TUẦN 10

Thứ 2 ngày 7 tháng 11 năm 2016

Tập đọc

SÁNG KIẾN CỦA BÉ HÀ

I. Mục tiêu

- Đọc đúng rõ ràng toàn bài. Biết cách nghỉ hơi hợp lí sau các dấu câu, giữa các cụm từ rõ ý; Bước đầu biết đọc phân biệt lời người kể với lời nhân vật ( Hà, ông, bà ).

- Hiểu nội dung câu chuyện: Sáng kiến của bé Hà tổ chức ngày lễ của ông bà thể hiện lòng kính yêu, sự quan tâm tới ông bà.

II. Đồ dùng dạy học

- Tranh minh hoạ bài đọc trong SGK.

III. Hoạt động dạy học

Tiết 1

HĐ1. Giới thiệu chủ điểm mới và bài đọc

- GV giới thiệu chủ điểm: Ông bà.

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Luyện đọc

a. GV đọc mẫu, 1 HS khá đọc lại.

b. GV hướng dẫn HS luyện đọc, kết hợp giải nghĩa từ:

-  Đọc từng câu:

+ HS tiếp nối nhau đọc từng câu. Chú ý các từ ngữ: Ngày lễ, lập đông, rét, sức khoẻ, sáng kiến, ngạc nhiên, suy nghĩ, điểm mười.

-  Đọc từng đoạn trước lớp:

+ HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn trong bài.

+ HS hiểu nghĩa các từ: cây sáng kiến, lập đông, chúc thọ.

- Đọc từng đoạn trong nhóm: HS luyện đọc theo nhóm đôi.

- Thi đọc giữa các nhóm: Mỗi nhóm cử 1 bạn thi đọc trước lớp.

- Cả lớp đọc đồng thanh đoạn 1,2.

Tiết 2

HĐ3. Hướng dẫn tìm hiểu bài

GV nêu câu hỏi hướng dãn học sinh tìm hiểu bài:

Câu 1: Bé Hà có sáng kiến gì? (Tổ chức ngày lễ cho ông bà).

- Hà giải thích vì sao cần có ngày lễ của ông bà? (Vì Hà có ngày Tết thiếu nhi 1 tháng 6. Bố là công nhân có ngày lễ 1 tháng 5. Mẹ có ngày 8 tháng 3. Còn ông bà thì chưa có ngày lễ nào cả).

Câu 2: Hai bố con chọn ngày nào làm ngày lễ của ông bà? Vì sao? (Hai bố con chọn ngày lập đông làm ngày lễ của ông bà. Vì ngày đó là ngày trời bắt đầu trở rét,

mọi người cần chú ý chăm lo sức khoẻ cho các cụ già).

*GV: Hiện nay trên thế giới, người ta đã lấy ngày 1 tháng 10 làm làm Ngày Quốc tế Người cao tuổi).

Câu 3: Bé Hà còn băn khoăn chuyện gì? (Bé Hà băn khoăn chưa biết nên chuẩn bị quà gì biếu ông bà).

- Ai đã gỡ bí giúp bé? (Bố thì thầm vào tai bé mách nước. Bé hứa sẽ cố gắng làm theo lời khuyên của bố).

Câu 4: Hà đã tặng ông bà món quà gì? (Hà đã tặng ông bà chùm điểm mười).

- Món quà của Hà có được ông bà thích không? (Chùm điểm mười của Hà là món quà ông bà thích nhất).

Câu 5: Bé Hà trong truyện là một cô bé như thế nào? (Bé Hà là một cô bé ngoan, nhiều sáng kiến và rất kính yêu ông bà).

- Vì sao Hà nghĩ ra sáng kiến tổ chức "ngày ông bà"? Học sinh thảo luận theo nhóm đôi:

(Vì Hà rất yêu ông bà/ Hà rất quan tâm đến ông bà mới phát hiện ra chỉ người già chưa có ngày lễ, phải tổ chức ngày cho ông bà).

* GV chốt lại nội dung toàn bài.

HĐ4. Luyện đọc lại

- 4 HS  thi đọc toàn bộ câu chuyện. GV lưu ý HS đọc đúng lời kể với lời nhân vật.

- GV cùng học sinh nhận xét.

IV. Củng cố, dặn dò:

- HS nêu nội dung bài.

