DẠY HỌC TÍCH HỢP LIÊN MÔN ĐỐI VỚI TIẾT VĂN HỌC SỬ TRONG BÀI HỌC “VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC” - NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Ngữ văn 11 – tập 1)

GV: Nguyễn Thùy Dung – T Ngữ văn

 Hiện nay, trong chương trình Ngữ văn phổ thông, việc tiếp thu kiến thức các bài văn học sử đối với HS đang còn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các bài văn học sử thường tập trung lượng kiến thức lớn trong một lượng thời gian khá hạn hẹp. GV dạy theo lối học cũ, ghi chép nhiều nên tiết học trở nên nặng nề, cảm giác bài học khô khan khiến tâm lí chung của HS là mệt mỏi.

 Những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học (Viết tắt: PPDH) đã mở ra nhiều hướng đi triển vọng trong việc đem lại hứng thú cho HS đối với các tiết văn học sử. Năm học 2014 – 2015 là năm học mà Sở GD & ĐT Quảng Trị  đẩy mạnh đổi mới PPDH dạy học theo hướng tích hợp liên môn và tập trung phát triển năng lực của HS. Đối với môn Ngữ văn nói chung, và các tiết văn học sử nói riêng, phương pháp này đã có những hiệu quả bước đầu trong quá trình thực nghiệm. Phương pháp này thực sự đã làm thay đổi cả cách học của HS lẫn quan điểm dạy học của GV. Thay vì quá chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức như trước đây thì dạy học theo phương pháp mới lại tập trung vào việc hình thành các kĩ năng cho HS từ những kiến thức của bài học. Đặc biệt, việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn có thể làm cho HS có được cái nhìn khái quát hơn về nội dung bài học, khắc sâu kiến thức của một vài môn học trong một bài học, giúp HS hiểu bài nhanh hơn. Tôi xin lấy tiết Hội giảng Tiết 21: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần một: Tác giả Nguyễn Đình Chiểu) của tổ Ngữ văn trường THPT Vĩnh Định chuẩn bị mà bản thân là người trực tiếp thực hiện để làm rõ hơn.

 Trước hết cần xác định Mục tiêu trọng tâm của bài học:

     Về kiến thức: Giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về cuộc đời, nghị lực, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu và những giá trị lớn của thơ văn ông. Đó là quan điểm đạo đức, lí tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước thương dân, sắc thái miền Nam độc đáo.

     Về kĩ năng: Trước hết là hình thành ở HS kĩ năng tìm hiểu một tác giả văn học. Bên cạnh đó, rèn luyện cho HS một số kĩ năng quan trọng khác: Kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày một vấn đề,  kĩ năng sống từ việc liên hệ những kiến thức bài học với thực tế cuộc sống.

     Về thái độ: Hiểu và trân trọng nhân cách Nguyễn Đình Chiểu; ý thức về việc giữ gìn và phát huy lí tưởng đạo đức nhân nghĩa và truyền thống yêu nước của dân tộc.

Từ đó, có thể thấy trong bài học này, có hai nội dung kiến thức cần đảm bảo: Cuộc đời và giá trị  thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Với lượng kiến thức nhiều mà thời lượng trên lớp chỉ có 45 phút, phương pháp tối ưu là sử dụng kĩ thuật Dạy học theo dự án. GV triển khai kĩ  3 dự án cho 3 Nhóm với hướng dẫn cụ thể theo hướng tích hợp liên môn. Đối với bài học này, có thể thấy rõ sự liên môn rõ nhất giữa Văn với Lịch sử và Giáo dục công dân. Cụ thể như sau:

Nhóm 1: Tìm hiểu cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu.

Tích hợp với môn lịch sử: Phân công HS tìm hiểu các hình ảnh, đoạn phim và kiến thức lịch sử triều Nguyễn những năm thực dân Pháp đổ bộ vào bán đảo Sơn Trà rồi xâm lược toàn bộ 6 tỉnh Nam Kì và tinh thần phản kháng của nhân dân Nam Bộ. Lồng ghép vào cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu để thấy rõ trước một thời đại lịch sử bi thương, phải chịu hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã vươn lên khẳng định nhân cách ngời sáng của mình.

HS: trình bày trên máy chiếu hình ảnh, đoạn phim và tóm tắt cuộc đời NĐC, chú trọng những phẩm chất lớn trong một số phận nghiệt ngã:

- Cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, mất mát.

-  Cuộc đời Đồ Chiểu là một tấm gương sáng ngời về:

+ Nghị lực phi thường vượt lên số phận.

+ Lòng yêu nước thương dân.

+ Tinh thần bất khuất trước kẻ thù.

-> Nhà nho tiết tháo, yêu nước; lá cờ đầu của thơ ca yêu nước chống Pháp ở Nam Bộ.

