ỦY BAN NHÂN DÂN                                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                                            Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                             

    Số : 3045 / GDĐT – TH                                Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 9 năm 2013

 

Về Hướng dẫn tạm thời việc đánh giá

không cho điểm đối với học sinh lớp 1,

năm học 2013-2014

                                                Kính gửi :

-  Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận (Huyện);

-  Hiệu Trưởng các trường có nhiều cấp học.

 

Căn cứ công văn số 5478/BGDĐT-GDTH  ngày 08/8/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014;

 Trong khi chờ Hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời việc đánh giá không cho điểm đối với học sinh lớp 1 năm học 2013-2014 như sau:

 

I. Mục đích, yêu cầu

1. Giúp Thầy Cô giáo điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học/giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng để động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày và hướng dẫn, giúp đỡ học sinh cảm thấy tự tin và thích học, thích đi học.

2. Giúp học sinh biết tự đánh giá, rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh bài làm, hoạt động của mình, đồng thời bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện để học sinh ngày càng tiến bộ hơn. Góp phần làm giảm áp lực cho học sinh khi đến trường.

3. Cha mẹ học sinh tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh. Góp phần thay đổi nhận thức của PHHS về việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1.

4. Hiệu trưởng các trường kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, phương pháp dạy học/giáo dục, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.

 

II. Nguyên tắc đánh giá

1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của các em; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan và toàn diện.

2. Đánh giá dựa trên thái độ, hành vi, kết quả về kiến thức, kĩ năng và nhiệm vụ của học sinh..

            3. Đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh với học sinh khác, không chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào, không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh.

4. Ngoài bài kiểm tra cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, kể cả bài kiểm tra thường xuyên.

III. Nội dung đánh giá

            Đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục tiểu học theo từng môn học và hoạt động giáo dục


 

IV. Các hình thức đánh giá

1. Đánh giá thường xuyên:

            a) Đánh giá thường xuyên được thực hiện trên lớp học theo tiến trình các bài học, các hoạt động giáo dục ở nhà trường, được thực hiện cho tất cả các môn học. Đánh giá thường xuyên được thực hiện bằng nhận xét. Trong đó tập trung nhận xét của giáo viên về những nội dung học sinh đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.

 

b) Cách đánh giá thường xuyên :

- Giáo viên đánh giá:

Dựa trên đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học, giáo viên thường xuyên quan sát, theo dõi từng học sinh trong quá trình học tập để có nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời .

Đánh giá thường xuyên không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học và được đánh giá bằng nhận xét .

 Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét của giáo viên được tiến hành dưới các hình thức gồm: nhận xét miệng qua từng bài học, nhận xét qua bài viết (dưới 20 phút), quan sát học sinh qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng. 

Trong giai đoạn học sinh lớp 1 chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo nhận xét bằng lời trực tiếp với học sinh.

Khi học sinh đã đọc được, giáo viên ghi nhận xét, lời phê trong vở của học sinh.

Trong quá trình đánh giá thường xuyên nhận xét bằng lời hay ghi vào vở của học sinh, giáo viên nên có những hình thức động viên học sinh khi các em hoàn thành yêu cầu, chủ yếu là động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, không được sử dụng các hình thức chê trách (như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D, ...) , so sánh học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào với bất kỳ động cơ nào…. , không tạo áp lực cho học sinh và Cha Mẹ học sinh.

Nếu bài làm hoặc hoạt động giáo dục học sinh thực hiện sai hoặc chưa hoàn chỉnh, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hiện lại cho đúng và đầy đủ. Từ đó động viên, khích lệ các em nỗ lực phấn đấu tiếp tục trong học tập.

Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét phải được đánh giá theo từng mức độ học sinh hoàn thành theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và gắn liền với lời nhận xét cho phù hợp.

Ví dụ:

     +Học sinh hoàn thành tốt bài làm, GV có thể nhận xét: “Bài làm tốt, đáng khen.” hoặc “Thầy (Cô) rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”.

     + Học sinh hoàn thành bài làm đạt kết quả khá, GV có thể nhận xét: “Bài làm khá tốt, nếu …………… em sẽ có kết quả tốt hơn.” hoặc “Bài của em đã hoàn thành khá tốt. Để đạt kết quả tốt hơn, em cần …………………….

