ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

         BCH TỈNH NGHỆ AN

                       ***

              Số:  25 KH/TĐ

              

                  Tp Vinh, ngày 17  tháng 01 năm 2013

KẾ HOẠCH

Tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp vua Mai

và cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu "

------

 

Thực hiện kế hoạch số 695/KH.UBND.VX ngày 27/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc tổ chức lễ kỷ niệm 1300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu (713 – 2013), 1290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế và Lễ hội đền Vua Mai năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An triển khai Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của vua Mai và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ trong toàn tỉnh về tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, củng cố, duy trì nền độc lập, tự chủ nước nhà; Tưởng nhớ công đức của Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và người thân trong gia đình Vua Mai cùng các tướng sĩ, nhân dân đã ngã xuống trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

- Cổ vũ, động viên cán bộ, ĐVTN tỉnh nhà thi đua hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp đề ra góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh.

2. Yêu cầu

Cuộc thi được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, ĐVTN tham gia…, thiết thực chào mừng kỷ niệm 1300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu (713 – 2013), 1290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế và Lễ hội đền Vua Mai năm 2013.

 

II. NỘI DUNG

1. Tìm hiểu quê hương, gia đình và thân thế của người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan.

2. Tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa này đối với lịch sử dân tộc.

3. Hành động của tuổi trẻ hôm nay để xứng đáng với công lao to lớn mà Mai Thúc Loan từng đóng góp cho lịch sử dân tộc, những hoạt động thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa có liên quan đến danh nhân Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu.

1

 

 

 


 

III. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC

1. Đối tượng

Cán bộ, ĐVTN, nhân dân đang sinh sống, công tác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Hình thức: Thi viết “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của vua Mai và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu” (Có thể lệ kèm theo).

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Thành lập Ban tổ chức cuộc thi: Gồm đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; các đồng chí Thường trực, UVBTV Tỉnh đoàn, Huyện Nam Đàn, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An (Có quyết định cụ thể).

2. Tổ chức Lễ phát động

2.1. Thành phần:

- Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Văn xã.

- Đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở GD &ĐT tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông.

- Ban Tổ chức Cuộc thi.

- Lãnh đạo huyện Nam Đàn.

- Các cơ quan báo chí trong tỉnh, trung ương, địa phương thường trú: Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Nghệ An, Báo Lao động Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Báo Nhân Dân, Báo QĐND, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Báo Tiền phong, Báo Thanh niên.

- Lực lượng điều động: khoảng 500 ĐVTN thanh niên

2.2. Thời gian: Dự kiến ngày 22/01/2013.

2.3. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị huyện Nam Đàn

2.4. Chương trình:

- Chương trình văn nghệ.

- Chào cờ, nghi lễ

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

- Thường trực Tỉnh đoàn phát động cuộc thi

- Phát biểu hưởng ứng của tuổi trẻ

- Công bố thể lệ, hướng dẫn triển khai cuộc thi.

- Bế mạc buổi lễ.

3. Thời gian dự thi và địa điểm thu bài

- Bắt đầu tính từ khi Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh công bố Kế hoạch, Thể lệ cuộc thi. Hạn cuối cùng nộp bài thi là ngày 8/02/2013 (Thứ 6)

- Địa điểm nhận bài: Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, Số 22 Đương Trường Thi, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.

4. Thành lập Ban giám khảo: Do Ban t chức cuộc thi quyết định.

1

 

 

 


5. Chấm thi: Ban Giám khảo Cuộc thi tổ chức chấm theo tiêu chí, thang điểm được Ban Tổ chức Cuộc thi quy định.

6. Tổng kết và trao giải: Tối ngày 22/02/2013 tại Huyện Nam Đàn

V. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

1. Giải tập thể:

01 giải nhất

02 giải nhì

03 giải ba

05 giải khuyến khích

2. Giải cá nhân:

- 01 giải nhất.

- 02 giải nhì.

- 03 giải ba.

- 10 giải khuyến khích.

VI. KINH PHÍ

Nguồn kinh phí lễ kỷ niệm 1300 năm Khởi nghĩa Hoan Châu (713 – 2013), 1290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế và Lễ hội đền Vua Mai năm 2013 do UBND tỉnh cấp.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh đoàn Nghệ An

- Giao Ban Tuyên giáo làm bộ phận Thường trực chỉ đạo cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của vua Mai và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu”.

- Chủ trì, phối hợp với huyện Nam Đàn chỉ đạo triển khai cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của vua Mai và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu”.

- Tham mưu Kế hoạch triển khai cuộc thi, thành lập Hội đồng Cố vấn cuộc thi, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi.

- Lập dự trù kinh phí trình UBND tỉnh cấp tổ chức cuộc thi.

- Biên soạn, cung cấp tài liệu tham khảo, phối hợp Đài phát thanh truyền hình, Báo Nghệ An tuyên truyền cuộc thi.

- Tổ chức, điều hành lễ phát động, tổng kết cuộc thi cấp tỉnh.

