CÂU HỎI VÀ ĐÁP ÁN CUỘC THI “BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC EM”

Cập nhật ngày: 14/10/12


 

TNTP Online

Thiếu nhi Trường Sa cũng vui tươi và đáng yêu như các bạn trong đất liền !

 

Mời các bạn tham gia cuộc thi BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC EM


Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển và hải đảo; nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân quốc gia biển đối với thanh, thiếu nhi về tầm quan trọng của tài nguyên biển và hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, báo Thiếu niên Tiền phong, Vụ Công tác Học sinh – Sinh viên (Bộ Giáo dục – Đào tạo), Hội đồng Đội Trung ương phối hợp tổ chức cuộc thi “Biển, đảo Tổ quốc em”.

 

A. Thể lệ cuộc thi:

Ban Chỉ đạo:
- Trưởng ban: Phó Giáo sư  - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Cư, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
- Phó Trưởng ban: Chị Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.
- Phó Trưởng ban: Tiến sĩ Đoàn Quang Sinh, phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo.
- Ông Vũ Công Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ.
- Tiến sĩ Ngũ Duy Anh. Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban Tổ chức:

- Trưởng ban: Tiến sĩ Đoàn Quang Sinh, phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo.
- Phó Trưởng ban thường trực: Nhà báo Vũ Quang Vinh, Biên tập viên Cao cấp, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong.
 - Phó Trưởng ban: Cô Trần Thị Tơ, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo.
- Phó trưởng ban: Nhà báo Quản Kim Cương, Trưởng ban Trị sự, phát hành và Quảng cáo báo Thiếu niên Tiền phong.
  Và một số ủy viên.

Ban Giám khảo:
- Trưởng ban: Cô Trần Thị Tơ, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo.
- Phó Trưởng ban thường trực: Nhà báo Phạm Huy Thuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong.
- Phó Trưởng ban: Cô Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phụ trách công tác Pháp chế.
  Và một số ủy viên.

Cơ quan thường trực cuộc thi:
- Trung tâm Đào tạo và Truyền thông biển, hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
- Báo Thiếu niên Tiền phong – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đối tượng dự thi:
Tất cả các em học sinh Tiểu học, THCS, THPT và thanh thiếu nhi ngoài trường học.

Quy định về bài thi:
- Bài dự thi phải ghi rõ họ tên, lớp trường, quận (huyện, thị xã), tỉnh (thành phố). Các em ngoài trường học phải ghi rõ xóm, thôn, xã, quận (huyện, thị xã), tỉnh (thành phố). Ngoài bì thư phải dán tem và ghi rõ: Dự thi “Biển, đảo Tổ quốc tôi”.
- Bài thi nếu nộp theo tập thể không cần phải để trong bì thư và không phải dán tem mà đóng bưu kiện gửi theo đường tàu hỏa, ô tô, bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa soạn báo TNTP, số 5, Hòa Mã, Hà Nội.
- Phải trả lời đầy đủ 8 câu hỏi. Bài trình bày đẹp, công phu được cộng thêm điểm.
- Không nhận bài phôtôcopy.

Thời gian tổ chức nhận bài thi:
- Nhận bài thi: Từ sau ngày công bố thể lệ cuộc thi trên báo TNTP số 96 ngày 9 tháng 9 đến 30 tháng 11 năm 2012 (theo dấu bưu điện).
- Lễ Tổng kết và trao giải thưởng: Tháng 1 - 2013.

Nơi nhận bài thi:
Tòa soạn báo TNTP, số 5, Phố Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Giải thưởng: 41 giải tập thể và 68 giải cá nhân với tổng số tiền là 70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) và bằng chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi.

a. Giải tập thể:
- 03 giải Nhất, mỗi giải: 3.000.000đ.
- 06 giải Nhì, mỗi giải: 2.000.000đ.
- 08 giải Ba, mỗi giải: 1.000.000đ.
- 24 giải Khuyến khích, mỗi giải: 700.000đ.

b. Giải cá nhân:
- 03 giải Nhất, mỗi giải: 1.000.000đ.
- 06 giải Nhì, mỗi giải: 700.000đ.
- 09 giải Ba, mỗi giải: 500.000đ.
- 50 giải Khuyến khích, mỗi giải: 250.000đ.


