10 CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT PHỤC VỤ DẠY VÀ HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN

 

1. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em (Chủ đề: Trách nhiệm của gia đình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em).

 

Từ hồi chị Mai sinh thêm được đứa con trai, anh Mạnh chồng chị mừng lắm. Từ giờ anh có thể “lên mặt” với anh em họ hàng rồi. Đi đâu, anh cũng khoe về “thằng cu, trộm vía giống bố như đúc”. Nhưng cũng có một thực tế là, có thêm con, nhà anh túng thiếu đi thấy rõ. Ba đứa con gái đầu lúc nào trông cũng nheo nhóc. Chị Mai trước đi làm cấp dưỡng cho một trường mầm non, nay do sức khỏe yếu nên nghỉ hẳn ở nhà trông con. Cả nhà chỉ trông vào đồng tiền đi làm thợ xây của anh Mạnh nên khó khăn lắm.

Sắp đến năm học mới, anh Mạnh định cho đứa con gái đầu nghỉ học ở nhà trông em, chỉ cho hai đứa em gái sau đi học. Anh quan niệm đã học hết tiểu học là hoàn thành phổ cập giáo dục rồi. Đứa con đầu phải ở nhà phụ giúp việc vặt cho bố mẹ, vì theo anh Mạnh thì “con gái lớn lên là lấy chồng không cần học hành nhiều làm gì”.

Nghe bố nói thế, nó khóc mếu máo: “Con thích đi học lắm, con không nghỉ học đâu”.

Anh Mạnh quát lên: “Mày học hành làm gì, học rồi cãi bố mẹ cho giỏi chứ gì? Ở nhà trông em. Lớn lên rồi lấy chồng. Đúng là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”.

Chị Mai nghe thế rớt nước mắt vì thương con, nhưng không biết phảilàm gì hơn vì mọi việc trong nhà xưa nay đều do anh Mạnh quyết định.

Sáng nay, sau khi cho đứa nhỏ ngủ, chị quay ra chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Tay thì nhặt rau nhưng đầu vẫn cứ nghĩ về con bé lớn. Bà Liên - Tổ trưởng Tổ hòa giải kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ xã đi vào cổng lúc nào mà chị vẫn không hay biết. Bà nói to: “Cô Mai đang nghĩ gì mà thần mặt ra thế? Như thế này, có khi trộm vào khuân hết đồ đi mà không biết”.

Chị nghe thế, vội đứng dậy mời bà Liên vào nhà: “Bác sang chơi. Nhà em có gì đâu mà trộm nó vào lấy chứ”.

Bà Liên thư thả ngồi xuống ghế, đặt cái túi lên bàn rồi hỏi: “Chú Mạnh có nhà không cô?”.

Rót chén nước mời bà Liên, chị Mai trả lời: “Nhà em đi công chuyện từ sáng rồi. Thế có gì không bác?”.

Thoáng chút đắn đo, rồi bà Liên tiếp lời: “Tôi qua nhà hỏi xem, nghe đâu cô chú định cho cái Minh nghỉ học phải không?”.

Chị Mai rơm rớm nước mắt: “Thật ra chúng em có muốn thế đâu, nhưng dạo này nhà em túng quá, không có điều kiện cho cháu nó đi học tiếp. Với lại bố cháu cứ nói, con gái không cần học hành nhiều”.

Bà Liên phân tích: “Cô chú mà quan niệm như thế là sai lầm đấy.Gia đình nên cho cháu tiếp tục đi học. Ít ra thì cũng phải hoàn thành phổ cập giáo dục, tức là học hết lớp 9 chứ. Có cái chữ sau này dễ kiếm công ăn việc làm hơn.Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước hết là trách nhiệm của những người làm cha mẹ. Chẳng thế mà nhà nước đã ban hành cả một đạo luật riêng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Bà Liên lấy trong túi ra cuốn sách, lật giở vài trang, rồi chỉ cho chị Mai xem:“Đây cô xem này, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cấm người lớn cản trở việc học tập của trẻ em, nên việc cô chú định không cho con đi học nữa là sai đấy”.

Bà Liên lấy trong túi ra một số tờ gấp có in màu và hình ảnh rất đẹp đưa cho chị Mai, rồi nói tiếp: “Đợt này, Hội phụ nữ xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình trong xã về quyền của trẻ em theo quy định của  pháp luật hiện nay, để các gia đình tăng cường hơn nữa việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Chị Mai mở các tờ gấp bà Liên đưa và xem, rồi nói: “Em không ngờ pháp luật lại quy định cụ thể như thế bác ạ. Bác xem này, Luật quy định rõ cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”.

“Đúng đấy cô ạ”. Lấy tay chỉ vào tờ gấp, bà Liên nói: “Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định cha mẹ không được phân biệt, đối xử giữa các con”.

Thấy chị Mai có vẻ ngẫm nghĩ, bà Liên nói thêm: “Hiện nay, Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái. Điều 18 Luật bình đẳng giới quy định rõ con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển. Hơn nữa, việc học của các cháu được Nhà nước miễn phí, hỗ trợ nhiều khoản, nhất là đối với những gia đình khó khăn nên anh chị không phải lo”.

Chị Mai nghe có vẻ hiểu ra nên trả lời: “Để em về nói với nhà em, bác ạ. Em cũng thương cháu lắm, cũng muốn cho cháu được đi học cho bằng bạn, bằng bè. Chúng em sẽ cố gắng hết khả năng của mình cho các cháu ăn học.Thằng cu con này lớn hơn một chút, em sẽ đi làm, kiếm thêm tiền phụ chồng nuôi dạy các con...”.

Bà Liên nghe chị nói thế, cười vui vẻ: “Mai cô chú đi mua ngay hồ sơ cho cháu nhập học. Hội phụ nữ xã sẽ hỗ trợ thêm sách vở cho cháu. Gia đình là trường học đầu đời của con trẻ. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình. Gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách trẻ thơ”.

Chị Mai và bà Liên không biết rằng anh Mạnh đã về và nghe hết câu chuyện của hai người. Sáng nay xong công việc, anh về sớm. Thấy bà Liên, anh không vào nhà vì muốn tránh mặt bà. Chả là, mấy hôm trước anh ra Ủy ban làm cái giấy khai sinh cho thằng cu, tình cờ gặp bà Liên ở đó. Bà ấy đã hỏi anh về việc anh không cho con bé lớn tiếp tục đi học. Anh chỉ ậm ừ trả lời cho xong, bụng thầm nghĩ: sao cái bà này cứ thích xen vào chuyện riêng của nhà người ta thế. Tránh mặt bà Liên nhưng anh Mạnh vẫn muốn xem bà ấy nói những gì với vợ mình nên anh đã lẳng lặng đứng ngoài nghe. Những điều bà Liên nói làm anh giật mình vì không nghĩ rằng việc mình làm đã vi phạm pháp luật – mà điều này thì anh rất sợ. Ngẫm những điều bà ấy nói, anh thấy cũng rất đúng. Dù hoàn cảnh kinh tế gia đình có khó khăn nhưng thật ra cũng không đến mức con anh không thể đi học được. Nó vẫn ước mơ sau này được làm cô giáo như chị Khánh con bác Tâm hàng xóm hay làm kỹ sư nông nghiệp như cô Lan con ông Hoạt ở đầu xóm. Nhớ đến ánh mắt buồn bã của con trong những ngày vừa qua, anh thấy mình như chợt tỉnh cơn mê.

“Phải sửa sai ngay thôi. May mà còn tuần nữa mới khai giảng năm học mới, chắc vẫn còn kịp làm thủ tục cho con nhập học”. Nghĩ đến đây, anh thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn. Anh tự tin bước vào nhà.

Ngoài sân nắng vàng lên rực rỡ.

 

2. Giải cứu cái bang nhí (Chủ đề: Hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em hoặc lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi).

 

Khi những hàng phượng vĩ bắt đầu thắp lên những bông hoa đỏ rực rỡ và tiếng ve sầu kêu náo nức râm ran báo hiệu thì mùa hè đã đến thật rồi. Mùa hè năm nay, nhóm của Vy tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố. Một trong ba nội dung chính của dự án “Đồng hành cùng yêu thương” dành cho trẻ em đường phố mà Trung tâm bảo trợ tập trung thực hiện trong hè năm nay là chủ đề “tiếp cận”. Nhiệm vụ chính của các bạn tình nguyện viên như Vy khi tham gia công việc này là làm quen, lấy thông tin từ trẻ em đường phố, rồi tư vấn hướng dẫn, giúp đỡ các em vượt qua những khó khăn của cuộc sống…Nghe công việc có vẻ dễ dàng, song bắt tay vào thực hiện, thấy có thật nhiều khó khăn. Song các bạn của Vy ai cũng rất hào hứng.

Hàng tuần, Vy và Linh – cô bạn gái thân thiết cùng lớp dành ba buổi tối đi dạy học tình nguyện cho trẻ em nghèo và hai buổi đi “tiếp cận” với những đứa trẻ bán vé số, lượm rác, đi xin ăn…trên đường phố. Một hôm, sau khi len lỏi vào các ngõ ngách của thành phố, Vy và Linh đang ngồi nghỉ trên ghế đá ven hồ, có một em nhỏ khoảng 10 tuổi lếch thếch đi đến, chìa cái nón rách ra nói với Vy: “Chị ơi, chị rủ lòng thương cho em xin ít tiền”.

Nhìn vẻ mặt đen đúa, gầy gò đến tội nghiệp của em, Vy rút tờ 20 ngàn đồng trong túi cho cậu bé và hỏi: “Em tên là gì? Sao em phải đi xin ăn, bố mẹ em đâu?”. Còn Linh nhanh nhẹn nắm lấy tay cậu bé và bảo: “Em ngồi xuống đây, kể chuyện cho chị nghe xem nào?”.