- GV: Sáng kiến của bé Hà tổ chức ngày lễ của ông bà, đem những điểm mười làm quà tặng để bày tỏ lòng kính yêu, quan tâm tới ông bà. Các em phải học tập bé Hà: Quan tâm đến ông bà, biết thể hiện lòng kính yêu ông bà.

- GV nhận xét giờ học.

_______________________

Toán

LUYỆN TẬP

I. Mục tiêu

- Giúp HS: Biết tìm x trong các bài tập dạng: x + a = b; a + x = b (với a, b là các số không quá 2 chữ số).

- Biết giải bài toán có một phép trừ.

II. Đồ dùng dạy học

- Bảng con, bảng phụ.

III. Hoạt động dạy học

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

Hoạt động 1: Củng cố về tìm số hạng chưa biết trong một tổng

Bài 1:

- GV ghi: x + 8 = 10 lên bảng, yêu cầu HS nêu x là số hạng chưa biết, 8 là số hạng đã biết, 10 là tổng.

- Hỏi: Muốn tìm số hạng chưa biết ( x ) trong một tổng ta làm thế nào? ( Lấy tổng trừ đi số hạng kia).

- HS trình bày cách làm vào bảng con:

                                x + 8 = 10

                                      x  = 10 - 8

                                      x = 2

- GV chép lên bảng đề bài, cả lớp làm vào bảng con. GV nhận xét bài làm của học sinh.

                 B, x = 3                                 c, x = 28

Bài 2: (cột 1, 2)

- HS đọc yêu cầu

- Học sinh làm bài cá nhân. Gọi 2 học sinh lên bảng làm cột 1, 2 - 1 học sinh xung phong làm cột 3. GVcùng cả lớp chữa bài.

Bài 4:

- 2 học sinh đọc to đề bài, GV tóm tắt bài toán lên bảng.

- Học sinh làm bài cá nhân vào vở - 1 học sinh giải vào bảng phụ . 

- GV treo bảng phụ chữa bài, HS đổi chéo bài cho nhau để chữa bài.

Bài 5:

- HS  thảo luận theo cặp, tự nhận ra được  x = 0, vì  0 + 5 = 5.

- Gọi đại diện một số cặp báo cáo kết quả.

Bài 3: (Dành cho học sinh hoàn thành bài)

- Học sinh làm bài cá nhân - Gọi 3 học sinh lên bảng chữa bài.

IV. Củng cố, dặn dò

- Nhận xét giờ học.

_________________________________

Thứ 3 ngày 8 tháng 11 năm 2016

Kể chuyện

SÁNG KIẾN CỦA BÉ HÀ

I. Mục tiêu

- Dựa vào ý chính của từng đoạn và toàn bộ nội dung câu chuyện một cách tự nhiên, phối hợp lời kể với điệu bộ, nét mặt, biết thay đổi giọng kể cho phù hợp với nội dung.

- Có khả năng tập trung nghe bạn kể chuyện, nhận xét đánh giá đúng.

II. Hoạt động dạy học

HĐ1. Giới thiệu bài

- GV nêu mục đích yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Hướng dẫn kể chuyện

a, Kể từng đoạn câu chuyện dựa vào các ý chính.

- 1 HS đọc yêu cầu của bài

- GV viết lên bảng các ý chính.

   * Chọn ngày lễ.

   * Bí mật của hai bố con.

   * Niềm vui của ông bà.

- Hướng dẫn HS kể mẫu đoạn 1.

+ Bé Hà vốn là một cô bé như thế nào?

+ Bé Hà có sáng kiến gì?

+ Giải thích vì sao phải có một ngày lễ của ông bà?

+ Hai bố con chọn ngày nào làm ngày lễ của ông bà? Vì sao?

- HS kể nối tiếp nhau từng đoạn đến hết bài.

- Kể chuyện trước lớp:

+ Các nhóm cử đại diện thi kể chuyện trước lớp.

+ Cả lớp và GV nhận xét bạn kể.

b, Kể lại toàn bộ câu chuyện:

- 3 HS mỗi nhóm kể nối tiếp nhau 1 đoạn của câu chuyện.

- 3 HS đại diện 3 nhóm thi kể chuyện.

IV. Củng cố - dặn dò

- Nhận xét tiết học. Khuyến khích HS kể chuyện cho người thân nghe.

