THPT Mạc Đĩnh Chi                                                                                      Ngữ Văn

Tính nhạc trong thơ Thanh Thảo

qua bài Đàn ghi ta của Lor-ca

 

Thơ tượng trưng siêu thực có ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác của Thanh Thảo.

Chủ nghĩa tượng trưng là khuynh hướng văn học xuất hiện ở phương Tây vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Cơ sở lí thuyết của chủ nghĩa tượng trưng bắt nguồn trước tiên từ thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật” của T. Goochiê, Êpô…và quan niệm “Cảm giác tương giao” của Bôdơle.

Nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa tượng trưng là đề cao trực giáctính nhạc, giữa thơ và nhạc có sự tương giao. Theo Êpô thì chính trong âm nhạc tâm hồn của nhà thơ mới tiếp cận được cái đẹp thần thánh. Và thơ là một bản hòa âm huyền ảo. Nếu như “thơ ca cổ điển phương Đông, nhất là của Trung Quốc cũng kết hợp chặt chẽ với âm nhạc, nhưng trôi chảy, rõ ràng, dễ hiểu thì chất nhạc trong thơ tượng trưng còn mang tính mơ hồ, không xác định, đa nghĩa, kì diệu”.

Chủ nghĩa siêu thực là khuynh hướng văn nghệ tiên phong ra đời ở Pháp vào những thập niên đầu của thế kỉ XX và được giới văn nghệ sĩ đón nhận.

Nguyên tắc sáng tác của trường phái siêu thực là đề cao vai trò của ngẫu hứng. Các nhà thơ để tâm vào việc gi chép những cái xuất hiện lướt qua trong đầu mà không thông qua một sự kiểm soát gắt gao của lí trí”.

Trải qua thời gian, các nhà thơ hiện đại trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ vẫn luôn tìm đường chèo lái con thuyền thơ hiện đại Việt Nam. Thanh Thảo – một con người luôn trăn trở, ý thức cách tân theo hướng hiện đại. Tiếp thu những yếu tố hiện đại của phương Tây, trên nền tảng phương Đông, ông tìm tòi để sáng tạo những vần thơ mới mẻ, cách tân. Trong thơ Thanh Thảo dấu ấn của tượng trưng siêu thực luôn ẩn chứa. Đó chính là một trong những con người mở đường trong sự nghiệp cách tân thơ ca hiện đại Việt Nam.

Thi trung hữu nhạc đó là một định đề muôn thuở của thơ ca. Ngân nha cả bên trong và bên ngoài mỗi tiếng thơ, nhạc thực sự là phần hồn của thơ, là hơi thở của ngôn từ thơ. “Thơ song hành cùng âm nhạc, sức gợi của nó tăng lên rất nhiều”. Trong các trường ca Những người đi tới biển, Những chiến sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ của mùa xuân, Đêm trên cát,… nhà thơ Thanh Thảo đã mượn cấu trúc từ các bản giao hưởng nên đọc lên thấy dáng vẻ lạ của một trường ca – giao hưởng ngân nga trong lòng người đọc. Còn ở những bài thơ ngắn như bài Đàn ghi ta của Lor-ca ta lại được tận hưởng cấu trúc của một bản nhạc ngắn. Nhịp điệu trong thơ Thanh Thảo không chỉ bắt nguồn từ thể thơ tự do, cách ngắt nhịp khoáng đạt mà còn bởi cách sắp xếp các hình ảnh mang tính biểu tượng liền kề nhau tạo sức liên tưởng mạnh mẽ. Đặc biệt tính nhạc trong thơ không chỉ là hình thức mà còn có một nhịp điệu ngầm qua từng câu chữ. Nó xuất phát từ nhịp điệu tâm hồn nhà thơ. Thanh Thảo không thiên về tạo lập nhịp điệu của ngôn ngữ mà mạnh về nhịp điệu của tâm hồn, hình ảnh. Chính sự kết hợp đậm đà giữa thơ và nhạc trong thơ khiến thơ Thanh Thảo mang giọng điệu riêng vừa nhẹ nhàng, bay bổng, trầm lắng, thâm thúy, đậm chất suy tư.