Mặt mũi buồn xo, cậu bé đưa tay lên gãi đầu, e dè nói: “Em tên là Tý. Em chẳng biết bố mẹ mình là ai vì em là trẻ mồ côi. Mấy năm trước em được ông Tuấn – ông chủ em nhận về nuôi. Vừa bước chân về nhà ông ấy, em được đám đệ tử của ông đào tạo gần 2 tháng để trở thành ăn xin chuyên nghiệp”.

Hỏi về cách đào tạo ăn xin, Tý chỉ lí nhí trả lời: "Ông cho đệ tử đánh đập bằng roi mây, đánh đến khi nào chân chúng em mất cảm giác, đi khập khiễng mới thôi. Ông ấy bảo làm như vậy để người ta động lòng thương mà cho tiền.

Ngày nào, em cũng bị bắt đi ăn xin, nếu không đạt “định mức” 200 ngàn/đồng/ngày thì em bị đánh bằng roi sắt, có khi bị túm đầu đập vào tường đau lắm…”.

Vy xót xa thương cảm:  Thế sao em không bỏ trốn hay tố cáo việc làm của ông ta”.

Tý rụt rè: “Em sợ lắm. Em cũng không chịu được cảnh này nữa rồi. Nhưng em không biết phải làm thế nào”.

Linh nghe thấy thế liền nói:  Thế giờ em đi theo các chị. Các chị dẫn em đến Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Các cô chú ở đấy sẽ giúp em”.

Tý sợ hãi: “Nhưng em sợ lắm, ông ấy dọa sẽ đánh, sẽ giết nếu em bỏ trốn”.

Vy cười bảo: “Em đừng lo lắng quá. Pháp luật sẽ bảo vệ em. Việc ông Tuấn lợi dụng trẻ em để trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em và sẽ bị xử phạt”.

Linh tiếp lời Vy: “Theo quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hành vi đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em; hành vi tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn hoặc cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn thì bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền”.

Nghe thấy thế, Tý ngây thơ hỏi: “Thế liệu ông ấy có bị đi tù không hả chị?”.

Vy trả lời: “Có thể em ạ. Nếu hành vi của ông Tuấn có dấu hiệu phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bây giờ em đi cùng các chị về Trung tâm bảo trợ xã hội. Em hãy kể cho các cô chú ở đó nghe về hành vi của ông Tuấn như vừa kể cho các chị đó. Các cô chú ở Trung tâm sẽ báo với cơ quan chức năng để xử lý ông ấy. Không thể để ông ta tiếp tục hành hạ, ngược đãi trẻ em, lợi dụng trẻ em để trục lợi được”.

Linh tiếp lời Vy: “Theo quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hành vi đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em; hành vi tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn hoặc cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn thì bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền”.

Nhìn vẻ mặt ngây thơ của Tý, Vy âu yếm nói, giọng thật ấm áp: “Em yên tâm. Các cô chú ở Trung tâm tốt lắm. Trung tâm sẽ lo cho em chỗ ăn, chỗ ở và em sẽ được học hành, được dạy nghề…. Em đi theo các chị nhé”.

Tý nhìn các chị bằng ánh mắt đầy tin cậy và vui vẻ gật đầu. Ba chị em cùng nhau đi đến Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố.

 

 

3. Cháu muốn đi làm có được không (Chủ đề: Những quy định pháp luật đối với người lao động chưa thành niên.

 

Tại nhà bác Nam - chủ cơ sở sản xuất mây tre đan, bác Nam và Hùng đang ngồi nói chuyện.

Nhấp ngụm nước trà, bác Nam hỏi Hùng:

- Sức khỏe mẹ cháu dạo này thế nào?

- Cũng không được khỏe lắm bác ạ - Hùng trả lời - Bác biết rồi đấy, mẹ cháu bị viêm khớp nặng nên cứ thời tiết thay đổi là tay chân lại đau nhức.

- Khổ! Cũng chính vì căn bệnh quái ác ấy mà mẹ cháu mới nghỉ làm ở chỗ bác, chứ hồi còn làm ở đây, mẹ cháu là một trong những thợ có tay nghề giỏi nhất đấy! Mà cháu gặp bác có việc gì không?

Hùng nhìn bác Nam ngập ngừng:

- Cháu ... cháu muốn xin vào làm việc chỗ bác được không ạ?

Bác Nam ngạc nhiên nhìn Hùng:

- Thế cháu không muốn đi học nữa hay sao?

Hùng cười, lắc đầu:

- Tại cháu nói chưa rõ nên bác hiểu lầm. Cháu vẫn đi học chứ. Chả là bây giờ đang nghỉ hè, cháu muốn tìm việc làm để có thêm tiền phụ giúp cho mẹ. Hoàn cảnh gia đình nhà cháu như thế nào thì bác biết rồi.

- Mẹ cháu thật có phúc vì có người con hiếu thảo như cháu. Cháu đang tuổi ăn tuổi chơi mà đã phải... - nén tiếng thở dài, bác Nam hỏi - Cháu đã nói với mẹ cháu chưa?

- Cháu muốn hỏi ý kiến bác trước rồi mới nói với mẹ. Nếu cháu được làm ở chỗ bác thì cháu tin mẹ sẽ đồng ý bác ạ - Hùng trả lời.

Bác Nam im lặng, vẻ ái ngại:

- Để bác xem thế nào đã nhé.

Thấy nét mặt thất vọng của Hùng, bác Nam vội nói tiếp:

- Không phải bác không muốn nhận cháu vào làm, nhưng bác phải hỏi thêm mấy chú trên Phòng lao động về việc sử dụng lao động như các cháu, không khéo lại vi phạm pháp luật!

- Cháu thấy nhiều bạn ở tuổi cháu đã đi làm rồi, có sao đâu mà bác lại lo là vi phạm pháp luật - Hùng nói.

Bác Nam đang định trả lời Hùng thì có tiếng gọi ngoài cửa. Đó là cô Mai, người cùng làng. Dựng chiếc xe máy ngoài sân, cô Mai bước vào nhà.

- Chào anh - Lấy tay xoa đầu Hùng, cô Mai nói tiếp - Cậu bé này học cùng lớp với con gái em. Cháu nó cứ suốt ngày khen bạn Hùng học giỏi.

Hùng đỏ mặt, lí nhí: cháu chào cô.

- Trông kìa, con trai mà nhát hơn con gái - Quay sang bác Nam, cô Mai hỏi - Em đến thế này có làm gián đoạn câu chuyện của hai bác cháu không?

- Cô nói gì lạ vậy? Cô ngồi chơi, uống chén nước. Tôi đang khen cháu nó ngoan, không nghỉ hè đi chơi như chúng bạn mà lại đến xin làm việc để có tiền phụ giúp cho gia đình, nhưng tôi còn đang ngại... - bác Nam ngập ngừng.

- Anh ngại điều gì? Nếu cơ sở sản xuất của anh tạo công việc cho các lao động như cháu Hùng thì em nghĩ rất tốt mà - cô Mai nói.

            Bác Nam giãi bày với cô Mai:

- Nhiều lúc nhìn các cháu ở làng mình, do hoàn cảnh kinh tế gia đình phải ra thị xã hoặc lên thành phố kiếm việc tôi băn khoăn lắm. Thực ra tôi cũng rất muốn thu hút các cháu vào làm việc ở cơ sở của mình, nhưng nói thật với cô, tôi ngại điều tiếng lắm, nào là thuê nhân công trẻ để giảm chi phí, nào là bóc lột sức lao động của trẻ em. Hơn nữa tôi cũng chưa rõ pháp luật có cho phép các cơ sở như chúng tôi được nhận các lao động ở độ tuổi 16, 17 không?

- Nếu vì điều đó thì anh không phải ngại - cô Mai đáp - Pháp luật lao động cho phép các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được tuyển lao động chưa thành niên mà.

Bác Nam nhìn cô Mai bật cười:

- Thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Cô là cán bộ Tư pháp trên huyện thì pháp luật cô cứ gọi là biết rõ như trong lòng bàn tay.

- Anh cứ nói quá lên (Cô Mai cười) Nào anh hỏi đi, biết đến đâu em tư vấn đến đấy cho.

- Trước hết cô cho tôi hỏi bao nhiêu tuổi thì là lao động chưa thành niên. Cháu Hùng đây có trong độ tuổi đó không?

- Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2012 thì lao động chưa thành niên là những người lao động dưới 18 tuổi anh ạ. (cô Mai quay sang Hùng) Còn cháu Hùng đây chắc bằng tuổi con bé nhà cô?

- Dạ, cháu đã bước sang tuổi thứ 16 được hơn 2 tháng rồi cô ạ - Hùng nhanh nhảu trả lời cô Mai.

- À, thế là cháu đã đủ 15 tuổi, như vậy là đủ tuổi lao động tối thiểu mà pháp luật quy định cho người lao động để tham gia vào quan hệ lao động rồi[1].

- Nói như cô thì tôi có thể thuê cháu Hùng làm việc mà không vi phạm pháp luật phải không? - bác Nam tiếp lời cô Mai.

- Vâng. Cơ sở sản xuất của anh thuộc ngành nghề được phép sử dụng lao động chưa thành niên. Còn đối với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của người chưa thành niên thì pháp luật cấm sử dụng họ. Pháp luật lao động còn quy định rõ: không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác[2].