_______________________

Chính tả

(Tập chép)

NGÀY LỄ

I. Mục tiêu

- Chép lại chính xác bài chính tả "Ngày lễ".

- Làm đúng các bài tập phân biệt c/k, l/n, thanh hỏi/ thanh ngã.

II. Hoạt động dạy học

HĐ1. Giới thiệu bài

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Hướng dẫn tập chép

a. Hướng dẫn HS chuẩn bị:

- GV đọc và viết đoạn chép lên bảng.

- 2,3 HS đọc bài.

- GV hướng dẫn HS nhận xét.

+ GV chỉ vào bảng những chữ viết hoa trong bài chính tả (Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Quốc tế Lao động, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Quốc tế Người cao tuổi).

- Hỏi: Những chữ nào trong tên các ngày lễ được viết hoa? (Chữ đầu của mỗi bộ phận trên).

- Cho HS viết vào bảng con một số tiếng dễ lẫn.

b. HS chép bài vào vở:

c. Nhận xét chữa bài

HĐ3. Hướng dẫn làm bài tập chính tả

Bài 2:

- 1 HS đọc yêu cầu.

- 2 HS lên bảng làm. Cả lớp làm vào bảng con.

- Cả lớp và GV chốt lại lời giải đúng.

(Con cá, con kiến, cây cầu, dòng kênh).

Bài 3:

- Chọn cho HS làm bài 3b.

- GV hướng dẫn: nghỉ học, lo nghĩ, nghỉ ngơi, ngẫm nghĩ.

IV. Củng cố - dặn dò

- Khen ngợi những HS làm bài đẹp, đúng chính tả.

- Về nhà chép lại những lỗi chính tả. Cả lớp ghi nhớ những ngày lễ vừa học.

_______________________

Toán

SỐ TRÒN CHỤC TRỪ ĐI MỘT SỐ

I. Mục tiêu

- Biết thực hiện phép tính trừ có số bị trừ là số tròn chục, số trừ là số có một hoặc hai chữ số (có nhớ), vận dụng khi giải toán có lời văn.

- Củng cố cách tìm một số hạng chưa biết, khi biết và số hạng kia.

II. Đồ dùng dạy học

- 4 bó, mỗi bó 10 que.

- Bảng gài que tính.

III. Hoạt động dạy học

Hoạt động 1:  Giới thiệu cách thực hiện phép trừ 40 - 8

- GV gắn các bó que tính trên bảng.

- Hướng dẫn HS lấy ra 4 bó mỗi bó 1 chục que tính và hướng dẫn HS nhận ra có 4 chục thì viết 4 vào cột chục viết o vào cột đơn vị.

- GV: Có 4 chục que tính, lấy bớt đi 8 que tính.

- HS viết phép tính tương ứng 40 – 8.

- Cho HS thao tác trên que tính 40-8: Lấy 1 chục que tính mở ra được 10 que tính, lấy bớt đi 8 que tính, còn lại 2 que tính.

   (10 – 8 = 2) viết 2 thẳng cột với 0 và 8 ở cột đơn vị, 4 chục lấy đi 1 chục còn 3 chục (4 – 1 = 3) viết 3 ở cột thẳng với 4, 3 chục que tính và 2 que tính rời gộp lại thành 32 que tính.

- GV: 40 que tính, lấy bớt đi 8 que tính còn lại  32 que tính.

                                  40 - 8 = 32

- GV giúp HS đặt tính rồi tính:     40

 -

     8

                                                      32

- Chú ý cách đặt tính và tính.

- Cho HS nhắc lại cách đặt tính và tính, làm bài vào bảng con.

Hoạt động 2. Giới thiệu cách thực hiện phép trừ 40 -18

- GV tổ chức cho HS hoạt động với sự giúp đỡ của các bó que tính, chẳng hạn theo các bước như sau:

   Bước 1: Giới thệu phép trừ 40 -18

- Cho HS lấy 4 bó que tính, mỗi bó một chục que tính.

- H: Có tất cả mấy que tính? (40 que tính).

- GV: Có 40 que tính, bớt đi 18 que tính ta làm phép tính gì? (40-18).

   Bước 2: Thực hiện phép trừ

- Từ 4 bó mỗi bó 1 chục lấy 1 bó, còn lại 3 bó, tháo rời bó vừa lấy, được 10 que, bớt 8 que còn 2 que tính.

