UBND HUYỆN DUY XUYÊN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

            Số: 129/PGDĐT 

Về việc quy định chuyên môn cấp THCS

 

 

           Duy Xuyên, ngày 22 tháng 9 năm 2016

Kính gửi: Hiệu trưởng các trường THCS

 

 Căn cứ nhiệm vụ năm học 2016-2017của Sở GDĐT Quảng Nam, của Phòng GDĐT huyện Duy Xuyên;

 Căn cứ kết luận của Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam trong Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2016-2017 cấp THCS tại Duy Xuyên ngày 28/8/2016;

 Căn cứ kết luận của lãnh đạo Phòng GDĐT Duy Xuyên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ cấp THCS ngày 12/9/2016;

 Nay bộ phận chuyên môn cấp THCS thống nhất những quy định về chuyên môn bắt đầu từ năm học 2016-2017 như sau:

 I. Về hoạt động dạy học của giáo viên

 1. Hồ sơ của giáo viên: thực hiện theo công văn số 1395/SGDĐT-GDTrH ngày 14/9/2016 của Sở GDĐT Quảng Nam gồm

 - Giáo án (bài soạn)

 - Sổ ghi kế hoạch giảng dạy (sổ báo giảng)

 - Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và công tác.

 - Sổ dự giờ (theo mẫu đã qui định)

 - Sổ điểm cá nhân.

 - Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm)

 * Yêu cầu đối với giáo viên:

  - Giáo viên lên lớp phải thực hiện đúng phân phối chương trình đã được thống nhất trên phạm vi toàn huyện, có đầy đủ giáo án (kể cả các tiết dạy tự chọn, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp), giáo án phải được in ra dưới dạng một văn bản kể cả các tiết dạy được thể hiện trên bảng trình chiếu (vì phần mềm Powerpoint chỉ là phương tiện trình chiếu để phục vụ tiết dạy  như những thiết bị dạy học khác). Đối với giáo viên sử dụng laptop để soạn giáo án khi lên lớp có thể mang theo laptop để giảng dạy theo bài soạn đã soạn trên máy nhưng giáo án tồn tại trong laptop không có giá trị thay thế giáo án khi giáo viên được kiểm tra hồ sơ sổ sách.

  - Về hình thức trình bày giáo án: vẫn không có gì thay đổi, hình thức giáo án có thể là 2, 3 cột (với giáo án 2 cột: cột 1 là các hoạt động của thầy và trò, cột 2 là dự kiến nội dung bài ghi của học sinh; với giáo án 3 cột: cột 1 là hoạt động của thầy, cột 2 là hoạt động của trò và cột 3 là dự kiến nội dung bài ghi của học sinh) riêng bộ môn tiếng Anh phổ biến hiện nay là giáo án 1 cột.

  - Về nội dung giáo án:

  + Giáo án dù được trình bày dưới hình thức bao nhiêu cột cũng phải đảm bảo thể hiện được quá trình lên lớp của giáo viên với từng hoạt động cụ thể gắn với những nội dung nhất định. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng, trên giáo án phần Mục tiêu cần đạt giáo viên phải thể hiện rõ các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng và dạy học theo định hướng phát triển năng lực một cách cụ thể như sau:

I. Mục tiêu cần đạt:

   1. Kiến thức:

   2. Kĩ năng:

   3. Thái độ: (ở một số tiết nhất định có thể không có mục tiêu thái độ)

   4. Năng lực hình thành cho học sinh (chỉ nêu những năng lực chung)

  + Mục tiêu cần đạt chính là những chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ mà học sinh phải lĩnh hội và hình thành khi tiếp thu bài hc, điều này phải được cụ thể hóa trong từng hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh ví dụ: trong một tiết học có 4 hoạt động  thì trong từng hoạt động 1, 2, 3, 4 giáo viên phải nêu rõ từng hoạt động đạt được mục tiêu là cung cấp cho học sinh kiến thức, kĩ năng. thái độ và năng lực gì. Các hoạt động của tiết dạy phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu đã được đặt ra ở phần Mục tiêu cần đạt.

 II. Về hoạt động của tổ chuyên môn: Tăng cường tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá thông qua nghiên cứu bài học; vận dụng các tiêu chí phân tích, rút kinh nghiệm bài học và tổ chức các hoạt động chuyên môn qua mạng theo hướng dẫn tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 của Bộ GDĐT.

 1. Về hồ sơ sổ sách của tổ chuyên môn: vẫn thực hiện theo các mẫu trước đây Phòng GDĐT đã gửi về để tiện cho việc quản lí tổ và làm hồ sơ trường chuẩn sau 5 năm và kiểm định chất lượng giáo dục.

 2. Về hoạt động của tổ chuyên môn:

 a. Sinh hoạt tổ: Tổ chuyên môn sinh hoạt 2 tuần một lần. Hoạt động của tổ phải đi vào chiều sâu và mang tính hiệu quả cao. Các hoạt động  tập trung vào vấn đề chuyên môn, ưu tiên gải quyết, thống nhất những vấn đề khó, vướng mắc trong quá trình giảng dạy, thống nhất đề kiểm tra, xây dựng chủ đề dạy học, thảo luận chuyên đề, thao giảng, dự giờ, phân tích chất lượng, sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn qua trường học kết nối…nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên trong tổ.

 b. Về dạy học theo chủ đề: Đối với môn có tiết 2 tiết/tuần thì xây dựng 01 chủ đề/HK; đối với môn 3 tiết trở lên/tuần xây dựng 02 chủ đề/học kì (đối với 7 bộ môn đã tập huấn; riêng bộ môn Tiếng Anh tổ chức dạy học theo thống nhất của bộ môn). Các chủ đề phải đảm bảo theo số tiết của PPCT. Chủ đề khi triển khai dạy phải được kí duyệt của TTCM và PHT, lưu trong hồ sơ TCM, kế hoạch dạy học theo chủ đề giáo viên trong nhóm được sử dụng chung (thay cho giáo án của các tiết đó và lưu trong giáo án). Việc tổ chức dạy giao cho PHT và TTCM quản lí sao cho phù hợp để tránh chồng chéo với các tiết khác trong PPCT.