Với tay lấy cái phích đổ thêm nước vào ấm trà, bác Nam nói:

- Đúng là phải quy định như vậy cô ạ, như thế thì mới đảm bảo cho sự phát triển về thể lực, trí lực, nhân cách của các cháu. Vậy các cơ sở sản xuất như chúng tôi có được tuyển lao động dưới 15 tuổi  không cô? Nhiều khi nhìn các cháu còn nhỏ tuổi đã phải bỏ học để kiểm sống, tôi thấy đau lòng.

Uống chén nước chè bác Nam vừa rót, cô Mai thở dài:

- Không ai muốn các cháu đang ở độ tuổi chưa thành niên hay độ tuổi trẻ em phải làm việc cả, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình nghèo vẫn phải cho con em mình đi làm. Thực tế khoản tiền mà các cháu kiếm được cũng giải quyết phần nào cuộc sống của gia đình - nhìn bác Nam, cô Mai nói tiếp - Pháp luật cho phép một số ngành nghề được nhận người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ anh ạ. Thường thì đó là các nghề như nghệ thuật, thể thao, các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ. Danh mục cụ thể do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định[3].

- Thế thì xưởng sản xuất mây tre đan của tôi thuộc nghề thủ công mỹ nghệ, như vậy là được phép sử dụng lao động dưới 15 tuổi, phải không cô?

- Vâng - cô Mai trả lời - Nhưng anh lưu ý, do lao động trong độ tuổi này còn non nớt về nhận thức nên pháp luật quy định hợp đồng lao động phải được lập thành văn bản và phải ký với cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của các cháu và đương nhiên cũng phải xuất phát từ mong muốn làm việc của các cháu; ngoài ra giờ làm việc cũng phải bố trí để không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em; rồi cũng phải bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi các cháu[4].

- Nghe cô nói tôi càng nung nấu ý định về việc thu hút lao động chưa thành niên, lao động trẻ em vào làm việc ở cơ sở sản xuất của mình. Như vậy tôi vừa giúp các cháu có công việc, có thu nhập chính đáng lại vừa có điều kiện dạy nghề, truyền nghề cho các cháu, góp phần phát triển nghề thủ công nổi tiếng của làng ta.

- Em rất ủng hộ ý định của anh. Anh nên trao đổi thêm với các anh ở Ủy ban xã hoặc trên Phòng lao động để các anh ấy cho thêm ý kiến.

- Cô nói đúng, tôi sẽ gặp các anh ấy. À, cô cho tôi hỏi thêm, vậy người sử dụng lao động khi tuyển lao động chưa thành niên vào làm việc thì phải tuân theo những quy định nào, có khác gì so với khi sử dụng lao động thông thường không?

- Có anh ạ. Do nhóm lao động này chưa phát triển đầy đủ về thể lực, nhận thức, thường yếu thế hơn so với những lao động thông thường nên pháp luật lao động yêu cầu người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động. Thời giờ làm việc của lao động chưa thành niên cũng khác so với lao động thông thường, đó là không quá 8 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần[5]. Ngoài ra còn một số quy định cụ thể khác. Thôi, mai em đi làm qua, em đưa anh Bộ luật lao động vừa mới được ban hành năm 2012, anh đọc để biết rõ hơn.

- Ừ, thế thì tốt quá, cô mang qua cho tôi xem.

Bác Nam quay sang Hùng định nói thì thấy vẻ mặt của Hùng, bác bật cười:

- Từ nãy đến giờ bỏ quên cậu này. Nghe bác và cô nói chuyện chán quá hay sao mà mặt cứ nghệt ra thế?

- Tại hay quá đấy bác ạ! Cứ như cháu đang được học giờ giáo dục công dân ấy, mà đây lại là những kiến thức về pháp luật lao động liên quan tới những người ở độ tuổi cháu. Cô Mai giải thích hay và dễ hiểu như cô giáo cháu ấy!

Cô Mai cười:

- Thế mà lúc đầu cô cứ tưởng cháu ít nói cơ đấy!

- Mai cháu có thể đến chỗ bác làm luôn được không, bác Nam? - Hùng hớn hở hỏi.

- Làm gì mà vội thế! Để bác qua nhà nói chuyện với mẹ cháu xem ý mẹ cháu thế nào đã - bác Nam trả lời.

- Bác Nam nói đúng đấy Hùng ạ - quay sang bác Nam, cô Mai nói tiếp - Pháp luật lao động quy định khi người sử dụng lao động nhận những lao động ở độ tuổi như cháu Hùng vào làm việc, tức là từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của các cháu.

- Tí nữa về nhà cháu sẽ nói với mẹ cháu ngay. Nếu bác bận, thì mai cháu đưa mẹ cháu tới, được không bác? - Hùng hỏi, ánh mắt nhìn bác Nam thúc giục.

Cả bác Nam và cô Mai cùng bật cười vì điệu bộ của Hùng. Bác Nam gật đầu:

- Đến chịu với cậu này! Thôi, được rồi. Đằng nào tối nay bác cũng họp Hội cựu chiến binh, bác sẽ qua gặp mẹ cháu một lúc trước khi đi họp.    

- Tuy hai bác cháu là chỗ thân tình, nhưng trong trường hợp cháu Hùng được mẹ đồng ý cho đi làm thì cũng như khi tuyển các lao động thông thường khác, anh nhớ phải ký hợp đồng lao động với cháu Hùng - cô Mai nhẹ nhàng nói.

- Cô ơi, cháu chỉ làm chỗ bác Nam trong mấy tháng hè thôi thì có phải ký hợp đồng không ạ?- Hùng hỏi.

- Nếu chỉ làm có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới ba tháng thì anh và cháu có thể không cần làm hợp đồng bằng văn bản nhưng vẫn phải thỏa thuận cụ thể với nhau về công việc, mức tiền công, thời gian làm việc theo đúng các quy định của pháp luật lao động[6].

- Cô yên tâm. À! mà mải nói chuyện, không hỏi xem cô qua tôi có việc gì?

Cô Mai cười:

- Em thế đấy, cứ nói đến pháp luật là quan tâm ngay, quên luôn các chuyện khác. Bệnh nghề nghiệp mà anh! Em qua đây muốn lấy một số mẫu hàng để gửi vào trong thành phố Hồ Chí Minh cho chị con bác em. Chả là chị ấy mới mở cửa hàng bán đồ thủ công, mỹ nghệ nên muốn có một số mặt hàng truyền thống của quê mình. Nếu bán được, chị ấy sẽ liên hệ với anh để trao đổi trực tiếp.

Bác Nam hồ hởi:

- Gì chứ cái đó thì có ngay. Thôi, cô cứ để xe ở đây, tôi với cô (quaysang Hùng) và cả cháu Hùng nữa cùng sang tham quan xưởng sản xuất của tôi. Bên đó nhiều mẫu hàng hơn để cô lựa chọn.

          Cả ba người vui vẻ bước ra. Nắng chiều đã nhuộm vàng cánh đồng lúa xa xa.  

 

[1] Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012.

[2] Khoản 1, 4 Điều 163 Bộ luật Lao động  năm 2012.

[3] Khoản 1 Điều 164 Bộ luật Lao động năm 2012.

[4] Khoản 2 Điều 164 Bộ luật Lao động năm 2012.

[5] Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2012.

[6] Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012.

 

4. Cái kết có hậu (Chủ đề: Hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật).

 

Tiếng chuông đồng hồ reo làm Kiên giật mình tỉnh giấc. Cố gắng lắm em mới thoát ra khỏi giấc ngủ. Dụi mắt nhìn đồng hồ: 4 giờ sáng rồi! Nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân xong, húp vội bát mì tôm, Kiên và mấy người cùng làm ra cửa hàng để chuẩn bị trước khi bà chủ đến.

Quán chỗ Kiên làm là hàng ăn, sáng bán phở, xôi; trưa và chiều bán cơm. Đám làm việc vặt - bà chủ nói thế - toàn choai choai như Kiên, người lớn nhất cũng mới 17 tuổi, còn nhỏ nhất là Kiên và Mạnh, 14 tuổi. Công việc của Kiên ở hàng ăn không cố định: lúc thì dắt xe, lúc thì chạy bàn, khi thì rửa bát hoặc phụ giúp nhà bếp, tùy theo bà chủ yêu cầu. Một ngày của Kiên và những người làm phụ việc như em thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, nghỉ 1 tiếng ăn trưa, 1 tiếng ăn tối, còn thì làm đến khi hết khách mới thôi, thông thường vào khoảng 10 giờ đêm. Mỗi ngày của em cứ trôi qua một cách mệt nhọc trong hàng đống những việc không tên. Chẳng thế giờ đã 14 tuổi rồi mà trông Kiên bé như cái kẹo mút dở - các anh cùng làm thường hay trêu Kiên như thế! Ăn, ở của người làm do bà chủ lo, lương thì cuối năm lĩnh một lần, nghỉ ngang coi như mất. Chính vì vậy, nhiều lúc cực quá, Kiên cũng không dám bỏ việc; em cũng chẳng nề hà việc gì vì sợ bà chủ trừ tiền công, như thế sẽ không có nhiều để đưa về cho mẹ, đỡ đần mẹ nuôi các em. 

Lâu không được về thăm nhà, Kiên rất nhớ mẹ và các em. Bố Kiên mất sớm. Làng quê của Kiên cứ vào mùa gió Lào thì đến con người cũng héo quắt nói gì đến cây cối, hoa màu. Nhà Kiên nghèo lắm, mẹ thì sức yếu nhưng cũng cố bươn chải để nuôi anh em Kiên. Thương mẹ, Kiên đã nghỉ học, ra thành phố kiếm việc mong có thêm tiền phụ giúp cho mẹ. Thực ra, phải để Kiên bỏ học, mẹ cũng tủi lắm, nhưng mẹ lo cuộc sống còn không đủ làm sao mà lo cho Kiên học được.