- Từ 3 bó còn lại lấy tiếp 1 bó nữa còn lại 2 bó, tức là còn lại 2 chục. Như thế từ 4 chục que tính lấy1 chục que tính rồi lấy1 chục que tính tức là lấy đi 1 thêm 1 là 2. Còn lại 2 chục que tính.

- Kết quả là: Còn lại 2 bó (2 chục que tính) và 2 que tính rời nên còn lại 22 que

tính.                                  _40            0 không trừ được 8, lấy 10 trừ 8 bằng 2 viết 2                              

                                 18            nhớ 1

                                 22           1 thêm 1 bằng 2 , 4 trừ 2 bằng 2, viết 2

   Bước 3: Giúp HS tự đặt tính rồi trừ từ phải sang trái

- Cho vài HS nhắc lại cách trừ.

- GV hướng dẫn HS làm vào bảng con.

Hoạt động 3: Thực hành

Bài 2:

- GV hướng dẫn HS làm bài tập 2 vào vở..

- HS nhắc lại: Muốn tìm số hạng chưa biết ta lấy tổng trừ đi số hạng kia.

- GV làm mẫu:            x + 9 = 30

                                    X = 30 - 9

                                     X = 21

Bài 3:

- Giáo viên đọc bài, HS đọc viết tóm tắt Bài giải: 1 HS  lên bảng  làm. Cả lớp làm vào vở

Bài giải:

2 chục que tính = 20 que tính

Số que tính còn lại là:

20-5=15 (que tính)

Đáp số: 15 que tính

IV. Củng cố, dặn dò

- GV nhận xét tiết học.

_______________________

Tự nhiên và xã hội

ÔN TẬP: CON NGƯỜI VÀ SỨC KHỎE

I. Mục tiêu

- Khắc sâu kiến thức về các hoạt động của  cơ quan vận động và tiêu hóa.

- Biết được sự cần thiết và hình thành thói quen ăn sạch, ở sạch và uống sạch.

II. Đồ dùng dạy học

- Các hình vẽ trong sách giáo khoa.

III. Hoạt động dạy học

- Khởi động: Các tổ thi viết nhanh viết đúng các bài đã học về chủ đề Con người và sức khỏe.

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

Hoạt động 1: Ôn cơ xương và khớp xương

Hoạt động theo nhóm 4:

- Giáo viên cho học sinh tập một số động tác xem vùng xương nào, cơ nào, và khớp xương nào phải cử động.

- Đại diện nhóm trình bày. Cả lớp, giáo viên nhận xét.

* GV cho học sinh nhắc lại các xương và cơ trên cơ thể người.

Hoạt động 2: Trò chơi : Thi hùng biện

- Giáo viên chuẩn bị thăm có ghi các tình huống, các nhóm lên bốc thăm.

- Mỗi nhóm cử ra một em làm ban giám khảo chấm xem ai trả lời đúng và hay (hệ thống câu hỏi ở SGV).

*Giáo viên chốt lại về cách phòng chống cong vẹo cột sống, tập thể dục hàng

ngày để cơ và xương phát triển tốt, thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch phòng nhiễm giun.

IV.Củng cố, dặn dò

- Cần thực hiện tốt các biện pháp để cơ và xương phát triển tốt.

- Cần phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch.

_________________________________

Thứ 4 ngày 9 tháng 11 năm 2016

Tập đọc

BƯU THIẾP

I. Mục tiêu

- Đọc đúng rõ ràng toàn bài. Biết nghỉ hơi đúng sau các dấu câu, giữa các cụm từ dài.

- Hiểu được tác dụng của bưu thiếp, cách viết một bưu thiếp, cách ghi một phong bì thư.

II. Đồ dùng dạy học

- 1 HS mang theo 1 phong bì thư. Bảng phụ viết những câu văn trong bưu thiếp, trên phong bì thư để hướng dẫn HS luyện đọc.

III. Hoạt động dạy học

A. Kiểm tra bài cũ

- 3 HS đọc 3 đoạn của bài: " Sáng kiến của bé Hà".

- GV nhận xét.

B. Dạy bài mới

HĐ1. Giới thiệu bài

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Luyện đọc

- GV đọc mẫu từng bưu thiếp (giọng tình cảm, nhẹ nhàng).

