PHÒNG GD&ĐT        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

H. CHÂU THÀNH A                   Độc lập- Tự do – Hạnh phúc

 

 

                                                Châu Thành A, ngày 28 tháng 09 năm 2011

 

 

 

CHUYÊN ĐỀ

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY- HỌC

MÔN TỰ NHIÊN XÃ HỘI LỚP 2

 

 

 

I. VỊ TRÍ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÔN TỰ NHIÊN XÃ HỘI TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC

Trong chương trình giáo dục Tiểu học môn TNXH cùng với các môn học khác có vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho học sinh. Môn học TNXH là môn học về môi trường tự nhiên và xã hội gẫn gũi, bao quanh học sinh, vì vậy có rất nhiểu nguồn cung cấp kiến thức cho các em. Do đó không chỉ có giáo viên cung cấp trí thức cho các em lĩnh vực này, các em có thể thu nhận kiến thức từ nhiểu nguồnkhác.

Môn TNXH là môn học tích hợp kiến thức của khoa học tự nhiên khoa học xã hội trong đó kiến thức khoa học tự nhiên nhiều hơn so với kiên thức khoa học xã hội. Vì vậy môn TNXH là môn học có tầm quan trọng trong sự đổi mới giáo dục đó là việc coi trọng thực hành và vận dụng kiến thức, quan tâm đến năng lực tự học, tự khám phá kiến thức của học sinh.

Môn TNXH được dạy ở các lớp 1,2,3 ( giai đoạn 1), lớp 4,5 ( giai đoạn 2) phát triển thành môn khoa học, môn lịch sử và địa lí

Môn TNXH là môn học bắt buộc trong chương trình, thông qua môn học cung cấp cho học sinh hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người. Học sinh có những hiểu biết cơ bản, ban đầu về các sự vật hiện tương, mối quan hệ giữa chúng trong tự nhiên, xã hội và con người là nền tảng để các em học ở các lớp trên.

Môn khoa học, lịch sử và địa lý ở tiểu học không chỉ đơn thuần cung cấp cho học sinh  một khối lượng tri thức cần thiết, mà còn tập cho học sinh làm quen với các tư duy khoa học, rèn kỹ năng liên hệ kiến thức với thực tế và ngược lại, giúp các em có được những phẩm chất và năng lực cần thiết thích ứng với cuộc sống, hình thành thái độ khám phá, tìm tòi thực tế…qua đó hình thành nhân cách cho học sinh.

 

1

 


*  Mục tiêu, nhiệm vụ của môn TNXH lớp 2:

Môn TNXH lớp 2 cung cấp một số kiến thức cơ bản, ban đầu và thiết thực về cơ thể người. Học sinh biết cách giữ gìn vệ sinh cơ thể và phòng tránh một số bệnh tật thông thường; biết một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội xung quanh. Đồng thời bước đầu hình thành và phát triển ở hoc sinh những kĩ năng như: tự chăm sóc sức khoẻ bản thân, biết ứng xử và đưa ra nhưng quyết định hợp lí trong đời sống để phòng tránh một số bệnh tật và tai nạn, giúp học sinh biết quan sát, nhận xét, nêu thắc mắc, đặt câu hỏi, diễn đạt những hiểu biết của mình về các sự vật, hiện tương đơn giản trong tự nhiên và xã hội. Không những thế, môn TNXH còn giúp học sinh hình thành và phát triển thái độ và hành vi như: Có ý thức thực hiện các quy tắc giữ vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Biết yêu thiên nhiên, yêu gia đình, yêu nhà trường, yêu quê hương đất nước.

Đối với học sinh lớp 2, sau khi học xong môn TNXH, học sinh biết sơ lược về hoạt động cơ quan vận động và cơ quan tiêu hoá ở cơ thể người, phòng chống cong vẹo cột sống; giữ vệ sinh ăn uống, cách phòng nhiễm giun. Ngoài ra học sinh lớp 2 còn biết về công việc của các thành viên trong gia đình, nhà trường và một số nghề nghiệp trong xã hội, ở địa phương; biết giữ sạch nhà, trường học, giữ an toàn khi ở nhà, ở trường và khi đi đường. Học sinh biết cây cối và các con vật có thể sống được ở khắp nơi: trên cạn, dưới nước, trên không; biết quan sát bầu trời ban ngày, ban đêm; có hiểu biết sơ lược về hình dạng và đặc điểm của Mặt trời, Mặt Trăng và các vì sao.