”Thằng Kiên! nhanh nhanh cái tay lên. Lau bàn xong thì ra ngoài kia cùng thằng Cường dắt xe cho khách!”. Tiếng bà chủ the thé làm Kiên giật mình thoát khỏi dòng suy nghĩ. Em chạy ra ngoài hè trước cửa quán. Khách cũng bắt đầu đến đông rồi.

10 giờ sáng, quán đã vãn khách. Uống cốc nước cho tỉnh người, sờ tay vào cái bụng lép kẹp, Kiên nghĩ: cái gói mì tôm ăn vội ban sáng nó đi đằng nào hết rồi! Tiếng là làm ở hàng ăn, nhưng bà chủ cho bọn Kiên ăn uống kham khổ lắm: sáng thì mì tôm không người lái hoặc cái bánh mì khô khốc bà chủ mua từ hôm trước; trưa thì chủ yếu là cơm rau. Miễn là chúng mày no bụng là được chứ gì!- bà chủ vẫn nói thế với bọn Kiên.

Chợt, ngoài cửa hàng có 4, 5 người bước vào. Nhìn những người này, Kiên thấy có vẻ như không phải vào quán để ăn. Một bác trông lớn tuổi trong nhóm hỏi gặp bà chủ. Sau đó, Kiên thấy bác ấy nói gì đó dài dài nhưng em chỉ nghe được hình như đây là Đoàn thanh tra đến kiểm tra về việc sử dụng lao động. Kiên thấy nét mặt bà chủ tái đi. Kiên và mấy người cùng làm được bà chủ gọi ra để gặp Đoàn thanh tra. Các bác, các chú trong Đoàn thanh tra hỏi bà chủ, hỏi Kiên và mọi người nhiều lắm: nào là bao nhiêu tuổi? một ngày làm việc mấy tiếng? được ăn, ngủ, nghỉ như thế nào? có hợp đồng lao động không?... Kiên còn thấy các bác, các chú trong Đoàn thanh tra hỏi bà chủ nhiều vấn đề nữa mà em không hiểu hết, chỉ thấy bà chủ lúng túng, ấp a ấp úng không  trả lời được (khác hẳn bà chủ ghê gớm hàng ngày). Kiên chẳng biết hợp đồng lao động là gì. Khi được người quen dắt đến xin việc chỗ bà chủ, bà chủ chỉ nói với Kiên về công việc mà em phải làm và tiền công bà sẽ trả thôi.

Sau một hồi làm việc, kiểm tra các giấy tờ bà chủ xuất trình, hỏi những người làm, Kiên thấy bác lớn tuổi trong Đoàn thanh tra cầm tờ giấy lên đọc, em nghe thì đó là biên bản thanh tra. Theo như những gì bác ấy nói thì bà chủ đã vi phạm pháp luật lao động trong việc sử dụng lao động chưa thành niên, như: không ký hợp đồng lao động, giữ lương và khấu trừ lương bất hợp lý, đặc biệt cơ sở kinh doanh của bà chủ thuộc ngành nghề không được sử dụng lao động dưới 15 tuổi. Kiên thấy giọng bác thanh tra khá gay gắt. Bác ấy nói với bà chủ: ”Không những thế chị còn vắt kiệt sức lao động của các cháu, bắt các cháu làm việc quá thời gian quy định. Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định rõ: thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần; của người dưới 15 tuổi không được quá 04 giờ trong một ngày và 20 giờ trong một tuần. Riêng lao động dưới 15 tuổi không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm”. Kiên còn nghe thấy bác ấy nói: với các lao động đang ở độ tuổi chưa thành niên, độ tuổi trẻ em như các cháu ở đây đã không có đủ kiến thức để nhận biết rằng mình đang bị bóc lột, bị lạm dụng sức lao động! Kiên nhìn bà chủ, em chợt thấy bà như già đi hàng chục tuổi. Bà ngồi, cúi mặt trong lúc bác thanh tra đọc biên bản.

Theo kết luận của Đoàn thanh tra thì bà chủ bị xử phạt vi phạm hành chính vì các hành vi vi phạm pháp luật lao động trong việc sử dụng lao động; buộc phải ký kết hợp đồng lao động, phải thanh toán tiền công hàng tháng, đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho lao động; nếu còn tiếp tục sử dụng lao động chưa thành niên thì phải tuân theo các quy định của pháp luật đối với lao động này. Riêng đối với 2 lao động trẻ em, Đoàn thanh tra yêu cầu bà chủ phải thanh toán hết tiền công và cơ sở kinh doanh của bà chủ từ nay không được nhận lao động dưới 15 tuổi vào làm việc.

Nghe đến đây, Kiên thấy lo lắng. Mặc dù làm ở đây cực nhọc, vất vả, nhưng cuối năm em cũng có một khoản tiền mang về cho mẹ. Bây giờ, bà chủ không được thuê những lao động như Kiên, em không biết sẽ phải tìm việc ở đâu? Nơi nào sẽ được nhận những lao động như em vào làm việc?

Bỗng một bàn tay mềm mại đặt nhẹ lên vai Kiên. Ngước mắt nhìn lên, Kiên thấy một khuôn mặt trẻ trung với đôi mắt dịu dàng đang nhìn mình. Cô ấy đi cùng với các bác, các chú trong Đoàn thanh tra. Cô nắm lấy tay Kiên và tay Mạnh, cô nói, giọng thật ấm: ”Cô được các chú trong Đoàn thanh tra phân công lo chỗ ăn, nghỉ cho các cháu đến khi các cháu về với gia đình. Bây giờ các cháu thu xếp đồ đạc cá nhân của mình, cô sẽ đưa các cháu đến nghỉ tạm tại trường dạy nghề trong thành phố. Cô sẽ liên lạc với gia đình để đưa các cháu về quê”. Thấy vẻ mặt lo lắng của Kiên, cô cười nói tiếp: ”Cô hiểu hoàn cảnh gia đình các cháu nên cứ yên tâm, các cô, các chú sẽ có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng ở địa phương các cháu để sắp xếp cho các cháu làm việc tại những cơ sở được phép tuyển lao động dưới 15 tuổi. Ở đó, các cháu sẽ có công việc phù hợp với lứa tuổi, với sức khỏe, được đảm bảo quyền lợi. Các cháu vẫn có thể vừa làm vừa học, không có điều kiện học ở trường thì các cháu có thể học tại các lớp học tình thương, học ngoài giờ... Các cháu thấy thế nào?”

Kiên không ngờ mình lại có một cái kết có hậu như vậy. Lời cô nói như làn gió mát thổi bay đi hết những mệt nhọc, lo âu trong lòng Kiên. Như trong các câu truyện cổ tích, ông Bụt, cô Tiên luôn hiện lên giúp những người tốt khi họ gặp khó khăn, còn đối với Kiên thì đây là cổ tích giữa đời thường. Ngước đôi mắt vẫn còn nét trẻ thơ nhìn cô, Kiên cười rạng rỡ.

 

5. Cạm bẫy (Chủ đề: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội).

 

An là con trai đầu của một gia đình công nhân nghèo ở khu cảng. Bố An chết trong một tai nạn lao động để lại cho mẹ An - một phụ nữ đau yếu, ba con thơ với nghề may gia công. Cuộc sống của mấy mẹ con rất chật vật. Để vượt qua khỏi cảnh nghèo, mẹ An kiên quyết buộc các con phải đi học. Bà đã phải thức đêm thức hôm, nhận hàng may thêm để kiếm tiền nuôi con. Số hàng nhận mỗi ngày một tăng lên nhưng tiền công thì teo tóp lại. Thương mẹ, An sáng đi học, trưa về nhà phụ mẹ may đồ đến tối. Nhiều hôm để kịp giao hàng cho người ta, An phải thức trắng đêm may hàng. Sáng hôm sau ngồi trong lớp học hai mắt An cứ trĩu xuống vì buồn ngủ. Làm nhiều, ăn uống không đầy đủ, mẹ An đổ bệnh nặng. An phải làm thêm cả phần hàng của mẹ. Đứa em thứ hai của An ngoài giờ học cũng phải đi lượm thêm ve chai và phụ giúp anh chăm sóc mẹ…

Hoàn cảnh khó khăn của đứa bé 13 tuổi đã lọt vào tầm ngắm của những tay anh chị trong làng buôn "cái chết trắng". Một người đàn ông tên Thành nhờ An đem cơm sáng cho một người thân ở khu phố bên kia cầu. Ông ta nói ông có người anh sống một mình đang bệnh nặng, không ai chăm sóc. Nhà ông ở xa, ông thì bận công việc, nên không thể trực tiếp chăm sóc cho anh được. Ông nhờ An giúp ông, hàng ngày đem cơm cho anh trai, ông sẽ trả công hậu hĩnh, 20.000 đồng cho một lần mang cơm. Sở dĩ ông ấy nhờ An vì ông biết, sáng nào An cũng cọc cạch đạp xe đến trường ngang qua khu phố đó.

Nghe vậy, An rất mừng. Nó suy tính, việc làm này vừa không mất thời gian do cùng trên đường đi học hàng ngày, lại vừa có thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn.

An quyết định nhận lời đưa cơm cho anh trai ông Thành. Theo lời dặn của ông Thành, hàng ngày, An chỉ cần mang cơm qua cầu và giao cho một thanh niên – người sống cùng với anh trai ông. Ông cũng dặn An sau khi nhận cặp lồng cơm thì phải đi luôn đến nơi giao cho anh thanh niên mà không được rẽ vào bất kỳ chỗ nào. Ông còn hào phóng ứng trước cho An một tháng tiền công. Nó vui mừng mang về đưa mẹ chữa bệnh.