- GV hướng dẫn HS  luyện đọc kết hợp giải nghĩa từ.

- HS nối tiếp nhau đọc từng câu:

+ Chú ý đọc đúng: Bưu thiếp, năm mới, nhiều niềm vui, Phan Thiết, Bình Thuận, Vĩnh Long.

- Đọc trước lớp từng bưu thiếp và phần đề ngoài phong bì thư.

+ Hướng dẫn đọc:

   Người gửi// Trần Trung Nghĩa// Sở giáo dục và đào tạo Bình Thuận//.

   Người nhận// Trần Hoàng Ngân //18// Đường Võ Thị Sáu// Thị xã Vĩnh Long// Tỉnh Vĩnh Long//.

+ HS đọc chú giải từ: Bưu thiếp.

* GV giới thiệu một số bưu thiếp.

- Đọc trong nhóm: Học sinh luyện đọc theo nhóm đôi.

- Thi đọc giữa các nhóm (từng bưu thiếp, phần đề ngoài phong bì).

HĐ3. Hướng dẫn tìm hiểu bài

Giáo viên nêu câu hỏi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài:

Câu1:

- Bưu thiếp đầu là của ai gửi cho ai? (Của cháu gửi cho ông bà).

- Gửi để làm gì? (Gửi để chúc mừng ông bà nhân dịp năm mới).

Câu 2:

- Bưu thiếp thứ hai là của ai gửi cho ai? (Của ông bà gửi cho cháu).

- Gửi để làm gì? (Để báo tin cho cháu biết ông bà đã nhận được bưu thiếp của cháu và chúc tết cháu).

Câu 3:

- Bưu thiếp dùng để làm gì? (Chúc mừng, thăm hỏi, thông báo vắn tắt tin tức).

Câu 4:

- Viết một bưu thiếp chúc thọ hoặc mừng sinh nhật ông bà. Nhớ ghi địa chỉ của ông bà ngoài phong bì.

- HS tập viết bưu thiếp và phong bì thư.

- Nhiều HS nối tiếp nhau đọc bài.

- Cả lớp và GV nhận xét.

IV. Củng cố, dặn dò

- GV nhận xét giờ học.

- Học sinh thực hành viết bưu thiếp khi cần thiết.

_______________________

Toán

MƯỜI TRỪ ĐI MỘT SỐ: 11 - 5

I. Mục tiêu

- Biết cách thực hện phép trừ dạng11- 5, lập được bảng 11 trừ đi một số.

- Biết giải bài toán  có một phép trừ dạng 11- 5.

II. Đồ dùng dạy học

- Bó 1 chục que tính và 1 que tính rời.

III. Hoạt động dạy học

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

Hoạt động 1: Hướng dẫn HS thực hiện phép trừ dạng 11 - 5 và lập bảng trừ (11 trừ đi một số)

- GV cùng HS lấy: 1 bó 1 chục que tính và 1 que tính rời.

- Hỏi: Có tất cả bao nhiêu que tính? (11 que tính).

- GV: Có 11 que tính: viết 11

        Lấy đi 5 que tính: viết 5

- HS thao tác trên que tính: 11 que tính lấy đi 5 que còn mấy que tính?

- HS nêu bài toán rồi trả lời: Có 11 que tính lấy đi 5 que tính ta còn 6 que tính.

- HS: Viết phép tính ứng dụng:   11- 5 = 6

- GV hướng dẫn đặt tính và tính như SGK.           

- Cho HS sử dụng que tính để lập bảng trừ:  11 -2 = 9

                                                                       11 - 3 = 8

- HS nêu lại công thức trong bảng tính. Tổ chức cho HS học thuộc bảng trừ.

Hoạt động 2. Thực hành

Bài 1:

a. GV chép lên bảng HS  nêu miệng kết quả

- Cho HS nhận xét về đặc điểm của 9 + 2và 2 + 9 (đều là phép cộng có các số hạng là 9 và 2. Khi đổi chỗ các số hạng của 9 + 2 hoặc 2 + 9 thì tổng không thay đổi 9 + 2 =11; 2 + 9 = 11).