- Thường xuyên theo dõi kiểm tra đôn đốc việc tổ chức thực hiện cuộc thi tại các địa phương đơn vị.

2. Huyện ủy – UBND huyện Nam Đàn

Phối hợp Tỉnh đoàn chỉ đạo triển khai cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của vua Mai và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu”; Chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức Lễ phát động, Ltổng kết trao giải thưởng cuộc thi.

 

 

3. Các huyện, thành, thị Đoàn và Đoàn các đơn vị trực thuộc

- Tổ chức phát động, triển khai cuộc thi trong đông đảo cán bộ, ĐVTN, học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi

1

 

 

 


. Để đảm bảo chất lượng, thời gian tổng kết cuộc thi cuộc thi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giao chỉ tiêu số lượng bài dự thi tham gia cuộc thi cho các đơn vị (Có bảng phân bổ gửi kèm).

- Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng về cuộc thi trong đông đảo cán bộ, ĐVTN, học sinh, sinh viên.

4. Ban Thường vụ huyện Đoàn Nam Đàn

- Phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, Ban Tổ chức cấp tỉnh tổ chức tốt Lễ phát động, Lễ Tổng kết cuộc thi.

- Chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai cuộc thi đảm bảo chất lượng, số lượng, thời gian.

Căn cứ Kế hoạch, đề nghị Ban Thường vụ các huyện, thành, thị đoàn và Đoàn trực thuộc, các bộ phận liên quan triển khai thực hiện. Mọi thông tin liên lạc về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An qua Ban Tuyên giáo, ĐT: 0383 844572, Email:tinhdoannghean@gmail.com

Thông tin về cuộc thi được đăng tải tại Website:tinhdoannghean.vn

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương (b/c);

- Ban Tuyên giáo Trung ương (b/c);

- Ban TG Tỉnh ủy (b/c);

- UBND tỉnh (b/c);

- Huyện uỷ Nam Đàn (p/h);

- Các huyện, thành, thị Đoàn và Đoàn trực thuộc;

- Thành viên Ban Tổ chức cuộc thi;

- TT, các ban Tỉnh đoàn;

- Lưu VT, BTG.

TM. BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ĐOÀN

BÍ THƯ

 

(Đã ký)

 

 

 

   Nguyễn Đình Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH TỈNH NGHỆ AN

***

              

    Tp Vinh, ngày    tháng 01 năm 2013

1

 

 

 


 

CÂU HỎI VÀ GỢI Ý TRẢ LỜI CUỘC THI

"Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Mai Hắc Đế

và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu"

 

I. Phần câu hỏi:

 

   Câu 1: Hiểu biết của bạn về quê hương, gia đình và thân thế của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan?

  Câu 2: Hoàn cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu? Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa này đối với đối với lịch sử dân tộc?

  Câu 3: Theo bạn, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên quê hương xứ Nghệ hôm nay cần phải làm gì để xứng đáng với công lao to lớn mà Mai Thúc Loan đã đóng góp cho lịch sử dân tộc ta; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá có liên quan đến danh nhân Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu?

 

II. Phần gợi ý trả lời:

 

 1. Đối với câu hỏi 1: Vì cho đến đến nay vẫn còn một số ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất về vấn đề quê hương, dòng họ cũng như gia đình của Mai Thúc Loan, cho nên khi tìm hiểu vấn đề này, người dự thi cần lựa chọn thông tin mà mình cho là đáng tin cậy nhất. Về đại thể, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:

  Ý 1: Về quê hương của Mai Thúc Loan

  - Mai Thúc Loan còn được gọi với tên khác như Mai Huyền Thành, Mai Lập Thành, Mai Thúc Yên... Cho đến nay chúng ta chưa xác định được năm sinh và cũng chưa hoàn toàn thống nhất về năm mất của Mai Thúc Loan. Theo Lý Tế Xuyên trong tác phẩm Việt điện u linh, (bản dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr.130) cho rằng, Mai Thúc Loan mất năm 722. Nhưng Gia phổ họ Mai đại tông, làng Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và một số tài liệu khác cho rằng Mai Thúc Loan mất vào năm 723.

 -  Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần đông các nhà nghiên cứu cho rằng, gốc tích của Mai Thúc Loan là người quê ở Mai Phụ - một làng ven biển, huyện Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu xưa (nay thuộc làng Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nhưng được sinh ra và lớn lên ở vùng Ngọc Trừng (nay thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), vì khi đang mang thai Mai Thúc Loan thì thân mẫu đã rời quê đến vùng đất này sinh sống.

  -  Lộc Hà và Nam Đàn nói riêng, Hà Tĩnh và Nghệ An nói chung, từ xưa tới nay vốn được coi là vùng đất kiên cường chống giặc ngoại xâm và có truyền thống đấu tranh cách mạng, có truyền thống hiếu học, tạo dựng được đặc sắc văn hoá xứ Nghệ. Nơi đây từng liên tục xuất hiện những anh hùng, danh nhân lẫy lừng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc xây dựng đất nước và Mai Thúc Loan là một trong số những tấm gương tiêu biểu như thế.