 

II. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ DẠY MÔN TNXH HIỆN NAY

- Môn TNXH là môn học tích hợp nhận thức của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Vì vậy phương pháp học phải thể hiện được các phương pháp đặc trưng của các môn khoa học thực nghiệm. Song trong thực tế, người giáo viên chưa coi trọng việc đổi mới phương pháp trong môn học này.

- Là môn học đánh giá bằng nhận xét nên một bộ phận giáo viên chưa nhận thức đúng mức về vai trò, tầm quan trọng của môn học, xem là môn phụ nên trong giảng dạy chưa nhiệt tình, chưa tìm tòi, cải tiến để nâng cao chất lượng môn học.

- Đồ dùng dạy học của bộ môn còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học.

- Một bộ phận giáo viên còn dạy chay, áp đặt kiến thức cho học sinh nên các em chóng quên, tiết học không thu hút, không kích thích hoạt động học tập của học sinh dẫn đến hiệu quả thấp.

  - Một số đơn vị trường học chưa được trang bị máy chiếu nên việc UDCNTT trong giảng dạy còn nhiều hạn chế.

1

 


III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, việc học tập của học sinh phải dựa trên các hoạt động học tập tích cực, chủ động và sáng tạo, hướng tới sự phát triển năng lực cá nhân thay cho việc học "áp đặt" những kiến thức sẵn có bằng cách dạy các phương pháp tự học, tự khám phá để chiếm lĩnh kiến thức, kết hợp với sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học.

Đối với học sinh lớp 2 tuy đã được làm quen và củng cố thêm hiểu biết từ lớp 1 song trình độ nhận thức về TNXH còn nhiều hạn chế. Các em nhận thức thế giới dưới dạng tổng thể, khả năng phân tích chưa cao.Tư duy cụ thể còn chiếm ưu thế. vậy hoc sinh lớp 2 nhận thức thế giới xung quanh thường dựa vào những đối tượng thực hoặc những thay thế. Do đó, những kết luận mà hoc sinh rút ra chủ yếu dựa vào kình nghiệm sống và những quan sát trực tiếp mà ít dựa trên luận chứng logic. Việc dạy học sinh lớp 2 đòi hỏi phải nắm chắc đặc điểm tâm lí này và lựa chọn, bổ sung những phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học nói chung, môn TNXH nói riêng trong các nhà trường. Để đạt được hiệu quả trong giảng dạy môn TNXH lớp 2 có thể thực hiện một số giải pháp sau:

1. Nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng môn TNXH trong trường tiểu học.

Thường xuyên tổ chức chuyên đề dạy học môn TNXH cho các lớp 1,2,3 và môn khoa học, lịch sử và địa lý lớp 4,5. Qua các tiết thao giảng giáo viên cùng bàn bạc, thảo luận rút ra các phương pháp, hình thức tổ chức, cách thức tổ chức và quản lí lớp học theo đặc thù bộ môn đạt hiệu quả, tạo điều kiện để giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó giúp giáo viên thấy được tầm quan trọng của môn TNXH trong trường tiểu học; thay đổi nhận thức, thay đổi hành động, góp phần thúc đẩy công tác dạy- học môn TNXH ngày càng hoàn thiện hơn.

2. Tăng cường tính chủ động nhận thức và khai thác vốn sống của học sinh:

Để phấn đấu đạt được những yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học. Phát huy tính chủ động của học sinh, người giáo viên cần tăng cường tính chủ động nhận thức của học sinh. Để đào tạo những con người lao động có năng lực, thích nghi với điều kiện phát triển, ngay từ những lớp đầu cấp tiểu học, người giáo viên phải biết dẫn dắt học sinh dựa vào kinh nghiệm cá nhân và vốn hiểu biết của học sinh giúp học sinh tự phát hiện kiến thức. Giáo viên tổ chức các hoạt động học tập trong quá trình học như phương pháp quan sát, phương pháp vấn đáp…

Giáo viên lựa chọn những bài có vấn đề nhằm củng cố và phát huy trình độ vốn có của học sinh trong chương trình để lựa chọn phương pháp. Trong chương

1

 


 trình TNXH lớp 2 từ bài 1 đến bài 33 đều có thể sử dụng giải pháp này.