 

B. Câu hỏi và đáp án

 

* Câu 1: Em cho biết Luật biển Việt Nam được Quốc hội nước ta phê chuẩn vào ngày, tháng, năm nào ? Nước ta có khoảng bao nhiêu đảo lớn, nhỏ ? Hãy kể tên hai quần đảo xa bờ nhất nước ta và các quần đảo đó thuộc tỉnh nào ?

Luật Biển Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Nước ta có khoảng trên 3.000 đảo lớn nhỏ, các đảo phân bố từ Bắc xuống Nam, nhưng chủ yếu tập trung ở vùng biển ven bờ Bắc bộ và Nam bộ. Trong đó các tỉnh, thành phố có nhiều đảo nhất phải kể đến là Quảng Ninh (2.078 đảo), Hải Phòng (243 đảo), Kiên Giang (157 đảo), Khánh Hòa (103 đảo)...
Hai quần đảo xa bờ nhất của nước ta là quần đảo Hoàng Sa (thuộc Thành phố Đà Nẵng) và Quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa).

* Câu 2: Nếu đi trên một con tàu dọc theo bờ biển với vận tốc 20 hải lý /giờ thì sau bao lâu em sẽ đi hết chiều dài của bờ biển Việt Nam ?
Nước ta có bờ biển dài 3.260 km. Diện tích biển hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền (1 triệu km2 biển/ 330.363 km2 đất liền).

Với bờ biển dài 3.260 km kéo dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thì nước ta cứ 100 km2 đất liền có 1km bờ biển (trung bình của thế giới là 600km2 đất  liền/ 1km bờ biển). Và với tỷ lệ 1 hải lý = 1,852 km (1.852 m), các bạn sẽ tính được thời gian bao lâu để đi hết bờ biển Việt Nam trên con tàu có tốc độ 20 hải lý/ giờ.

* Câu 3: Vịnh biển nào của nước ta được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới?  Vịnh đó được công nhận vào ngày, tháng, năm nào ? Vì sao được công nhận ?

Vịnh biển được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long thuộc Tỉnh Quảng Ninh  của nước ta. Hạ Long đã được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới: Ngày 17/12/1994, Vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị về thẩm mỹ. Ngày 2/12/2000, Vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị địa chất, địa mạo.

Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi vì Vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, Thành phố Cẩm Phả, thành phố Hải Phòng và một phần của huyện đảo Vân Đồn.

Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể.

Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.

Những kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau bao gồm văn hóa Soi Nhụ trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, văn hóa Cái Bèo trong 7.000-5.000 năm trước Công Nguyên và văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm.

Tiến trình dựng nước và truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong suốt hành trình lịch sử, cũng khẳng định vị trí tiền tiêu và vị thế văn hóa của vịnh Hạ Long qua những địa danh mà tên gọi gắn với điển tích còn lưu truyền đến nay, như núi Bài Thơ, hang Đầu Gỗ, Bãi Cháy[7] v.v.

Hiện nay, vịnh Hạ Long là một khu vực phát triển năng động nhờ những điều kiện và lợi thế sẵn có như có một tiềm năng lớn về du lịch, nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy đối với khu vực vùng biển Đông Bắc Việt Nam nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.

* Câu 4: Em hãy kể tên các tài nguyên biển có thể tái tạo và không tái tạo ?

Tài nguyên tái tạo (nước, đất, sinh vật v.v...) là tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục khi được quản lý một cách hợp lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý, tài nguyên tái tạo có thể bị suy thoái không thể tái tạo được. Ví dụ: tài nguyên nước có thể bị ô nhiễm, tài nguyên đất có thể bị mặn hoá, bạc màu, xói mòn v.v...

