Bài 4 : PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG.

I/ Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật lao động
1/ Khái niệm
Luật lao động là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động.
2/ Đối tượng điều chỉnh :
Đối tượng điều chỉnh của luật lao động là quan hệ xã hội về sử dụng lao động ( Quan hệ lao động) và các quan hệ phát sinh trong quá trình sử dụng lao động.
II/ Quan hệ pháp luật lao động
1/ Đặc điểm :
Quan hệ pháp luật lao động được thiết lập chủ yếu trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động. Các bên tham gia phải là người trực tiếp giao kết và thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận, người lao động phải tự mình thực hiện công việc dựa trên trình độ chuyên môn và sức khỏe của mình.
Khi tham gia quan hệ pháp luật lao động, người lao động tự đặt hoạt động của mình vào sự quản lý của người sử dụng lao động, phải tuân thủ kỷ luật lao động, nội quy, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, chịu sự kiểm tra, giám sát của người sử dụng lao động. Bù lại, người lao động có quyền được nhận tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi và các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội mà pháp luật quy định.
2/ Nội dung :
Nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ ( Cá nhân - người sử dụng lao động). Quyền và nghĩa vụ luôn gắn liền nhau không thể chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ và ngược lại
- Quyền của chủ thể này bao giờ cũng tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia. Khi tham gia quan hệ pháp luật lao động, các bên đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
a/Quyền của người lao động
- Quyền tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, lựa chọn nơi làm việc thích hợp.
- Quyền tham gia quan hệ lao động với bất kỳ người sử dụng lao động nào ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
- Quyền tự do xác lập, chấm dứt quan hệ lao động.
- Được trả lương (Công ) theo lao động. Lao động có trình độ nghề nghiệp cao thành thạo, chất lượng cao, làm việc nhiều thì trả lương cao và ngược lại. Những lao động ngang nhau thì phải trả lương ngang nhau.
- Được bảo đảm làm việc trong điều kiện ATVS lao động.
- Được hưởng chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Được hưởng các chế độ bồi dưỡng sức khỏe khi làm những công việc nặng nhọc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
- Được sắp xếp việc làm phù hợp sức khỏe, được áp dụng thời gian làm việc rút ngắn đối với công việc nặng nhọc độc hại.
- Được bảo đảm các điều kiện về vật chất khi khám và điều trị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
- Quyền được nghỉ ngơi của người lao động theo quy định pháp luật.
- Người lao động có quyền đình công theo quy định của Pháp luật.
b/ Người lao động có nghĩa vụ :
Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện các quy định về an tòan và vệ sinh lao động,
Tuân theo sự điều hành hợp pháp của Người sử dụng lao động.
c/ Quyền của người sử dụng lao động
- Có quyền tuyển chọn lao động, quyền tăng giảm lao động theo nhu cầu SXKD, quyền điều hành lao động, quyền ban hành nội quy, quy chế lao động, quyền khen thưởng kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Quyền được Bồi thường thiệt hại nếu người lao động làm thiệt hại tài sản, quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.
d/ Nghĩa vụ của người sử dụng lao động :
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và những thỏa thuận khác với người lao động.
- Tôn trọng danh dự, nhân phẩm và đối xử đúng đắn với người lao động. Tôn trọng quyền đại diện của tập thể lao động ( Quyền thành lập, gia nhập hoạt động CĐ)
- Phải thực hiện đúng hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, và các thỏa thuận khác với người lao động, đảm bảo trả lương và các chế độ khác, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng
nguon VI OLET