Verlaine, nhà thơ Pháp nói  Thơ trước hết là nhạc. Đọc bài "Đàn ghi ta của Lor-ca", chúng ta thường có cảm giác như được nghe một bài hát ca ngợi cái chết bi tráng và sự bất tử của Lor-ca do một nghệ sỹ hát rong đang ôm đàn ghita biểu diễn.

Thanh Thảo nói : “Tôi rất sợ bài thơ của mình được liên tưởng với hình ảnh một ca sĩ (hay một nghệ sĩ hát rong) ôm đàn ghi-ta hát vang lên trong nhà hát hay giữa phố đông người. Đúng như Verlaine nói, thơ trước hết là nhạc, nhưng đó là "nhạc của thơ" chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm. Về nhạc tính trong bài thơ " Đàn ghi ta của Lor-ca" thì như tôi đã nói, chính nhạc tính trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ này. Và tôi muốn dùng lại một số hình ảnh (dĩ nhiên đã biến cải) cũng như mơ hồ một vài theme (chủ đề) nhạc trong thơ Lor-ca khi viết bài này. Tôi nghĩ, ở mức độ nào đó, mình đã làm được điều mình muốn. Cũng như nhiều bài thơ ngắn khác của tôi, bài " Đàn ghi ta của Lorca" được viết liền một mạch, trong khoảng thời gian rất ngắn, sau khi ngồi chơi và đàm đạo về thơ Lor-ca với vài người bạn tâm đắc.

 

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Thanh Thảo đưa một số hình ảnh được coi là "đặc trưng Tây Ban Nha" như "áo choàng đỏ gắt" hay "hát nghêu ngao"...đó là những hình ảnh về Tây Ban Nha đã lặn sâu vào tác giả từ khi ông đọc những tác phẩm của Hemingway - một nhà văn người Mỹ. Mãi cách đây mấy năm, nhà thơ mới có dịp ghé qua Barcelona, trong khi bài thơ này đã viết cách đây ngót 30 năm, nên những hình ảnh Tây Ban Nha mà ông có được đều qua sách vở. Khi Lorca được coi là " con họa mi Tây Ban Nha", Lorca có câu thơ  qua bản dịch Hoàng Hưng: " Con ngựa đen vầng trăng đỏ", còn hoa lila (hoa huệ tây) thì không chỉ có ở Tây Ban Nha, nhưng dường như nó đã đi vào một tác phẩm nào đó viết về Tây Ban Nha mà Thanh Thảo nhớ. Với lại, li-la còn gợi âm thanh như một cú "vê" ghi-ta - cây đàn mà người Việt hay gọi là "Tây Ban cầm". Một không khí hơi mờ ảo, những hình ảnh mơ hồ lãng đãng là những gì nhà thơ có được về xứ sở Andalusia mà ông cảm nhận qua thơ Lor-ca. Thanh Thảo nói : “Tôi đã cố gắng đưa vào bài thơ mình. May mà nó lại được.

Trong bài có nhiều hình ảnh gợi cảm: "tiếng đàn bọt nước", "vầng trăng chếnh choáng","yên ngựa mỏi mòn"... Vì sao Thanh Thảo lại dùng những hình dung từ này? Ý nghĩa của những hình ảnh đó trong việc thể hiện chủ đề?

Khi được hỏi, Thanh Thảo nói: “ Anh hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai ? Thực ra, tôi cũng dùng những "hình dung từ" ấy một cách tình cờ thôi, hoàn toàn không cố ý. Tôi vẫn làm thơ như vậy, không cố ý, không "mài giũa ngôn từ". Những liên hệ (nếu có) giữa các tổ hợp từ ấy trong bài thơ đều gắn một cách vô thức với số phận Lor-ca. Những "chếnh choáng", " mỏi mòn", "bọt nước" dường như có gần xa ám ảnh cuộc đời Lor-ca, chúng ám cả vào thi ca của ông. Ai nghĩ, "bọt nước" sẽ biến mất không để lại dấu vết là nhầm. Bọt nước lúc hiện lúc tan, nhưng tan rồi lại hiện. Nó mỏng manh nhưng không thể bị tiêu diệt. Thơ cũng vậy. Thơ Lor-ca càng vậy”.

Phạm Quang Tuấn 1

 

nguon VI OLET