     + Học sinh hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét: “Em đã hoàn thành bài làm, nếu rèn thêm ………………., em sẽ có kết quả tốt hơn.” hoặc “bài làm đạt yêu cầu. Nếu em chú ý những vấn đề như ………………………., thì kết quả sẽ tốt hơn

     + Học sinh chưa hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, cần ……………….. và ………………Thầy (Cô) tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn.”  hoặc “ Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như …………………… , em sẽ có kết quả cao hơn. “


       +Nếu học sinh có nhiều tiến bộ, GV có thể nhận xét: “ Em đã có nhiều tiến bộ trong việc ……….. và ……… Thầy (Cô) tự hào về em”

Việc đánh giá thường xuyên bằng  nhận xét được thực hiện luân phiên học sinh qua từng tiết học trong một buổi, đảm bảo số lần nhận xét tương ứng với số lần cho điểm như quy định trước đây.

Giáo viên ghi vào Phiếu ghi nhận đánh giá của mình những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với học sinh, từ đó thông tin cho phụ huynh biết kết quả học tập của con em mình sau mỗi tuần, mỗi tháng thông qua Sổ liên lạc.

 

- Học sinh tự đánh giá:

Đối với mỗi hoạt động cá nhân thì học sinh cố gắng tự thực hiện; trong quá trình thực hiện hoặc sau khi thực hiện nhiệm vụ, học sinh tự đánh giá việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Chia sẻ kết quả hoặc khó khăn với bạn hoặc nhóm bạn hoặc giáo viên để giúp bạn hoặc được bạn hay giáo viên giúp đỡ kịp thời; báo cáo kết quả cuối cùng với giáo viên để được xác nhận hoàn thành hoặc được hướng dẫn thêm.

 

- Phụ huynh đánh giá:

Phụ huynh cần phối hợp với GVCN, tham gia các hoạt động dạy học/giáo dục của nhà trường để theo sát các yêu cầu của học sinh trong quá trình học tập. Phụ huynh nên ghi nhận định, ý kiến phản hồi vào Sổ liên lạc để kịp thời thông tin cho giáo viên tham khảo và thông qua đó động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng sống.

 

2. Đánh giá định kì :

- Đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Tin học, Tiếng dân tộc: Ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học  được đánh giá bằng điểm số ( theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân) kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và góp ý, sửa lỗi cho học sinh, các bài kiểm tra định kì GK I, CK I, GK II được đánh giá bằng nhận xét như hướng dẫn đánh giá thường xuyên ở trên.

Riêng đối với môn Tiếng Anh và các ngoại ngữ khác: thực hiện đánh giá theo quy định của Đề án áp dụng riêng cho từng ngoại ngữ.

- Đối với các môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Thủ công được đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 10 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

3.Việc ghi sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh:

Đối với các môn đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét theo Thông tư 32 sẽ được sử dụng dấu tích (√) thay cho điểm số đối với các bài hoàn thành trở lên kể cả đánh giá thường xuyên và định kỳ (trừ bài kiểm tra cuối năm). Đối với các bài chưa hoàn thành GV ghi nhận bằng một dấu chấm (.) rồi tổ chức cho học sinh làm lại, khi hoàn thành sẽ đánh dấu tích bổ sung vào.

Đối với các môn đánh giá bằng nhận xét: thực hiện như Thông tư 32.

 

V. Các vấn đề khác :

Các vấn đề khác như xếp loại học lực từng môn học, xét lên lớp, xếp loại giáo dục và xét khen thưởng, … được thực hiện theo tinh thần Thông tư  32/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

 

Sở GD đề nghị các Phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng trường tiểu học tổ chức nghiên cứu văn bản này và Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học; hướng dẫn giáo viên thực hiện, rút kinh nghiệm; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo


 vào cuối HK I và cuối năm học.

Trong quá trình thực hiện, có gì khó khăn, vướng mắc, các Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng Giáo dục Tiểu học) để kịp thời hỗ trợ, giải quyết.

 

                                                                             KT. GIÁM ĐỐC

                                                                             PHÓ GIÁM ĐỐC

Nơi nhận:

-    Như trên;

-    Vụ GD Tiểu học BGDĐT (để báo cáo)                                 (đã ký và đóng dấu)

-    Giám đốc (để báo cáo)

-    Lưu :VT,TiH

Nguyễn Hoài Chương

 

nguon VI OLET