Các phương pháp dạy học học vần

 

Để dạy tiếng Việt một cách hiệu quả, cần sử dụng nhiều phương pháp dạy học, trong đó có ba phương pháp đặc thù của việc dạy tiếng : phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp giao tiếp, phương pháp luyện tập theo mẫu. Khi dạy Học vần, cần vận dụng các phương pháp kể trên và cụ thể hóa chúng cho phù hợp với đặc trưng phân môn. Dưới đây là một số phương pháp dạy học thường được áp dụng trong phân môn Học vần.

Phương pháp trực quan

Do nhận thức của trẻ thiên về trực quan, tư duy trừu tượng chưa phát triển nên việc sử dụng phương pháp trực quan trong các giờ Học vần có tác dụng đặc biệt tích cực đối với việc hình thành các kĩ năng lời nói của học sinh. Phương tiện trực quan có thể là vật thật, tranh vẽ, mô hình, bộ chữ thực hành tiếng Việt, các băng giấy/ thẻ từ chép sẵn nội dung học tập, cũng có thể là chữ viết mẫu hoặc các thao tác làm mẫu của thầy cô giáo. Căn cứ vào mục đích học tập tương ứng với mỗi nội dung cụ thể trong bài học, giáo viên bố trí sử dụng phương tiện trực quan cho phù hợp và hiệu quả. Ví dụ:

-         Dùng vật thật hoặc vật thay thế để giới thiệu từ chứa tiếng có âm- vần mới học.

-         Đọc mẫu khi giới thiệu âm hay vần mới.

-         Viết mẫu khi hướng dẫn học sinh viết bảng con hoặc viết vào vở.

-         Dùng thẻ từ/băng giấy khi luyện đọc từ ngữ ứng dụng.

-         Dùng tranh khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung bài học ứng dụng, khi luyện nghe nói theo chủ đề/ nghe nói trong phần kể chuyện của bài ôn tập…

Phương pháp trực quan có thể dùng ở bất cứ giai đoạn nào của bài học : khi giới thiệu âm/ vần mới, luyện viết, luyện đọc, nói và khi củng cố bài học. Tác dụng của phương pháp này là cụ thể hóa những vấn đề trừu tượng với học sinh lớp 1 thành vấn đề đơn giản, trực quan, làm cho các em nắm được nội dung bài học, luyện tập đọc, nghe, nói, viết một cách thuận lợi.

Phương pháp phân tích ngôn ngữ

Phương pháp phân tích ngôn ngữ thể hiện ở sự phối hợp một cách hợp lí các thao tác phân tích và tổng hợp khi dạy học Học vần.

Phân tích trong dạy vần thực chất là tách các hiện tượng ngôn ngữ theo cấp độ : từ - tiếng- vần/ âm. Ví dụ: tiếng diều gồm âm d, vần iêu, thanh huyền; vần iêu gồm âm  và âm u.

Tổng hợp là ghép các yếu tố ngôn ngữ đã được phân tích trở lại dạng ban đầu. Ví dụ, ghép vần : iê – u- iêu, ghép tiếng : dờ- iêu-diêu-huyền-diều.

Các thao tác tách và ghép này phải được phối hợp nhuần nhuyễn, kết hợp đánh vần vần, đánh vần tiếng với đọc trơn.

Phương pháp phân tích ngôn ngữ được sử dụng khi giảng bài mới (tiết 1). Giáo viên cho học sinh phân tích từ - tiếng- vần/âm, khi các em đã nắm được âm/vần mới thì tổng hợp trở lại và đọc trơn (có thể làm theo quy trình ngược lại : tổng hợp các âm thành vần, vần với âm đầu và thanh thành tiếng, tiếng với tiếng thành từ).

Cũng có thể sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ trong các bài tập ứng dụng, trong đó học sinh tìm tiếng chứa âm, vần mới học hoặc âm, vần đang được ôn tập. Ví dụ, tìm tiếng chứa vần iêu hoặc vần yêu trong các từ ngữ ứng dụng : buổi chiều, hiểu bài, yêu cầu, già yếu.

Phương pháp này giúp học sinh nắm chắc bài học, tiếp thu kiến thức có hệ thống một cách chủ động, đặc biệt là phát triển ở các em các kĩ năng tư duy như  phân tích, tổng hợp, thay thế, so sánh…

Phương pháp giao tiếp (phương pháp thực hành)

Giờ học vần không có tiết lí thuyết, vì vậy phương pháp giao tiếp cần được sử dụng thường xuyên. Điều này cũng phù hợp với định hướng giao tiếp của chương trình môn Tiếng Việt. Nhờ sự tổ chức của giáo viên, học sinh tập vận dụng tri thức đã học để rèn luyện kĩ năng và củng cố những kiến thức được hình thành một cách tự nhiên trong quá trình luyện tập. Thực hiện phương pháp giao tiếp, giáo viên cần chuẩn bị trước một hệ thống câu hỏi, bài tập ngay từ khi soạn bài. Chẳng hạn:

-         Hỏi để tìm từ mới, tiếng mới trong bài (Ví dụ : Trong các từ báo hiệu, vải thiều, tiếng nào chứa vần iêu?)

