BÀI THAM LUẬN

(…v/v nâng cao kết quả bộ môn trong kỳ thi tốt nghiệp)

 

Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa đại hội!
           Trước hết tôi nhất trí với báo cáo tổng kết Chi bộ nhiệm kỳ 2013-2014 và phương hướng hoạt động của Chi bộ nhiệm kỳ 2015-2017 do đồng chí Bí thư Chi bộ vừa trình bày trước Đại hội.
            Tôi xin trình bày một số ý kiến tham luận về công tác chỉ đạo của Chi bộ đối với  hoạt động của tổ chuyên môn nhằm nâng cao kết quả bộ môn trong kỳ thi THPT quốc gia, góp phần vào thành công sự chỉ đạo của Chi bộ trong nhiệm kỳ tới.
  Thực hiện Theo tinh thần nghị quyết TƯ 29,  từ năm 2015 Bộ giáo dục sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất, vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở tuyển sinh ĐH-CĐ đó là bước đột phá đầu tiên theo tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục. Đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản và yêu cầu nâng cao. Vì vậy để đạt kết quả bộ môn cao trong kỳ thi tốt nghiệp cần phải có sự chỉ đạo thật chặt chẽ của Chi bộ từ nhiều phía:
a/ Đối với tổ chuyên môn:

-         Tổ chuyên môn phân công nhóm giáo viên bộ môn xây dựng khung chương trình, nội dung ôn tập chi tiết (bao gồm thời lượng, nội dung, tài liệu ôn tập) phù hợp với từng đối tượng học sinh.

-         Tổ chuyên môn cần tổ chức tốt việc giáo viên ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các chương, bài khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình lớp 12, chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.

-         Trong quá trình ôn tập tổ chuyên môn cần tham mưu với lãnh đạo trường tổ chức cho học sinh thi thử; Tuy nhiên, chỉ nên tổ chức thi thử một lần, tránh gây tâm lý nặng nề, tốn kém thời gian, sức lực giáo viên và học sinh; Thông qua kỳ thi thử nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn cần chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của học sinh. Việc tổ chức thi thử với những yêu cầu về đề và cách thức coi, chấm bài giống như một kỳ thi thử tốt nghiệp cũng có thể giúp tổ chuyên môn và giáo viên biết mức độ kiến thức, kỹ năng học sinh đã đạt được sau một thời gian ôn tập, đồng thời giúp học sinh làm quen với cách phân tích đề thi, cách làm bài thi và tâm lý thi cử.

b/ Đối với giáo viên:

-         Giáo viên trực tiếp giảng dạy cần tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn, lựa chọn cụm thi tại các trường CĐ, ĐH hay cụm thi tại địa phương đảm bào phù hợp với năng lực của học sinh.

-         Giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp THPT cần chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp; có hướng dẫn, gợi ý trả lời.

-         Giáo viên chia nội dung của từng chuyên đề ôn tập theo từng tiết dạy trong đó có nội dung dạy trên lớp, có nội dung giao cho học sinh làm ở nhà. Giáo viên phải thường xuyên kiểm tra việc chuẩn bị nội dung ôn tập ở nhà của học sinh.

-         Giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh cách thức sử dụng sách giáo khoa  kết hợp với sử dụng sách bài tập theo quy định của Bộ GD-ĐT để ôn tâp cho phù hợp.

-         Đối với học sinh có học lực yếu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với gia đình để có kế hoạch ôn tập tốt cho các em, để đảm bảo đủ kiến thức để các em đỗ tốt nghiệp THPT.

-         Đối với với các môn học sinh khá, giỏi giáo viên cần tăng cường dạy nâng cao để các em phấn đấu vào các trường đại học, cao đẳng.

-         Giáo viên bộ môn cần chú trọng hướng dẫn HS biết cách phân tích đề thi  theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho các em tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

-         Giáo viên chủ nhiệm, Giáo viên bộ môn cần hết sức quan tâm thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của từng học sinh, từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho học sinh, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập. Bên cạnh đó, GV chủ nhiệm lớp cần phối hợp với GV dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm HS lớp mình theo khả năng nhận thức; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những HS học lực yếu; cử GV có khả năng, kinh nghiệm và vận động những HS khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những HS yếu nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.

-         GV chủ nhiệm, GV bộ môn phải thống nhất với HS và cha mẹ HS để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của HS, giúp cho việc ôn tập có hiệu quả nhất, nhưng không quá tải…

C/ Đối với học sinh:

-         Học sinh cần phải biết được năng lực học tập của mình để chọn môn thi tự chọn, lựa chọn cụm thi tại các trường CĐ, ĐH hay cụm thi tại địa phương đảm bảo phù hợp với năng lực của bản thân.

-         Học sinh phải biết vận dụng kết hợp các phương pháp ôn tập phù hợp là rất cần thiết để giúp HS có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc ôn tập, HS tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Kết hợp nhiều phương thức ôn tập như vậy giúp HS tự kiểm tra đánh giá được kết quả ôn tập của mình phát hiện được những phần kiến thức còn thiếu hụt để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời; đồng thời HS cũng có thể trao đổi với nhau những cách ôn tập hay.

-         Học sinh có thể tự tổ chức thành các tổ, các nhóm để trao đổi kiến thức, giúp đỡ nhau trong quá trình ôn tập.

-         Mỗi học sinh cần nắm được quy chế thi, thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ suất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi. Bên cạnh đó, các em cần tự tin vào kiến thức của mình, chuẩn bị tâm thế vững vàng, chủ động khi bước vào kỳ thi.

Kính thưa đại hội !
   Trên đây là một số giải pháp về công tác chỉ đạo hoạt động của chi bộ nhằm nâng cao kết quả bộ môn trong kỳ thi THPT quốc gia, đóng góp vào phương hướng hoạt động của Chi bộ trong nhiệm kỳ tới, rất mong được các đồng chí quan tâm và đóng góp thêm.
Xin trân trọng cảm ơn và chúc các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

nguon VI OLET