tá thôn đến tiêm thuốc và điều trị tại nhà. Đến khi tôi gần bình phục thì chồng tôi lại vào đuổi và bảo tôi “biến đi đâu mà sống thì đi, ở đây tao đánh chết”, tôi không còn biết làm thế nào.

Bạo hành tình cảm: chia rẽ tình mẫu tử

Tôi nghĩ vợ chồng xô xát đánh nhau thì mình cũng trốn quanh quẩn ở nhà các anh các chị rồi nấn ná về xum họp nuôi con nhưng chồng tôi gặp đâu cũng đánh, ai cho trốn ở nhà họ cũng bị anh ấy chửi mắng nên tôi đành phải dứt tâm đứt ruột xa mấy đứa con còn nhỏ lánh đi tận Thái Nguyên làm thuê sinh sống đợi ngày sinh con.

Khi tôi sinh cháu do bị ảnh hưởng rừng rú không quen khí hậu hay bị ốm đau, thường xuyên phải đi viện, có hai lần bị cấp cứu trong khi đó bản thân tôi ra đi không có một xu dính túi đi làm thuê ngày nào ăn ngày đó, nên khi cháu nhỏ đi viện tôi phải điện về nhờ mẹ tôi vay mượn  tiền để chạy chữa cho cháu tổng cộng số tiền là 5.000.000đ.

Khi cháu được 8 tháng tuổi tôi bế về sống nhờ bên ngoại cho đến tháng 10 năm1995 thì chồng tôi đánh nhau với chị gái, chẳng may ném hòn gạch vào đầu  một bà cùng xóm, bà ấy ngất đi và phải đưa ra viện tỉnh cấp cứu. Thế là anh ấy bị an ninh xã bắt đi giam mấy ngày.

Thóc lúa lợn gà các thứ phải bán hết đi để đền bà ấy cũng không đủ, rồi vay mượn nhiều, các con khổ cực quá. Tôi nghĩ vì tương lai các con, tôi phải dấn mình vào chỗ chết cầu mong một ngày nào đó anh ấy sẽ nguôi đi và gia đình sẽ êm ấm; các con tôi sẽ có bố, có mẹ nên tôi quyết định bế con về xin anh ấy được xum họp nuôi con.

Anh ấy ra điều kiện bắt tôi từ nay phải cắt đứt tình cảm bố mẹ, anh em. Tôi nén tâm, đau lòng nhẫn nhục nghe theo lời anh ấy từ bỏ bố mẹ, anh em, về vợ chồng xum họp nuôi con để con cái sau này đỡ hận mẹ, hận cha.

Từ đó tới nay tôi âm thầm nhẫn nhục chịu bao cay đắng đòn roi đánh đập, đuổi tôi đi lôi ra kéo vào xỉ vả nhục nhã.

Cụ thể ngày 15-5-2002 nhà tôi nuôi vịt đẻ vẫn thả ở sông, hôm ấy  đàn vịt nhà tôi vào cánh mạ xã bên, họ đánh chết mất 20 con về anh ấy lại đánh tôi, đuổi tôi đi không cho mang theo thứ gì, tôi chạy vào nhà chị hàng xóm nương nhờ.

Đến 4 giờ sáng hôm sau anh ấy lại vào đánh đuổi tiếp không cho ở đấy, tôi vẫn tiếp tục trốn ra nhà bà San, bà Thanh; tôi lại nhờ anh em và cả chú Hà trưởng thôn đến xin anh ấy cho tôi về làm ăn nuôi con, nhưng anh ấy nhất định không cho về.

Tàn nhẫn và dã man hơn nữa, anh ấy còn tước quyền làm mẹ của tôi, cấm tuyệt đối không cho các con tôi được liên quan với mẹ, hễ gặp mẹ là các con cũng bị đánh đuổi đi. Thế là một lần nữa tôi lại phải đứt ruột, dứt tâm xa các con. Tôi đi làm ăn ở xa vì tôi không có ruộng cấy và không có nhà ở.