Ví dụ: Dạy bài “hệ cơ” – Bài 3- Sách TNXH lớp 2

Giáo viên dẫn dắt học sinh từ cái cụ thể, những kinh nghiệm vốn có của học sinh: tự co tay, duỗi tay, tự co chân, duỗi chân, tự véo vào mông, vào bụng…để thấy được cơ bám vào xương và nhờ có cơ mà ta có thể thực hiện được mọi cử động như chạy, nhảy, đi đứng, viết, xoay người, cười, nói, ăn, uống…

3. Sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống theo tinh thần mới và bổ sung vào hệ thống các phương pháp thường dùng của môn học những phương pháp mới có tác dụng phát huy tính chủ động nhận thức của học sinh:

* Các phương pháp truyền thống là:

- Phương pháp quan sát

- Phương pháp hỏi đáp

- Phương pháp kể chuyện

* Các phương pháp bổ sung:

- Phương pháp thảo luận

- Phương pháp điều tra

- Phương pháp đóng vai…

Việc dạy học đối với mỗi bài học là trách nhiệm của mỗi giáo viên, vì vậy chính giáo viên là người quyết định cho việc lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp cho từng bài học, sao cho tương tác giữa thầy và trò trong quá trình lĩnh hội tri thức của trò đạt hiệu quả cao nhất. Kinh nghiệm cho thấy, trong một bài giảng thành công không bao giờ chỉ dùng một phương pháp mà phải phối hợp nhiều phương pháp, cả phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống một cách hợp . Muốn đạt hiệu quả cao trong việc vận dụng các phương pháp người giáo viên cần:

- Nắm chắc phương pháp dạy từng nhóm phương pháp

- Lựa chọn phương pháp thích hợp để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.

- Chuẩn bị nội dung, hình thức dạy học tương ứng.

Ví dụ:

Dạy bài: Cuộc sống xung quanh – bài 22 TNXH lớp 2 – có thể sử dụng nhiều phương pháp phối hợp như: quan sát - thảo luận.

Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ, tổ chức hướng dẫn cho học sinh quan sát

- Giáo viên nêu mục đích quan sát: Quan sát tranh cho biết tranh vẽ cảnh ở đâu? Vì sao em biết? Kể tên một số nghề của người dân nơi đây?

Phiếu hướng dẫn học sinh quan sát:

1. Tranh vẽ cảnh ở đâu?

a- Nông thôn b. Thành phố c. Nông thôn và thành phố

2. Đường ở đây như thế nào?

3. Nhà cửa ra sao?

1

 


4. Người và xe cộ đi lại như thế nào?

5. Kể tên một số nghề của người dân qua tranh vẽ?

Bước 2: Tổ chức cho học sinh quan sát theo nhóm 4. Tất cả các nhóm có nội dung thảo luận như nhau. Tất cả các thành viên trong nhóm đều tham gia. Đại diện nhóm báo cáo kết quả.

Bước 3: Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả quan sát

Những điểm cần lưu ý khi sử dụng phương pháp này là:

- Thảo luận tránh làm hình thức chỉ có cá nhân nhóm trưởng tham gia

- Giáo viên phải bao quát được lớp học tránh sự lộn xộng khi thảo luận.

Ví dụ:

Dạy bài “Ăn uống đầy đủ” – có thể sử dụng phối hợp phương pháp: thảo luận - hỏi đáp – Trò chơi.

Bước 1: Chuẩn bị nội dung thảo luận

Giáo viên chuẩn bị trước các câu hỏi thảo luận:

- Vì sao chúng ta cần ăn no đủ?

- Tại sao cần phải uống đủ nước?

- Nếu ta thường xuyên bị đói, bị khát thì điều gì sẽ xảy ra?