- Gọi HS nêu kết quả: 11- 9; 11- 2

- HS nhận xét phép cộng và phép trừ của cột tính này.

b. (Dành cho HS khá, giỏi) GV chép bài lên bảng HS gọi một số HS khá, giỏi đọc kết quả.

Bài 2:

-  HS làm bảng con.

- GV kiểm tra kết quả.

Bài 4:

- 3 HS đọc đề bài, GV hướng dẫn HS viết tóm tắt.

    - Cả lớp giải bài toán vào vở - 1 HS lên bảng giải.

Bài giải

Số quả bóng Bình còn lại là:

11- 4 = 7 (quả)

Đáp số: 7 quả

Bài 3: (Dành cho học sinh hoàn thành bài )

- Học sinh làm bài cá nhân, cho 3 HS xung phong lên chữa bài.

- GV nhắc học sinh cách đặt tính phải thẳng hàng.

IV. Củng cố, dặn dò

- GV nhận xét tiết học.

_______________________

Luyện từ và câu

TỪ NGỮ VỀ HỌ HÀNG. DẤU CHẤM, DẤU CHẤM HỎI

I. Mục tiêu

- Tìm được một số từ chỉ người trong gia đình, họ hàng ( bài tập 1, 2 ).

- Xếp đúng từ chỉ người trong gia đình, họ hàng mà em biết vào 2 nhóm họ nội, họ ngoại (bài tập 3).

II. Đồ dùng dạy học

- Bảng phụ.

III. Hoạt động dạy học

HĐ1. Giới thiệu bài

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Hướng dẫn HS làm bài tập

Bài 1: HS làm miệng.

- HS nêu yêu cầu của bài.

- HS mở sách bài: "Sáng kiến của bé Hà" đọc thầm và ghi nhanh các từ chỉ người trong gia đình, họ hàng.

- HS nêu, GV ghi lên bảng: bố, ông, bà, con, mẹ, cụ già,cô, chú, con cháu, cháu.

Bài 2:

- GV giúp HS nắm yêu cầu đề bài.

- 2 HS lên bảng làm, cả lớp làm vào vở bài tập.

- 1, 2 HS đọc kết quả trước lớp.

Ví dụ: cụ, ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì, thím, (vợ của chú) cậu, mợ (vợ của cậu) con dâu, con rể, cháu, chắt, chút, chít.

Bài 3:

- 1 HS đọc yêu cầu. Xếp vào mỗi nhóm (họ nội, họ ngoại) một từ chỉ người trong gia đình họ hàng. Học sinh thảo luận theo nhóm đôi.

*GV: Họ nội là những người có anh em họ hàng về đằng bố. Họ ngoại là những người có anh em họ hàng về đằng mẹ.

- GV chia bảng làm 3 phần. Gọi 3 nhóm thi đua lên bảng làm.

+ Họ nội: ông nội, bà nội, bác, chú, thím, cô.

+ Họ ngoại: ông ngoại, bà ngoại, bác, cậu, mợ, dì.

Bài 4:

- HS đọc yêu cầu bài và truyện vui.

- HS làm bài vào vở bài tập, một học sinh làm vào bảng phụ. Sau đó GV cùng cả lớp chữa bài trên bảng phụ.

- Hỏi: Truyện này buồn cười ở chỗ nào? (Nam xin lỗi ông bà "vì chữ xấu và có nhiều lỗi chính tả".  Nhưng chữ trong thư là chữ của chị Nam, chứ không phải của Nam, vì Nam chưa biết viết).

IV. Củng cố, dặn dò

- GV nhận xét tiết học, khen những HS học tốt, có cố gắng.

_________________________________

Thứ 5 ngày 10 tháng 11 năm 2016

Mĩ thuật

(GV chuyên trách dạy)

_______________________

Thủ công

(GV chuyên trách dạy)

_______________________

Đạo đức

(GV chuyên trách dạy)

_______________________

Tiếng Anh

(GV chuyên trách dạy)

_________________________________

Thứ 6 ngày 11 tháng 11 năm 2016

Chính tả

(Nghe viết)

ÔNG VÀ CHÁU

I. Mục tiêu

- Nghe - viết chính xác bài chính tả, trình bày đúng hai khổ thơ. Không mắc quá 5 lỗi trong bài.        

- Làm đúng các bài tập 2; Bài tập (3) a/ b.

