KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Khóa ngày 23 tháng 06 năm 2014 tại Hà Nội

Môn thi : VĂN

Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

Phần I: (7 điểm)

 Dưới đây là trích đoạn trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng):

 “Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm. Giận quá không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:

 -Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?

(Trích Ngữ văn 9, tập một – NXB Giáo dục 2013)

  1. Chiếc lược ngà được viết năm nào? Ghi lại từ mang màu sắc Nam Bộ trong đoạn trích.
  2. Những biểu hiện của nhân vật bé Thu ở trên nói lên thái độ gì và qua đó bộc lộ tình cảm như thế nào đối với nhân vật ông Sáu? Lời kể được in nghiêng trong đoạn trích trên giúp em nhận biết mục đích nói ở câu văn có hình thức nghi vấn sau đó là gì?
  3. Viết một đoạn văn (khoảng 15 câu) theo cách lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với cha trong truyện ngắn trên, ở đó sử dụng câu có thành phần biệt lập và phép lặp để liên kết (gạch dưới thành phần biệt lập và từ ngữ dùng làm phép lặp).
  4. Kể tên một tác phẩm khác ở chương trình Ngữ văn 9, trong đó có nhân vật người cha, vì chiến tranh xa cách, khi trở về, đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh. Từ cảnh ngộ của người cha trong hai tác phẩm, em có suy ngẫm gì (không quá 5 dòng) về chiến tranh?

Phần II (3 điểm)

Cho đoạn thơ:

 “Con ơi tuy thô sơ da thịt

 Lên đường

 Không bao giờ nhỏ bé được

 Nghe con.”

(Y Phương, Nói với con, Ngữ văn 9, tập hai – NXB Giáo dục, 2013)

  1. Tìm thành phần gọi – đáp trong những dòng thơ trên.
  2. Theo em, việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “Không bao giờ nhỏ bé được” nhằm khẳng định điều gì?
  3. Từ bài thơ trên và những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về cội nguồn của mỗi con người, qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay.

 


BÀI GIẢI GỢI Ý

Phần I :

1. Chiếc lược ngà được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động tại chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

Các từ mang màu sắc Nam Bộ trong đoạn trích trên là : anh Sáu ; chén ; văng ; mày ; nó ; cứng đầu.

2. Những biểu hiện của nhân vật bé Thu ở trên nói lên thái độ cương quyết không nhận anh Sáu là ba, không nhận sự chăm sóc và yêu thương của anh Sáu đối với nó. Vì đến lúc đó dù mẹ của bé Thu đã nói, bé Thu vẫn không tin anh Sáu là ba thật của nó vì trên khuôn mặt anh có vết thẹo không giống với chân dung anh trong tấm ảnh mà bé Thu biết.

Câu văn in nghiêng trong đoạn trích giúp người đọc nhận biết được câu văn có hình thức nghi vấn ở sau đó không phải là một câu dùng với mục đích hỏi vốn có của kiểu câu nghi vấn mà mục đích nói thật sự của câu đó là biểu thị cảm xúc của anh Sáu đối với thái độ của bé Thu. Giận quá  không kịp suy nghĩ nên hành động của anh Sáu lúc đó không đúng với bản chất của mình : vung tay đánh vào mông nó và hét lên.

3. Đề thi yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 15 câu theo cách lập luận quy nạp để làm rõ tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với cha trong truyện ngắn trên. Đoạn văn phải sử dụng câu có thành phần biệt lập và phép lặp để liên kết. Đề yêu cầu thí sinh phải gạch dưới thành phần biệt lập và từ ngữ dùng làm phép lặp. Thí sinh phải đáp ứng đúng những yêu cầu nói trên. Riêng trong phần nội dung (tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với cha), mỗi thí sinh có thể đưa ra những ý và dẫn chứng cụ thể khác nhau. Đây chỉ là một gợi ý :

 - Khi anh Sáu được phép về thăm nhà, trong suốt ba ngày đó, bé Thu vẫn nhất định không chịu gọi anh Sáu là ba(1). chỉ gọi trổng(2). Anh Sáu nhẫn nhịn và cố gắng thể hiện tình cảm yêu thương của mình đối với (3). Trong bữa ăn anh đã gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén (4). Vậy mà đã cương quyết từ chối(5). hất cái trứng ra làm cơm văng tung tóe cả mâm(6). Khi mẹ la rầy vì thái độ bất kính đó, đã giận dỗi bỏ bữa ăn, xuống xuồng qua nhà ngoại(7). Sáng hôm sau, hết phép, anh Sáu phải từ giã mọi người để trở về đơn vị(8). Anh không dám đến với , mặc dù anh rất muốn ôm con, hôn con nhưng sợ giẫy lên rồi bỏ chạy(9). Anh chỉ đứng nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu(10). Còn bé Thu đứng trong góc nhà với đôi mắt mênh mông, với tâm trạng xôn xao, bồn chồn(11). Ngay trong lúc bất ngờ nhất, lúc mọi người tưởng nó đứng yên, bé Thu đã kêu thét lên một tiếng "ba", tiếng kêu như một tiếng xé, xé cả ruột gan mọi người, một tiếng ba mà cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng ba như vỡ tung ra từ đáy lòng của (12). vừa kêu vừa chạy tới, chạy thót lên, dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba rồi nói trong tiếng khóc(13). hôn ba cùng khắp: hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nữa(14). Ôi, tình cảm của bé Thu đối với ba sâu nặng biết bao! (15)

- Đoạn văn được viết theo lập luận quy nạp. Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn : Ôi, tình cảm của bé Thu đối với ba sâu nặng biết bao!