 - Kế hoạch dạy học theo chủ đề thực hiện theo mẫu (đính kèm), riêng bộ môn Vật lí thực hiện theo mẫu thống nhất của bộ môn.

 c. Tổ chức chuyên đề: Mỗi tổ chuyên môn thực hiện 2 chuyên đề/HK. Các chuyên đề phải tập trung để nâng cao chất lượng dạy học. Việc chọn chuyên đề không nên quá rộng mà cần tập trung vào những vấn đề cụ thể trong dạy học.

 - Mỗi chuyên đề phải thực hiện đúng qui trình: Chọn đề tài, tổ góp ý xây dựng giáo án, cử giáo viên dạy từ 4 đến 6 tiết dạy minh hoạ sau đó mới có cơ sở tổng kết chuyên đề và rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng thực tiễn. Hình thức dự giờ cũng được thay đổi: người dự tập trung quan sát hoạt động học sinh.Tất cả các hồ sơ liên quan đến chuyên đề như: kế hoạch thực hiện chuyên đề, nội dung chuyên đề, các phiếu dự giờ (photo), biên bản sơ tổng kết chuyên đề đều phải được lưu thành 01 tập trong hồ sơ tổ chuyên môn.

 - Bố cục chuyên đề: Chuyên đề không phải viết như một sáng kiến kinh nghiệm mà chỉ gồm các phần sau

 1. Sự cần thiết phải thực hiện chuyên đề.

 2. Mục đích chuyên đề.

 3. Thời gian, phạm vi (khối hay trường) số tiết thực hiện chuyên đề.

 4. Nội dung chuyên đề ( cần tập trung sâu vào các giải pháp thực hiện)

5. Kết quả đạt được:

a) Kết quả cụ thể

b) Bài học kinh nghiệm.

c) Những thống nhất chung cần vận dụng vào giảng dạy.

 d. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học: tổ chức 2 lần/HK (như đã thống nhất trước đây theo công văn 203/PGDĐT ngày 22/9/2015). Việc tổ chức sinh hoạt này có thể kết hợp với việc dự giờ dạy học theo chủ đề hoặc tổ chức triển khai chuyên đề, hoặc hội giảng, thao giảng..

 e. Đẩy mạnh việc sinh hoạt chuyên môn qua trường học trực tuyến. Mỗi giáo viên đều phải có tài khoản và thường xuyên tham gia sinh hoạt qua mạng. Hiệu trưởng cần kiểm tra việc thực hiện của giáo viên và xem đây là tiêu chí trong việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

III. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

Tiếp tục đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục học sinh; tăng cường mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau giữa các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học - giáo dục, đánh giá trong quá trình dạy học - giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

1. Đổi mới phương pháp dạy học

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh; đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học; tập trung dạy cách học, cách nghĩ; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; chú ý việc tổ chức dạy học phân hoá phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.

2. Đổi mới kiểm tra và đánh giá

- Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tậpvề kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho cách kiểm tra hiện hành.

- Kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, hướng dẫn, sửa sai, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Đối với học sinh có kết quả bài kiểm tra định kỳ không phù hợp với những nhận xét trong quá trình học tập (quá trình học tập khá, tốt nhưng kết quả kiểm tra yếu, kém hoặc ngược lại), giáo viên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nếu thấy cần thiết và hợp lý thì có thể cho học sinh kiểm tra lại.

- Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra theo ma trận và viết câu hỏi phục vụ ma trận đề. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết: nhắc lại hoặc mô tả đúng kiến thức, kỹ năng đã học; Thông hiểu: diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kỹ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình, có thể thêm các hoạt động phân tích, giải thích, so sánh, áp dụng trực tiếp (làm theo mẫu) kiến thức, kỹ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập; Vận dụng: kết nối và sắp xếp lại các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết thành công tình huống, vấn đề tương tự tình huống, vấn đề đã học; Vận dụng cao: vận dụng được các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn; đưa ra những phản hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh ở từng học kỳ và từng khối lớp, giáo viên và nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

- Kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn (khoảng 1 đến 2 điểm) để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

- Việc ra đề phải phải đảm bảo đánh giá được năng lực học sinh. Cơ cấu đề: đối với đề kiểm tra thường xuyên: 50% TN và 50% TL (hoặc 40% TN và 60% TL); đối với đề kiểm tra định kì: 30% TN và 70 TL. Mức độ của đề là: 30% nhận biết, 40% Thông hiểu và 30% vận dụng  (20% vận dụng thấp; 10% vận dụng cao).

Trên đây là một số nội dung thống nhất chung trong chuyên môn của cấp THCS, đề nghị Hiệu trưởng các trường nghiêm túc tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, có vấn đề gì vướng mắc, các tổ, nhóm chuyên môn liên hệ số điện thoại 3877910 để được hướng dẫn.

   Nơi nhận:                                                                KT.TRƯỞNG PHÒNG

- Các trường THCS,           PHÓ TRƯỞNG PHÒNG

- Lưu VT, THCS,

   Sơn (03 bản).        

         ( Đã kí và đóng dấu)

 

 Lê Trung Thiêng

 

 

 

nguon VI OLET