Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra rằng, muốn được giải phóng khỏi ách nô lệ, các dân tộc thuộc địa và các giai cấp bị áp bức phải dựa vào chính sức mình.Muốn vậy phải đoàn kết chặt chẽ thành một lực lượng thống nhất có sức mạnh tổng hợp để lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Tùy từng thời kỳ cụ thể, từng đối tượng của cách mạng mà tập hợp khối đoàn kết cho phù hợp, nhưng không có thời kỳ cách mạng nào có thể bỏ qua chính sách đoàn kết dân tộc.Dân tộc càng được đoàn kết chặt chẽ, cách mạng càng có cơ hội thành công. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó: đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã là Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, giải phóng miền Bắc; đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã thực hiện thành công những chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất miền Nam Việt Nam, nhân dân ta đã kháng chiến thành công, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã tổng kết: đoàn kết làm ra sức mạnh. Người khẳng định: “đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”; “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”…

Là nguồn sức mạnh đảm bảo thành công của cách mạng, đại đoàn kết dân tộc được xem là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc.Đảng Lao động Việt Nam đã nêu mục đích của Đảng là: đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm quần chúng, phải gần gũi quần chúng, lắng nghe quần chúng, vận động, tổ chức và giáo dục quần chúng, phải thấm nhuần lời dạy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của mọi giai đoạn cách mạng.Tùy hoàn cảnh cách mạng, Đảng phải có chủ trương, chính sách lôi kéo, tập hợp quần chúng cho phù hợp, tạo thực lực cho cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không phải chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ của toàn dân tộc. Người khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.Từ thực tiễn đấu tranh, quần chúng sẽ nảy sinh nhu cầu đoàn kết. Đảng có trách nhiệm thức tỉnh, hướng dẫn quần chúng, chuyển những nhu cầu, đòi hỏi khách quan của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đại đoàn kết dân tộc thực chất là đại đoàn kết toàn dân. Hồ Chí Minh khẳng định: đoàn kết không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài… Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân đều được đứng trong khối đại đoàn kết. Như vậy, quan điểm đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh có nội hàm rộng lớn, bao gồm tất cả giai cấp, tầng lớp yêu nước trong dân tộc, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội… Để thực hiện được khối đại đoàn kết toàn dân, theo Hồ Chí Minh, phải có lòng khoan dung, độ lượng và phải có niềm tin vào nhân dân. Lòng khoan dung, độ lượng sẽ giúp lôi kéo được đông đảo quần chúng, kể cả những người từng phục vụ chế độ cũ, vào khối đại đoàn kết, tạo điều kiện cho họ cống hiến cho cách mạng. Có niềm tin vào nhân dân vì dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của khối đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng, là nền, gốc và chủ thể của Mặt trận.

Mặt trận dân tộc thống nhất là hình thức tổ chức của khối đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận dân tộc thống nhất là nơi quy tụ mọi tổ chức, cá nhân yêu nước, nơi tập hợp mọi con dân nước Việt, không chỉ ở trong nước mà bao gồm những người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Năm 1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh ra đời. Khẩu hiệu của Mặt trận là: Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã giành chính quyền về tay nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân từ thân phận nô lệ vươn lên địa vị làm chủ đất nước.Với cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh được phân công làm trưởng Ban soạn thảo Hiến pháp. Người nêu rõ: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.Đó chính là điểm khác biệt giữa Nhà nước dân chủ nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột trong lịch sử. Nhà nước phong kiến tập trung quyền lực và quyền lợi vào tay giai cấp phong kiến, đứng đầu là vua. Vua nắm quyền sinh sát trong tay, mọi mệnh lệnh từ vua ban xuống thứ dân phải tuân theo, không phân biệt đúng hay sai. Để bảo vệ quyền lực và quyền lợi của mình, giai cấp phong kiến đã định ra hệ tư tưởng nô dịch áp đặt cho nhân dân.Vì thế, dưới nhà nước phong kiến, nhân dân không được hưởng quyền dân chủ.

Nhà nước tư sản là kiểu nhà nước dân chủ, tiến bộ hơn so với nhà nước quân chủ chuyên chế, song nền dân chủ ở đây chỉ dành cho thiểu số, đó là giai cấp tư sản.Giai cấp tư sản nắm giữ quyền sở hữu tư liệu sản xuất chủ yếu, nên nắm giữ địa vị thống trị.Nhân dân lao động vẫn không được hưởng quyền dân chủ, ngược lại họ bị bóc lột về kinh tế, nô dịch về tư tưởng, tinh thần.

Rút kinh nghiệm từ các mô hình nhà nước của giai cấp thống trị trên thế giới, Hồ Chí Minh đã nêu ra quan điểm về Nhà nước của dân, do dân, vì dân như sau:

Nhà nước của dân: Hồ Chí Minh khẳng định vị thế của nhân dân đối với Nhà nước trong các bản Hiến pháp do Người soạn thảo. Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: tất cả quyền bính trong nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước thông qua việc bầu ra đại biểu của mình trong hội đồng nhân dân các cấp và trong Quốc hội để đại diện cho tiếng nói của mình.Nếu đại biểu của nhân dân mà không đại diện cho lợi ích của nhân dân, thậm chí có biểu hiện xa rời nhân dân, coi khinh nhân dân, phản bội lợi ích của nhân dân, thì nhân dân có quyền bãi miễn tư cách những đại biểu đó.

Có thể thấy, quan điểm Nhà nước của dân của Hồ Chí Minh đã đặt nhân dân lên vi trí tối cao. Dân là chủ và dân làm chủ.Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Cán bộ Nhà nước là “đày tớ” của nhân dân, không được cậy quyền, cậy thế, đặt mình lên trên nhân dân mà hà hiếp, đè đầu cưỡi cổ nhân dân.

Nhà nước do dân: Nhà nước là của dân, do dân lập ra. Nhân dân đã đấu tranh không mệt mỏi, chịu không ít hy sinh để giành được chính quyền. Khi cách mạng thành công, nhân dân tự tay xây dựng chính quyền, ủng hộ, giúp đỡ chính quyền, nộp thuế để Nhà nước có kinh phí hoạt động. Do đó, nhân dân có quyền phê bình Nhà nước. Hồ Chí Minh nêu rõ nhân dân quản lý Nhà nước ở chỗ:

- Toàn bộ công dân bầu ra Quốc hội –cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.

- Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ.

- Hội đồng Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và chấp hành pháp luật.

- Mọi công việc của bộ máy nhà nước trong việc quản lý xã hội đều thực hiện ý chí của dân.

Nhà nước vì dân: Theo Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do dân tự xây dựng lấy phải là nhà nước vì dân, đại biểu cho lợi ích chân chính của nhân dân. Cán bộ Nhà nước phải luôn tâm niệm rằng: “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh”. Nếu nhà nước phong kiến ra đời để bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến, nhà nước tư sản được lập ra để đại biểu cho quyền lợi của giai cấp tư sản, thì theo Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, ngoài lợi ích của nhân dân, Nhà nước không còn lợi ích nào khác. Cán bộ Nhà nước là “công bộc” của dân, phải biết “vui trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Nói tóm lại, Nhà nước vì dân là Nhà nước phục vụ cho lợi ích chính đáng của nhân dân.

 

nguon VI OLET