II. Đồ dùng dạy học

- Bảng phụ viết quy tắc chính tả với c / k (k + i, e, ê).

- Bảng phụ viét sẵn bài 3b.

III. Hoạt động dạy học

A. Kiểm tra bài cũ

- Gọi HS viết lại tên các ngày lễ vừa học hôm trước (Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Lao động, Quốc tế Người cao tuổi).

- GV nhận xét.

B. Dạy bài mới

HĐ1. Giới thiệu bài

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Hướng dẫn nghe - viết

a, Hướng dẫn HS chuẩn bị

- GV đọc bài - 3,4 HS đọc lại.

- Giúp HS hiểu bài:

+ Hỏi: Có phải là cậu bé trong bài thơ thắng được ông không? (ông nhường cháu, giả vờ thua cho cháu vui).

+ Hỏi: Tìm dấu 2 chấm và dấu ngoặc kép trong bài?

b, Cho HS viết bảng con: vật, keo, thua, hoan hô, chiều.

- Hướng dẫn học sinh cách trình bày bài thơ.

c, GV đọc từng dòng thơ cho HS chép.

d, Nhận xét - chữa bài.

- Gv đọc khảo bài - HS chữa lỗi.

HĐ3. Hướng dẫn HS làm bài tập chính tả

Bài 2:

- 1 HS đọc yêu cầu bài (tìm 3 chữ bắt đầu bằng c, 3 chữ bắt đầu bằng k).

- Cho HS nhắc lại  quy tắc chính tả với c / k ( k + i, e, ê ).

- Cho 3 tổ tiếp sức lên bảng viết.

- Lớp và GV bình chọn nhóm làm bài tốt nhất.

Bài 3b:

- 1 HS đọc yêu cầu bài.

- GV chép bài lên bảng. Gọi 3 HS lên làm.

        dạy bảo                    cơn bão                     lặng lẽ                    số lẻ

        mạnh mẽ                  sứt mẻ                       áo vải                     vương vãi

IV. Củng cố - dặn dò

- Nhắc HS nhớ quy tắc chính tả với k / c.

- Khen ngợi những HS có ý thức học tập.

_______________________

Toán

51 - 15

I. Mục tiêu

- Biết thực hiện phép trừ có nhớ trong phạm vi 100, dạng 51 - 15.

- Vẽ  được hình tam giác theo mẫu (vẽ trên giấy kẻ ô li).

II. Đồ dùng dạy học

- 5 bó 1 chục que tính và 1 que tính rời.

III. Hoạt động dạy học

A. Kiểm ra bài cũ

- Cho HS nối tiếp nhau đọc bảng trừ 11 trừ đi một số.

- GV nhận xét.

B. Dạy học bài mới

- GV nêu mục đích, yêu cầu của tiết học.

Hoạt động 1: GV tổ chức cho HS tự tìm kết quả phép trừ 51-15

- GV tổ chức cho HS hoạt động với 5 bó 1 chục que tính và 1 que tính rời để tự tìm kết quả của 51 - 15.

- Học sinh thao tác trên que tính - GV theo dõi và giúp đỡ học sinh.

- Gọi một số học sinh nêu cách tính.

      Vậy : 51- 15 = 36

- Hướng dẫn HS đặt tính, học sinh tự tính kết quả. Một số HS nhắc lại cách tính như SGK.

Hoạt động 2: Thực hành

Bài 1:

- HS đọc yêu cầu bài tập.

- Hướng dẫn HS làm vào bảng con. GV kiểm tra kết quả.

- Cột 4, 5 gọi 3 HS xung phong lên bảng tính.

Bài 2:

- Bài a, b: HS làm vào bảng con. Chú ý cách đặt tính.

- Bài c gọi 1 HS khá lên bảng làm.

Bài 3:

- HS nêu yêu cầu.

- HS làm vào vở.

- Gọi 3 HS lên bảng chữa bài.

Bài 4:

- GV hướng dẫn cách vẽ.

- HS làm vào vở, HS nhìn hình mẫu sau đó vẽ hình vào vở.

- GV kiểm tra bài làm của học sinh.

- GV nhận xét.

IV. Củng cố,dặn dò

- Nhận xét giờ học.

_______________________

 Tập làm văn

KỂ VỀ NGƯỜI THÂN

I. Mục tiêu

- Biết kể về ông bà hoặc người thân, dựa theo câu hỏi gợi ý (bài 1).

