Cô Vũ Thị Thìn, trường THCS Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội sưu tầm, tuyển chọn

ĐỀ VÀ GỢI Ý ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 THÀNH PHỐ HÀ NỘI CÁC NĂM

TỪ 2006 - 2013

 

 

 

 

 

 

 

 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT

Năm học 2006-2007

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

 

Phần I:

Câu 1: Trong bài thơ Cành phong lan bể, Chế Lan Viên có viết: “Con cá song cầm đuốc rước thơ về”. Ở bài Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận cũng có một câu thơ giàu hình ảnh tương tự. Em hãy chép chính xác khổ thơ có câu thơ đó theo sách Ngữ Văn 9 và cho biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Câu 2: Con cá song và ngọn đuốc vốn là những vật rất xa nhau trong thực tế nhưng nhà thơ Huy Cận lại có một sự liên tưởng gần gũi. Vì sao vậy? Câu thơ của ông giúp người đọc hiểu thêm gì về thiên nhiên và tài làm thơ của nhà thơ?

Câu 3: Dưới đây là câu chủ đề cho một đoạn văn trình bày cảm nhận về khổ thơ được chép theo yêu cầu của câu 1:“Chỉ với bốn câu thơ Huy Cận đã cho ta thấy một bức tranh kì thú về sự giàu có và đẹp đẽ của biển cả quê hương”.

Em hãy viết tiếp khoảng 8 đến 10 câu để hoàn chỉnh đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch trong đó có một số câu ghép và một câu có thành phần tình thái. (Yêu cầu xác định rõ câu ghép và thành phần tình thái).

Phần II:

Đoạn cuối cảnh chia tay của cha con ông Sáu trong trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) được kể như sau:

“Trong lúc đó nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con:

- Ba đi rồi ba về với con.

    - Không! – con bé thét lên, rồi hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.

Nhìn cảnh ấy, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt, còn tôi bỗng cảm thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi”.

(Sách Ngữ Văn 9 – tập 1 – NXB Giáo Dục 2005 trang 199).

Câu 1: Vì sao khi chứng kiến giây phút này, bà con xung quanh và nhân vật “tôi” lại có cảm xúc như vậy?

Câu 2: Người kể chuyển ở đây là ai? Cách chọn vai kể ấy góp phần như thế nào để tạo nên thành công Chiếc lược ngà?

Câu 3: Kể tên hai tác phẩm viết về đề tài người lính cách mạng đã được học trong chương trình Ngữ Văn 9 và ghi rõ tên tác giả.
 

GỢI Ý TRẢ LỜI 

Phần I

 

Câu 1

 

Chép chính xác khổ thơ  (chép sai hoặc thiếu 1 câu trừ O,25đ)

1,0 đ

Nêu đúng hoàn cảnh ra đời: năm 1958 , trong chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh

0,5 đ

Câu 2

 

Vì: trong thực tế cá song có thân dài nhiều chấm, vạch màu đen hồng nên dưới ánh trăng chúng bơi lội trông như rước đuốc

0,5 đ

- Hiểu thêm được :

 

+ Thiên nhiên biển cả đẹp huyền ảo" lung linh như đêm hội . . .

0,5 đ

+ Tài quan sát tinh tế và trí tưởng tượng bay bổng....của nhà thơ

0,5 đ

Câu 3

 

A.Hình thức:

 

-Đoạn diễn dịch

0,5 đ

-8 đến 10 câu

0,5 đ

-Câu ghép

0,25 đ

-Thành phần tình thái

0,25 đ

B.Nội dung:

 

-Biển cả giàu có : Cảnh của đêm trăng trên biển lung linh lấp lánh với hình ảnh nhiều màu sắc của các loài cá : “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song”. Một loạt những hình ảnh liệt kê góp phần diễn tả sự giàu có của biển cả nước ta.