- Các từ ngữ thể hiện phép lặp : Anh Sáu ; nó ; bé Thu ; anh…

- Thành phần biệt lập : lúc mọi người tưởng nó đứng yên (đây là thành phần phụ chú, bổ nghĩa cho yếu tố đứng trước : "lúc bất ngờ nhất").

4. Tên tác phẩm khác ở chương trình Ngữ Văn 9, trong đó có nhân vật người cha, vì chiến tranh xa cách, khi trở về, đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh : Người con gái Nam Xương. Tác phẩm có chi tiết nói về thái độ của bé Đản đối với Trương Sinh: Trương Sinh bế bé Đản đi thăm mộ của mẹ Trương Sinh; đứa bé không chịu, quấy khóc. Trương Sinh dỗ dành thì nó nói : Ông cũng là cha tôi ư ? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

 Thí sinh có thể có những suy ngẫm khác nhau về bi kịch của chiến tranh. Tuy nhiên, đề thi chỉ yêu cầu viết không quá 5 dòng. Thí sinh phải ghi nhớ và đáp ứng điều đó. Sau đây chỉ là một gợi ý :

-          Từ cảnh ngộ của hai người cha trong hai tác phẩm, em nghĩ tới bi kịch nghiệt ngã mà con người phải hứng chịu vì chiến tranh. Người cha đã chịu mất mát, đau khổ khi chiến đấu, lúc trở về thì không được con chấp nhận. Có cố gắng biểu hiện yêu thương cũng bị từ chối. Chiến tranh mang đến nhiều mất mát, phi lí ngay cả trong tình phụ tử thiêng liêng. Từ đó, chúng ta thấm thía hậu quả quá lớn lao và khốc liệt mà chiến tranh đã mang đến cho con người.

Phần II

1. Thành phần gọi - đáp trong những dòng thơ trên : Con ơi .

2. Việc dùng từ phủ định trong dòng thơ " Không bao giờ nhỏ bé được" nhằm khẳng định điều mong ước lớn lao của người cha đối với con : phải sống một cuộc sống cao đẹp cho xứng đáng với tư cách con người và với quê hương, không được sống thấp hèn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

3. Đề bài yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay trong phạm vi khoảng nửa trang giấy thi. Thí sinh cần chú ý và đáp ứng đúng những yêu cầu về độ dài và nội dung nói trên. Mỗi thí sinh có thể triển khai và trình bày theo những hướng cụ thể khác nhau. Sau đây chỉ là một gợi ý :

- Mỗi con người khi sinh ra, lớn lên đều có một cội nguồn rõ ràng, xác định. Cội nguồn đó là gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. "Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi".

- Cội nguồn là không gian sinh tồn và giúp cho sự hình thành, phát triển của mỗi một con người. Nó có tác động to lớn đến con người và giá trị, ý nghĩa đời sống của mỗi người. Vì vậy, mỗi người phải có trách nhiệm đối với nguồn cội của mình : tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn gia đình, dân tộc ; gắn bó, chia sẻ với gia đình, với đất nước những lúc khó khăn, gian khổ; biết yêu thương và hi sinh cho gia đình, đất nước, quê hương.

- Đất nước Việt Nam ta hiện nay đang đứng trước thời cơ và những thách thức to lớn : giao lưu quốc tế rộng mở ; tạo nhiều điều kiện để đất nước hội nhập nhanh chóng với thời đại ; để hoàn thành việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhưng hội nhập không bản lĩnh thì dễ dẫn đất nước đến chỗ bị hòa tan : văn hóa mất bản sắc dân tộc, kinh tế lệ thuộc, quốc phòng yếu kém dễ bị ngoại bang lấn lướt…

- Mỗi người hiện nay cần phải có ý thức rõ ràng về tình hình đất nước, với những thời cơ và thách thức để từ đó trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, chấp hành luật pháp đầy đủ, tích cực học tập vươn lên chiếm lĩnh tri thức khoa học góp phần xây dựng sự nghiệp dân giàu, nước mạnh để phát triển đất nước. Còn khi đất nước có chiến tranh, sẵn sàng hi sinh xương máu để chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc với một lòng yêu nước chân chính, sáng suốt, tỉnh táo và không bị chi phối bởi tư tưởng dân tộc cực đoan.

- Đối với tuổi học sinh, chúng em sẽ tích cực học tập và rèn luyện, tu dưỡng bản thân, chăm ngoan, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô để là con ngoan trò giỏi và sau này khi trưởng thành sẽ là người công dân tốt, có ích cho xã hội.

Nguyễn Hữu Dương

(Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn – TPHCM)

 

nguon VI OLET