Thế là hàng ngày trên tuyến đường đi học An đã mang theo cặp lồng cơm mà không biết trong đó có giấu từ 2 -3 gói herôin.

Thấy con đưa tiền về mẹ An căn vặn con lấy tiền đâu ra. An thành thật kể chuyện nhận lời đưa cơm cho anh trai ông Thành bị ốm, mỗi ngày được trả 20.000 đồng. Biết ông Thành nghiện nặng và đã từng bị bắt vì liên quan đến ma túy. Mẹ An giật mình, bà lo lắng nói với An : “Giúp người lúc khó là tốt nhưng quan hệ với những người như ông Thành nguy hiểm lắm. Con phải cẩn thận đấy. Liệu có đúng là chỉ có cơm không hay còn thứ gì khác thì sao ?”. Nghe mẹ nói, An chợt thấy băn khoăn, hàng loạt câu hỏi nảy sinh: “Sao chỉ mỗi việc đưa cơm mà ông Thành lại trả công cao như vậy. Sao ông Thành lại dặn nó không được đi đâu.... ? ”  Nó kể với mẹ những suy nghĩ của mình.

Nghe vậy, mẹ An kiên quyết bảo con: “Thôi, con đừng làm nữa. Mẹ con mình chịu khó vất vả một chút, có sao sống vậy. Nhỡ con gặp chuyện gì mẹ biết trông cậy vào ai ?”

Nghe mẹ, An đến gặp ông Thành xin không làm nữa nhưng ông Thành ngọt ngào dỗ dành: “Cháu cố giúp bác, vài hôm thôi. Bác bận quá, bác sẽ trả cháu thêm tiền. Ông anh bác cũng đỡ rồi, nhưng vẫn chưa dậy được. Mấy hôm nữa ông ấy khỏe tự đi lại, nấu nướng được, cháu có thể thôi. Cháu chỉ có việc đưa cơm, đừng sợ. Nếu có chuyện gì pháp luật cũng sẽ  không xử phạt trẻ con đâu”.

Nghe ông Thành nói thế, tuy trong lòng An còn lo lắng nhưng em nghĩ đưa cơm giúp ông ấy thêm một vài buổi nữa rồi thôi. Hơn nữa nếu không làm thì lấy tiền đâu để chăm lo cho các em, mẹ lại đang chữa bệnh, tốn rất nhiều tiền...

Thế rồi, điều mà mẹ An lo sợ đã trở thành hiện thực. Trong lần đưa cơm sau đó, khi các chú trong Đội cảnh sát hình sự yêu cầu cho kiểm tra cặp lồng cơm, An sững sờ khi thấy các chú lấy từ đó ra 2 gói nhỏ đựng thứ bột màu trắng: Hêrôin – cái chết trắng!

Giờ đây, ở trong trại giam, An mới thấu hiểu những lời mà các chú cảnh sát đã nói: chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật cùng với cuộc sống khó khăn mà những đứa trẻ nghèo như An đã rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn ma túy. Tiền công mà chúng trả cho An quá rẻ mạt, nhưng hậu quả mà cạm bẫy của chúng giăng ra đối với An thì thật nặng nề: mức hêrôin và thời lượng phạm tội nhiều lần (dù là vô tình) đủ để cậu học trò bị truy tố theo Điều 194 Bộ luật hình sự. An thấy như mình đã mất tất cả.

Tuy nhiên, trong lòng An lại có chút hy vọng khi An được gặp bác luật sư – người sẽ bào chữa cho em tại phiên tòa. Bác ấy đã phân tích cho An thấy: ai vi phạm pháp luật thì cũng đều bị xử lý. Riêng đối với trẻ em từ 18 tuổi trở xuống, pháp luật hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm ; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì trẻ em là những người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi), chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình nên pháp luật có những quy định riêng về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Về nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Bác luật sư khuyên An nên thành khẩn khai báo giúp các chú công an có thêm thông tin để triệt phá đường dây buôn bán ma túy.

Tại phiên tòa xét xử An với tội danh vận chuyển ma túy, vị chủ tòa phiên tòa đã phân tích: cho dù trong ý thức An chỉ là đưa cơm nhưng trong cơm có hêrôin thì An cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét nhân thân và hoàn cảnh phạm tội của An, Tòa án đã lượng hình cho em 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Cánh cửa cuộc đời không khép lại đối với An nhưng đã để lại bài học đầu đời đắt giá cho em: chỉ vì vô tình sa vào cạm bẫy của bọn bất lương mà đi đến lầm lỡ!.

 

6. Người con hiếu thảo (Chủ đề: Nghĩa vụ và quyền của người con trong gia đình).

 

Nhà Hương rất nghèo. Là chị cả trong một gia đình, tuổi thơ của Hương không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Khi Hương vừa tròn 10 tuổi, mẹ Hương đã bị căn bệnh trầm cảm sau khi sinh đứa em út rồi biến chứng sang một dạng tâm thần phân liệt. Bán trâu, bán hết lúa trong nhà, bố đưa mẹ ra Hà Nội chữa bệnh.

Sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện, số tiền mang theo cũng đã hết nhẵn. Bố Hương đưa mẹ về quê tiếp tục điều trị tại nhà. Nhưng căn bệnh của mẹ Hương không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Mẹ Hương không còn nhận ra ngay các con của mình nữa.

Khi trong nhà không còn cái gì đáng giá để bán lấy tiền mua thuốc điều trị cho mẹ, bố Hương quyết định để các con ở nhà và ra Hà Nội làm thuê. Bố đi vắng, mẹ bị bệnh, các em còn nhỏ, cô bé Hương lúc đó mới 13 tuổi đã phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm trong một gia đình: làm cha, quán xuyến tất cả công việc; làm mẹ, chăm lo miếng cơm, manh áo hàng ngày cho mẹ và các em; làm bảo mẫu, chăm lo cho các em. Ngoài ra, Hương còn phải lo vệ sinh giặt giũ cho mẹ, bón cơm cho mẹ ăn, cho mẹ uống thuốc và dỗ dành mẹ khi mẹ lên cơn bệnh …

Buổi sáng, Hương dậy sớm làm mọi việc trong nhà, giặt quần áo, nấu ăn cho các em, bón cơm cho mẹ, chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho mẹ rồi đến trường. 

Buổi trưa cho mẹ và các em ăn xong, em vội đạp chiếc xe đạp cà tàng đến quán cơm thị trấn rửa bát thuê kiếm đồng tiền công ít ỏi thêm vào tiền mua thuốc, mua thức ăn cho mẹ và em.

Tối, sau khi tắm rửa thay quần áo cho mẹ, dỗ em ngủ xong, Hương mới có thời gian học tập để chuẩn bị năm tới thi vào lớp 10. Nhưng vất vả nhất đối với Hương là dỗ mẹ uống thuốc. Có lần khi cho mẹ uống thuốc, vừa cho thuốc vào miệng rồi, vừa dỗ mẹ uống một ngụm nước cho thuốc trôi vào trong thì mẹ bất ngờ phun thẳng cả nắm thuốc vào mặt em.

“Những lúc đó em chỉ biết khóc thôi, tủi thân thì ít mà thương mẹ thì nhiều. Em lo mẹ uống thuốc không đủ liều thì bệnh càng lâu khỏi”.

Bà nội, bà ngoại đều tuổi đã cao nên cũng chẳng giúp chị em Hương được nhiều. Các chú, các dì cũng khó khăn, vất vả nuôi con ăn học nên chỉ giúp đỡ chị em Hương được một phần. Còn lại phải trông vào tài quán xuyến việc nhà của em. Với số tiền mỗi tháng bố gửi về gần 1 triệu đồng cộng với số tiền đi rửa bát thuê, Hương tằn tiện chi tiêu để dành tiền mua thuốc cho mẹ và mua thức ăn cho cả nhà.

“Chị em mình khoẻ mạnh, ăn như thế nào cũng được nhưng em Út còn bé đã thiệt thòi nhiều thứ phải để dành phần tốt cho em”, Hương thường nói với Thành, em thứ hai như vậy. Có những ngày bố chưa kịp gửi tiền về, còn một ít tiền Hương chỉ dám để dành mua thức ăn cho mẹ và mua ít thịt nấu cháo cho em út ăn, còn hai chị em Hương và Thành ăn cơm với mấy quả cà mặn chát.

Theo thời gian, bệnh của mẹ có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ không còn la hét hay đập phá nữa mà chỉ ngồi nói luyên thuyên cả ngày. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi, mẹ cũng giúp Hương nấu nồi cơm nhưng phần sống luôn nhiều hơn phần chín. Những lúc như thế, Hương càng hy vọng ngày mẹ khỏi bệnh sẽ không còn xa.

Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng Hương rất cố gắng học. Em thường được các thày, cô giáo trong trường nêu gương là một trong những học sinh nghèo vượt khó.  Năm tới Hương đã bước vào lớp 10. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Hương tập trung ôn luyện kiến thức cho kỳ thi lớp 10 sắp tới. Nói về dự định tương lai của mình, Hương tâm sự: “Mơ ước của em là trở thành giáo viên hoặc bác sỹ. Vì thế em rất muốn được tiếp tục đi học. Nhưng đó chỉ là ước mơ, không biết em còn có thể đến trường được nữa hay không, khi gia đình quá khó khăn, mẹ còn đau ốm và các em còn nhỏ quá, em không thể ích kỷ mà chỉ nghĩ cho riêng mình được”.

Nói như vậy, nhưng không phải không có lúc Hương muốn buông xuôi tất cả. Tuổi đời còn quá nhỏ so với gánh nặng gia đình đang đè lên đôi vai của em, khiến em không ít lần muốn gục ngã. Thế nhưng tình thương với cha mẹ, với các em; trước trách nhiệm, bổn phận làm con, Hương đã gạt nước mắt, đứng dậy tận dụng tất cả quỹ thời gian của mình để chăm sóc mẹ và các em, để bố yên tâm làm việc.