Bước 2: Học sinh thảo luận các nội dung trên

Bước 3: Đại diện nhóm trình bày ý kiến

Bước 4: Giáo viên tổng kết: Chúng ta cần ăn đủ các loại thức ăn và phải ăn đủ lượng thức ăn; phải uống đủ nước để chúng biến thành các chất bổ dưỡng nuôi dưỡng cơ thể chóng lớn, khoẻ mạnh. Nếu cơ thể thường xuyên bị đói, bị khát thì sẽ mệt mỏi, gầy yếu và có thể còn mắc nhiều bệnh ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc.

Bước 5: Chơi trò chơi tiếp sức…

Tóm lại: Nhờ phối hợp các phương pháp dạy học hiện đại và truyền thống mà học sinh có được cơ hội trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình và tạo điều kiện phát triển kĩ năng giao tiếp, tranh luận mà trước đây chỉ dùng phương pháp truyền thống còn hạn chế.

4. Tăng cường sử dụng thiết bị, ĐDDH sẵn có và tự làm

Sử dụng triệt để, khai thác một cách có hiệu quả ĐDDH được cấp. BGH thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc sử dụng thiết bị, ĐDDH của giáo viên đưa việc sử dụng ĐDDH vào tiêu chí xét thi đua vào cuối kì I và cuối năm học. Hàng năm cần tổ chức thi ĐDDH tự làm, khơi dậy phong trào tự làm ĐDDH, sưu tầm tranh, ảnh tư liệu phục vụ cho từng tiết dạy để bổ sung những thiết bị và đồ dùng mà trường không có, qua đó cũng giải quyết được một phần, khắc phục tình trạng dạy chay, áp đặt kiến thức đối với học sinh.

5. Đổi mới phương tiện dạy học ( UDCNTT)

Phương tiện dạy học truyền thống bao gồm tranh ảnh sách giáo khoa, tranh ảnh sưu tầm, vật thật. Phương tiện hiện đại hiện nay rất phong phú như

1

 


 ứng dụng CNTT, máy thu thanh, máy chiếu …Tuỳ theo nội dung bài dạy, tuỳ theo tình hình thực tế về trình độ giáo viên, tuỳ theo trang thiết bị hiện có của mỗi nhà trường giáo viên lựa chọn thiết bị dạy học phù hợp. Cùng một bài dạy có thể sử dụng các loại đồ dùng dạy học khác nhau làm tăng hiệu quả giờ dạy. vì vậy người giáo viên cần:

- Tích cực hoá chuẩn bị thiết bị dạy học

- Tự học tập nâng cao trình độ sử dụng kĩ thuật hiện đại

Lưu ý khi sử dụng phương tiện dạy học:

- Tuỳ theo điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của giáo viên để lựa chọn phương tịên dạy học phù hợp

- Khi sử dụng xong phải bảo quản thiết bị dạy học, nhất là thiết bị hiện đại để sử dụng lâu dài.

6. Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học như: dạy học cá nhân, học theo nhóm, dạy theo lớp, dạy ngoài thiên nhiên…

Đây là việc làm hết sức cần thiết trong mỗi tiết dạy nhằm làm cho học sinh bớt nhàm chán trong mỗi bài, mỗi tiết học. Có thể sử dụng phối hợp nhiều hình thức dạy học khác nhau trong mỗi giờ dạy nhằm tăng hiệu quả giờ dạy như:

- Lựa chọn hình thức dạy học cho từng bài phù hợp điều kiện cụ thể của lớp học, của địa phương…

- Chuẩn bị tốt cho các hoạt động ngoài trời, những phương án khi có tình huống xấu xảy ra: thời tiết, khách quan mang lại.

Ví dụ: Dạy bài: Cuộc sống xung quanh

Có thể sử dụng hình thức học thảo luận theo nhóm để trao đổi. Trong quá trình thảo luận cần tạo điều kiện cho mọi học sinh đều hoạt động ( sử dụng hình thức “khăn trãi bàn”) để hạn chế việc một mình nhóm trưởng làm việc trong quá trình thảo luận.