Nhóm 2: Tìm hiểu nội dung Lí tưởng đạo đức nhân nghĩa trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Tích hợp với môn GDCD (tư tưởng nhân nghĩa) : Yêu cầu HS về tìm hiểu khái niệm “Nhân nghĩa”, các biểu hiện của lòng nhân nghĩa mà các em đã học trong chương trình GDCD lớp 10. Tìm đoạn cải lương Lục Vân Tiên và phân tích một số nhân vật trong tác phẩm Lục Vân Tiên để làm rõ các biểu hiện đó.

HS: Giới thiệu hình ảnh và đoạn cải lương Lục Vân Tiên (Đoạn Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga), từ đó phân tích tư tưởng nhân nghĩa tiến bộ của NĐC:  Vừa mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho vừa kết hợp với truyền thống nhân nghĩa của dân tộc: Mẫu người lí tưởng: Nhân hậu, thuỷ chung; Bộc trực, ngay thẳng; Trọng nghĩa hiệp..

GV: mở rộng liên hệ đến lòng nhân nghĩa trong cuộc sống hiện nay: Cho HS phát hiện những tấm gương sống nhân nghĩa; GV định hướng, hình thành ở HS thái độ sống tốt đẹp, có nhân nghĩa như các nhân vật trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

Nhóm 3: Tìm hiểu nội dung Lòng yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Tích hợp với môn GDCD (Lòng yêu nước): Yêu cầu HS xem lại khái niệm Lòng yêu nước, các biểu hiện của lòng yêu nước đã được học trong chương trình GDCD lớp 10, liên hệ với các sáng tác của NĐC trong thời kì thực dân Pháp xâm lược (Xúc cảnh, Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…) và tìm xem vở cải lương Nghĩa sĩ Cần Giuộc để làm rõ các biểu hiện của lòng yêu nước trong thơ văn Đồ Chiểu.

HS giới thiệu một số hình ảnh và đoạn cải lương “Nghĩa sĩ Cần Giuộc”, đồng thời lấy các tác phẩm của NĐC trong thời gian thực dân Pháp xâm lược để phân tích, làm rõ những biểu hiện của lòng yêu nước trong thơ văn Đồ Chiểu:

- Cảm thương nỗi khổ của nhân dân, tố cáo tội ác mà thực dân Pháp đã gây cho nhân dân.

- Lên án những kẻ làm tay sai cho giặc.

- Ca ngợi những sĩ phu một lòng vì dân, vì nước mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

- ngợi ca những người dân nghèo khổ đáng giặc kiên cường.

- Ngợi ca những người trí thức bất hợp tác với kẻ thù.

- Kiên trì thái độ bất khuất trước kẻ thù. 

- Hi vọng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

GV: Khẳng định lòng yêu nước là truyền thống quý báu của con người Việt Nam từ xưa đến nay, nó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch ngầm văn chương bao đời. Liên hệ với biểu hiện của lòng yêu nước của người Việt Nam trong tình hình thực tế hiện nay: biển Đông, từ đó giáo cho HS lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc.

Trong phần củng cố nội dung bài học, GV có thể củng cố bằng sơ đồ và cho HS làm bài tập nhỏ sau: Kể tên một số tấm gương tiêu biểu vượt qua số phận để sống có ích cho xã hội mà em biết? Liên hệ với lối sống yếu đuối của một bộ phận thanh niên, học sinh ngày nay? Rút ra bài học cho bản thân?

Như vậy, trong bài học cụ thể “ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Phần một : Tác giả Nguyễn Đình Chiểu), với việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn, các dự án trong bài đã giúp HS có thể xâu chuỗi kiến thức các môn học trong một bài học, học sinh nắm bài nhanh và chắc chắn hơn. Các hình ảnh, đoạn phim tài liệu và cải lương được sử dụng khi trình bày các nội dung kiến thức cũng giúp HS có cái nhìn trực quan, dễ dàng tiếp thu hơn so với việc dạy học “hỏi – đáp” như trước đây. Học sinh có thể nắm bài mà không cần phải ghi chép nhiều. Việc chuẩn bị tốt các dự án còn rèn luyện ở HS nhiều kĩ năng, đặc biệt là kĩ năng làm việc nhóm và kĩ năng thuyết trình bằng máy chiếu. Đây là những kĩ năng quan trọng giúp HS có thể tự tin làm việc sau này. Bài học còn hướng đến việc hình thành các kĩ năng sống tốt đẹp cho học sinh như nhân nghĩa, yêu nước. Kết hợp liên môn dã làm cho bài học trở nên sâu sắc, giàu giá trị nhân văn. Một bài học thuộc Văn học trung đại vốn rất kén người học nay đã làm HS hứng thú hơn vì HS đã nhận ra sự gần gũi giữa văn học và đời sống.

Từ việc thực nghiệm một tiết văn học sử theo hướng đổi mới tích hợp liên môn có hiệu quả tích cực, chúng tôi tin rằng việc áp dụng phương pháp này cho các tiết học Ngữ văn khác sẽ đem đến kết quả cao hơn cho chất lượng môn văn trong nhà trường.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thùy Dung

1

 

nguon VI OLET