MỘT VÀI KINH NGHIỆM NHẰM PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRONG TIẾT

TRẢ BÀI TẬP LÀM VĂN LỚP 5

 

Trong phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, vai trò của người GV là vô cùng quan trọng. Xác định được điều này, ở mỗi tiết dạy của mình, tôi luôn tạo điều kiện để HS tiếp thu kiến thức một cách thoải mái, chủ động và nắm chắc kỹ năng đã được luyện tập. Khi dạy học cho tiết trả bài tập làm văn ở lớp 5, nhiều GV thường cảm thấy đơn điệu, khô khan, khó khơi dậy được không khí sôi nổi của lớp học; HS học tập thụ động, kém hứng thú… Để khắc phục tình trạng này, GV cần có cách tổ chức tiết dạy hợp lý, phù hợp với đối tượng HS, từ đó phát huy tính tích cực học tập của các em, nâng cao hiệu quả giờ dạy. Dưới đây là một vài kinh nghiệm của tôi trong tiết trả bài tập làm văn lớp 5, xin chia sẻ cùng đồng nghiệp.

1. Chuẩn bị chu đáo cho tiết trả bài Tập làm văn:

- Việc chuẩn bị cho tiết trả bài Tập làm văn bắt đầu từ việc chấm bài. Tôi chấm bài cẩn thận, kỹ lưỡng và ghi lời phê nêu rõ những ưu khuyết điểm nổi bật trong bài làm của HS. Nếu HS mắc các lỗi về chính tả hoặc cách dùng từ,…, tôi dùng bút đỏ gạch dưới các từ ngữ đó để HS tự sửa ra lề vở (GV không sửa thay cho HS).

- Ngoài giáo án, tôi có một cuốn sổ ghi cụ thể các câu văn, đoạn văn hay, các lỗi HS thường mắc để hướng dẫn các em chỉnh sửa trong tiết trả bài, giúp cho việc chữa bài của HS có hiệu quả.

- Những tiết trả bài TLV không đòi hỏi GV phải sưu tầm hoặc làm nhiều ĐDDH. Tôi thường dùng bảng phụ ghi sẵn những lỗi sai của HS để nhiều em được tham gia sửa lỗi ( Hoặc viết câu văn, đoạn văn hay để HS học tập, rút kinh nghiệm); được khi dùng bảng nhóm hoặc phiếu học tập cho HS làm việc. Trường hợp có HS miêu tả về đồ vật không chính xác ( Ước lượng sai kích thước không biết hoặc chưa hiểuvề đồ vật nên dùng từ sai…), tôi chuẩn bị tranh ảnh hay vật thật ( Hoặc nhắc HS chuẩn bị) để hướng dẫn bằng trực quan cho HS hiểu và tự sửa lại.

VD: Có HS tả “ Cái đồng hồ để bàn của nhà em kim ngắn to bằng ngón tay cái, còn kim dài to bằng ngón tay út của em”, tôi mang theo một chiếc đồng hồ để bàn thông dụng cho HS quan sát lại ( Hoặc nhắc HS mang chiếc đồng hồ để bàn của nhà mình để học tiết trả bài).

2. Tiến hành các bước lên lớp một cách linh hoạt:

Tôi thực hiện các bước lên lớp thông thường của tiết trả bài TLV nhưng có vận dụng một cách linh hoạt tùy theo kết quả bài TLV mà HS đạt được, miễn sao kích thích được hứng thú học tập của các em, lôi cuốn cả lớp tham gia tích cực vào hoạt động chữa bài, rút kinh nghiệm để có nhiều “bài học” quý báu. Các bước lên lớp trong tiết trả bài TLV thường được tôi vận dụng như sau:

* Bước 1: Nhắc lại yêu cầu chung của đề.

- GV chép bài lên bảng; HS đọc và phân tích, xác định yêu cầu trong tâm của đề bài (GV gạch dưới các từ ngữ quan trọng) / phần này có thể cho HS nhắc lại bố cục của bài văn.

VD: Dạy tiết trả bài văn tả người, sau khi GV chép đề bài và gợi ý HS phân tích đề ( Đề bài thuộc thể loại văn, kiểu bài văn nào? Yêu cầu trọng tâm của đề bài là gì?),… GV cho HS nhắc lại cấu tạo chung của bài văn tả người nhắm mục đích giúp HS nắm vững bố cục của bài (Nhìn tổng thể, bao quát), tạo điều kiện thuận lợi để HS dễ nhận xét trong bước tiếp theo (Vì có những HS làm lạc đề hoặc không đúng thể loại, bố cục chưa rõ ràng).