  -  Từ năm 1976, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An nhập lại thành một tỉnh với tên gọi Nghệ Tĩnh, nhưng từ tháng 9 năm 1991 lại tách ra thành tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó có thể nói, nếu như Hà Tĩnh là vùng đất cội nguồn và nuôi dưỡng dòng họ Mai của Mai Thúc Loan, thì Nghệ An là nơi Mai Thúc Loan sinh ra, trưởng thành, nuôi dưỡng tâm hồn khí phách, chứng nhận và ghi lại nhiều dấu tích trong sự nghiệp chiến công hiển hách của ông.   

1

 

 

 


 Ý 2: Về gia đình, thân thế Mai Thúc Loan  

 Hiện nay đang có nhiều tài liệu ghi chép không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau về gia thế của Mai Thúc Loan. Nhưng dựa trên kết quả nghiên cứu của một số tác giả đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc về "Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu" (Nxb KHXH, HN, 2009) cùng một số tài liệu khác như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (Nxb Văn học, HN, 2008), kết quả nghiên cứu của tác giả Trần Bá Chí (Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 68, tháng 11 - 1964)..., chúng ta có thể nêu ra mấy vấn đề sau đây:

  - Mai Thúc Loan xuất thân trong một gia đình tại đất Hoan Châu thuộc quận Nhật Nam xưa. Cha ông là Mai Sinh và mẹ là Vương Thị, đều là những người hiền đức. Năm ông lên 10 tuổi, phụ mẫu đều lần lượt qua đời. Sau đó, Mai Thúc Loan về làm con nuôi ông Đinh Thế - một người bạn của cha Mai Thúc Loan. Vào độ tuổi trưởng thành, Mai Thúc Loan là một nam nhi khỏe mạnh, “có chí lớn, đầu hổ, mắt rồng, tay vượn, dũng cảm, đa tài”(Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Nxb.Văn học, H, 2008, tr.51). Đinh Thế cảm mến bèn gả con gái mình là Đinh Ngọc Tô cho Mai Thúc Loan. Nhờ người vợ hiền thục, hiếu thảo, vừa thông minh, chịu khó việc nhà lại tài giỏi việc canh tác, nên “gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày càng đông”(Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Nxb.Văn học, H, 2008, tr.52).

 -  Theo các tài liệu ghi lại thì Mai Thúc Loan có 2 người vợ. Vợ đầu là bà Đinh Ngọc Tô - con gái của Đinh Thế. Vợ thứ là bà Phạm Thị Uyển. Bà không chỉ là người từng sát cánh bên Mai Thúc Loan trong cuộc kháng chiến chống ách thống trị của nhà Đường, từng cùng với hoàng tử Mai Bảo Sơn chỉ đạo nghĩa quân chiến đấu với quân của Dương Tư Húc trên sông Tô Lịch (Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc, Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, Nxb.KHXH, 2009, H, tr.122-123).

 -  Theo thống kê của tác giả Đinh Lê Yên thì Mai Thúc Loan có 4 người con, 1 gái 3 trai, lần lượt là: Mai Thị Cầu, Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn và Mai Thúc Huy. Các con của vua Mai đều rất anh dũng, từng giúp cha mình tham gia một số trận chiến đấu khi Mai Thúc Loan đang sống và sau khi đã qua đời (Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc, Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, Nxb.KHXH, 2009, H, tr.122-123) .                   

   - Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đã bị phong kiến phương Bắc đô hộ hàng trăm năm, lại từng trải qua những năm tháng tuổi thơ không mấy em đềm. Ngoài việc được kế thừa truyền thống văn hoá, hiếu học của quê hương và dòng họ, Mai Thúc Loan còn sớm phải lăn lộn với cuộc sống tự lập, nên có nhiều cơ hội nhận thức về tình cảnh khổ nhục của nhân dân dưới ách đô hộ của ngoại bang. Do vậy, ông đã sớm có ý thức vùng lên chống giặc, cứu nước, cứu dân, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc.

 -  Không cam phận là một nam nhi chỉ ru rú ở nơi quê nhà, Mai Thúc Loan đã sớm ý thức được việc phải tiến hành liên kết bè bạn các nơi, để tạo thành một lực lượng hậu thuẫn, nhằm thực hiện tâm nguyện đánh giặc của mình. Nên Mai Thúc Loan đã nói với vợ trước khi lên đường tìm bạn tâm giao rằng: “Kẻ nam nhi sinh không hợp thời, gặp nhiều vận bĩ, ngày tháng trôi qua, nhanh như bánh xe, thật đáng tiếc vậy. Nay ta vốn có chí bình định thiên hạ, đi khắp hải nội để giao kết với hào kiệt bốn phương cùng lập sự nghiệp. Nàng ở nhà nuôi giữ con ta, lại chăm việc nông trang, tích trữ lương thảo để chờ lúc lâm thời dùng đến…”(Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, Sđd, tr.52 - 53). Từ khát vọng ban đầu ấy, Mai Thúc Loan tiến hành chiêu tập nghĩa sĩ, dựng thành đắp lũy, chuẩn bị binh mã chờ thời cơ khởi nghĩa, làm nên chiến công lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam - khởi nghĩa Hoan Châu, thành lập vương triều tự chủ của người Việt - vương triều họ Mai, xưng đế của một nước tự chủ - Mai Hắc Đế.

