Tên Chuyên Đề

Một số giải pháp quản lý hoạt động học tập của học sinh

trong giờ học lịch sử

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

Một tiết dạy thành công là mong muốn của tất cả những nhà giáo tâm huyết. Tiết dạy thành công là tiết dạy mà người giáo viên đã hoàn thành xuất sắc vai trò tổ chức, hướng dẫn của mình: phát huy được tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học để người học tự mình chiếm lĩnh đơn vị kiến thức theo kế hoạch dạy - học mà người dạy đề ra. Làm thế nào để có những tiết lên lớp thành công, chất lượng là nỗi trăn trở không của riêng ai đã và đang công tác trong ngành. Nó cũng chính là con đường hình dung và kiếm tìm niềm hạnh phúc trong nghề nghiệp

Tình hình học tập hiện nay, học sinh ít mặn mà với bộ môn lịch sử nên trong giờ học sử thường hay có hiện tượng học sinh xin ra ngoài, hay lơ đãng trong tiết học. Chính vì điều đó mà những người giáo dạy sử thường hay trăn trở. Là một giáo viên được trực tiếp dạy môn sử nhiều năm, tôi cũng rút được một vài kinh nghiệm để tăng tính hấp dẫn trong tiết dạy cũng như quản lí hoạt động học của học sinh có hiệu quả trong giờ dạy và học lịch sử .

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

 Để quản lí tốt hoạt động học của học sinh tức là  giúp HS nắm bài một cách sâu sắc, có ý thức và lôi cuốn HS trong tiết học, bớt căng thẳng và ham muốn học môn lịch sử. Với sự chủ quan của mình ,tôi xin trao đổi một vài biện pháp để quản lí hoạt động học của học sinh có hiệu quả trong giờ dạy và học lịch sử .

1/ Chủ động ngay từ bài soạn

Việc soạn kỹ bài dạy trước khi lên lớp chiếm tỷ lệ thành công tới 50% của tiết học. Điều này lý giải vì sao có những GV bộ môn dạy lâu năm và chuyên dạy một khối lớp không thông thạo lắm về công nghệ thông tin nhưng vẫn được học sinh ngưỡng mộ vì giảng dạy thuần thục và dễ hiểu.  Người giáo viên khi soạn bài  phải thật sự chủ động về kiến thức trong tiết dạy, kiến thức phải chính xác, khoa học, phù hợp với "chuẩn KTKN",  đảm bảo tính hệ thống, đủ nội dung, làm rõ được nội dung trọng tâm của bài học để học sinh dễ hiểu và dễ tiếp thu.

 2/ Quản lý hoạt động học tập của học sinh trong tiết dạy

a/ Tâm thế của người thầy giáo

Tâm thế thoải mái, sự tự tin của người thầy giáo khi bước vào lớp học là một chất xúc tác cần thiết cho tiết dạy . Khi chúng ta chuẩn bị bài kỹ thường là rất tự tin khi bước vào lớp học, và chính sự tự tin của người thầy, thái độ cởi mở thân mật của thầy khi bước vào lớp làm không khí lớp học thêm phấn chấn.

b/ Các hoạt động trong tiết học

  *  Kiểm tra đánh giá:

- Kiểm tra bài cũ:

     Không nên xem nhẹ khâu kiểm tra bài cũ. Khi học sinh nắm chắc bài cũ tức là dễ dàng hơn trong việc tiếp thu bài mới, đỡ đi gánh nặng cho GV. Lưu ý

+  Chọn câu hỏi kiểm tra bài phù hợp với từng đối tượng; Mức độ kiểm tra ở mỗi lần tăng dần từ dễ đến khó với học sinh dưới mức trung bình để các em có cơ hội tiến bộ.

+ Nếu các em không thuộc nội dung bài thì cần cho các em câu hỏi phụ (về kiến thức xã hội hay liên môn….) điều này giúp các em phát huy được năng lực vận dụng, liên hệ kiến thức lịch sử đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

              Ví dụ: Chương trình lịch sử 12 ( BÀI 10 :  CÁCH MẠNG KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ  VÀ XU THẾ TOÀN CẦU HÓA) giáo viên có thể đặt câu hỏi sau:

Nêu những hậu quả của Cuộc cách mạng KH- KT lần 2? Hiện nay ô nhiễm môi trường là một vấn đề lớn của nước ta, là học sinh em có nhận xét gì về vấn đề này và em cần phải làm gì để khắc phục nạn ô nhiễm môi trường ở địa phương em ?

Đối với dạng câu hỏi này học sinh có thể kết hợp kiến thức từ môn GDCD hay địa lý để trả lời một cách dễ dàng

+Đánh giá học sinh trong tiết dạy: Cần đặc biệt lưu ý học sinh yếu kém vì đây là những đối tượng hs thường lơ đễnh trong tiết học. Trong quá trình giảng dạy nên khen ngợi hoặc cho điểm cộng tích cực kịp thời nếu các em phát biểu đóng góp xây dựng bài sẽ giúp các em hăng hái trong học tập nhất là với bộ môn.