* Bước 2: Nhận xét ưu khuyết điểm bài làm của HS.

- Ở bước này, GV chỉ cần dành một ít thời gian để nhận xét chung những điểm chính trong bài làm của HS, chú ý nhận xét về ưu điểm, có thể đọc một vài câu, đoạn, hình ảnh của các bài làm hay cho HS tham khảo và tạo không khí vui vẻ, hứng thú cho các em. Phần lớn GV dành thời gian cho việc HS tham gia vào phát hiện lỗi và sửa lỗi.

* Bước 3: Hướng dẫn và sửa lỗi chung.

Bước này đòi hỏi GV phải khéo léo và tế nhị, khơi dậy được mọi khả năng vốn có và tính tích cực của HS. Do vậy, tôi không lần lượt chỉ ra các lỗi sai trong bài làm của HS để yêu cầu các em sửa lại mà lần lượt nêu ra các từ ngữ, câu, đoạn “có vấn đề” cho HS tự phát hiện ( Đôi khi cần có sự hỗ trợ bằng gợi ý của GV). Sau khi HS phát hiện đúng, GV mới cho các em sửa các lỗi đó. Việc sửa một lỗi không chỉ dừng lại ở một hoặc hai em mà cần tạo cơ hội cho nhiều HS cùng tham gia, mỗi em một ý kiến, sau đó GV có thể chọn ý kiến hay nhất để “chốt lại”.


VD1: Có HS tả “Mẹ em có dáng đi rất khoan khoái, dễ chịu”. Để giúp HS tự sửa lỗi dùng từ trong câu trên, tôi làm như sau:

+ GV nêu vấn đề: Một bạn đã viết: Mẹ em có dáng đi rất khoan khoái, dễ chịu. Em có nhận xét gì về câu văn của bạn? (HS: Trong câu văn trên, bạn đã dùng từ chưa chính xác, đó là các từ khoan khoái, dễ chịu)

+ GV gợi ý: Em có biết vì sao bạn lại dùng từ như vậy không? ( HS: Bạn dùng sai từ vì bạn không hiểu rõ nghĩa của từ. Các từ khoan khoái, dễ chịu thường dùng để miêu tả cảm giác của người chứ không dùng để miêu tả dáng đi).

+ GV cho nhiều HS cùng sửa lỗi trên. HS có thể thay các từ khoan khoái, dễ chịu bằng các từ khoan thai, nhẹ nhàng, uyển chuyển,…

+ GV “chốt lại” các từ dùng đúng và cho HS đọc lại ( VD: Mẹ em có dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển).

VD2: Tương tự cách trên, tôi đưa ra câu văn trong bài làm của HS: Bạn Dũng học rất giỏi, bạn cùng rất tinh nghịch, ưa khám phá mọi lúc mọi nơi; Gợi ý “tác giả” ( HS ) chỉ ra lỗi sai ( Không dùng dấu chấm ngăn cách các câu đã hoàn chỉnh), sau đó tự chữa lại, nếu không làm được thì các em khác trợ giúp. Yêu cầu HS đọc lại câu đã chữa ( VD: Bạn Dũng học rất giỏi. Bạn cũng rất tinh nghịch, ưa khám phá mọi lúc mọi nơi). GV tiếp tục khơi dậy tính tích cực ở HS bằng câu hỏi: “Vẫn những ý trên, em nào có thể diễn đạt bằng cách khác?” ( HS có thể diễn đạt lại, VD: Bạn Dũng học rất giỏi. Bạn cũng rất tinh nghịch và ưa khám phá. Bạn ấy có thể khám phá ở mọi lúc mọi nơi).

* Bước 4: Trả bài.

Để tránh tình trạng khi trả bài, HS chỉ quan tâm đến điểm mà không chú ý đến lời phê của GV và các lỗi trong bài làm của mình, tôi tự thiết kế ( Dựa theo đề bài cụ thể ) và phát cho mỗi HS một phiếu tự đánh giá để các em hoạt động trên lớp.

VD: Với loại bài tả con vật, đề bài tả con vật em yêu thích ( Tuần 30 ), GV có thể đưa ra phiếu tự đánh giá như sau:

Em hãy tự đánh giá bài làm của mình theo các yêu cầu sau bằng cách khoanh vào chữ các đặt trước ý em chọn hoặc viết vào chỗ trống sau mỗi câu hỏi:

Câu 1: Bài làm đã đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài chưa?

a. Đủ    b. Chưa đủ (Thiếu phần…..)