0,5 đ

-Không chỉ giàu, biển cả quê hương còn đẹp:

+Hình ảnh ẩn dụ độc đáo “cá song lấp lánh đuốc đen hồng”: cá song có các chấm màu đen và hồng trên thân từ đó tác giả liên tưởng tới ngọn đuốc đang lấp lánh (ánh sáng phản chiếu khi mờ khi tỏ) rất sinh động, đẹp mắt, có cảm tưởng đàn cá đang mở hội rước đuốc nghênh đón người ngư dân.

0,5 đ

+Ngọn đuốc cá song đã phản chiếu ánh trăng rất đặc biệt “trăng vàng chóe” (màu vàng rất tươi và rực lên) chẳng khác chi mặt trời của đêm, dưới ánh trăng kỳ diệu ấy, biển hiện lên với tất cả vẻ đẹp thần tiên.

0,5 đ

+Chứng kiến cảnh đẹp ấy, tâm hồn người ngư dân ngây ngất, anh nhìn thấy mà như mơ mộng “cái đuôi em quẫy”: dưới ánh trăng kỳ diệu, cá đã biến thành em (nhân hóa) một cách gọi thân mật gợi liên tưởng tới những thiếu nữ đáng yêu, những nàng tiên kiều diễm. “Những nàng tiên cá” đang quẫy cái đuôi như thể đang trình diễn một điệu múa cuồng nhiệt, mê say quyến rũ người dân chài.

0,5 đ

+“Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long” : biển đêm đang sống “Đêm thở”, những gợn sóng biển cho tác giả sự tưởng tượng ấy, chỉ có điều sóng thực thì do gió còn trong thơ sóng do ánh sao lùa (nhân hóa), cũng có thể hiểu sóng biển phản chiếu ánh trăng sao trông như dải ngân hà đang chuyển động, đặt trong không gian vịnh Hạ Long, cảnh càng thêm đẹp.

0,5 đ

Phần II

 

Câu 1

 

- Hoàn cảnh trớ trêu, éo le và sự hi sinh mà ông Sáu phải chịu đựng

0,5 đ

- Tình cảm mãnh liệt của bé Thu với người cha

0,5 đ

Câu 2 Người kể chuyện là ông Ba, người bạn chiến đấu thân thiết của ông Sáu

0,5 đ

- Tác dụng của cách chọn vai kể:

 

+ Làm câu chuyện trở nên khách quan đáng tin cậy, người kể có thể đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật

0,5 đ

+ Chủ động điều chỉnh nhịp kể và xen vào những suy nghĩ bình luận

0,5 đ

Câu 3.Học sinh nêu đúng tên của hai tác phẩm và hai tác giả : Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ và tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

0,5 đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2007-2008

HÀ NỘI

Phần I: (7 điểm)
 Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật. Mở đầu tác phẩm của mình, một nhà thơ viết:

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác...

Và sau đó, tác giả thấy:

                                       ...Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

                                        Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

                                       Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

                                       Mà sao nghe nhói ở trong tim!..."


Câu 1: Những câu thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy.
Câu 2: Từ những câu đã dẫn kết hợp với những hiểu biết của em về bài thơ, hãy cho biết cảm xúc trong bài được biểu hiện theo trình tự nào? Sự thật là Người đã ra đi nhưng vì sao nhà thơ vẫn dùng từ thăm và cụm từ giấc ngủ bình yên?
Câu 3: Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 10 câu theo phép lập luận quy nạp (có sử dụng phép lặp và có một câu chứa thành phần phụ chú) để làm rõ lòng kính yêu và niềm xót thương vô hạn của tác giả đối với Bác khi vào trong lăng.
Câu 4: Trăng là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thi ca. Hãy chép chính xác một câu thơ khác đã học có hình ảnh trăng và ghi rõ tên tác giả, tác phẩm.
Phần II: (3 điểm)
 Từ một truyện dân gian, bằng tài năng và sự cảm thương sâu sắc, Nguyễn Dữ đã viết thành Chuyện người con gái Nam Xương. Đây là một trong những truyện hay nhất được rút từ tập Truyền kì mạn lục.
Câu 1:
 Giải thích ý nghĩa nhan đề Truyền kì mạn lục.
Câu 2:
 Trong Chuyện người con gái Nam Xương, lúc vắng chồng, Vũ Nương hay đùa con, chỉ vào bóng mình mà bảo là cha Đản. Chi tiết đó đã nói lên điều gì ở nhân vật này? Việc tác giả đưa vào cuối truyện yếu tố kỳ ảo nói về sự trở về chốc lát của Vũ Nương có làm cho tính bi kịch của tác phẩm mất đi không? Vì sao?