  2. Đối với câu hỏi 2, tập trung vào mấy nội dung chính sau đây:

1

 

 

 


  a) Bối cảnh lịch sử trước khi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hoan Châu

 Ý 1: Nhà Đường thiết lập bộ máy cai trị

  - Năm 618, Tùy Dạng Đế bị giết, Lý Uyên tự xưng làm Hoàng đế (tức Đường Cao Tổ: 618-626), đổi quốc hiệu là Đường. Sau khi cơ bản giải quyết ổn thoả những vấn đề nội bộ, xây dựng được chính quyền tương đối vững mạnh, nhà Đường tăng cường nền đô hộ trên đất nước ta, tiến hành bãi bỏ các quận do nhà Tuỳ đặt ra trước đó, khôi phục lại các châu có từ thời Nam Bắc triều. Lúc bấy giờ chúng chia nước ta thành 12 châu gồm: Giao châu, Phong châu, Trường châu, Ái châu, Hoan châu, Diễn châu, Phú Lộc châu, Lục châu, Thang châu, Chi châu, Vũ Nga châu, Vũ Yên châu.

 - Để dễ dàng tiến hành các chính sách cai trị và bóc lột, nhà Đường lập Giao châu Tổng quản phủ vào năm 622, sau đổi thành Giao châu Đô đốc phủ và đến năm năm 679 lại đổi thành lập An Nam đô hộ phủ, từ đó Giao châu cũng gọi là An Nam. Năm 757 thì An Nam đô hộ phủ đổi thành Trấn Nam đô hộ phủ nhưng đến 768 thì trở lại tên An Nam đô hộ phủ (Theo Hoàng Quốc An: Sử quan hệ Trung - Việt, Nxb Nhân dân Quảng Tây, tr.35, bản Trung văn). An Nam đô hộ phủ có một vai trò quan trọng trong hệ thống phòng ngự biên cương của triều Đường, là một tổ chức chính quyền có quyền hạn rất lớn, có quân thường trực và làm nhiệm vụ “Thống quản các phiên, gồm các việc vỗ về, đánh dẹp, thưởng công, phạt tội, quyết định chung các việc trong phủ”(Tân Đường thư, quyển 49 hạ, Bách quan tứ, hạ).

 - Chính sách thống trị của triều Đường đối với nước ta về cơ bản được An Nam Đô hộ phủ thực thi cụ thể. Ngoài ra, chúng còn tiến hành nhiều chính sách mua chuộc các hào trưởng, tù trưởng bản xứ để dễ bề cai trị.

   Ý 2: Nhà Đường thi hành chính sách bóc lột thậm tệ 

  - Nhà Đường vẫn duy trì hình thức bóc lột truyền thống mà nhà Tuỳ từng thực hiện.

 + Bóc lột dưới hình thức cống nạp các sản vật quý hiếm. Hàng năm các châu thuộc An Nam phải tiến cống những sản vật địa phương như đậu khấu, lông chim trả, da cá, đồi mồi, ngà voi, sừng tê giác, mật trăn, mật ông, vải tơ, hương liệu, vàng bạc, lông công..., các sản phẩm dệt như sa, the ...

  + Bóc lột thuế má nặng nề bao gồm tô, dung, điệu cùng một số loại thuế khác nữa. Theo yêu cầu của nhà Đường, hàng năm nhân dân ta phải nộp tô cho chúng bằng lúa; nộp thuế điệu bằng lụa, the, lĩnh, bông; chịu thuế dung cho chúng bằng sai dịch. Định mức nộp thuế tô, dung điệu cụ thể như sau: “Mỗi suất đinh được một khoảnh ruộng, hàng năm phải nộp tô 2 hộc thóc. Thuế điệu mỗi năm phải nộp 2 tấm lụa, 2 trượng lĩnh, the (nếu không nộp lụ mà nộp vải thì phải tăng thêm một phần năm), 3 lạng bông (hoặc 3 cân đay), hoặc nộp bạc thì phải 14 lạng”(Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T. I, Nxb.Giáo Dục, H, 1998, tr.187). Thuế dung mỗi năm phải chịu sai dịch 20 ngày, không ứng dịch thì cứ mỗi ngày nộp 2 thước lụa (theo Tân Đường thư, phần Thực hóa chí).

