KHOA HỌC
(các lớp 4, 5)

 

I MỤC TIÊU

Môn Khoa học ở tiểu học nhằm giúp học sinh :

1. Có một số kiến thức cơ bản, ban đầu và thiết thực về :

Sự trao đổi chất, nhu cầu dinh dưỡng và sự lớn lên của cơ thể người. Cách phòng tránh một số bệnh thông thường và bệnh truyền nhiễm.

Sự trao đổi chất, sự sinh sản của thực vật, động vật.

Đặc điểm và ứng dụng của một số chất, một số vật liệu và dạng năng lượng thường gặp trong đời sống và sản xuất.

2. Bước đầu hình thành và phát triển những kĩ năng :

ứng xử thích hợp trong các tình huống có liên quan đến vấn đề sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Quan sát và làm một số thí nghiệm thực hành khoa học đơn giản gần gũi với đời sống, sản xuất.

Nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập, biết tìm thông tin để giải đáp. Biết diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ ...

Phân tích, so sánh, rút ra những dấu hiệu chung và riêng của một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên.

3. Hình thành và phát triển những thái độ và thói quen :

Tự giác thực hiện các quy tắc vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ham hiểu biết khoa học, có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống.

Yêu con người, thiên nhiên, đất nước, yêu cái đẹp. Có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh.


II NỘI DUNG

LỚP 4
2 TIẾT/ TUẦN x 35 TUẦN = 70 TIẾT

1. Con người và sức khoẻ

Sự trao đổi chất của cơ thể người với môi trường (cơ thể người sử dụng những gì từ môi trường và thải ra môi trường những gì).

Một số chất dinh dưỡng (chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng ...) có trong thức ăn và nhu cầu các chất dinh dưỡng của cơ thể. Ăn uống khi đau ốm.

An toàn, phòng chống bệnh tật và tai nạn : Sử dụng thực phẩm an toàn (rau sạch, thực phẩm tươi sống, thức ăn, đồ uống đóng hộp ...); Phòng một số bệnh do ăn thiếu hoặc ăn thừa chất dinh dưỡng; Phòng một số bệnh lây qua đường tiêu hoá (tiêu chảy, kiết lị); Phòng đuối nước.

2. Vật chất và năng lượng

Nước: Tính chất của nước, ba thể của nước, sự chuyển thể, vòng tuần hoàn của nước; Vai trò của nước trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống; Sự ô nhiễm nước; Cách làm sạch nước; Sử dụng nước hợp lí, bảo vệ nguồn nước.

Không khí : Tính chất, thành phần của không khí; Vai trò của không khí đối với sự sống, sự cháy; Sự chuyển động của không khí, gió, bão, phòng chống bão; Sự ô nhiễm không khí; Bảo vệ bầu không khí trong sạch.

Âm : Các nguồn âm, sự truyền âm, âm thanh trong đời sống, chống tiếng ồn.

ánh sáng : Các nguồn sáng, sự truyền ánh sáng; Vai trò của ánh sáng.

Nhiệt : Cảm giác nóng, lạnh, nhiệt độ, nhiệt kế, các nguồn nhiệt; Vai trò của nhiệt.

3. Thực vật và động vật

Sự trao đổi chất của thực vật và động vật với môi trường (trong quá trình sống thực vật và động vật sử dụng những gì từ môi trường và thải ra môi trường những gì).

LỚP 5
2 TIẾT/ TUẦN x 35 TUẦN = 70 TIẾT

1. Con người và sức khoẻ

Sự sinh sản, sự lớn lên và phát triển của cơ thể người. Vệ sinh học sinh gái, trai.


An toàn, phòng chống bệnh tật và tai nạn : Không sử dụng các chất gây nghiện; Sử dụng thuốc an toàn; Phòng tránh một số bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, viêm gan, HIV/ AIDS); Phòng chống xâm hại trẻ em; Phòng tránh tai nạn giao thông.

2. Vật chất và năng lượng

Đặc điểm và ứng dụng của một số vật liệu thường dùng : tre mây, song, kim loại (sắt, đồng, nhôm) và hợp kim (gang, thép), đá vôi, gốm (gạch, ngói), xi măng, thuỷ tinh, cao su, chất dẻo, tơ sợi.

Sự biến đổi hoá học của một số chất.

Sử dụng một số dạng năng lượng : Than đá, dầu mỏ, khí đốt; Mặt Trời, gió, nước; năng lượng điện (thắp sáng, đốt nóng, chạy động cơ).

3. Thực vật và động vật

Sự sinh sản của cây xanh.

Sự sinh sản của một số động vật.

4. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Môi trường và tài nguyên (một số ví dụ). Vai trò của môi trường đối với con người. Tác động của con người đối với môi trường tự nhiên. Dân số và tài nguyên. Một số biện pháp bảo vệ môi trường.

III - GIẢI THÍCH - HƯỚNG DẪN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC (CÁC LỚP 4, 5)

1. Môn Khoa học ở lớp 4, 5 được xây dựng trên cơ sở tiếp nối những kiến thức về tự nhiên của môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3. Nội dung chương trình được cấu trúc đồng tâm, mở rộng và nâng cao theo ba chủ đề:

Con người và sức khoẻ,

Vật chất và năng lượng,

Thực vật và động vật.

Riêng ở lớp 5 còn có chủ đề Môi trường và tài nguyên thiên nhiên nhằm giúp học sinh nhìn lại mối quan hệ giữa con người - tự nhiên - xã hội mà các em đã được học từ đầu cấp. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần gắn những kiến thức về sức khoẻ và khoa học tự nhiên với thực tiễn đời sống, sản xuất ở địa phương; phát huy vốn kinh nghiệm sống của học sinh.


2. Dạy học môn Khoa học cần phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học ở tiểu học. Trong đó đặc biệt chú trọng sử dụng linh hoạt những phương pháp: khám phá, tìm tòi nghiên cứu, giải quyết vấn đề, thực nghiệm ...

Trong giờ học, giáo viên cần tăng cường cho học sinh sử dụng tranh ảnh, sơ đồ, mẫu vật, đồ dùng thí nghiệm ...; cho học sinh thảo luận nhóm, đóng vai ... nhằm giúp các em được rèn luyện khả năng diễn đạt, giao tiếp và hợp tác trong công việc.

3. Việc đánh giá kết quả học tập môn Khoa học cần phải quan tâm đến tất cả các mặt: kiến thức, kĩ năng và thái độ. Giáo viên cần phối hợp các hình thức đánh giá: vấn đáp, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi mở, làm thí nghiệm thực hành ...; kết hợp việc cho điểm với nhận xét để giúp học sinh nhận ra những kiến thức, kĩ năng ... cần bổ sung.

nguon VI OLET