Trong đợt tuyên dương các tấm gương “Người con hiếu thảo” của địa phương, Hương đã vinh dự nhận Bằng khen. Trên sân khấu buổi lễ vinh danh, Hương nghẹn ngào: “Đã là con thì phải hiếu thảo với cha mẹ. Dẫu khó khăn, cực nhọc em cũng chịu được, chỉ mong mẹ nhanh khỏi bệnh để cả gia đình được xum vầy bên nhau, để em có điều kiện được tiếp tục đi học”.

Tin vui bất ngờ đến với Hương, sau lễ tuyên dương, một nhà hảo tâm đã nhận đỡ đầu Hương, giúp em thực hiện ước mơ của mình, vì như nhà hào tâm đó đã nói: những người con hiếu thảo như Hương là tấm gương sáng cho tinh thần sống đẹp, sống có ích trong xã hội còn nhiều những tệ nạn như hiện nay.

 

 Nghĩa vụ và quyền của con

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

(Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình)

7. Bảo vệ ngôi chùa quê hương (Chủ đề: Hành vi vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa).

 

Chùa Quang Minh cổ kính tọa lạc bên cạnh một triền sông xanh mát. Năm vừa rồi, chùa Quang Minh đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa. Từ ngày đó, du khách thập phương đến lễ bái nhiều hơn, cảnh chùa cũng thêm phần nhộn nhịp.

Bãi cỏ xanh trước cổng chùa là nơi Minh thường cùng lũ bạn vui đùa. Cứ ngày ngày sau khi tan học, lũ trẻ con trong xóm lại rủ nhau ra cổng chùa bày ra đủ trò chơi, từ thả diều, đá bóng đến đánh trận giả. Chẳng biết từ khi nào mà tình yêu của Minh dành cho di tích lịch sử của quê hương đã ăn sâu vào máu thịt. Những ngày chủ nhật được nghỉ học, cậu thường rủ bạn bè cùng lớp ra quét dọn giúp sư thầy khiến cho cảnh chùa lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm.

Gia đình Minh có một quán nước nhỏ nằm dưới gốc cây đa gần cổng chùa. Gọi là quán nước nhưng thực ra cũng chỉ là mấy bộ bàn ghế, chút ít hoa quả, tiền vàng phục vụ khách đường xa đến vãn cảnh chùa dừng lại nghỉ chân. Từ ngày chùa Quang Minh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, du khách kéo về đây ngày một đông nên việc làm ăn của gia đình cũng ngày càng khấm khá.

Một buổi tối, Minh đang dọn hàng phụ bố mẹ thì chợt nghe bố nói chuyện với mẹ:

- Mình à! Dạo này, dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một khách rất đông mà quán nước của nhà ta đơn sơ quá. Chỗ che mưa, che nắng cũng chẳng có. Hay là ta xây quán ở đây để mình bán hàng cho tiện hơn.

Mẹ Minh lúc đó đang thoăn thoắt rửa cốc chén, nghe vậy, nghĩ ngợi đăm chiêu một lúc rồi nói:

- Vậy mình định xây như thế nào? Xây quán thì cũng phải xin phép Ủy ban, xin phép nhà chùa chứ? Đất nhà chùa chứ có phải đất mình đâu?

- À, tôi nghĩ kỹ lắm rồi, đã xây phải xây cho nó chắc, xây to một chút để sau này mình tiện buôn bán. Phía nhà chùa thì không lo đâu. Tôi sẽ nhờ chú Đức, bảo vệ chùa nói với sư thầy. Dù gì thì chú ấy cũng là họ hàng nhà mình, chắc là chú ấy sẽ giúp thôi. Còn các bác ở Ủy ban xã, chắc là không sao đâu vì hồi trước nhà mình xin phép bán nước ở đây, các bác ấy cũng đồng ý đấy thôi.

Từ nãy đến giờ, Minh ngồi lặng nghe bố mẹ nói chuyện. Nghe đến đây, cậu bỗng bật dậy như một cái lò xo, chạy đến trước chỗ bố mẹ phân bua:

- Không xây quán được đâu bố ạ. Ở trường con được học là phải giữ gìn cảnh quan di tích văn hóa. Nếu mình xây nhà trái phép ở khu di tích là vi phạm pháp luật và bị xử phạt đấy bố mẹ ạ.

Bố Minh nhìn thấy con trai phân trần như vậy bỗng bật cười rồi xoa đầu Minh trìu mến:

- Con còn nhỏ nên chưa hiểu hết đấy thôi. Nhà mình chỉ xây ngoài cổng chùa, có phạm vào đất chùa đâu mà vi phạm. Với lại, xây quán bán nước, kiếm thêm nhiều tiền thì con càng có tiền tiêu vặt chứ sao?

- Con không cần tiền tiêu vặt, con chỉ thích chùa được sạch đẹp thôi. Nếu bố mẹ xây quán, rồi người khác cũng xây quán ở cổng chùa thì cổng chùa sẽ thành cái chợ mất, đến lúc ấy thì ai đến tham quan nữa ạ?

Nghe đến đây thì bố và mẹ càng cười to hơn. Mẹ vỗ vào vai Minh, khéo trách:

- Gớm. Cho anh đi học nhiều rồi bây giờ anh lý sự quá. Thôi, anh dọn hàng cho mẹ đi rồi còn học bài sớm.

Mẹ từ từ đẩy Minh về chỗ cốc chén mà Minh đang rửa. Sau đó, hai bố mẹ lại tiếp tục bàn với nhau về việc mua vật liệu và thuê nhân công để xây quán. Nhìn dáng vẻ quả quyết của bố mẹ, Minh biết rằng mình chẳng thể thuyết phục được nữa. Cậu chỉ ước là cậu hiểu biết nhiều hơn về pháp luật để giải thích cho bố mẹ.

Đêm hôm đấy, Minh nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được. Minh muốn tìm một ai đó có thể thay mình ngăn bố mẹ lại. Chợt Minh bỗng mỉm cười sung sướng. Cậu đã nghĩ ra một người vừa giỏi về pháp luật, vừa giỏi về tuyên truyền có thể giúp được cậu trong việc này. Nghĩ đến đấy thì mắt Minh díp lại. Gió từ triền sông thổi vào mát rượi, ru Minh dần chìm vào giấc ngủ, trên miệng cậu vẫn nhoẻn một nụ cười.

****

Hôm đấy là ngày mùng một âm lịch, lại là ngày chủ nhật nên khách từ muôn nẻo đường đổ về nhộn nhịp hơn ngày thường. Quán nước nhà Minh đông khách hẳn. Cả buổi sáng, Minh giúp được bố mẹ bao nhiêu là việc, ai đi qua cũng khen cậu chăm chỉ. Đến trưa, khách cũng vãn dần, mẹ tranh thủ ra ngoài chợ mua ít hoa quả về thắp hương, chỉ còn bố và Minh trông hàng.

Hai bố con đang ngồi chơi thì bác Nam phó chủ tịch xã, từ từ dắt chiếc xe đạp tiến về quán nước. Vừa nhìn thấy bác, bố Minh đã mời chào:

- Bác phó chủ tịch tranh thủ đi lễ chùa đấy ạ? Bác vào quán em nghỉ chân chút đã.

- Vâng, anh cho tôi xin chén nước - Bác đáp lại lời bố Minh, dựng chiếc xe đạp một bên, rồi ngồi xuống bên cạnh Minh. – Hôm nay được ngày nghỉ, tranh thủ đưa bà xã lên chùa.

Bố Minh nhanh chóng rót chén nước chè xanh, đặt cẩn thận phía trước. Bác đón lấy, nhẹ nhàng uống từng ngụm. Từ từ thưởng thức chén chè thơm, bác xoay người, nhìn chăm chăm về phía cổng chùa. Được một lúc, bác quay về phía bố Minh bắt chuyện:

- Cảnh chùa ta đẹp thật đấy anh Phương nhỉ. Tôi đi nhiều nơi mà ít thấy nơi đâu có được di tích lịch sử đẹp như ở quê ta. Cũng may là người dân ở xã chúng ta có ý thức giữ gìn, chứ không như ở những nơi khác, người dân cứ đua nhau xây hàng quán ở trước cổng chùa. Việc đấy vừa vi phạm pháp luật, vừa mất cảnh quan.

Câu nói dường như động chạm đến những gì mà bố Minh đang suy nghĩ. Với giọng đầy ngạc nhiên, bố Minh hỏi lại:

- Xây hàng quán trước cổng chùa mà cũng là vi phạm pháp luật hả bác? Em không hiểu lắm, nhờ bác giải thích cụ thể hơn cho em và cháu Minh đây được biết.

- Ừ, đúng là vi phạm pháp luật đấy anh ạ. – Bác Nam từ tốn trả lời – Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo tồn những di sản văn hóa. Chính vì vậy, nhà nước đặt ra những quy định pháp luật rất nghiêm ngặt để bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa. Để tôi cho anh xem nhé.