-         Hỏi để phân tích và tổng hợp từ, tiếng (Ví dụ : Tiếng yếu gồm có những âm, vần, thanh nào? Vần yêu gồm có những âm nào?)

-         Hỏi để tìm điểm tương đồng, khác biệt giữa vần, tiếng hoặc chữ đang học với vần, tiếng, chữ đã biết. (Ví dụ : Vần iêu có gì giống và khác với vầnyêu? Chữ iêu có gì giống và khác với chữ yêu?)

-         Hỏi về chủ đề luyện nói hoặc về nội dung câu chuyện đã nghe. (Ví dụ : Em tên là gì?/ Em mấy tuổi?/Em đang học lớp nào?/ Cô giáo nào đang dạy em? Nhà em ở đâu?/ Em có mấy anh em? Em thích học môn gì nhất? Vì sao em thích môn học đó?...- Chủ đề Bé tự giới thiệu, bài 41).

Phương pháp giao tiếp có tác dụng giúp học sinh tìm hiểu bài mới một cách tự giác, tích cực, chủ động, nhờ đó, các em chóng thuộc bài, hào hứng học tập, lớp học sinh chủ động. Cũng nhờ phương pháp này, giáo viên nắm được trình độ học tập của học sinh, từ đó phân loại học sinh và có phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng. Để hoạt động giao tiếp diễn ra thuận lợi và có hiệu quả, học sinh phải được quan sát vật thật, tranh ảnh tự nhiên hay việc làm mẫu của giáo viên. Điều này giúp các em tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn, củng cố âm, vần mới sâu sắc hơn; giáo viên tiết kiệm được lời giảng mà giờ dạy vẫn sinh động.

Phương pháp sử dụng trò chơi học tập

Do đặc trưng tâm lí lứa tuổi, học sinh lớp 1 đặc biệt hào hứng với các trò chơi. Nắm được điều này, giáo viên có thể động viên học sinh chủ động, tự giác học bài thông qua các trò chơi học tập. Đây là dạng hoạt động học tập được tiến hành thông qua các trò chơi có mục đích hình thành kĩ năng tiếng Việt. Có thể tổ chức cho học sinh chơi sau khi học bài mới (kết hợp luyện tập) hoặc sau khi luyện tập. Tùy theo bài học và mục đích “chơi”, giáo viên tổ chức hoạt động chơi của học sinh một cách linh hoạt. Trong quá trình chơi, các em có thể sử dụng đồ dùng dạy học, lời nói hay thao tác của tay, chân… để chơi một số trò chơi như đố chữ, thi tìm đúng, nhanh âm- vần vừa học, thi ghép vần, hái hoa dân chủ, bốc thăm…

Trò chơi học tập góp phần làm cho giờ học sinh động, duy trì được hứng thú của học sinh, qua trò chơi, các em được học tập một cách chủ động, tích cực.

Phương pháp luyện tập theo mẫu

Vì học sinh tiểu học chưa đủ khả năng khái quát các hiện tượng lời nói cụ thể thành quy luật nên việc luyện tập theo mẫu rất có lợi trong việc hình thành kĩ năng lời nói của các em.

Phương pháp luyện tập theo mẫu gắn bó chặt chẽ với phương pháp giao tiếp. Trong quá trình thực hành, học sinh phân tích, tổng hợp vần, luyện đọc theo giáo viên, nói theo mẫu câu trong sách giáo khoa hay theo mẫu trong vở Bài tập, vở Tập viết và theo quy trình viết mẫu của thầy cô. Chính hoạt động rèn luyện theo mẫu đã giúp học sinh dần hình thành một cách chắc chắn các kĩ năng sử dụng lời nói.

Các phương pháp dạy học tiếng Việt kể trên không hoàn toàn biệt lập mà có sự đan xen, giao thoa với nhau. Ví dụ, khi thực hiện phương pháp phân tích ngôn ngữ, thầy  và trò đã sử dụng phương pháp giao tiếp, và chắc chắn ở đó không thể thiếu được sự luyện tập theo mẫu; các trò chơi học tập cũng là một môi trường giao tiếp tốt cho học sinh; trong luyện tập và giao tiếpkhoong thể thiếu vai trò của các hình thức trực quan…

Cũng cần phải nói thêm rằng, không có phương pháp dạy học nào là vạn năng. Việc tách riêng các phương pháp như trên chỉ để cho tiện trong việc trình bày.Trong thực tế, khi dạy Học vần cũng như dạy các phân môn khác của môn Tiếng Việt, giáo viên phải chủ động phối hợp linh hoạt các phương pháp dạy học. Có như vậy, bài dạy mới đạt kết quả một cách chắc chắn.

Nguồn tư liệu : PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TIẾNG VIỆT Ở TIỂU HỌC I

Tác giả : Lê Phương Nga (Chủ biên)- Lê A

             Đặng  Kim Nga – Đỗ Xuân Thảo

 

nguon VI OLET