Tài nguyên không tái tạo: là loại tài nguyên tồn tại hữu hạn, sẽ mất đi hoặc biến đổi sau quá trình sử dụng. Ví dụ như tài nguyên khoáng sản.

* Câu 5: Bạn Ân nói với bạn Hòa: “San hô chỉ là một loài đá, bằng chứng là người ta vẫn khai thác nó để nung vôi xây nhà. Vì vậy cứ khai thác san hô thoải mái!”.  Theo em, bạn Ân nói đúng hay sai ? Vì sao ?

Bạn Ân nói sai vì san hô không phải là loài đá mà là các sinh vật biển thuộc lớp San hô (Anthozoa) tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các cá thể này tiết ra cacbonat canxi để tạo bộ xương cứng, xây nên các rạn san hô tại các vùng biển nhiệt đới…

* Câu 6: Đảo nào lớn nhất trong hệ thống đảo của Việt Nam? Hãy kể những gì mà em biết về đảo đó ?

Đảo lớn nhất trong hệ thống đảo của Việt Nam chính là đảo Phú Quốc. Phú Quốc hay còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, nằm trong vịnh Thái Lan, đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Đảo Phú Quốc có hình tam giác, cạnh đáy nằm ở hướng Bắc, nhỏ dần lại ở phía Nam. Nếu tính đường chim bay theo hướng Bắc-Nam thì chiều dài lớn nhất của đảo là 49 km . Nơi rộng nhất trên đảo theo hướng Đông-Tây nằm ở khu vực Bắc đảo với chiều dài là 27 km. Chu vi của đảo Phú Quốc tổng cộng khoảng 130 km. Tổng diện tích của Phú Quốc là 56.500 ha. Có tác giả ví hình dáng đảo giống như một con cá đang bơi, đầu hướng về phương Bắc.

Về điều kiện địa lý tự nhiên, khí hậu trên đảo Phú Quốc thuộc loại nhịêt đới gió mùa (nóng ẩm, mưa nhiều…), tuy nhiên do nằm trong vùng vị trí đặc biệt của vịnh Thái Lan nên ít bị thiên tai. Chính vì điều kiện khí hậu như vậy nên Phú Quốc có được một nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, trong đó có rất nhiều giống, loài đặc hữu. Đây là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo này. Bên cạnh rừng, vì bản thân Phú Quốc là một hòn đảo và là đảo lớn, cho nên những nguồn tài nguyên khác như: tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước… ở đây có tiềm năng lớn để khai thác phát triển kinh tế.

Nhắc đến Phú Quốc thì không thể không nhắc đến những nghề nghiệp truyền thống của cư dân ở đây. Đó là nghề sản xuất nước mắm và nghề trồng hồ tiêu. Nước mắm Phú Quốc và hồ tiêu Phú Quốc là hai mặt hàng nổi tiếng thế giới lâu nay. Ngoài hai nghề này, hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Phú Quốc là khai thác hải sản. Gần đây, nhờ hoạt động du lịch trên đảo phát triển nhanh chóng, một bộ phận cư dân chuyển sang tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn...

* Câu 7: Biển, đảo nước ta giàu và đẹp. Theo em, chúng ta phải làm gì để bảo vệ và làm cho biển, đảo Tổ quốc ta ngày càng giàu và đẹp hơn ? (Bài viết dài không quá 500 từ và được chấm riêng cho mỗi cấp học).

* Câu 8: Dưới đây là bức tranh thể hiện những việc làm đúng và sai trong vấn đề bảo vệ môi trường biển, đảo. Theo em việc làm nào đúng? Việc làm nào sai ?

 

 


 

Gửi cho bạn bè

Trở lại

 

 

 

nguon VI OLET