Vừa nói, bác Nam lấy ở trong chiếc cặp da ra một quyển sách, lật vài trang rồi chỉ cho bố Minh:

- Đây nhé, - Bác Nam giảng giải- Theo Luật Di sản văn hóa, Điều 13, thì việc chiếm đất đai của khu di tích bị nghiêm cấm. Những hành vi này bị xử phạt nặng lắm – Bác lật từng trang sách, đọc theo một cách chậm rãi – theo Điều 34 của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP thì hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Người vi phạm còn bị buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Minh cùng bố nghe bác Nam đọc những quy định pháp luật một cách chăm chú. Những kiến thức pháp luật mà bác nêu ra quả thật rất tuyệt. Nghe bác kể, Minh mới hiểu thêm rằng nhà nước ta đã ban hành những quy định pháp luật rất chặt chẽ để bảo vệ các di sản văn hóa, đồng thời trừng trị rất nghiêm minh những kẻ chiếm đoạt, hủy hoại, mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

Còn bố Minh thì chuyển hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác khi nghe những lời phân tích đó, dường như còn nhiều điều băn khoăn, bố hỏi lại bác:

- Bác Nam ạ, đất đai phía bên ngoài cổng chùa không thuộc khu di tích. Việc xây dựng quán xá phía bên ngoài sao lại có thể là vi phạm pháp luật được?.

Bác Nam nghe câu hỏi đó thì tủm tỉm cười rồi chìa cho bố Minh xem điều luật mà bác vừa đánh dấu:

- Đây anh xem nhé. Theo Điều 32 của Luật di sản văn hóa thì khu vực bảo vệ di tích gồm hai phần. Khu vực một là vùng có các yếu tố gốc tạo nên di tích. Khu vực hai là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực một. Cả hai khu vực này, trong trường hợp có yêu cầu xây dựng những công trình phục vụ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì cũng không được làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- À ra thế. – Bố Minh có vẻ rất ngỡ ngàng với câu trả lời – Nếu như ở chùa Quang Minh của chúng ta, thì khu vực ngoài cổng chùa là khu vực hai và được nhà nước bảo vệ, nếu ta muốn xây dựng thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn nếu cứ cố tình xây dựng trái phép thì là vi phạm pháp luật phải không bác?

- Đúng đấy anh ạ. Nhưng anh lưu ý, như tôi nói lúc trước, trong trường hợp cần thiết phải xây dựng thì chỉ được xây dựng công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Nếu như chùa Quang Minh ở xã ta cần phải xây dựng công trình như thế thì cũng phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngừng lại uống chén nước chè, bác Nam nói tiếp: - Bây giờ người ta cứ đua nhau xây dựng quán xá ở những khu di tích lịch sử văn hóa, khiến cho các khu di tích càng ngày càng xuống cấp. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý rồi nhưng vì cái lợi trước mắt mà một số người dân vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử văn hóa. Cứ cái đà này, đến lúc cu Minh lớn lên, các di sản văn hóa này sẽ bị mai một hết. Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ những di sản mà cha ông để lại, đây vừa là trách nhiệm theo quy định pháp luật, vừa là trách nhiệm đạo đức. – Rồi bác quay về phía Minh nói – Tôi nghe cháu Minh kể là anh chị định xây một quán nước nhỏ ở phía ngoài cổng chùa, nhưng chắc bây giờ thì anh đã hiểu việc này là trái pháp luật rồi chứ?.

Nghe bác Nam nói về dự định của mình, bố Minh tự nhiên đỏ mặt, cười xòa chữa ngượng:

- Vâng, nhờ có bác mà em hiểu thêm nhiều điều. Vợ chồng chúng em sẽ không làm như thế nữa. Xây hàng quán trước cổng chùa vừa làm mất cảnh quan vừa bị xử phạt nặng theo pháp luật nữa. - Rồi bố vỗ vỗ vào vai Minh nói – Con trai em cũng tinh nghịch quá bác nhỉ!

Từ nãy đến giờ Minh cứ tủm tỉm cười thầm. Cảm giác thấy mình làm được một việc có ích, cậu thấy rất vui. Cậu càng tự hào hơn khi nghe bác Nam khen: “cháu Minh tuy nhỏ mà đã học được nhiều điều hay, cháu phải cố gắng học để sau này xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”.

 

Thể hiện đẳng cấp (Chủ đề: Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm).

 

Tiếng trống tan trường điểm rộn rã, học sinh trong các lớp ùa ra như bầy ong vỡ tổ. Tôi cũng nhanh chóng thu vội sách vở, bút thước vào cặp và nhảy 2 bậc cầu thang, đi thật nhanh xuống nhà xe. Lấy chiếc xe đạp, tôi lao nhanh ra cổng, đã thấy Hùng đứng chờ, chưa thấy Hằng và Lan. Tôi phanh kít xe trước mặt Hùng, quay lại nhìn đám đông đang ùa ra cổng. Đây rồi, Hằng và Lan lẫn trong đám đông đi băng qua chỗ tôi và nháy mắt ra hiệu. Tôi và Hùng liền đạp xe theo, 12 giờ trời nắng chang chang, vậy mà chẳng đứa nào có mũ nón gì, cứ thế vừa đi vừa rôm rả bàn luận về thầy Tuấn dạy tin học, cô Bích dạy văn và cả về lớp trưởng lớp tôi. Gần đến lối rẽ đường về nhà tôi, Lan quay lại nói với tôi và Hùng: “Dừng lại, tớ có chuyện cần các cậu giúp”.

Chúng tôi cùng tạt vào lề đường và dừng xe lại.

Tôi hỏi ngay: “Có chuyện gì thế? Nhanh lên, đói lắm rồi”.

Hình như, Hằng đã biết chuyện nên đứng im re. Lan nhìn hai đứa tôi đầy dò xét hỏi: “Hai cậu có dám đánh nhau không?”.

Hùng: “Đánh nhau với ai? Vì sao lại đánh nhau?”.

Tôi lẩm bẩm: “Tớ không đánh nhau đâu, bố tớ mà biết được thì tớ no đòn”.

Cái Lan: “Chán các cậu quá, bảo đánh thì cứ đánh, đồ nhát như thỏ đế. Thôi về đi, chiều bàn tiếp.”

Cả lũ đạp xe về nhà. Bứt rứt về chuyện của Lan, sau khi ăn cơm trưa xong, tôi liền gọi điện thoại cho Hằng để khai thác thông tin. Đầu dây bên kia, giọng Hằng vẻ ngái ngủ “Có chuyện gì đấy? Không ngủ trưa à?”.

-         Không ngủ được, bà dậy đi, cháy nhà, chết người đến nơi rồi mà còn ngủ.

-         Ai cháy nhà, ai chết người, mặc kệ người ta…

Tôi hét vào ống nghe: “Dậy”, hiệu quả thật, cái Hằng tỉnh ngủ ngay “Có chuyện gì, nói nhanh lên”.

- Thì… chuyện cái Lan, chứ còn gì nữa.

Giọng Hằng bên kia nghe bí mật “Tôi nói, ông không được kể cho ai nghe đấy nhé”.

-         Ừ, tôi có phải là kẻ ngồi lê đôi mách đâu mà…, kể đi.

-         Cái Ngọc lớp D2, biết nó chứ?

-         Ừ, cũng biết mặt, thế thì sao?

-         Nó nói cái Lan là lăng nhăng, thả câu một lúc ba, bốn thằng.

-         Hừm!

-         Cái Lan bảo, phải dạy cho nó một bài học để chừa thói nói xấu, vu vạ người khác.

-         Thế à! Có thế mà cũng đánh nhau à. Kệ nó, muốn nói thế nào thì nói, mình có phải người như thế đâu mà lo. Bà khuyên cái Lan thôi đi, đừng chấp nó làm gì cho mệt.

-         Ừ, cũng khuyên rồi, nhưng nó chưa nghe, cứ nhất quyết phải xử lý cái Ngọc. Cái Lan bảo, là người có đẳng cấp phải dạy cho cái Ngọc một bài học.

Trưa thứ Năm, tiết trời oi ả, vẫn như mọi khi, tan học, chúng tôi chờ nhau ngoài cổng trường. Nhưng sao hôm nay cái Lan ra chậm thế không biết. Cổng trường đã vắng thì cái Lan mới xuất hiện, chúng tôi chưa kịp lên xe đạp đi thì nó đã bảo: “Chờ tao một tý”. Nó vừa gạt chân chống xe đạp xuống, rồi quay ngoắt về phía cổng trường. Đúng lúc này, cái Ngọc xuất hiện, Lan chống nạnh giữa đường “Con kia” rồi lao vào túm tóc, cấu xé Ngọc. Chúng tôi chẳng kịp trở tay, vội chạy đến can ngăn. Lúc này bác bảo vệ cũng có mặt, kịp thời lôi cái Lan ra, mấy thầy cô cũng xuất hiện. Cả lũ bị đưa vào Phòng truyền thống.

Trong phòng có thầy Hiệu trưởng, cô chủ nhiệm lớp và một số thầy cô giáo khác trong trường. Cả lũ đứng rúm lại một góc, cúi mặt xuống đất. Cái Ngọc khóc thút thít, cái Lan văn văn tà áo. Thầy Hiệu trưởng quát “Còn khóc lóc gì, đánh nhau là vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng”.

Cái Ngọc nói trong nước mắt, phân bua: Thưa thầy, em bị đánh ạ.

Thầy Hiệu trưởng: Ai đánh?

Ngọc: Bạn Lan ạ.

Thầy: Lan, tại sao đánh bạn?

Lan: Dạ, vì Ngọc nói xấu em.

Thầy: Nói xấu như thế nào?

Lan, nói lí nhí: Nói là em có tính lăng nhăng…

Thầy: Có đúng thế không Ngọc?

Ngọc: Em chỉ đùa thôi ạ.

Thầy: Đùa à, nhân phẩm của người khác mà em mang ra đùa được à! Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Lan: Đúng đấy ạ.

Thầy Hiệu trưởng quay ra nhìn Lan: Còn em, đánh bạn thì phạm tội gì?