Đến ngày 12-11-2004, cưới con gái tôi cháu có điện cho tôi về thì tôi về, nhưng thấy tôi về anh ấy cứ lấy bát, đĩa, chuyên chén ném túi bụi không cho tôi vào nhà. Mãi sau được anh em nhiều người xin anh ấy cho tôi về dự cưới con gái xong rồi hãy đuổi, anh ấy mới thôi.

Năm 2005, con gái tôi đẻ tôi cũng về phục vụ cháu mấy hôm nhưng chỉ ở nhà chồng nó, anh ấy không làm gì được tôi anh ấy liền đổ tội cho cháu Linh (là đứa con thứ 2 của chúng tôi) điện cho mẹ về nên đánh và đuổi cháu đi. Cháu cứ xin mãi anh ấy lại bắt cháu phải viết kiểm điểm, cam kết không bao giờ liên quan với mẹ nữa anh ấy mới cho về.

Đến ngày 7-11- 2005 anh ấy ngang nhiên cưới một cô vợ mới quê ở Minh Tân về làm vợ, tiệc cưới được ăn uống linh đình coi như tôi không phải là vợ anh ấy nữa.

Thay cho lời kết.

Câu chuyện trên đây của người phụ nữ nông thôn ở một xã thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định, có thể được xem như là một trường hợp điển hình của nạn bạo hành gia đình.

Chuyện thấm đẫm nước mắt, trong cuộc sống chồng vợ của chị đầy nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần và tâm lý. Chị đã chịu đựng đủ các loại hình bạo lực gia đình, kể cả những hành vi bạo lực  giống các hình thức tra tấn thời trung cổ: đổ than nóng, đổ dầu lên người vợ và đốt.

Chúng ta không thể hình dung nổi vì sao, người đàn ông trong câu chuyện này lại có thể tàn nhẫn với người vợ nhiều năm đầu gối tay ấp và sinh cho anh ta những đứa con, chăm nuôi chúng lớn khôn.

Lạ lùng hơn, người đàn ông này còn ngăn cản tình mẫu tử, không chỉ là quan hệ giữa vợ với cha mẹ vợ mà ngăn cấm cả con cái mình với mẹ đẻ của chúng.

Đã là một người chồng thô bạo, một người cha nhẫn tâm, nhưng người đàn ông trong câu chuyện này còn vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, ngang nhiên lấy vợ khác tổ chức tiệc cưới ăn uống linh đình, trong khi vẫn chưa ly hôn người vợ đã sinh cho anh ta 7 đứa con cả gái cả trai. Mới hay, khi một gia đình có bạo hành, thì người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Vào thời điểm câu chuyện này được kể với chúng tôi, người phụ nữ này đã ly hôn, một mình sống trong một túp nhà bé nhỏ, cái nghèo thể hiện rõ trong những đồ dùng gia đình.

Chuyện của chị được kết thúc bằng lời cảm thán, cũng là câu hỏi não lòng “Mà cái đời tôi thì anh xem, cái đời đàn bà còn gì để mà vui. Vì hết lòng với gia đình cho nên tôi mới đến nông nỗi như thế này chứ anh? Nếu tôi không hết lòng vì gia đình thì làm sao tôi đến nỗi như thế này hả anh?”

Tôi không biết nói với người phụ nữ có số phận bất hạnh này như thế nào. Chẳng lẽ lại giải thích rằng: nhiều phụ nữ hết lòng vì chồng con đều có gia đình hạnh phúc, còn chị không may mắn gặp phải kẻ vũ phu nên mới chịu nhiều đau khổ.

Chẳng lẽ lại nói rằng, bởi chị thiếu hiểu biết về luật pháp cũng như các quyền của phụ nữ, lại thêm sự cam chịu cộng với sự đắm đuối vì chồng, vì con nên phải chịu chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, mẹ con chia cắt? Chị cố gắng duy trì cuộc sống vợ chồng, chịu đựng tất cả mọi đau đớn, tủi nhục nhưng nào có giữ được gia đình?

Hy vọng bài viết này sẽ góp thêm tiếng nói về phòng, chống bạo lực gia đình để không còn những câu chuyện đau lòng như thế tiếp diễn.

PGS.TS .Hoàng Bá Thịnh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội

Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG Hà Nội

 

 

nguon VI OLET