Câu 2: Phần mở bài có giới thiệu về con vật định tả không?

a. Có    b. Không.

Câu 3: Phần thân bài có tả các đặc điểm về hình dáng của con vật không?

a. Có    b. Không.

* Nếu có tả hình dáng của con vật thì em đã tả được:

+ Nhiều đặc điểm, đó là các đặc điểm về:……………….

+ Một vài đặc điểm đó là các đặc điểm về: …………….

Phần thân bài có tả hoạt động của con vật không?

a. Có    b. Không.

* Nếu có tả hoạt động của con vật thì em đã tả được:

+ Nhiều hoạt động, đó là các hoạt động:……………….

+ Một vài hoạt động đó là các hoạt động: …………….

Câu 4: Phần kết bài:

- Có nêu được ích lợi của con vật không?

a. Có    b. Không.

- Có nêu được tình cảm yêu quý của em với con vật đó không?

a. Có    b. Không.

Câu 5: Bài làm có dùng các biện pháp so sánh, nhân hóa……để tả con vật không?

a. Có    b. Không.

- Nếu có, em dùng ở câu nào? ( Câu………..)

- Em thích nhất hình ảnh nào trong bài đã viết?

( Thích nhất hình ảnh:…………………)

Câu 6: Cách chuyển tiếp ý nghĩa giữa các đoạn thế nào?

a. Tốt    b. Chưa tốt.

Câu 7: Ghi lại số lỗi trong bài làm ( Nếu có )


a. Lỗi dùng từ:……………

b. Lỗi đặt câu:……………

c. Lỗi chính tả:……………

d. Các lỗi khác:………………

Câu 8: Theo em, để bài sau viết tốt hơn, em cần rút kinh nghiệm về điều gì?

………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………

Sau khi HS tự chữa lỗi cá nhân và viết phiếu tự đánh giá, GV hướng dẫn HS làm việc theo nhóm đôi để kiểm tra, giúp đỡ lẫn nhau. Ở hoạt động này, tôi yêu cầu đọc bài văn của bạn, khuyến khích các em phát hiện thêm những điểm hay hoặc điểm chưa hay mà cô giáo mà bạn chưa phát hiện ra. Từng cặp HS thống nhất cách chữa lỗi, nếu chỗ nào chưa nhất trí thì mời GV làm trọng tài xác nhận kết quả đúng.

* Bước 5: Hướng dẫn HS viết lại câu, đoạn khác cho hay hơn.

GV cho HS chọn một vài câu hoặc một đoạn trong bài để viết lại cho đúng và hay hơn. ( Phần này nếu không còn thời gian, GV có thể cho HS về nhà làm rồi giờ sau kiểm tra).

* Bước 6: Đọc đoạn, bài tham khảo.

GV đọc một số câu, đoạn văn, bài hay của HS trong lớp để các em tham khảo, học tập (thể gợi ý HS chỉ rõ ưu điểm của câu, đoạn, bài đã học ).

Theo tôi,  tiết trả bài TLV ở lớp 5 cho sinh động, GV cần sử dụng nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau để tránh sự nhàm chán. HS có thể làm việc cá nhân (Tự chữa bài, làm phiếu học tập); làm việc theo nhóm, theo cặp để hoat động tích cực và rut ngắn thời gian (VD: đổi vở để kiểm tra bài của bạn ); làm việc cả lớp ( Tham gia chữa lỗi chung). Đây là tiết học giúp HS, GV cần có thái độ hết sức thân mật, nhẹ nhàng, tế nhị, tránh làm cho HS xấu hổ và không giám tham gia vào việc sửa lỗi chung của cả lớp hoặc sửa lỗi cho bạn (VD: Chê bài làm của HS cụ thể trước lớp; đọc câu văn, đoạn văn viết rất “buồn cười” cho cả lớp nghe rồi nêu tên”tác giả”…).

Trong quá trình dạy học, tôi luôn luôn tâm niệm điều này: Không khí lớp học có sôi nổi, tích cực hay không, việc học tập của HS trong tiết trả bài TLV đạt kết quả như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào thái độ chân thành, cởi mở, gần gũi HS của người GV; HS học tập tích cực chính là con đường dẫn tới thành công của mọi tiết dạy.

nguon VI OLET