Dạy học theo hình thức học ngoài thiên nhiên để học sinh quan sát và nắm thực tiễn

Có thể phối hợp hình thức dạy học ngoài thiên nhiên và thảo luận nhóm để học sinh có hứng thú học tập, hiệu quả giờ dạy cao.

 

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

- Giáo viên là nhân tố quyết định kết quả và hiệu quả đào tạo, việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên là rất quan trọng. Vì thế việc tổ chức cho giáo viên giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy là hết sức cần thiết.

- Đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng tiết học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giờ dạy

- Tăng cường sử dụng thiết bị ĐDDH sẵn có và tự làm sẽ khắc phục được việc dạy chay, học chay sẽ làm tăng hiệu quả tiết dạy và giáo dục.

1

 


- Cần quan tâm ứng dụng CNTT trong dạy học, tạo môi trường học tập sinh động, giúp học sinh tiếp cận với khoa học hiện đại nhằm phát triển tư duy cho học sinh.

- Cần có sự phối hợp tốt giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình.

- Sự kiểm tra đôn đốc kịp thời của BGH, sự chia sẻ, động viên , giúp đỡ của các đoàn thể  và đội ngũ  giáo viên trong đơn vị cũng góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

 

V. KẾT LUẬN

Để phát triển con người toàn diện góp phần hình thành năng lực, phẩm chất, tư duy cho học sinh thì việc dạy tốt tất cả các môn học là một yêu cầu không thể thiếu. Người giáo viên không những dạy tốt các môn Toán, Tiếng Việt hình thành tri thưc cho học sinh mà còn phải dạy tốt tất cả các môn học khác nhau để phát triển một con người toàn diện

Việc dạy tốt môn TNXH là một yêu cầu đã và đang được quan tâm song song với những môn khác. Cùng với việc đổi mới các phương pháp dạy học trong nhà trường tiểu học mà môn TNXH được thay đổi theo hướng tích cực. Giáo viên nhiệt tình, có trình độ tay nghề, trình độ khoa học công nghệ nâng lên sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức giờ học nhẹ nhàng mà hiệu quả giúp học sinh học tập

Dạy học môn TNXH theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, góp phần tạo ra không khí học tập vui tươi hồn nhiên, sinh động làm thay đổi không khí học tập giúp học sinh học tốt các môn học tiếp theo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 


KẾ HOẠCH DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN XÃ HỘI LỚP 1,2,3

 

Tiết:………….( Theo phân phối chương trình)

                      Tên bài:……………………………………

I. Mục tiêu:

- Kiến thức:…………………………………………………………

- Kĩ năng:……………………………………………………...........

- Thái độ:……………………………………………………………

II. Chuẩn bị:

- Giáo viên:…………………………………………………………

- Học sinh:………………………………………………………….

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu:

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

1. Khởi động:

2. bài cũ:

3. Bài mới:

a. Giới thiệu bài:

b. Các hoạt động:

* Hoạt động 1: Tên hoạt động

- Mục tiêu: Nêu mục tiêu hoạt động

- Cách tiến hành: Tiến hành theo mục tiêu hoạt động

- Kết luận: Chốt ý

 

* Hoạt động 1: Tên hoạt động

- Mục tiêu: Nêu mục tiêu hoạt động

- Cách tiến hành: Tiến hành theo mục tiêu hoạt động

- Kết luận: Chốt ý

 

* Hoạt động …..: Tên hoạt động

- Mục tiêu: Nêu mục tiêu hoạt động

- Cách tiến hành: Tiến hành theo mục tiêu hoạt động

- Kết luận: Chốt ý

* Chốt ý chung toàn bài:…..( nếu có)

 

* Hoạt động nối tiếp:

- Củng cố kiến thức ( Kiểm tra, trò chơi)

- Nhận xét tiết học

- Dặn dò

 

 

 

 

- Thực hiện theo mục tiêu, yêu cầu từng hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên

Nêu hình thức tổ chức hoạt động tương ứng

 

 

 

- Nêu hình thức tổ chức hoạt động tương úng

 

 

 

- Nêu hình thức tổ chức hoạt động tương úng

 

RÚT KINH NGHIỆM:…………………………………………………………

…………………………………………………………………………………...

1

 

nguon VI OLET