Lan, nói lí nhí: Em…

Im lặng một lúc, thầy Hiệu trưởng giảng giải: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy sự việc xảy ra vừa rồi chưa đến mức phải báo cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật hành chính hoặc hình sự nhưng việc làm đó của các em đã vi phạm nội quy của nhà trường, do đó nhà trường sẽ đưa ra biện pháp xử lý thích hợp đối với các em. Bây giờ, tất cả các em viết ngay bản kiểm điểm, tường thuật lại sự việc.

Chúng tôi lục đục ngồi xuống, lấy giấy bút trong cặp ra và bắt đầu viết kiểm điểm. Sau khi viết xong, đồng hồ đã chỉ quá 01 giờ chiều, thầy Hiệu trưởng cho về, mặt đứa nào đứa ấy buồn thiu, uể oải, vừa đói, vừa mệt. Dọc đường đi chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào.

Sáng thứ Hai, tại buổi lễ chào cờ, sau phần chào cờ hát quốc ca, đoàn ca và điểm qua các hoạt động trong tuần đến phần xử lý kỷ luật, cái Lan bị gọi lên đứng trước toàn trường, bị kỷ luật cảnh cáo và hạ một bậc hạnh kiểm, đồng thời nếu còn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị buộc thôi học có thời hạn. Cái Ngọc cũng bị phạt cảnh cáo vì nói xấu người khác. Tôi, Hùng và Hằng bị nhận hình thức khiển trách vì biết mà không thông báo cho thầy cô giáo biết để ngăn cản sự việc.

Bài học của Lan cũng là bài học chung cho tất cả học sinh trong trường, đặc biệt là nhóm chúng tôi. Hóa ra, pháp luật không phải là điều gì xa lạ mà chúng tôi vẫn mơ hồ. Pháp luật là khuôn mẫu, là qui định chúng ta phải tuân theo khi xử sự trong cuộc sống hàng ngày.

 

Không phải trò đùa (Chủ đề: Hành vi vi phạm trật tự công cộng).

 

Chị Duyên là một người hàng xóm tốt bụng của gia đình tôi. Chồng chị mất sớm, chị phải một mình vất vả nuôi hai đứa con ăn học. Thằng Hữu – con trai lớn của chị năm nay học lớp 6, còn bé Liên thì mới học lớp 1.

Hôm nay, đi làm về, nghe mẹ tôi nói chuyện hình như thằng Hữu con nhà chị Duyên gây ra chuyện gì ấy mà Công an xã phải mời chị Duyên ra Ủy ban giải quyết, tôi vội sang ngay nhà chị Duyên xem có chuyện gì. Vừa đi đến sân đã thấy thằng Hữu. Nó chào tôi rồi cúi mặt đi vào trong nhà.

- Em chào chị! Giờ này chị vẫn chưa chuẩn bị cơm chiều mà còn làm gì đấy ạ. Tôi chào và hỏi chị.

Trông thấy tôi, chị Duyên bỏ cái thúng đang đan dở xuống đất, chị đáp lời:

- Cô mới đi làm về à? Vào nhà đi cô. Chị đang tranh thủ đan mấy cái thúng để đến phiên chợ sắp tới mang bán, kiếm được đồng nào hay đồng ấy cô ạ. Cơm nước nhà chị đơn giản lắm. Chút nữa nấu ù cái là xong í mà.

Ngồi xuống cạnh chị, tôi hỏi:

- Hình như sáng nay, cháu Hữu…

Không đợi tôi nói hết câu, chị Duyên thở dài cắt ngang:

- Đấy cô xem, chị vất vả cho chúng nó ăn học, thế mà thằng Hữu nó...Chả là sáng nay, nó với mấy đứa trẻ trong xóm đi chăn trâu ngoài đồng, không hiểu đùa nghịch thế nào mà lại đi ném đất, đá vào đoàn tàu chở khách đến nỗi bị đưa hết về công an xã giải quyết. Rõ là khổ, con với cái, học lớp 6 rồi mà còn chưa biết thế nào là đúng, là sai.

Chị Duyên vừa ngừng kể, tôi gọi với vào buồng trong:

- Hữu ơi, ra đây cho cô hỏi xem chuyện sáng nay như thế nào?

Thằng Hữu rụt rè bước ra. Cái Liên nghe thấy thế cũng bỏ quyển truyện tranh, chạy ra ngồi vào lòng mẹ. Kéo Thằng Hữu lại gần, tôi hỏi:

- Sao cháu lại ném đất đá lên tàu?

Thằng Hữu lí nhí trả lời:

- Tại các bạn bảo ném đá vào tàu đang chạy nghe kêu như pháo rất thích ạ, nên khi thấy tàu đến, bọn cháu ném thử xem thế nào.

Chị Duyên nhìn con trách cứ:

- Đúng là nghịch dại! Con có biết làm như vậy rất nguy hiểm cho những người trên tàu không?

Tôi nhẹ nhàng đỡ lời cho thằng Hữu:

- Hành vi ném đất, đá vào tàu của cháu Hữu là sai, nhưng em nghĩ, do cháu nó chưa biết về các quy định của pháp luật, cũng như chưa phân biệt được đâu là trò nghịch đùa và hành vi vi phạm pháp luật nên mới có những hành động dại dột như vậy. Vì thế, người lớn chúng ta cần chỉ cho các cháu thấy đây là hành vi gây nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng cho hành khách trên tàu đồng thời làm thiệt hại tài sản của nhà nước để tránh cho các cháu lặp lại hành vi đó chị ạ.

Chị Duyên rót chén nước và nói:

- Chị cũng biết vậy, sự việc lần này một phần cũng do lỗi của chị đã không bảo ban cháu đến nơi đến chốn. Sáng nay, các anh trên Ủy ban xã cũng nói với chị về trách nhiệm của gia đình phối hợp với chính quyền trong việc giáo dục, nhắc nhở con em mình thấy được sự nguy hiểm từ việc ném đá lên tàu.

Tôi tiếp lời chị:

- Đúng đấy chị ạ. Em biết nhiều địa phương, nơi có đường tàu chạy qua như xã ta đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho nhân dân sinh sống hai bên đường sắt. Chính quyền xã mình cũng vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc không xâm hại đến an toàn giao thông đường sắt.

- Thế hả cô. Tôi cứ quần quật từ tinh mơ đến tối nên cũng không biết nhiều.

Đến đây, con bé Liên nói chen vào:

- Trường cháu cũng phát động phong trào bảo vệ đường sắt đấy cô ạ. Cô nghe có hay không này: “Em yêu đường sắt quê em”! Trường của anh Hữu cũng có đấy, cô cứ hỏi anh ấy mà xem.

Thằng Hữu lườm con bé, rồi nói:

- Vâng, ở trường cháu có phong trào “Đoạn đường sắt em chăm”. Bạn nào có hành vi ném đất đá lên tàu sẽ bị nêu tên trước toàn trường. Tại sáng nay bọn cháu ham nghịch quá, nên…- thằng Hữu ngập ngừng.

Thấy vậy, chị Duyên tiếp lời con:

- Hôm nay ở trên Ủy ban xã, cu cậu cũng biết lỗi và nhận ra bài học nhớ đời rồi. Cũng may, hành vi của cháu chưa gây ra hậu quả gì nên chỉ bị nhắc nhở và viết kiểm điểm thôi, chứ nếu làm hành khách bị thương hay làm vỡ cửa kính tàu thì không biết rồi sẽ ra sao.

Để chia sẻ kiến thức pháp luật với chị và các cháu, tôi nói:

- Thế này chị ạ, theo quy định của pháp luật, thì hành vi ném đất, đá hay bất cứ vật gì khác vào nhà, tàu, thuyền, xe lửa hoặc các phương tiện giao thông khác, vào người, đồ vật, tài sản của người khác là những hành vi vi phạm về trật tự công cộng và sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt đối với những hành vi này là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng[1].

Nghe tôi nói vậy, chị Duyên tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thế hả cô? Sao chị không thấy cháu bị phạt tiền gì cả? Nếu bị phạt thì số tiền ấy cũng bằng cả tháng chi tiêu của nhà chị! Hay là các anh ở Ủy ban xã thấy hoàn cảnh nhà chị “mẹ góa con côi” nên thông cảm không phạt, hả cô?

Tôi cười nhẹ nhàng giải thích cho chị:

- Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Ai có hành vi vi phạm thì đều phải chịu trách nhiệm theo quy định, không có chuyện thông cảm hay nể nang ở đây chị ạ. Chỉ vì cháu Hữu mới 11, 12 tuổi nên chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, như em đã nói lúc trước, biện pháp đối với các cháu chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục giúp các cháu ý thức được hành vi ném đất đá lên tàu là sai.

Tôi vừa dứt lời thì chị Duyên tiếp lời luôn:

- Đấy, con nghe cô nói chưa hả Hữu? Ném đất đá vào tàu là hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải trò nghịch vui đấu nhé. Con nhớ không được lặp lại đâu đấy! Các con phải sống sao để trở thành người tốt, có ích cho xã hội, bố các con nơi chín suối cũng mới yên lòng được.

Nói đến đây thì chị Duyên đã rơi nước mắt từ bao giờ. Thằng Hữu ngồi bên đã tỏ ra hiểu chuyện và rất hối hận về hành động của mình. Nó chỉ cúi mặt, lắng nghe và không nói gì.

Có tiếng mẹ gọi, tôi xin phép chị ra về. Chị cũng đứng dậy chuẩn bị bữa cơm chiều.

Thấp thoáng sau rặng cây, một đoàn tàu vun vút lao qua, tiếng còi tàu vang lên như gửi lời chào đến làng quê yên bình của tôi.

[1] Điểm d, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2010 ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

 

 

 

 

 

1

10 Câu chuyện pháp luật phục vụ dạy và học môn  Giáo dục công dân

nguon VI OLET