 

 

GỢI Ý TRẢ LỜI 

Phần 1: (7 điểm)
Câu 1:
 Đoạn thơ trên được trích trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Bài thơ được viết năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, Lăng Hồ Chủ tịch vừa khánh thành. Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác.
Câu 2:
 Cảm xúc trong bài thơ được biểu hiện theo trình tự từ ngoài vào trong, rồi lại trở ra ngoài, hợp với thời gian một chuyến viếng lăng Bác.
 - Từ "thăm" thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với Bác vừa kính yêu, vừa gần gũi.
 - Cụm từ "giấc ngủ bình yên" là một cách nói tránh, nói giảm nhằm miêu tả tư thế ung dung thanh thản của Bác - vị lãnh tụ cả đời lo cho dân, cho nước, có đêm nào yên giấc nay đã có được giấc ngủ bình yên.
Câu 3:
Đoạn văn viết cần đạt được những yêu cầu sau:
 - Bám sát nội dung khổ thơ: phân tích được hình ảnh của Bác được miêu tả trong tư thế ung dung thanh thản, thấy được cảm xúc trào dâng của nhà thơ khi đứng trước Bác.
 - Không viết quá dài hoặc quá ngắn so với yêu cầu 10 câu của đề. Trình tự nghị luận là qui nạp, có sử dụng phép lặp và một thành phần phụ chú.
Câu 4:
 Một bài thơ có nhắc đến trăng, ví dụ như Ánh trăng của Nguyễn Duy
 "Trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình/ ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình". Hay "Đầu súng trăng treo" trong Đồng chí của Chính Hữu...

Phần 2: (3 điểm)
Câu 1:
 Truyền kỳ mạn lục: ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền.
Câu 2:
 Chi tiết Vũ Nương chỉ cái bóng của mình rồi nói với đứa con là Cha Đản chứng tỏ:
 - Vũ Nương là một người mẹ rất thương con, không muốn cho con thiếu thốn tình cảm của cha.
 - Vũ Nương là một người vợ thủy chung với chồng, lúc nào cũng nghĩ đến chồng.
 - Vũ Nương rất cô đơn chỉ biết chỉ biết truyện trò cùng bóng.
 Việc đưa vào những yếu tố kì ảo, để Vũ Nương hiện hồn về trong chốc lát có làm dịu đi chút ít tính bi kịch của tác phẩm vì như thế là Vũ Nương không chết, với chồng nàng đã được minh oan.

 

 

 

Sở giáo dục và đào tạo

Hà Nội

---------------

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT

Năm học 2008 - 2009

Môn thi: Ngữ văn

Ngày thi: 18 tháng 6 năm 2008

Thời gian làm bài: 120 phút

Phần I: (4 điểm)

Cho đoạn trích sau:

(…) Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một  mình.

Tôi là con gái Hà Nội. Nối một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thi các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!"(…)

      (Lê Minh Khuê - Sách Ngữ văn 9, tập 2)

1. Những câu văn này được rút từ tác phẩm nào? Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ấy.

2. Xác định câu có lời dẫn trực tiếp và câu đặc biệt trong đoạn trích trên.

3. Giới thiệu ngắn gọn (không quá nửa trang giấy thi) về nhân vật tôi trong tác phẩm đó.

4. Kể tên một tác phẩm khác viết về người chiến sỹ trong cuộc chống Mĩ mà em đã học trong chương trình Ngữ văn 9 và ghi rõ tên tác giả.

