Chân dung các vua Nguyễn
www.hueworldheritage.org.vn
143 Năm vương triều Nguyễn(1802-1945)
Triều Nguyễn - triều đại Phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã tồn tại trong suốt hơn 143 năm (1802-1845) với 13 đời vua Nguyễn. Thông thường các vua Nguyễn sau khi mất, bài vị được đưa vào thờ tại Thế Miếu, có Miếu hiệu ứng với tên của các đỉnh đồng đúc dưới thời Minh Mạng (1835), trừ các vua bị phế truất và các vua bị Pháp đày ra khỏi nước. Riêng vua Dục Đức (phế đế) có Miếu hiệu Cung Tôn Huệ Hoàng đế là do con trai là vua Thành Thái truy phong, nhưng bài vị không được đưa vào thờ tại Thế Miếu. Các vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân vào năm 1959 đã được Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc làm lễ và đưa bài vị vào thờ tại Thế Miếu. Dưới đây là những ghi chép vắn tắt về 13 vua Nguyễn:

1.Vua Gia Long (1802-1819)*    Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh (Anh), ngoài ra còn có tên là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8-2-1762). Năm 1775, lợi dụng sự suy sụp của triều đình chúa Nguyễn do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân khiến Nguyễn Phúc Ánh phải trốn vào Nam. Từ đó ông bôn tẩu gian nan, tìm đủ mọi cách chiêu tập lực lượng để giành lại vương quyền cho họ Nguyễn. Năm 1792, vua Quang Trung mất, quân Tây Sơn ngày càng yếu và quân Nguyễn ngày càng lớn mạnh. Năm 1801, quân Nguyễn do Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy đã đánh chiếm Quy Nhơn và chiếm Thuận Hóa. Ngày 1-2-1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, chính thức lập nên triều đại nhà Nguyễn. Tháng 3 năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam . Gia Long làm vua được 18 năm (1802-1819), mất vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2năm 1820), hưởng thọ 58 tuổi. Sau khi mất, bài vị vua Gia Long được đưa vào thờ ở Thế Miếu và có Miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng đế. Vua Gia Long có 31 người con (13 con trai và 18 con gái)
2. Vua Minh Mạng (1820-1840)   Vua Minh Mạng tên là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên là Kiểu, con thứ 4 của vua Gia Long và bà Nguyễn Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu). Ông sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1871) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Vua Minh Mạng lên ngôi vào tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), làm vua được 21 năm (1820-1840). Trong thời gian ở ngôi, nhà vua đã có nhiều cải cách quan trọng: cho bỏ các dinh và trấn mà thành lập các tỉnh (cả nước được chia làm 31 tỉnh); định lại quan chế, đặt mức lương bổng của các quan tùy theo ngạch trật; thống nhất việc đo lường và thống nhất y phục; khuyến khích dân khai hoang lập ấp, sửa sang hệ thống giao thông, lập nhà Dưỡng tế ở các tỉnh để giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, già cả không nơi nương tựa... Đề cao Nho học và khuyến khích nhân tài ra giúp nước là một trong những việc rất được vua Minh Mạng chú trọng. Nhà vua cho lập Quốc Tử Giám, mở thêm kỳ thi Hội và thi Đình (thời Gia Long chỉ có thi Hương). Lãnh thổ Việt Nam dưới thời Minh Mạng được mở rộng nhất trong lịch sử và Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh. Vì vậy vào năm 1838, vua Minh Mạng cho đổi tên nước ta là Đại Nam. Vua Minh Mạng mất ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (20-1-1841), hưởng thọ được 50 tuổi. Sau khi mất, bài vị vua Minh Mạng được đưa vào thờ ở Thế Miếu với Miếu hiệu Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Vua Minh Mạng có 142 người con (74 con trai, 68 con gái)
3. Vua Thiệu Trị (1841-1847) Vua Thiệu Trị có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng hậu), sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (16-6-1807) tại ấp Xuân Lộc, phía Đông Kinh Thành Huế. Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu (11-2-1841), làm vua được 7 năm (1841-1847), mất ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (4-10-1847), hưởng thọ 41 tuổi.
nguon VI OLET