   *Thay đổi “khẩu vị” bài giảng

Để có một tiết dạy thành công, ngoài các yếu tố về phương pháp - phương tiện, phong cách sư phạm, còn cần đặc biệt lưu ý một yếu tố nữa là: phải luôn sáng tạo. - Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói "nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo", hoặc sinh thời, nhà thơ Lưu Quang Vũ có câu thơ rất hay:

“ Tôi chán cả bạn bè

Mấy năm rồi, họ chẳng nói được câu gì mới”

Câu thơ ấy nhắc nhở người giáo viên, nhất là giáo viên lịch sử  phải luôn biết làm mới mình, làm mới những tri thức, làm mới cách tiếp cận, dẫn dắt... Người thầy giáo có thể say mê giảng bài suốt 45 phút của một tiết học mà không có cảm giác mệt mỏi. Nhưng với học sinh việc tập trung nghe thầy giảng bài suốt 45 phút trong một buổi học thường có từ 4 - 5 tiết học lại không phải là điều dễ dàng. Hiện tượng uể oải, ngáp vặt, ngủ gục, nói chuyện riêng trong lớp diễn ra khá phổ biến nhất là ở các môn xã hội, trong đó có môn sử.

Thế nên trong một tiết học ngoài sử dụng các phương pháp-phương tiện người giáo viên nên thêm “ gia vị” vào trong tiết dạy của mình. Một câu nói hóm hĩnh, một câu chuyện sát với thực tế từ bài học …cũng làm cho tiết học thêm sinh động. Ví dụ trong giờ dạy lịch sử địa phương lớp 10 khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu về văn hóa Cần Thơ trong đó có  đờn ca tài tử Nam Bộ tôi đã “ ngẫu hứng hát một câu vọng cổ” dù không hay ..nhưng lại được học sinh tán thưởng…không khí lớp học từ đó bớt trầm lắng và sinh động hơn. Đa số học sinh khi được hỏi “Em thích học với một giáo viên như thế nào?” thì các em đều trả lời “ Em thích học những thầy cô giáo dạy nhẹ nhàng, có óc khôi hài”. Thực tế cho thấy, không một phương tiện máy móc hiện đại nào có thể thay thế được vai trò của nhà giáo trong việc truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Một phong cách mô phạm, một giọng nói gợi cảm, một nét chữ, nét vẽ hoa mỹ, một lối diễn đạt tinh tế… tất cả đều không chỉ cho hiệu quả tức thời trong một giờ lên lớp mà còn tạo dấu ấn tốt đẹp, có giá trị giáo dục với học

Để một tiết học diễn ra nhẹ nhàng, sinh động, theo bản thân tôi cần lưu ý những điểm sau đây:

  + Bao quát tốt lớp học để nhận biết đối tượng học sinh thiếu tập trung do tác động của hoàn cảnh khách quan (có chuyện không hay trong gia đình, sức khoẻ kém, cơ thể mệt mỏi), từ đó lường được thái độ nóng giận ảnh hưởng chung tới sinh khí của cả tập thể.

+ Không rập khuôn theo một trình tự mà học sinh đã quá quen thuộc.

+ Linh hoạt thay đổi khẩu khí, thay đổi cách thức hỏi, giảng giải đối với học sinh.

+ Tăng tính trực quan sinh động bằng trình chiếu hình ảnh, minh họa đúng lúc, đúng chỗ.           + Khi có biểu hiện mất trật tự ở trong lớp học thì cách tốt nhất là GV nên dừng lại ít phút để tạo ra khoảng lặng, rồi bắt đầu từ một nốt “bổng” trở lại cho tiết học

3/ Những điều cần tránh trong tiết dạy

a/ Đối với học sinh

- Không vội trách phạt, nhục mạ một học sinh không thuộc bài khi chưa hiểu rõ nguyên nhân. Nên tìm hiểu và cho các em có cơ hội để sửa sai ( có thể đưa ra nhiều câu hỏi…)

- Khi học sinh vi phạm : đồng phục, vào trễ, không viết bài, lớp trực nhật không tốt…cần hỏi rõ nguyên nhân và nhắc nhở. Những trường hợp vi phạm nhiều lần thì cần trao đổi riêng với hs hoặc trao đổi với GVCN nhằm giúp hs khắc phục.

b/ Đối với giáo viên

- Luôn là tấm gương cho học sinh: giờ đến lớp, trang phục….

- Tránh dùng những từ ngữ không phù hợp với môi trường giáo dục….

- Giáo dục học sinh chủ yếu là “ phòng tránh” thế nên cần nhắc nhở học sinh khi có biểu hiện chưa tốt..Tránh chỉ ghi nhận sai phạm trong tiết học mà quên đi yếu tố giáo dục.

III. KẾT QUẢ KHẢO SÁT

 Trong những năm qua mặc dù môn lịch sử không còn là môn bắt buộc, một số học sinh thờ ơ với môn sử,  nhưng thực tế qua áp dụng biện pháp này bộ môn lịch sử trường THPT Bùi Hữu Nghĩa đã đạt nhiều kết quả khả quan

 + Số học sinh đăng ký thi môn sử rất cao

 + Nhiều năm đều có học sinh giỏi cấp thành phố.

 + Năm học 2014-2015: bộ môn đã hướng dẫn em Huỳnh Thanh Thúy Hằng lớp 12b10 là học sinh duy nhất ở TP đạt giải cấp quốc gia trong cuộc thi “ Em yêu lịch sử Việt Nam

IV. KẾT LUẬN

Trên đây là một số giải pháp để quản lí tốt học sinh trong giờ học lịch sử cũng như những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tiết dạy trên lớp. Qua nhiều năm áp dụng các phương pháp trên, tôi thấy rằng học sinh ở các lớp tham gia rất nhiệt tình vào bài học, thậm chí cả học sinh trung bình và yếu. Chuyên đề sẽ không tránh khỏi thiếu sót, rất mong sự góp ý chân thành từ thầy cô đồng nghiệp.

 Duyệt TTCM                               Bình Thủy, ngày 22 tháng 11 năm 2015

                                   Người viết chuyên đề

 

 

 

          

 

 

 

nguon VI OLET