Phần II (6 điểm) Trong bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã viết rất xúc động về người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

(…) Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

áo anh rác  vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay (…).

1. Từ Đồng chí nghĩa là gì? Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên bài thơ của mình là Đồng chí?

2.  Trong câu thơ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính, nhà thơ đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu rõ hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy.

3. Dựa vào đoạn thơ trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) theo cách lập luận tổng hợp- phân tích - tổng hợp trong đó có sử dụng phép thế và một câu phủ định để làm rõ sự đồng cảm, sẻ chia những người đồng đội. (Gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế)

 

                                                   GỢI Ý TRẢ LỜI 
Phần I (4 điểm)

1. Những câu văn này được rút từ tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. Tác phẩm viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.
2. Câu có lời dẫn trực tiếp: "Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”."
Câu đặc biệt: “Im ắng lạ”
3. Giới thiệu ngắn gọn (không quá nửa trang giấy thi) về nhân vật tôi trong tác phẩm đó.
Cần nêu được những ý chính sau đây:
- Phương Định là nhân vật chính và là nhân vật kể chuyện. 
- Là con gái Hà Nội vào chiến trường, cô có một thời thiếu nữ hồn nhiên, vô tư lự bên người mẹ, ở một căn phòng nhỏ tại một đường phố yên tĩnh trong những ngày thanh bình, trước chiến tranh.
- Là một cô gái đẹp, vẻ đẹp nữ tính, ẩn chứa chiều sâu tâm hồn.
- Cuộc sống chiến trường luôn đối mặt với những thử thách nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh.
- Và chiến trường đã ba năm, đã dày dạn với thử thách nguy hiểm và luôn đối mặt với cái chết nhưng Phương Định không mất được sự hồn nhiên, trong sáng, lạc quan và những ước mơ về tương lai. Ở cuối đoạn trích, chỉ một cơn mưa đá vượt qua cũng đánh thức dậy ở cô rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ thành phố quê hương, tuổi thơ thanh bình.
4. Kể tên tác phẩm khác
Các em có thể kể một trong các tác phẩm sau:
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật
- Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng.

Phần II. (6 điểm)

1. Từ “đồng chí” nghĩa là người có cùng chí hướng, lí tưởng
- Tác giả đặt tên bài thơ của mình là Đồng chí, nhan đề ấy đã thể hiện tập trung cảm hứng chủ đạo của bài thơ: ca ngợi vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội và hình ảnh người lính cách mạng.
2. Trong câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, nhà thơ đã sử dụng biện pháp hoán dụ. “Giếng nước gốc đa” là hình ảnh để chỉ quê hương. Đây là cách nói tế nhị và giàu sức gợi: nói quê hương nhớ người ra lính mà thực ra là người lính nhớ quê nhà. Nỗi nhớ hai chiều nên càng da diết. Đặt trong mạch văn bản, biện pháp nghệ thuật này góp phần tô đậm tình đồng chí của những người lính: Hiểu lòng nhau, hiểu cả nỗi niềm của người thân của nhau nơi hậu phương.
3. Đoạn văn cần đạt yêu cầu sau:
- Khoảng 10 câu theo yêu cầu của đề. Trình tự nghị luận là Tổng – Phân – Hợp, trong đó có sử dụng phép thế và một câu phủ định
- Bám sát vào phần văn bản (Đoạn thơ đã cho) làm rõ sự đồng cảm, sẻ chia giữa những người đồng đội.
+ Sự cảm thông sâu xa những hoàn cảnh, tâm tư, nỗi niềm sâu kín của nhau.
+ Cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính, cùng chịu chung những cơn sốt rét rừng ghê gớm, cùng thiếu, cùng rách. Tình đồng chí cho họ sức mạnh để vượt lên những buốt giá và ấm áp giữa buốt giá.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

nguon VI OLET