GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: CHIẾN TRƯỜNG CÒN LẠI HAI NGƯỜI

CỦA TÁC GIẢ HỮU PHƯƠNG

 

New Picture

 Kính chào quý thầy cô giáo! Chào tất cả các em học sinh thân mến!

Trong buổi giới thiệu sách tháng 01 hôm nay thư viện xin trân trọng giới thiệu cuốn sách "Chiến trường còn lại hai người" tập truyện ngắn của tác giả Hữu Phương được nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2017 với 300 trang, khổ giấy 14x 20,5 cm có giá 79.000đ

Nhà văn Hữu Phương tên thật là Hoàng Hữu Thê, sinh năm 1949 tại quê hương Bố Trạch, Quảng Bình. Là một tác giả kỳ cựu của miền Trung, ông viết về chiến tranh rất ấn tượng với nhiều khía cạnh khuất lấp rất con người và từng đoạt nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng. Ông là tác giả của truyện ngắn “Ba người trên sân ga” - tác phẩm được nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể thành kịch bản và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân dựng thành phim "Đời cát".

Trong tập truyện ngắn “Chiến trường còn lại hai người” gồm 16 truyện ngắn, ông tiếp tục mạch nguồn viết về cuộc chiến tranh đã qua, với nhiều phát hiện, góc nhìn mới, khá đa dạng và phong phú về con người hôm qua và hôm nay. Viết về chiến tranh, văn chương ông có đau thương mà không bi lụy, có mất mát mà không tuyệt vọng, ca ngợi những con người giàu ý chí, giàu nghị lực, giàu nhiệt huyết vươn lên sau chiến tranh, và đặc biệt sau chiến tranh vẫn luôn đôn hậu, ân tình, chung thủy với đồng đội, với những kỷ niệm đã qua.


Các truyện ngắn của Hữu Phương, đa số rất dài, và có nhiều trường đoạn, như dòng sông có nhiều khúc ngoặt, như đời người có nhiều ngã rẽ. Ở đó thiện và ác, tốt và xấu, tình yêu và thù hận, nhớ và quên, cao thượng và thấp hèn, có công và có tội… đan xen và khuất lấp trong nhau, được phân biệt bởi một ranh giới rất nhỏ, rất khó nhận thấy. Nhưng bên cạnh đó, niềm tin vào lương tâm và tình yêu thương con người của ông rất trong sáng, nên đã giữ được sự hấp dẫn và sự cuốn hút các câu chuyện đến phút cuối cùng.

Đọc truyện của ông, ta rất chú ý tới con người, còn các chi tiết cuộc sống ngồn ngộn cứ trôi đi ào ạt theo thời gian, không có điểm dừng. Điều làm ta chú ý là tính cách, thân phận và tình cảm của con người trong đó. Tình yêu, rồi thù hận, ta và địch, gian lận và tham vọng của mỗi con người trong chiến tranh, dù là bên này hay bên kia chiến tuyến, đã được phơi bày trên trang giấy hết sức tế nhị, rõ ràng. Nhưng vì đời người luôn có lương tâm dằn vặt và thức tỉnh, nên con người sớm nhận ra đâu là lẽ phải, là điều tốt đẹp, cần gìn giữ trân trọng về nhau. Chính vì vậy mà văn của Hữu Phương có một sức hấp dẫn, lôi cuốn rất riêng.

Đọc văn Hữu Phương, ta thấy cuộc sống đồng hành với con người. Tất cả sẽ trôi qua, chỉ con người, tình người là còn lại. Dù là kẻ bặm trợn, xôi thịt nhất, sống thực dụng, buông thả nhất, rồi cũng phải hổ thẹn trước lương tâm và trả giá đắt trước lầm lỗi của mình (Tháng hai hoa nhãn, Góc quê, Súng nổ của rừng, Khoảng trời xanh, Hoàng hôn xa lắc, Hình và bóng, Cuộc đối thoại cuối cùng, Ngàn thông gió reo). Đôi khi họ sống rất bản năng, hồn nhiên trước số phận, nhưng không vô trách nhiệm với chính mình và đồng loại (Ngàn thông gió reo, Lối đi dưới hàng cây lạnh lẽo).

Các truyện ngắn có cùng chủ đề người lính trở về trong chiến tranh, mang theo thương tích, tình yêu tuổi trẻ và nghĩa tình đồng đội, mang theo khúc mắc trong chiến tranh. Không ít kẻ thoái hóa biến chất, nhưng phần lớn con người sống trước sao, sau vậy. Có những mối tình đã đi cùng năm tháng, có khi nó gây xót xa, nuối tiếc, ân hận, nhưng nó dạy cho con người ta biết sống tốt hơn (Ngàn lau gió cuốn, Ma bến trăng, Làng của ngõ mặt trận, Hai phía cỏ, Chiến trường còn lại hai người, Bản nhạc mõ trâu…).

Tuổi trẻ của nhà văn Hữu Phương gắn liền với tháng năm đau thương trên quê hương bom đạn Quảng Bình, điều đó in đậm trong thơ văn ông. “Chiến trường còn lại hai người” chính là cuộc đấu tranh nội tâm của những người lính trên con đường đi tìm và gìn giữ những giá trị cao đẹp nhất của mỗi con người./.

 Hiện cuốn sách này đang có tại kho sách tham khảo của thư viện nhà trường. Kính mời quý thầy cô giáo và các em học sinh đến thư viện tìm đọc.

 

nguon VI OLET