BÀI TUYÊN TRUYỀN TẨY GIUN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC
Giun sán là những kí sinh trùng phổ biến ở Việt Nam do khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng nóng ẩm, mưa nhiều; đây là điều kiện thuận lợi cho giun sán đường tiêu hóa phát triển và lây lan. Giun sán có nhiều loại, phổ biến và dễ mắc phải nhất là giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim. Mỗi loại giun khi ký sinh trên cơ thể người sẽ gây nên những biểu hiện bệnh khác nhau. Trẻ em Việt Nam có tới 80 – 90% bị nhiễm giun, có nghĩa là cứ 10 em thì có 8 – 9 em bị nhiễm giun. Nguyên nhân là do các em không giữ vệ sinh sạch sẽ, do thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khi các em bị nhiễm giun thường chán ăn, kém hấp thu do giun ký sinh lâu ngày làm giảm quá trình hấp thụ dưỡng chất cần thiết, khiến cơ thể thiếu hụt vitamin, thiếu máu và thiếu protein từ đó khiến các em bị kém tăng trưởng về thể chất (sức khỏe yếu, thấp còi hơn bạn bè cùng trang lứa) và trí tuệ (không tập trung, học hành sa sút). Nhiễm giun nếu không được chữa sớm sẽ tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm khác như: viêm ruột thừa, tắc và thủng ruột, viêm và tắc ống mật,…. Khi mắc bệnh, các em thường có các biểu hiện: gầy ốm, xanh xao, chậm lớn, kém ăn, hay đau bụng vùng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, có thể đi ngoài ra máu,…
Đường lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, thông qua thức ăn, nước uống bị nhiễm bởi tay bẩn, qua da khi không đi dày dép chân tiếp xúc trực tiếp với đất.
Việc phòng tránh nhiễm giun tương đối đơn giản và dễ thực hiện, vì vậy cần tuân thủ các biện pháp sau:
1. Thực hiện 3 sạch đó là “Ăn sạch, uống sạch, ở sạch”: luôn ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đun sôi để nguội, đậy kín thức ăn bằng lồng bàn để tránh bụi, ruồi, gián, chuột; giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên lau dọn nhà cửa và các vật dụng bằng nước sát trùng.
2. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường: Đi vệ sinh đúng nơi quy định; nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước, và môi trường xung quanh cần thường xuyên quét dọn, xử lý hóa chất diệt trùng thân thiện môi trường.
3. Để công tác phòng chống giun sán đạt hiệu quả cao thì ngoài các biện pháp trên nên uống thuốc tẩy giun định lỳ 6 tháng/ lần bằng thuốc tẩy giun và vận động mọi người trong gia đình cùng tẩy giun.
Tẩy giun định kỳ là một việc nên làm và cần làm thường xuyên, bởi tẩy giun giúp cho cơ thể chúng ta được khỏe mạnh, tránh được tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu, giảm sức đề kháng đặc biệt là trẻ em và học sinh. Vì sức khỏe của con em chúng ta, các gia đình hãy cho con em đang là học sinh tiểu học được uống thuốc tẩy giun vào ngày …./…/202.. tại các trường tiểu học đóng trên địa bàn …… nhằm phòng tránh bệnh giun sán.

PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN SÁN
Kính thưa các quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến !
            Thực hiện kế hoạch số 72 /KH-UBND ngày 16/09/2020 của UBND TPNĐ về việc triển khai tầy giun cho học sinh tiểu học năm học 2020-2021. Hôm nay cô sẽ giới thiệu cho các em biết về những bệnh do giun gây ra, nguyên nhân, tác hại của giun đối với con người và cách phòng bệnh.            
1. Các em có biết vì sao chúng ta bị nhiễm giun không?
Các em có biết không? Trẻ em Việt nam có tới 80- 90% bị nhiễm giun có nghĩa là cứ 10 em thì có 8 đến 9 em bị nhiễm giun. Vậy vì sao chúng ta nhiễm giun và nhiễm theo con đường nào?.
- Nguyên nhân chính là do giun sống trong ruột người, hàng ngày đẻ ra rất nhiều trứng. Trứng theo phân người ra ngoài đất phát triển rồi quay lại nhiễm bệnh cho người khác và cho chính mình.
- Đường lây nhiễm giun đũa, giun tóc chủ yếu là qua đường miệng do chúng ta ăn phải thức ăn bẩn. Khi vào miệng trứng nở thành giun non. Nhờ hút các chất bổ ở ruột người, chúng phát triển thành giun trưởng thành rồi lại đẻ trứng.
- Đường lây nhiễm giun móc chủ yếu qua da do trứng giun khi ra ngoài đất nở thành ấu trùng, ấu trùng này chui qua da khi tiếp xúc trực tiếp với đất ( đi chân đất, tay nghịch đất hoặc ngồi lê la trên đất ). Đôi khi ấu trùng cũng theo rau sống hoặc tay bẩn
nguon VI OLET