 Ở miền núi, các Tù trưởng đốc thúc nhân dân cống nạp sản vật, rồi đem nộp cho quan đô hộ. Ở miền xuôi, các Hương trưởng, Huyện lệnh đốc thúc nhân dân chịu thuế dịch, khai thác tài nguyên nộp cho chính quyền đô hộ. Ngoài ra nhân dân ta còn phải đóng rất nhiều thứ khác. Bọn quan lại nhà Đường ở Giao châu, ngoài việc thu tô thuế cống phẩm cho triều đình còn tranh thủ vơ vét của cải làm giàu cho bản thân, “do tiền gạo mà tiến thân, hơn nữa đất An Nam là nơi giàu có, tích lũy, tụ tập được của cải, vốn liếng càng nhiều (Tân Đường thư. Q 179). “Bọn quan lại tham ô ngốt vì tiền rừng, bạc bể, coi An Nam là món hàng buôn có lời, nên họ mới kéo bễ đỏ cả núi, đánh cá kiệt cả chằm” (Cao Hùng Trưng: An Nam chí, Bài tựa).

1

 

 

 


   Ý 3: Chính sách thống trị tàn khốc, bóc lột thậm tệ của chính quyền triều Đường, cộng thêm sự tham lam tàn bạo, tận thu vơ vét của tầng lớp quan lại thống trị tại địa phương đã khiến cho cuộc sống của nhân dân ta nói chung và của người dân vùng Hoan Châu nói riêng ngày càng thêm cùng cực. Mẫu thuẫn giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ ngoại bang ngày càng gay gắt. Đây chính là nguồn gốc sâu xa dẫn đến những cuộc nổi dậy của các tầng lớp nhân dân ta chống lại ách đô hộ tàn bạo của chính quyền phong kiến ngoại bang. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của triều Đường bắt đầu nổ ra từ giữa thế kỷ VII, bùng lên mạnh mẽ hơn vào cuối thế kỷ VII và đặc biệt là đầu thế kỷ VIII. Trong đó, đáng kể là cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên lãnh đạo năm 687 (sau đó là Đinh Kiến và Lý Tư Thận tham gia lãnh đạo). Quân khởi nghĩa đã giết chết Đô hộ Lưu Diên Hựu, chiếm được Đô hộ phủ, làm chủ một vùng đất Giao Châu. Nhưng sau đó, triều Đường nhanh chóng đem quân đàn áp làm cho cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, các thủ lĩnh Đinh Kiến, Tư Thận bị sát hại, nghĩa quân tan rã. Cuộc khởi nghĩa do Lý Tự Tiên, Đinh Kiến lãnh đạo tuy thất bại, nhưng nó báo hiệu cho một phong trào đấu tranh tiếp theo của nhân dân miền Trung- Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo vào đầu thế kỷ VIII.

   b) Diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu

Ý 1: Tập hợp, liên kết lực lượng, xây dựng căn cứ

  -  Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lớn, Mai Thúc Loan đã tiến hành liên kết bè bạn các nơi có cùng chí hướng, tạo thành một lực lượng hậu thuẫn, nhằm hiện thực tâm nguyện đánh giặc của mình. Sau một thời gian tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, chỉ tính riêng số quân thường xuyên túc trực tại gia đình Mai Thúc Loan dưới danh nghĩa là “thực khách” đã lên tới vài nghìn người. Sách Việt điện u linh chép “Thực khách trong nhà thường có đến mấy nghìn người”. Ngoài ra, không thể biết hết được toàn bộ số quân được dự trữ, cất giấu tại Hoan Châu, Ái Châu, Diễn Châu - đất bản bộ của Mai Thúc Loan cùng các địa phương khác như vùng biển Hải Phòng, vùng châu thổ sông Hồng - nơi có các chiến hữu của Thúc Loan đang hoạt động. Theo sách Việt điện u linh thì “Nhà vua (Mai Thúc Loan) thấy mọi người hoàn toàn hợp nhau, bèn mở tiệc lớn, đem gia tài để cung phụng tân khách” và “Trong một tuần, xa gần hưởng ứng, có quân hơn mười vạn”.

 -  Mai Thúc Loan cùng các bạn hữu tìm kiếm, xây dựng căn cứ quân sự ngay tại quê hương của mình. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu địa phương: Địa bàn của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo tương ứng với các xã Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Thanh, Nam Thái, Nam Thượng, Thị trấn Nam Đàn (thuộc Tả ngạn sông Lam) và Nam Tân, Nam Lộc (thuộc Hữu ngạn sông Lam, huyện Nam Đàn, Nghệ An ngày nay). Mai Thúc Loan đã chú trọng đầu tư, thiết lập hệ thống căn cứ để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa gồm có: thành Vạn An, Vệ Sơn, Hùng Sơn, Ngọc Đái Sơn...

  - Sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng về lực lượng quân số cùng với hệ thống đồn lũy tại quê nhà, Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh và quân khởi nghĩa phác thảo một kế hoạch tấn công cụ thể vào trị sở của bọn đô hộ nhà Đường đặt tại Hoan Châu. Trước hết, Mai Thúc Loan bố trí lại lực lượng và hình thành một bộ chỉ huy quân sự chiến trường. Ông cử Phùng Hậu giữ chức Quân sư, Thôi Thặng làm Thái Úy, Phục Trương Thủ làm Tham mưu, Đàn Văn Du làm Tán nghị, Mao Hoành làm Thái trung Đại phu, Tùng Thu làm Trị trung Nội sử, Khổng Qua làm Thảo lỗ Tướng quân, Cam Hề làm Định biên Hiệu úy, Sĩ Lâm làm Hộ quân, Bộ Tân làm Lang tướng. Mai Thúc Loan chia quân lính làm bốn đạo, mỗi đạo lại chia làm ba quân, mỗi quân có 1000 người do một viên Trung úy suất lĩnh để nghe hiệu lệnh. Ngoài ra, ông còn gọi nhân dân các vùng Diễn Châu, Ái Châu tham gia, phối hợp với nhân dân các vùng Lâm Ấp và Chân Lạp để phối hợp tác chiến (Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc: Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, tr.66).

1

 

 

 


  Ý 2: Đánh chiếm Hoan Châu, mở rộng địa bàn, truy kích quân Đường ra Tống Bình

 - Vào năm 713 (năm đầu niên hiệu Khai Nguyên của vua Đường Huyền Tông), Mai Thúc Loan phát động cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Do việc chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ lực lượng quân đội đến hệ thống đồn lũy, căn cứ cùng hậu cần vật chất của quân khởi nghĩa từ trước, cho nên khi cuộc khởi nghĩa vừa nổ ra lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân toàn thể vùng Hoan Châu, Diễn Châu và Ái Châu. Nghe tin ông dựng cờ xướng nghĩa, tướng lĩnh tài giỏi nhiều nơi đưa quân về tụ hội, trong đó nổi lên “hai tướng quân họ Nguyễn đã đem 100 quân nhà đến giúp Mai Thúc Loan” (Trần Bá Chí: Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông, Tạp chí NCLS, số 68, tháng 11/1964, tr.55.). Các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân cũng cử quân đến trợ giúp chiến đấu.

 Cựu Đường thư cho biết: “Năm đầu niên hiệu Khai Nguyên [vua Đường Huyền Tông], thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng là [Mai] Hắc Đế, cùng thông mưu với các nước Lâm Ấp và Chân Lạp vây hãm phủ [Đô hộ] An Nam” (Theo Cựu Đường thư, q.184, Liệt truyện 134, tờ 2a, Sđd, bản Trung văn). Tân Đường thư cũng chép với nội dung tương tự: “Năm đầu niên hiệu Khai Nguyên (Đường Huyền tông), thủ lĩnh man An Nam là Mai Thúc Loan làm phản, xưng là Hắc đế tập hợp dân chúng 32 châu, bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân chiếm cứ vùng Hải Nam, số lượng đông tới 40 vạn người” (Theo Tân Đường thư - quyển 207, Liệt truyện 132, tờ 7a, Sđd, bản Trung văn).

 -  Nhận được sự hưởng ứng từ khắp nơi trong vùng, nghĩa quân nhanh chóng làm chủ tình thế, tiến đánh một bộ phận chính quyền đô hộ đóng tại châu lỵ Hoan Châu ở Sa Nam, tiếp theo nghĩa quân lại bao vây và phá vỡ châu lỵ Diễn Châu.

  Trước khí thế áp đảo mạnh mẽ của quân khởi nghĩa, bọn quan lại cùng tay sai tại các châu, huyện sợ hãi xin hàng, một số bỏ chạy về phủ trị An Nam Đô hộ phủ đóng tại Tống Bình (Hà Nội ngày nay) báo tin thất trận cho viên Đô hộ đương thời là Quang Sở Khách. Quân khởi nghĩa tiếp tục truy đuổi bọn tàn quân và trên đường tiến quân ra Tống Bình, kết hợp với lực lượng khởi nghĩa tại chỗ của các địa phương đã liên tiếp đánh hạ được nhiều căn cứ quân sự của bọn đô hộ nhà Đường đóng tại Ái Châu và dọc ven biển miền Trung nước ta.

  Đô hộ Quang Sở Khách nghe tin quân khởi nghĩa tiến đánh ra Tống Bình, vội vàng cho quân đóng giữ chặt cửa thành, cố thủ không ra chiến đấu, mặt khác phái người về cầu cứu viện binh từ các vùng Quế Châu, Quảng Châu.

  Ý 3: Mai Thúc Loan xưng Đế, thành lập chính quyền, ổn định nội trị

 - Theo các tài liệu ghi chép thì, khi chiếm xong Hoan Châu, Mai Thúc Loan còn ngại ngần chưa dám xưng vua nhưng sau đó cũng quyết định lên ngôi vua. Ông tự xưng là Mai Hoàng đế, tức là ông vua họ Mai, với ý nghĩa là người đứng đầu quản lãnh công việc vùng đất phương Nam không chịu thua kém các vua phong kiến phương Bắc. Ông là người xưng Hoàng đế thứ hai sau Lý Nam Đế, điều này thể hiện ý thức quốc gia rất mạnh mẽ trong tư tưởng của Mai Thúc Loan.