- Viết  được  một đoạn văn ngắn 3 - 5 câu về ông bà hoặc người thân (bài 2).

II. Đồ dùng dạy học

- Tranh minh hoạ bài tập 1 SGK.

III. Hoạt động dạy học

HĐ1. Giới thiệu bài

- GV nêu mục đích yêu cầu của tiết học.

HĐ2. Hướng dẫn HS làm bài tập

Bài 1: (Làm miệng).

- Gọi HS đọc yêu cầu bài và gợi ý.

- GV nhắc: Các câu hỏi dùng để gợi ý, yêu cầu của bài là kể chứ không phải trả lời câu hỏi.

- HS chọn đối tượng để kể: Em sẽ kể về ai?

- 1 HS khá giỏi kể trước lớp.

- HS kể trong nhóm đôi. GV theo dõi giúp các nhóm làm việc.

- Đại diện các nhóm thi kể. GV cùng cả lớp nhận xét.

* Hướng dẫn kể: Bà em năm nay đã 60 tuổi. Trước đây bà em là cán bộ phụ nữ xã. Bà rất yêu thương, chăm sóc và chiều chuộng em.

Bài 2: (Viết)

- 1 HS đọc yêu cầu của bài.

- GV nhắc HS chú ý:

+ Bài yêu cầu các em viết lại những gì em vừa nêu ở bài tập 1.

+ Cần viết viết rõ ràng, dùng từ đặt câu cho đúng. Viết xong em phải đọc lại bài, phát hiện và chữa chỗ sai.

- Học sinh viết bài.

- Cho nhiều HS đọc bài viết.                                        

IV. Củng cố - dặn dò

- Lưu ý một số cách dùng từ và câu khi viết văn.

- GV nhận xét tiết học, yêu cầu HS về nhà hoàn thiện lại bài viết.

_______________________

Hoạt động tập thể

SINH HOẠT LỚP

I. Mục tiêu

- Đánh giá hoạt động của lớp tuần 10 để HS tự nhận ra ưu điểm và tồn tại để có hướng khắc phục trong tuần 11.

- Kế hoạch hoạt động tuần 11.

II. Các hoạt động

Hoạt động 1: Đánh giá hoạt động tuần 10

1. Các tổ báo cáo tình hình hoạt động của tổ trong tuần

2. Lớp trưởng thay mặt lớp nhận xét các mặt hoạt động của lớp trong tuần

- Các bạn đi học đúng giờ.

- Mặc đồng phục đúng quy định.

- Trực nhật vệ sinh lớp học khá sạch sẽ.

- Chấp hành tốt an toàn giao thông.

- Trong tuần có 1 lượt nghỉ học do bị ốm.

3. GV tổng hợp chung về các mặt hoạt động

- GV nhận xét chung về tình hình học tập, nề nếp, vệ sinh của lớp trong tuần qua:

+ Đi học chuyên cần, trong tuần không có bạn nghỉ học.

+ HS dần khắc phục được tiến độ làm bài.

+ Mặc đồng phục đúng quy định.

+ Vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học khá sạch sẽ.

+ Có tiến bộ trong việc giữ vở sạch chữ đẹp (Đức Hoàng, Quốc Nhật, Lê Đạt)

+ Bên cạnh còn có một số em vẫn lười học hay quên sách vở như: Huỳnh Đạt, Quốc Thắng, Nguyên Khánh)

+ Vẫn còn một số em hay trêu chọc bạn: Nhật Thiên, Minh Quân, Lê Đạt.

Hoạt động 2: Kế hoạch hoạt động tuần 11

- Tiếp tục thực hiện tốt các nội quy của lớp, của nhà trường đề ra.

Thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11.

- Tiếp tục thực hiện tốt mọi nề nếp.

- Phát động phong trào học tốt “ Chùm điểm mười tặng thầy cô giáo nhân ngày 20 – 11”.

- Sinh hoạt 15 phút đúng giờ nghiêm túc có chất lượng.

- Vệ sinh trường lớp sạch sẽ.

- Trang trí lớp theo chủ điểm.

- Thực hiện an toàn trên đường đi học. Đội mũ bảo hiểm đúng quy định.

_________________________________

 

 

nguon VI OLET