Bữa ăn đầu tiên và tâm lý ăn uống của bé

Những bữa ăn đầu tiên sẽ bị trẻ phản đối quyết liệt khiến cha mẹ lo lắng.

 

Image

Ảnh: sưu tầm



Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và hoàn hảo nhất cho trẻ em. Nhưng không thể là thức ăn duy nhất khi trẻ đã khôn lớn. Trẻ có nhu cầu năng lượng cao hơn, trẻ khôn hơn cần một sự giao tiếp với thế giới chung quanh bao gồm cả thế giới của những loại thức ăn đa dạng và phong phú từ thiên nhiên. Đó chính là thời điểm cần cho trẻ ăn dặm.

Ăn dặm giúp đảm bảo cho việc tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ, giúp trẻ hòa nhập vào nếp ăn uống thường xuyên tốt nhất cho trẻ sau này. Thời điểm tốt nhất bắt đầu cho ăn dặm là 6 tháng, nhưng từ 4 tháng tuổi, đã có thể tập từ từ cho trẻ quen với muỗng và thức ăn đặc hơn sữa. Đương nhiên, trong thời gian tập làm quen với thức ăn mới, Sữa vẫn là nguồn cung cấp năng lượng toàn bộ cho trẻ.

Ông bà ta có câu “Tập ăn, tập nói, tập gói, tập mở”. Cái gì cũng cần phải tập, kể cả chuyện cho ăn. Ăn dặm là một quá trình tập luyện gian khổ với trẻ chẳng kém gì một đứa trẻ 6 tuổi tập viết.

Những bữa ăn đầu tiên sẽ bị trẻ phản đối quyết liệt bằng cách phun ra, nhè ra, khóc lóc, hờn lẫy, nôn ói, sặc sụa… và không hiếm phụ huynh hoảng hồn trước những biểu hiện có vẻ quá nghiêm trọng đó, bèn thôi không tập cho cục cưng ăn thứ gì nữa. Thật ra, khi tập ăn dặm lần đầu chỉ cần cho trẻ ăn một hoặc hai muỗng thức ăn gì đó mềm lỏng như bột sệt, bánh ăn dặm ngâm sữa, nước cháo, trái cây nạo… Trẻ chỉ cần thậm chí liếm qua, ngửi qua… để quen dần với một khái niệm thức ăn mới ngoài sữa. Trẻ phải tiếp xúc với một loại thức ăn mới trung bình 10-15 lần thì mới chấp nhận loại thức ăn đó. Vị giác của trẻ cũng không thích những mùi vị thức tạp, hỗn hợp bằng những mùi vị đơn giản, nhẹ nhàng vì vậy cũng nên tránh cách nấu nhừ, xay nhuyễn nhiều loại thức ăn khác nhau cho trẻ ăn dặm.

Ngay khi đã ăn được, một số trẻ cũng không ăn đủ lượng thức ăn theo yêu cầu. Thái độ tốt nhất là cho trẻ ăn nhiều lọi thức ăn khác nhau trong cùng bữa thay vì ép trẻ phải ăn hết chén thức ăn mà mẹ đã nấu. Nếu trẻ không chịu nuốt, ngậm thức ăn sau khi ăn một nửa chén bột, có thể đổi qua một món thức ăn khác để đủ bữa mà không làm trẻ ngán hay sợ bữa ăn. Trong những trường hợp này, các dạng thức ăn chế biến nhanh trong đó có bánh ăn dặm tỏ ra khá hữu dụng, vì tiết kiệm được thời gian của mẹ mà vẫn đảm bảo được về mặt dinh dưỡng cho một nửa bữa ăn bù thêm sau bữa chính.

Những bữa ăn dặm là những khái niệm đầu tiên của trẻ đối với chuyện ăn uống. Lần tiếp xúc đầu tiên bao giờ cũng bỡ ngỡ và dè dặt. Nhưng ấn tượng đầu tiên xấu hay căng thẳng sẽ làm trẻ nhớ mãi và tâm lý sợ hãi bữa ăn có thế bắt đầu từ đó.

(Theo Tạp chí Cha mẹ và Con)

 

nguon VI OLET