  - Sau khi lên ngôi, Mai Hắc Đế cho lập triều đình họ Mai, xây dựng chính quyền tự chủ, thiết lập quốc đô tại Vạn An (muôn đời yên lành), ổn định tình hình đất nước. Cho đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa có những tư liệu để biết rõ chính quyền Mai triều được thiết lập theo hệ thống cơ cấu nào. Nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, phần lớn các nhân vật đã tham gia bộ chỉ huy quân sự chiến trường được thành lập năm 713 và lập được nhiều công tích trong quá trình tiến công giải phóng các tỉnh miền Trung và bao vây phủ thành Tống Bình (Hà Nội) là những công thần khai quốc sẽ nắm nhiều trọng chức trong chính quyền Mai triều.

1

 

 

 


 -  Sau khi thành lập vương triều, xây dựng và bước đầu hoàn thiện hệ thống cơ cấu chính quyền, Mai triều lại cử người đi liên hệ với các nước lân bang, tăng cường đoàn kết, bổ sung lực lượng. Việt điện u linh ghi: “Năm sau, Giáp Dần (714), bọn Tiết Anh, Hoắc Đan phụng chỉ đi tuyên dụ hai nước Phiên. Hai nước Phiên lâu nay khổ nhục vì người Đường, đến nay nghe nhà vua Cáo dụ, đều nghe theo mệnh. Vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Dĩnh sai tướng là Chư Hương An đem quân 10 vạn, vua Chân Lạp là Hề A Khiêm sai tướng là Tham Ninh đem quân 10 vạn đến hội hợp” (Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh, tr.54-56). Số lượng quân đội được tập hợp lên đến hàng chục vạn người. Khí thế của quân khởi nghĩa và Mai triều ngày càng mạnh mẽ và được nêu cao trong cả nước và các nước lân bang.

 -  Tiếp đến, Mai Thúc Loan đưa quân ra bao vây phủ thành và chiếm được An Nam đô hộ phủ, rồi lập tức củng cố, triển khai mở rộng lực lượng, bổ sung thêm quân số, liên kết với những đội quân quanh phủ thành Tống Bình. Ngoài ra, cũng căn cứ vào nguồn tư liệu là Thần phả và các câu chuyện dân gian cho biết: Mai Thúc Loan đã xây dựng một căn cứ chỉ huy vùng duyên hải Bắc Bộ tại Điều Yên Thượng (nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, Hải Phòng). Ông đã giao cho con gái là Mai thị Cầu cùng con trai là Mai Kỳ Sơn chiêu mộ quân sĩ, xây dựng lực lượng để sẵn sàng chiến đấu chống quân đô hộ triều Đường (Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc, Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, Nxb. KHXH, 2009, H, tr.164-171).

 Ý 4: Sự đàn áp của nhà Đường đối với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu

  - Cho đến tháng 8 năm 722, do cuộc khởi nghĩa đã phát triển mạnh mẽ, uy hiếp trực tiếp đến sự thống trị của triều Đường tại An Nam. Án sát sứ Lĩnh Nam là Bùi Trục Tiên, vội vàng dâng thư cấp báo diễn biến của cuộc khởi nghĩa về triều đình. Đường Huyền Tông lập tức Dương Tư Húc đem quân sang tiến hành đàn áp khởi nghĩa Hoan Châu.

  -  Dương Tư Húc cùng Quang Sở Khách đã đưa hơn 10 vạn quân men theo sông Hồng, tiến thẳng về phủ thành Tống Bình, rồi nhân lúc quan quân của Mai Thúc Loan mất cảnh giác, phòng bị sơ sài, đã “xuất kỳ bất ý”. Do bất ngờ, nên quân khởi nghĩa Hoan Châu đóng tại phủ thành trở tay không kịp, tuy cố gắng chiến đấu chống cự, song lực lượng quân địch quá đông, hỏa lực mạnh hơn, nên dần dần bên ta thua chạy, nhiều binh sĩ đã dũng cảm hy sinh ngay trận tiền.

 Sau thất bại tại phủ thành Tống Bình, những nghĩa quân còn lại chạy ra vùng căn cứ đóng tại Hòa Mục, Cầu Giấy ngoại ô phủ thành, tập hợp với đội quân của Phạm Thị Uyển, vợ hai Mai Thúc Loan, tiếp tục tiến hành phản kích lại quân Đường, nhưng cuối cùng không làm thay đổi được tình thế. Khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo bùng lên từ Hoan Châu rồi lan ra các vùng khác đến đây coi như kết thúc.

c) Kết qủa:

 -  Trong vòng không đầy 10 năm, cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng tại các vùng miền của An Nam và lân cận, từ Hoan Châu lan rộng ra nhiều châu khác, lôi cuốn nhân dân ở nhiều địa phương tham gia chiến đấu, lên đến 30 - 40 vạn quân. Cuộc khởi nghĩa còn liên kết được với nhiều nước lân cận như Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, hợp sức chiếm đóng đến tận Hải Nam, phản kháng lại bọn đô hộ cầm quyền của triều Đường.  Cuộc khởi nghĩa đã làm biến động mạnh mẽ vùng đất phía Nam của triều Đường, uy hiếp trực tiếp đến sự thống trị của triều Đường tại An Nam. Nhà Đường đã phải tập trung khoảng hơn 10 vạn lính theo sang đàn áp cuộc khởi nghĩa.

