Lịch sử địa phương

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

I. Mục tiêu:

- Giúp HS hiểu thêm một danh nhân văn hóa tại địa phương: Hải Thượng Lãn Ông.

- GD ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc.

II. Đồ dùng dạy học :

-         Máy chiếu

III. Hoạt động dạy hoc:

1. Kiểm tra bài cũ: (5P)

- Lớp phó HT nêu các câu hỏi cuối bài học trước mời các bạn trong lớp trả lời.

- HS + GV nhận xét.

2. Giới thiệu bài: (1P)

  Nhắc đến ông già lười các em nghĩ tới ai ?

3. Bài mới

Hoạt động 1.Hướng dẫn HS tìm hiểu cuộc đời sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông .(12P)

Bước 1: - GV phát phiếu học tập cho các cặp đôi.

     Nội dung phiếu: Đọc các thông tin dưới đây và trả lời các câu hỏi phía dưới :

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng (ông, cha, chú, bác, anh, em... ) đều học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê - chúa Trịnh. Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng . Mặc dầu lấy biệt hiệu Lãn Ông, nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy “lười” ở đây là lười với công danh, phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Lúc nhỏ Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở đất Kinh kỳ Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu vào Tam trường. Năm 19 tuổi, cha mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, ít lâu sau ông lại xung vào quân ngũ và theo nghiệp kiếm cung. Nhưng rồi nhận thấy đây là công việc không hợp với ý mình nên chỉ vài năm sau, nghe tin người anh cả mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh nuôi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng 2-3 năm liền, chữa trị khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Số là sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc. Ông Độc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc rất được nhân dân trong vùng tín


nhiệm. Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi bệnh. Cũng phải nói thêm rằng trong thời gian chữa bệnh tại đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc, phần lớn ông đều hiểu thấu. Thầy thuốc Trần Độc rất lấy làm lạ và đã có ý muốn truyền đạt nghề mình lại cho ông. Lúc ông vào tuổi 30, tướng của Chúa Trịnh lại cho người tới vời ông trở lại quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và sau đó ông mới quyết chí học nghề thuốc. Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Ông tìm đọc các sách, đêm ngày miệt mài, tiếc từng giây, từng phút. Và cũng từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa của đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi, đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc.” Bộ sách “Y tông tâm lĩnh ” (nghĩa là những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước), được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm trời. Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, Hải Thượng còn viết bổ sung thêm một số tập nữa như “Y hải cầu nguyên” (năm 1782), “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783), “Vận khí bí điển” (năm 1786). Toàn bộ sách Hải Thượng để lại mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”...

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là  một danh y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quí báu để chúng ta học tập và noi theo.

Câu hỏi: 1. Hãy nêu vài nét chính về thân thế của Hải Thượng Lãn Ông ?

  2. Tại sao ông được người đời sau kính trọng và khâm phục ?

               3. Khu mộ của ông hiện nay ở đâu ?

Bước 2: Các cặp đôi làm việc.

Bước 3: Đại diện trình bày kết quả thảo luận.

Bước 4: Kết luận

Hoạt động 2: HS trình bày những hiểu biết của mình về khu mộ của ông ở Sơn Trung- Hương Sơn. (12) Làm việc nhóm 5

Bước 1: GV nêu yêu cầu làm việc:

-         Các thành viên giới thiệu bức tranh, ảnh đã sưu tầm của mình trong nhóm.

-         Dán các bức tranh vào giấy A0.

-         Cử một bạn giới thiệu sản phẩm

Bước 2: Các nhóm làm việc

Bước 3: -Trưng bày sản phẩm , cử một bạn trình bày trước lớp


-         HS và GV nhận xét, bình chọn.

4.Củng cố, dặn dò:

- GV : + Ai đã được đến thăm khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở Sơn Trung ? ( Trình chiếu một số ảnh)

+ Đối với những nhân vật lịch sử ta cần có thái độ như thế nào ?

- GV nhận xét giờ học.

- Dặn dò HS.

nguon VI OLET