 -  Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo đã dựng lên được một triều đại độc lập tự chủ cho đất nước mà người đứng đầu vương triều là Mai Hắc Đế, với thành Vạn An được coi như quốc đô (thuộc Nam Đàn nay) của chính quyền tự chủ. Chính quyền tự chủ này tồn tại trong thời gian khoảng 10 năm kể từ khi cuộc khởi nghĩa mới nổ ra thắng lợi và sự kiện Mai Thúc Loan lên ngôi vua vào tháng tư năm 713 đến khi bị phong kiến phương Bắc đàn áp vào năm 722.

1

 

 

 


 

 Vì vậy có thể kết luận, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu tuy lúc đầu giành được thắng lợi, thiết lập được chính quyền tự chủ và vương triều của người Việt, nhưng cuối cùng đã bị thất bại, toàn bộ nước ta lại rơi vào sự thống trị của phong kiến phương Bắc.

d) Về ý nghĩa

 - Cuộc khởi nghĩa và chính quyền của Mai Thúc Loan cuối cùng bị thất bại, nhưng nó là một bằng chứng hùng hồn thể hiện sức đề kháng mạnh mẽ của dân tộc ta trước sự xâm lược thống trị của phong kiến phương Bắc nói chung, phủ định quyền thống trị của nhà Đường nói riêng - một triều đại được coi là một trong những triều đại hùng mạnh nhất của lịch sử quân chủ phong kiến Trung Quốc.

 -  Kể từ sau khởi nghĩa Lý Bí và sự ra đời của nhà nước Van Xuân ở thế kỷ VI, thì cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và việc thành lập triều đại Mai Hắc Đế ở đầu thế kỷ VIII đã đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quá trình đấu tranh để từng bước thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phong kiến phương Bắc vào đầu thế kỷ X. Cuộc khởi nghĩa này có ý nghĩa cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc khởi nghĩa tiếp theo, thúc đẩy tinh thần độc lập tự chủ của đất nước ta.

 -  Cuộc khởi nghĩa cũng khảng định khát vọng độc lập tự do, ý thức tự chủ và truyền thống kiên cường bất khuất chống đồng hoá và tinh thần dân tộc của người Việt ta. Nó đã thể hiện chân lý ngàn đời "có áp bức thì có đấu tranh, có đo hộ thì ắt có chống đô hộ", mà Mai Thúc Loan - một người con của Hoan Châu xưa và Nghệ - Tĩnh nay là tấm gương sáng nhất trong cuộc đấu tranh chống áp bức, đô hộ của dân tộc hồi đầu thế kỷ VIII, đồng thời nó cũng phần nào thể hiện khí phách kiên cường, anh dũng, táo bạo của một lớp người xứ Nghệ ngày ấy.

 - Nhận thức đúng và đầy đủ về khởi nghĩa Hoan Châu và sự nghiệp của Mai Thúc Loan càng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn lịch sử hiện nay, đặc biệt là đối với vấn đề liên kết, liên minh quan hệ với các nước trong khu vực, nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

 

  3. Đối với câu hỏi 3: Đây là câu hỏi có tính chất "mở" để người làm bài tự nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình. Do vậy ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số gợi ý như sau:

   Ý 1: Đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên hương ương xứ Nghệ hôm nay cần phải làm gì để xứng đáng với công lao to lớn mà Mai Thúc Loan đã đóng góp cho lịch sử dân tộc ta?

 - Tiếp cận và nhận thức những kết quả nghiên cứu mới liên quan đến anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu, đặc biệt là năm mở đầu và năm kết thúc của khởi nghĩa, nguyên nhân dẫn tới khởi nghĩa, quy mô và tầm vóc của cuộc khởi nghĩa, diện mạo vương triều Mai Hắc Đế...

  - Tăng cường học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh, tránh xa và bài trừ các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập ma tuý, gây gỗ đánh đập nhau...;

 - Không ngừng nổ lực phấn đấu trong công việc, sẵn sàng cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ của mình cho quê hương xứ Nghệ nói riêng, cho đất nước nói chung.

 - Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng thông qua các hoạt động thanh niên tình nguyện như hiến máu nhân đạo, tham gia chiến dịch giúp đỡ vùng sâu vùng xa, ...

 - Sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư để phụ vụ lợi ích chung, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi quê hương, đất nước cần, tăng thêm yêu quê hương đất nước...

1

 

 

 

nguon VI OLET